
Theo quy định tại nghị định số 15/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 2/2/2018 của Luật An toàn thực phẩm, các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung... thay vì tiền kiểm - tức các sản phẩm phải được cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng trước khi đưa ra thị trường - thì chỉ cần đăng ký bản công bố, tự công bố.
Như vậy, theo nghị định 15, với các sản phẩm thực phẩm thông thường (không phải nhóm bắt buộc kiểm tra chuyên ngành), doanh nghiệp được phép tự công bố mà không cần gửi hồ sơ thẩm định cho cơ quan quản lý.
Trường hợp kẹo rau củ Kera nằm trong nhóm thực phẩm bổ sung, không phải nhóm bắt buộc kiểm tra chuyên ngành, vì vậy chỉ cần chuẩn bị hồ sơ lên hệ thống hành chính công để xác nhận. Cơ quan chức năng sẽ tiến hành hậu kiểm, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý.
Trước đó, cơ quan điều tra xác định bột rau dùng trong sản xuất kẹo Kera không được thu mua từ các nông trại VietGAP, có các hàm lượng dưới mức tiêu chuẩn (từ 0,61 đến 0,75%) nhưng công bố là 28%. Kẹo Kera còn có chất sorbitol chiếm tỷ lệ 35% thành phần cùng các chất phụ gia khác song không được công bố cho người tiêu dùng biết.
Nhiều người đã mua kẹo rau củ Kera bởi tin tưởng có chức năng tốt cho tiêu hóa, nhuận tràng, như lời quảng cáo. Song thực chất, nhuận tràng lại đến từ sorbitol - một dạng rượu đường tạo ngọt. Đến nay, 135.000 sản phẩm đã được tiêu thụ với hơn 30.000 khách hàng. Doanh nghiệp sản xuất là Công ty cổ phần tập đoàn Chị em rọt (CER) thu về trên 17 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác định 5 bị can liên quan đến vụ kẹo rau củ Kera, trong đó có Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs. Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên được xác định là có liên quan và hiện đã bị cấm xuất cảnh trong vòng 2 tháng.