Sự gắn bó và soi sáng cho nhau giữa cuộc đời và thơ văn Nguyễn Quang Bích cho ta một kiểu mẫu quen thuộc của nhiều thế hệ nhà nho yêu nước mà tên tuổi gần như liên tục, không đứt đoạn trong lịch sử dân tộc nhiều thế kỷ.
Một lịch sử liên tục của tình cảm yêu nước, chí căm thù vàtinh thần bất khuất vẫn tiếp tục chói sáng trong văn thơ Nguyễn Quang Bích. Tình cảm đó, ý chí đó đến từ mạch sâu của lịch sử, rồi sẽ được Phan Bội Châu đúc kết vào đầu thế kỷ mới - thế kỷ XX: “Ôi rực rỡ biết bao! Tổ tiên ta vĩ đại và hiển hách biết là nhường nào! [...] Theo dõi chuyện của các bậc tiên liệt ngày xưa, ta sẽ tưởng nhớ tới tổ tiên ta sinh ra trong thời đó, không một ai là không anh hùng. Dòng dõi anh hùng và hậu thân của anh hùng chính là chúng ta, thì chúng ta sao có thể quên được” (1).
Nhưng bất khuất và đồng thời là bi phẫn. Là sự dồn nén đến cao độ của phẫn uất và bế tắc. Là bi kịch. Tránh sao được và cũng trách sao được nỗi bi phẫn đó ở Nguyễn Quang Bích cũng là nỗi bi phẫn chung cho cả thế kỷ XIX ở Cao Bá Quát, ở Nguyễn Đình Chiểu, ở Nguyễn Thông, ở Tống Duy Tân, ở Phan Đình Phùng... Hạn chế của giai cấp, của thời đại là cả một tấm lưới thép, bao trùm lên cả một thế kỷ “khổ nhục nhưng vĩ đại” (2), một thế kỷ mà chí bất khuất, niềm căm giậnquân xâm lược, sự chối bỏ tất cả những gì gắn với “Tây dương”, gắn với văn minh cơ khí, cho đến cả xà phòng và chữ quốc ngữ, là có dư thừa nhưng lối thoát gần như là không có. Bởi lẽ đây là sự thất thế và thất bại không phải chỉ của một giai cấp, mà là cả một phương thức sản xuất, của các dân tộc nông dân đối với dân tộc tư sản, của phương Đông đối với phương Tây (ý trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản).
Chính là trong sự hạn chế bao trùm cả thế kỷ đó mà thấy càng đáng giá, càng chói sáng một nhân cách như Nguyễn Quang Bích, ở thời điểm 1884, năm triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước nhượng trọn chủ quyền đất nước cho thực dân Pháp, lại là năm khởi đầu một cuộc chiến oanh liệt với những chiến thắng cục bộ của cả một phong trào rộng lớn.
Một Nguyễn Quang Bích - trọn đời mình, cho đến chết, vẫn kiên định một sự gắn bó keo sơn với nhân dân, với Tổ quốc - quyết chọn ngày thất thủ Hưng Hoá làm ngày mất của mình: “Ta đã đem thân báo đền ơn nước thì không cần đi lại thăm hỏi làm gì nữa; sau này, cứ lấy ngày thành Hưng Hóa thất thủ làm ngày giỗ ta”.
Một Nguyễn Quang Bích không phải ở những năm tháng của tuổi trẻ, tuổi thanh niên, mà từ sau 1884, khi đã ngoài năm mươi tuổi, trong một cuộc sống căng thẳng đầy biến động và hiểm nguy, những năm tháng chiến trận, giữa cái sống và cái chết, lại là thời kỳ cho ra đời Ngư Phong thi tập.
Cuộc đời và thơ, soi vào nhau, cho thấy một con người - con người với thiên nhiên, với thời cuộc và với chính mình. Và sự dối diện với chính mình đã cho ta thấy không phải chỉ những tình cảm cao đẹp, mà còn là những đau xót, những bi quan, những cô đơn và cả những dự cảm về thất bại:
Nhiều phen gian hiểm nên gầy vóc,
Lắm nỗi ưu tư dễ bạc đầu.
...
Kẻ còn người mất,
Ngao ngán sự đời.
Thù nước còn đó,
Chí lớn chưa nguôi...
(Văn tế ông Hiệp đốc Quân vụ họ Nguyễn).
Những dự cảm thất bại đó ở Nguyễn Quang Bích xuất phát từ sự trung thực với bản thân và cũng là hồi âm của thế kỷ. Một thế kỷ đang đi dần vào kết thúc: cũng đồng thời là sự kết thúc của nhiều thế kỷ xã hội phong kiến lúc này đã rơi trọn vào vòng tay chủ nghĩa đế quốc.
Nhưng nếu lịch sử của một xã hội, một thể chế chính trị, một giai tầng, một cá nhân là bế tắc, thì lịch sử dân tộc Việt Nam không đi vào bế tắc. Lịch sử vừa có đứt đoạn lại vừa là tiếp tục. Hơn mười năm sau, trong buổi bình minh của thế kỷ XX, những nhà nho trong phong trào Duy tân sẽ tiếp tục những nỗ lực nhằm tìm ra lối thoát cho dân tộc và đã mở những đột phá khẩu quan trọng đưa đất nước thoát ra khỏi sự phong bế bịt bùng, để, trong giao lưu với thế giới bên ngoài, mà tìm ra các nguồn lực nhằm giải phóng và canh tân đất nước. Lịch sử còn ươm trồng và hứa hẹn một khả năng đột biến - năm mất của nhà thơ thuộc thế hệ cuối cùng của tầng lớp văn thân, năm 1891, cũng là năm đầy tuổi tôi của một con người rồi sẽ tạomột bước nhảy vọt cho lịch sử dân tộc vào ba thập niên sau đó - Nguyễn Sinh Cung.
Nhớ Nguyễn Quang Bích, để hiểu những công lao và hạn chế không thể nào vượt qua của một tầng lớp văn thân trí thức, để hiểu một thể chế, một tầng lớp, một cá nhân có thể bế tắc, nhưng cả dân tộc thì không bế tắc; và như vậy, cũng để hiểu những gián đoạn và tiếp tục của lịch sử dân tộc. Lịch sử là một cuộc chạy tiếp sức giữa các thế hệ, với những mục tiêu mới, được xác định ở những tầng cao hơn.
Chẵn một thế kỷ đã qua từ sau ngày mất của Nguyễn Quang Bích, sẽ lại khẩn trương đến với chúng ta buổi bình minh của thế kỷ XXI. Nếu ở buổi bình minh đầu thế kỷ, dân tộc ta, sau kết thúc của phong trào Cần vương, mà Nguyễn Quang Bích là một trong vài ngọn cờ cuối cùng, đã quyết tâm tìm ra ánh sáng ở phong trào Duy tân thì ở cuối thế kỷ này - trên con đường Bác Hồ chọn - sau thắng lợi vinh quang của hai cuộc chiến chống đế quốc, chúng ta đang quyết tâm bước vào công cuộc đổi mới nhằm phát triển đất nước.
Rõ ràng những khó khăn và thử thách đặt ra cho dân tộc là cực kỳ gay gắt. Nhưng từ truyền thống lịch sử và từ những tiềm lực mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng - một Đảng đang quyết tâm tự đổi mới và tuân theo Di chúc của Bác Hồ, chúng ta tin dân tộc Việt Nam sẽ vững vàng đi lên.
Viết năm 1990
(1) Trùng Quang tâm sử, bản dịch của Nguyễn Văn Bách. Nxb. Văn học, Hà Nội, 1971, trang 22.
(2) Chữ dùng của Phạm Văn Đồng. Xem Tạp chí Văn học, số 7-1963, trong bài viết về Nguyễn Đình Chiểu.