Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát, hai thân phận trí thức Nho sĩ vào một thời khó sống (Phần 3 và hết)

Lương Đàm
Khác với Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ không có một sự nghiệp thơ chữ Hán với chỉ một bài được lưu lại. Tất cả, gồm vài chục bài thơ Nôm Đường luật và trên 60 bài là hát nói, là ca trù.
nguyen-cong-tru-1543379391-7793-1543379573-1716477177.jpg
Tranh vẽ Nguyễn Công Trứ. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Với thơ Nôm, thỉnh thoảng Nguyễn có giọng bất bình, bi phẫn: “Đéo mẹ, nhân tình - đã biết rồi. Nhạt như nước ốc, bạc như vôi”; “Tiền tài hai chữ son khuyên ngược. Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi”. “Nghe như chọc giận tai làm điếc. Giận đã căm gan mỉm miệng cười”... Nhưng đó chỉ là một tỷ lệ nhỏ, so với thơ nói về chí trai và khát vọng lập công danh. Có chán đời, nhưng vẫn bám mà không bỏ đời. Bởi với chí lập thân dẻo dai ở tuổi tráng niên và ngót ba mươi năm dấn thân, Nguyễn đã có cơ hội hành động và dồn hết tâm, sinh lực vào hành động, trong khi Cao đã phải rời cuộc sống buồn chán, vô vị của mình ở tuổi 47.

Một sự nghiệp văn chương, đó là điều không thể không có, đối với bất cứ ai là kẻ sĩ; nhưng với Nguyễn Công Trứ, sự nghiệp đó lại đi theo một ngã rẽ khác với Cao Bá Quát, chủ yếu thuộc vào những năm cuối đời sau một hành trình ngót ba mươi năm hăm hở bỗng bất chợt nhận ra cái vô nghĩa, hư vô của một cuộc dấn thân. Vậy là còn lại được những gì cho Nguyễn, khi đã hết hoặc đã chán con đường công danh, “như bóng đèn, như mây nổi”? Một mẫu hình mới của nhà Nho - hành lạc, hưởng lạc đã xuất hiện qua chân dung Nguyễn Công Trứ, ứng với một thời rạn vỡ các quan niệm chính danh, chính thống của Nho giáo lấy tu thân, tề gia... làm căn bản.

Con người với những lạc thú cá nhân đã xuất hiện và tìm đến sự thể hiện mình trong thơ, không phải thơ Đường luật Trung Hoa, mà là thơ Nôm dân tộc. Và không chỉ là Nôm để ngâm mà còn là ca, là ca trù, là hát nói, như là một thú chơi, với rượu, với thơ, với đàn sáo, với thanh và sắc, với ca kỹ, người hầu. “Chơi cho lịch mới là chơi. Chơi cho đài các, cho người biết tay...”. Cái thú chơi từ thuở thiếu niên đã từng là niềm đam mê của Nguyễn, chơi nhưng vẫn không ngừng theo đuổi ráo riết mộng công hầu, lẽ tự nhiên đến tuổi già, ngoài 70 nó mới biểu lộ như một thăng hoa, trong cái cảnh:

Gót tiên chơi đủng đỉnh một đôi dì

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng

Cả trong sự hoan lạc thật là dẻo dai, nồng nàn ở tuổi 73 trong chốn buồng the:

Kìa những người mái tuyết đã phau phau

Run rẩy kẻ tơ đào còn mảnh mảnh

Trong trưởng gấm ngọn đèn hoa nhấp nhánh

Nhất tọa lê hoa áp hải đường

...

Tân nhân lục vấn lang niên kỷ

Ngũ thập niên tiền nhị thập tam.

(Vợ hỏi chồng (năm nay) bao nhiêu tuổi - Năm mươi năm trước đây ta hai mươi ba)

Nó làm rạng rỡ một chân dung Nguyễn, như một biểu trưng cực kỳ đột xuất và độc đáo cho một thái độ sống, rồi sẽ làm nên một khuynh hướng tư tưởng và nghệ thuật trong văn chương dân tộc, vốn đã hình thành từ cuối thế kỷ trước với Phạm Thái và nối về sau với Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh, rồi tiếp đó Tản Đà - người mở đường cho văn học hiện đại.

Ở tuổi bảy mươi vẫn còn có thời gian gần mười năm cho Nguyễn làm một cuộc đổi mới mình thật là ngoạn mục, ở tư cách con người hành lạc, con người hưởng thụ, thay cho con người dấn thân vì một vương triều mà ông rất mơ hồ trong đánh giá vai trò đại diện của nó: “Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy. Nếu không chơi thiệt ấy ai bì”; “Nhân sinh bất hành lạc. Thiên tuế diệc vi thương” (Đời người không hành lạc, sống hàng ngàn năm cũng như chết non). “Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy. Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười. Thôi công đâu chuốc lấy sự đời. Tiêu khiển một vài chung lếu láo”...

image003-1654771023864-1716477161.jpg
Nguyễn Công Trứ rất tài hoa, tài cầm, kì, thi, tửu. Ảnh: Internet

Bộ phận thơ viết về con người hành lạc và các thú chơi này ở Nguyễn Công Trứ tôi nghĩ số lớn là được viết vào phần cuối đời. Đoán vậy bởi thơ văn Nguyễn không để lại năm tháng viết. Đương nhiên là thời hàn vi và làm quan cũng không thiếu, đối với một người ham chơi như Nguyễn. Nhưng hẳn phải vào cuối đời, khi đã chấm hết mọi phận sự và công danh, khi đã ngấm mọi vinh nhục “khóc lộn cười”, trong cõi trần ai”, Nguyễn mới có dịp tổng kết để đến với một triết lý mang ý vị thế giới quan và nhân sinh quan nghiêm chỉnh: Đời rút lại chỉ là một cuộc chơi lớn; một cuộc chơi trong cõi nhân sinh “ba vạn sáu nghìn ngày”, như một “miếng da lừa” bị co kéo giữa hai phía của bậc thầy chủ nghĩa hiện thực phương Tây Balzac - người cùng thời với Nguyễn, khiến con người chớ dại mà “tiêu nhăng” (“Nhân sinh ba vạn sáu nghìn ngày. Vạn sáu tiêu nhăng hết cả rồi”), con người phải khôn ngoan mở “rộng đất chơi” (“Nhắn con Tạo hóa xoay thời lại. Để khách tang bồng rộng đất chơi”). Triết lý ấy ứng vào cái thời ấy, cái thời đất nước đang âm thầm tích tụ cho một cuộc thay đổi, khi cái cũ đã không còn lý do để tồn tại, và cái mới chỉ vừa hé lộ trong các nền móng vật chất và tinh thần của xã hội.

Nếu Cao Bá Quát - người từng tâm nguyện Nhất sinh để thủ bái hoa mai (Một đời chỉ cúi lạy trước hoa mai), người từng nuôi ý nghĩ: đã là hoa thì phải là sen, đã là cây thì phải là lan - với cái chết của mình làm một kết thúc bi kịch của cá nhân và đánh dấu sự tàn ngược của một thể chế chính trị đã hết tư cách đại diện cho dân tộc, thì Nguyễn Công Trứ với cái sống “ngoài vòng cương toả” của mình lại là sự khai mở cho một nhân sinh quan mới, cũng đã có mầm mống khai sinh trong chính thời đại.

cao-ba-quat-mot-doi-chi-biet-cui-dau-truoc-hoa-mai-1-1055-1716477334.jpg
Mười năm rong ruổi tìm gươm báu/ Một đời chỉ cúi lạy hoa mai - (thơ Cao Bá Quát). Ảnh: Internet

Cái thời hình thành nền kinh tế hàng hóa; mở rộng sự giao lưu, buôn bán, xuất hiện những trung tâm kinh tế mới như Hội An, Kinh kỳ, phố Hiến... Cái thời đồng tiền đã có thể làm lung lay mọi nền tảng đạo lý cũ và cái cá nhân với yêu cầu giải phóng đã hiện diện với sức công phá tiềm tàng của nó.

Một người sống gần gũi với dân, rồi làm lãnh tụ của nông dân trong một cuộc khởi nghĩa với độ chênh lực lượng rất lớn, hẳn biết chắc là thất bại mà vẫn dấn vào. Ông đã chọn một bế tắc để giải quyết một bế tắc. Nói theo Phan Khôi: “Con người ấy (CBQ) mà ở vào thời đại ấy trong đất nước này, nếu chẳng phải thi đỗ làm quan cho tột bậc đi thì còn làm gì nữa mà không làm giặc!”.

Một người đi với triều đình, tưởng là trọn vẹn “nghĩa quân thân”, cuối cùng ở tuổi ngoài bảy mươi, bỗng thức nhận ra sự vô nghĩa của những gì mình theo đuổi. Vậy là tuổi trẻ của Nguyễn và Cao đều có chí, đều có tài. Tài trên nhiều phương diện đã được Nguyễn thi thố, dẫu còn lâu mới hết công suất. Tài của Cao chưa có cơ hội thực hiện, vì bị bóp chết từ trong ý nguyện, bởi những va vấp, xung đột do tính cách bất tuân hoàn cảnh và người trên.

Tài của Nguyễn dồn vào chí kinh bang tế thế, có cái là vì vua, có cái là vì dân, mà sự đối nghịch của nó ông chưa từng phân biệt; cho đến cuối đời, hoặc những lúc ở “ngoài vòng cương tỏa” mới tìm đến thơ văn như một giải thoát; và với khối thơ văn đó, ông tạo được cho mình một gương mặt mới. Còn Cao, thiếu hoàn cảnh dấn thân, Cao dồn nội lực tâm nguyện vào văn chương; và nhờ thế kho tàng văn học dân tộc có được một di sản quý giá; còn cuộc đời riêng của ông thì bị ngắt cụt giữa chừng.

Tài và tình. Nguyễn đã là người góp phần khơi rộng rồi đóng vai trò chủ chốt trong việc duy trì và khẳng định một thể văn mới trong sinh hoạt văn chương và giỏi nghệ thuật dân tộc. Nguyễn đã tạo một lối rẽ cho con người được trở về với chính cá nhân mình, chính cái tôi riêng của mình trong khát vọng hưởng thụ mà hệ tư tưởng chính thống Nho giáo đã bóp nghẹt và vắt kiệt trong một xã hội phong kiến kéo quá dài trong lịch sử. Cao - hậu sinh, nhưng vẫn là người cùng thời với Nguyễn, lại hướng theo một con đường khác - đó là cái tình trong khuôn khổ thế giới nhân sinh quen thuộc: gia đình, đất nước, quê hương, bè bạn, đồng liêu và thế những người nghèo khổ luôn là môi trường sống quen thuộc vây bọc quanh ông.

Còn nữa. Khác và hơn Nguyễn, ông còn có được mấy tháng đi “dương trình hiệu lực”, nhờ vậy mà tầm mắt được mở rộng, qua những gì được thấy trong chuyến viễn dương mà có dịp đối sánh với quê nhà, và nhận ra cái vô vị của văn chương cử tử. Chính vì chống lại nó mà ông đã không vào được chốn công môn; rồi còn bị hại vì nó. Nhưng văn chương vẫn cứ phải là phương tiện cho ông giãi bày con người mình, bởi ông là kẻ sĩ. Và sự bất lực của nó rồi sẽ được ông cho thay bằng gươm khi ông quyết liệt làm giặc.

Tìm nguyên nhân dồn ông vào tình thế ấy đã có vài ba giả thuyết; nay vẫn cần tiếp tục đi tìm. Nhưng dẫu nguyên nhân là gì thì cuộc đời Cao Bá Quát cũng đã được khẳng định từ hai phương diện: đứng cùng nhân dân trong một cuộc khởi nghĩa thất bại với cái chết bi thảm ba họ của mình. Và một sự nghiệp thơ sáng rõ con người tư tưởng, con người đạo đức, con người nhân cách của ông trong bi kịch một kẻ sinh bất phùng thời.

Còn Nguyễn Công Trứ là sự dấn thân trong những được - mất của một đời hành động, có được có mất; và cái được lớn là những bài học nhân sinh rút ra từ bối cảnh một thời đại đối nghịch và thù địch triệt để đối với tài năng, phẩm giá và lương tâm con người. Một thời đại khó sống. Cuối cùng, cả hai - hai gương mặt kẻ sĩ, dẫu với tất cả mọi khác biệt, vẫn cứ là hai khối bi kịch, hai nạn nhân của một thời tối tăm, bế tắc. Cái thời giả định nếu không có sự xâm lược của phương Tây thì cũng đã chín muồi cho một nhu cầu khẩn thiết phải thay đổi, đang nung nấu một giải pháp hẳn chắc không khác mấy với phong trào Tây Sơn mà nó đã tận diệt. Lịch sử nếu đã có một bất ngờ kỳ diệu với Quang Trung cuối thế kỷ XVIII, thì biết đâu lại không có một bất ngờ còn lớn hơn vào cuối thế kỷ XIX nếu không có cuộc xâm lược chóng vánh của chủ nghĩa thực dân phương Tây!

nguyen-cong-tru-091223-1-1716477727.jpg
Đền thờ Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: TTXVN

Văn học trung đại Việt Nam đã đến được đỉnh cao vào nửa sau thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX. Lịch sử văn học thường ghép hai nửa thế kỷ này vào cùng một thời kỳ. Đó là một cách chia. Cũng có thể có những cách chia khác, bởi hai nửa thế kỷ vừa là sự tiếp tục nhau, vừa có những đặc điểm riêng do quy định của lịch sử. Năm 1820 khi Nguyễn Du mất là khi Nguyễn Công Trứ nhận chức quan đầu tiên để vào triều.

Cả hai là đồng hương và có cùng một thời để sống với nhau. Nguyễn Du (1766 - 1820), người sống trọn vẹn và đến tận cùng bi kịch lịch sử nửa sau thế kỷ XVIII hỗn loạn, rối ren, thay vua đổi chúa, khiến cho mọi tầng lớp trí thức Nho học không biết chọn ai để mà thờ, kể cả chọn nhầm hoặc chọn đúng đều ngầm chứa biết bao tai họa. Thế kỷ XIX trong hai thập niên mở đầu của nó, với Nguyễn Du, xem ra cũng không phải là những năm thanh thản mà chứa đầy tâm sự.

Và như vậy, với thơ chữ Hán gồm 3 tập, với Truyện Kiều và Văn tế thập loại chúng sinh, Nguyễn Du đã là người có sứ mệnh kết thúc thế kỷ XVIII và mở đầu thế kỷ XIX trong sự nhất quán của một thế giới nghệ thuật mà “những điều trông thấy” là kết đọng trăm nghìn kiếp sống nhân sinh qua một tấm lòng nghĩ suốt và xuyên thấu nghìn đời. Với Nguyễn Du văn học Việt Nam thời trung đại đã đạt đến trình độ cổ điển, mà trước ông, kể từ thế kỷ XVIII trở về trước còn chưa ai vươn tới và sau ông vẫn không ai sánh bằng.

Cũng ở tư cách là những người mở đầu thế kỷ XIX, hậu sinh và tiếp bước Nguyễn Du, cả Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát sẽ có một lối khác, gần như là độc đạo cho sự lập thân, trong đối diện với một chính quyền chuyên chế, có khác với Nguyễn Du là những chìm nổi, trôi dạt, bấp bênh, trong tan rã của một thời đại, mà không một triều đại nào khiến cho ông tin cậy, gửi gắm, gồm Lê - Trịnh (quá rối ren trong vận mạt của nó), Nguyễn Tây Sơn (quá ngắn ngủi mà ông chưa kịp hiểu) và Nguyễn Gia Long (dường như chưa báo hiệu một triển vọng gì tốt lành).

Còn với Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát, cả hai sống trọn trong mở đầu một vương triều, nên chỉ một lựa chọn, hoặc thuận theo nó, hoặc bị nó bóp chết. Những dằn vặt, đấu tranh trong tư tưởng, tình cảm của Nguyễn và Cao, do thế là đơn giản hơn. Cả hai sẽ là đại diện cho thân phận trí thức Nho sĩ, nung nấu bộc lộ chí hướng của mình trong một bối cảnh tưởng có thể xem là phút lóe sáng cuối cùng của thời đại phong kiến trước khi chuyển sang xã hội thuộc địa. Cả hai, trong bối cảnh ấy và với chí hướng ấy, khó đủ điều kiện cho họ vươn đến tầm một nghệ sĩ lớn như bậc tiền bối Nguyễn Du - để nói lên tiếng nói lớn, khẩn thiết, thẳm sâu của thời đại, chứ không phải một triều đại.

screenshot-3-1716477957.png
Tượng danh nhân Cao Bá Quát đặt tại khu đô thị ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Báo Dân Việt

Nửa sau thế kỷ XIX, kể từ 1858 đến 1884 và sau 1884, khi đất nước mất dần vào tay chủ nghĩa thực dân, văn học trở lại chủ đề yêu nước quen thuộc, có lịch sử hàng nghìn năm, trên những lập trường khác nhau, hoặc đứng về phía triều đình, hoặc đứng về phía nhân dân, hoặc phân vân giữa hai phía, trong đó không mang thiếu những tấm gương khẳng khái tìm đến cái chết như Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Cao, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng... Trong tăm tối và bị thương của lịch sử, một số ít Nho sĩ đã có hoàn cảnh nhận rõ tình thế bất lợi của cuộc chiến, mà khao khát đi tìm một con đường khác, con đường mở công nghệ và buôn bản, tiếp nhận văn minh phương Tây, tránh đối đầu về sức mạnh quân sự với thực dân như Phan Thanh Giản (1796 - 1867), Phạm Phú Thứ (1821 - 1882), Đặng Huy Trứ (1825 - 1874), Nguyễn Lộ Trạch (1853 - 1898)...

Đặc biệt là sự xuất hiện Nguyễn Trường Tộ (1828 - 1871), người do có hoàn cảnh tiếp xúc sớm mà có sự trải biết, “thực mục sở thị” văn minh phương Tây nên đã trở thành gương mặt tiêu biểu nhất cho sự thức nhận tình trạng lạc hậu, thấp kém và bất lực của xã hội phong kiến phương Đông, trong một thế giới đã chuyển từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa đế quốc. Ánh sáng được Nguyễn Trường Tộ tiếp cận và tiếp nhận rồi sẽ tỏa sáng vào ba mươi năm sau, qua một thế hệ các nhà đ Nho - chí sĩ trong phong trào Duy tân và Đông Kinh nghĩa thục như Phan Bội Châu (1867 - 1940), Phan Chu Trinh (1872 - 1926), Lương Văn Can (1854 - 1927).., những người tuy vẫn với gốc gác và cốt cách nhà Nho nhưng lại có sứ mệnh kết thúc lịch sử và lịch sử văn học trung đại, mở đầu thời kỳ hiện đại.

Bên cạnh những tên tuổi không quay lưng mà dấn thân với thời cuộc là một phân số rời bỏ quan trường. sớm hoặc muộn, về ở ẩn, tìm thú vui trong văn thơ thoát tục, hưởng lạc, học theo cách sống cuối đời của Nguyễn Công Trứ như Dương Khuê (1839 - 1902), Chu Mạnh Trinh (1862 - 1905); hoặc chọn thái độ trào phúng làm vũ khí trong tâm thế bất lực, không chấp nhận thực trạng Á - Âu xáo trộn như Nguyễn Khuyến (1835 – 1909), Tú Xương (1871 - 1907).

Năm 1802 – năm Gia Long lên ngôi đến 1902 - năm Toàn quyền Paul Doumer khánh thành chiếc cầu mang tên mình bắc qua sông Nhị Hà (nay là cầu Long Biên) như một biểu trưng, để quảng cáo cho văn minh Đại Pháp - chẵn một thế kỷ với mở đầu là sự ra đi của Nguyễn Du, cùng con đường vào đời của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát và với sự tiếp tục nối dài của mấy thế hệ kẻ sĩ đứng trước họa mất nước, đó là chặng cuối cùng đầy giông bão chất chứa một cuộc chuyển mình, để có một sinh thể khác, sau chín trăm năm trong cùng một mô hình ổn định của văn hóa - văn minh Đại Việt.

GS. Phong Lê