Nhà trường Quân đội: Động lực mới trong đào tạo nhân lực dân sự cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng Quân đội hiện nay.
4-1743519899.jpg
Các cơ sở đào tạo quân đội tích cực tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân sự phục vụ phát triển đất nước. Ảnh: Quân đội Nhân dân

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo có tầm quan trọng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến vận mệnh quốc gia, dân tộc; do đó Hội nghị Trung ương 8 khóa XI xác định “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo”. Một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được Đại hội XIII của Đảng xác định là: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”. Sở dĩ như vậy bởi sức mạnh dân tộc, năng lực cạnh tranh quốc gia đang chuyển từ nguồn lực tài nguyên, vốn, lao động phổ thông là chủ yếu, sang tài nguyên tri thức, nguồn nhân lực chất lượng cao... Trong khi đó, nền giáo dục Việt Nam còn hạn chế, bất cập, chất lượng giáo dục thấp; nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lạc hậu, chậm đổi mới; quản lý nhà nước nhiều yếu kém. Bước sang giai đoạn mới, đất nước đang đứng trước cơ hội và thách thức rất lớn, đòi hỏi phải phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trên cơ sở kế thừa, kiên trì thực hiện quan điểm Hội nghị Trung ương tám khóa XI: “Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học - công nghệ; phù hợp quy luật khách quan”, Đại hội XIII tiếp tục xác định, phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược đến năm 2030; theo đó: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đặc biệt, quan điểm này đã được cụ thể hoá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030: “Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế” theo hướng: “Đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trọng tâm là hiện đại hóa và thay đổi phương thức giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong và ngoài nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức có phẩm chất tốt, chuyên nghiệp, tận tụy, phục vụ nhân dân”; đồng thời “Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, hoàn thiện chính sách phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập, thực hiện cơ chế tự chủ đối với đào tạo bậc đại học phù hợp với xu thế chung của thế giới, chuyển đổi trường đại học công lập kém hiệu quả sang mô hình hợp tác công - tư. Quy hoạch, sắp xếp lại các trường đại học, cao đẳng; có cơ chế hỗ trợ xây dựng một số trường đại học lớn và đại học sư phạm trở thành những trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và thế giới”. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế là tất yếu khách quan nhằm hình thành nền giáo dục năng động, hiệu quả, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Hệ thống nhà trường Quân đội là một bộ phận quan trọng của hệ thống giáo dục quốc dân. Do đó, để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các cơ sở đào tạo trong Quân đội được giao nhiệm vụ tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự phải quán triệt quan điểm về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Trong nhiệm vụ tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải gắn đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn, gắn với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, với yêu cầu phát triển của các ngành kinh tế cũng như các vùng kinh tế, vùng dân cư và từng địa phương. Quán triệt quan điểm này cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Nâng cao nhận thức của lãnh đạo, chỉ huy các cấp ở các cơ sở đào tạo trong Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa về quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; trong đó, đổi mới căn bản được hiểu là đổi mới những vấn đề cốt lõi nhất để làm thay đổi và nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng chuyển quá trình giáo dục và đào tạo “từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng”, “từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế”, đáp ứng đòi hỏi của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đổi mới toàn diện nền giáo dục được hiểu là đổi mới về mọi mặt, các yếu tố cấu thành hệ thống giáo dục quốc dân, các quá trình giáo dục. Nội dung đổi mới căn bản và nội dung đổi mới toàn diện gắn bó mật thiết với nhau; phải trên cơ sở làm rõ các nội dung căn bản để cụ thể hoá cho các nội dung toàn diện. Từ đó, các cơ sở đào tạo trong Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự quán triệt, vận dụng và tổ chức thực hiện nghiêm túc, tạo chuyển biến rõ nét về giáo dục và đào tạo, biểu hiện cụ thể ở chất lượng đào tạo, năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo trong Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự và mức độ đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực mà nền kinh tế đòi hỏi hiện nay.

Các cơ sở đào tạo trong Quân đội đóng quân trên địa bàn các địa phương, nhất là các vùng chiến lược, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn trong phương hướng, mục tiêu, kế hoạch hành động cụ thể cần có sự tham gia ý kiến của các ngành, địa phương, biến những yêu cầu của giáo dục và đào tạo thành yêu cầu và mục tiêu của địa phương, đáp ứng đúng, sát thực tế nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương; qua đó nắm rõ hơn về đối tượng đào tạo, yêu cầu đào tạo để có sự điều chỉnh về nội dung, phương pháp, ngành nghề, lĩnh vực đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho địa phương và cả nước, các cơ sở đào tạo trong Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự cần thực hiện tốt các chức năng xã hội khác như: chức năng chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa phương theo phương hướng đề ra. Chú ý đến các phương hướng về cấu trúc xã hội, cơ cấu kinh tế, đời sống xã hội, mô hình văn hoá, phong tục, tập quán. Chẳng hạn, yêu cầu về việc xây dựng nông thôn mới sẽ đặt ra yêu cầu đối với các cơ sở đào tạo trong Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự trên địa bàn trong việc đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực để xây dựng nông thôn mới, nâng cao trình độ dân trí, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Đại tá, PGS.TS. Trần Đăng Bộ - Thượng tá, TS. Hoàng Văn Phai