Bảo tàng Tố Hữu: Nơi kể chuyện về nhà thơ cách mạng

Huyền Văn
Bảo tàng Tố Hữu  được xây dựng trên cơ sở Nhà lưu niệm Tố Hữu trong khuôn viên của nhà D9 - Làng quốc tế Thăng Long (Hà Nội) khai trương từ năm 2009. Thật đáng mừng khi gia đình nhà thơ và các chuyên gia ngành bảo tàng đã dựng lại nội dung trưng bày và thiết kế, nâng cấp Nhà lưu niệm trở thành Bảo tàng Tố Hữu với nhiều kỷ vật quý giá.
nlntv-anh-mot-goc-cua-bao-tang-to-huu-1686190557.jpg
Một góc của Bảo tàng Tố Hữu

Được mệnh danh là người gieo vần vĩ đại của nền thơ cách mạng Việt Nam thế kỷ 20, nhà thơ Tố Hữu đã sống một cuộc đời trọn vẹn với cách mạng, với nghệ thuật, thơ ca. Ông từng tâm sự rằng: "Suốt đời tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ. Đối với tôi: trăm năm duyên kiếp Đảng và Thơ”.

Có rất nhiều bài thơ hay gắn liền với con đường cách mạng của Tố Hữu, như là tập thơ “Từ ấy” được ông sáng tác vào năm 1946. Ông viết tập thơ đầu tay này bằng cả niềm náo nức, reo vui của tâm hồn trẻ tràn đầy nhiệt huyết khi gặp được lý tưởng cách mạng: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim/ Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim…”

Không chỉ “Từ ấy” mà còn rất nhiều tập thơ nguyên bản khác của nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu được lưu giữ tại Bảo tàng Tố Hữu ở Làng quốc tế Thăng Long (Hà Nội).

nlntv-anh-tuong-nha-tho-to-huu-anh-chup-tai-bao-tang-1686190256.jpg
Tượng Nhà thơ Tố Hữu - Ảnh chụp tại bảo tàng

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh nét độc đáo trong trưng bày của bảo tàng là hai tuyến xem song song, hòa quyện nhau phản ánh cuộc đời Tố Hữu. Trong đó, tuyến thứ nhất là cuộc đời và hoạt động chính trị. Ở tuyến này mọi hoạt động của ông được giới thiệu theo trình tự thời gian và được đặt trong bối cảnh quốc tế. Cách trưng bày này thể hiện sự tác động qua lại chặt chẽ giữa cá nhân với thời cuộc, giữa con người với xã hội rộng lớn.Tuyến thứ hai là những bài thơ, những tập thơ của nhà thơ Tố Hữu xuất hiện dần theo năm tháng được đặt trong tầm nhìn, quy chiếu với tuyến chính trị. Cả 2 tuyến không gian được bài trí đơn giản nhưng lại gần gũi và đầy đủ về cuộc đời cách mạng của Tố Hữu.

nlntv-anh-gsts-nguyen-xuan-thang-phat-bieu-trong-le-khanh-thanh-bao-tang-vao-nam-2020-1686190299.jpg
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu trong lễ khánh thành bảo tàng vào năm 2020

Mỗi người đều có cảm nhận, cảm xúc riêng khi tham quan bảo tàng. Còn với ông Hoàng Thảo, cựu chiến binh, từng làm nhiệm vụ tại Đoàn không quân Sao đỏ thì khi bước vào đây những kỷ niệm đó lại ùa về. Đã mấy chục năm trôi qua, nhưng ông vẫn nhớ như in hình ảnh nhà cách mạng, nhà thơ Tố Hữu. Ông Hoàng Thảo chia sẻ: “Năm 1965 tôi vào bộ đội và may mắn được gặp bác Tố Hữu vài lần. Tôi thực sự kính nể, phải khẳng định rằng, Tố Hữu là nhà cách mạng trước, rồi mới đến nhà thơ. Mong rằng bảo tàng sẽ được nâng cấp và thường xuyên tu bổ, có nhiều tư liệu nữa”.

Những tập thơ rút ruột rút gan của Tố Hữu xuất hiện dần theo năm tháng được đặt trong tầm nhìn, quy chiếu với tuyến chính trị. Bảo tàng đã cho thấy 2 con người trong Tố Hữu, đôi chỗ hòa quyện với nhau. Không gian bảo tàng nhỏ, gói gọn trong một căn nhà 2 tầng khoảng 50m2, nhưng lại mang một giá trị lớn lao. Ngoài những bài thơ gắn liền với những chặng đường cách mạng của nhà thơ Tố Hữu, Bảo tàng còn trưng bày rất nhiều bức ảnh và các hiện vật quý hiếm khác. Đây đều là những tư liệu được gia đình nhà thơ dày công tập hợp và được các đồng chí, đồng nghiệp, những người yêu mến sự nghiệp văn học nghệ thuật của nhà thơ dâng tặng.

Thật đáng trân quý khi gia đình nhà thơ Tố Hữu và một số chuyên gia quyết định nâng cấp Nhà lưu niệm Tố Hữu thành Bảo tàng đã nhận được rất nhiều tình cảm của mọi người. Có người đóng góp cho Bảo tàng bằng những câu chuyện, kỷ niệm và cũng có rất nhiều người gửi gắm tình cảm qua những tư liệu đã được lưu giữ hàng chục năm. Cuộc đời của một nhà cách mạng lỗi lạc, nhà thơ tài hoa không thể diễn tả được bằng lời kể của bất kỳ ai. Chỉ khi đến tận nơi chúng ta mới hiểu được hết giá trị của những hiện vật mà bảo tàng đang lưu giữ./.

Mạnh Sáu