Người tiên phong thổi hồn cho những khối trầm hương “bất tử”

Năm 2018, khi đang là chỉ huy trưởng công trình tại một công ty xây dựng với mức lương hơn 1.000 USD mỗi tháng, anh Lê Hồng Thái (39 tuổi, trú tại Quảng Nam) đột ngột nghỉ việc để bắt đầu con đường khởi nghiệp với những khối gỗ trầm hương mỹ nghệ.

Nuôi ý định khởi nghiệp từ những khối trầm hương

Ngay từ khi vẫn còn là chàng sinh viên của của trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, anh Lê Hồng Thái đã ấp ủ niềm đam mê với những tác phẩm thủ công mỹ nghệ được tạo nên bởi những khối gỗ lũa.

nlntv-anh3-1728630203.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian hàng của nghệ nhân Lê Hồng Thái

Sau khi tốt nghiệp, cầm trên tay tấm bằng kỹ sư xây dựng, anh Thái nhanh chóng có được công việc và mức lương đáng mơ ước. Nhưng công việc chuyên ngành không thể làm anh quên đi niềm đam mê với những tác phẩm gỗ mỹ nghệ.

“Trong một lần đi làm công trình ở miền núi, tôi tình cờ nhìn thấy những gốc cây có hình dáng đẹp và kỳ lạ. Niềm đam mê với gỗ trong tôi lại một lần nữa trỗi dậy. Cứ thế, sau những giờ làm việc, tôi lại cặm cụi, mày mò làm bạn với những khối gỗ ấy”, anh Thái nhớ lại.

Niềm đam mê với gỗ ngày một lớn dần, thôi thúc anh Thái đi theo con đường khởi nghiệp, chế tác gỗ mỹ nghệ và đồ thủ công. Năm 2018, anh quyết định từ bỏ hẳn công việc và mức lương đáng mơ ước để theo đuổi đam mê. Chàng kỹ sư trẻ trở về thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) để mở công ty chuyên sản xuất và chế tác đồ thủ công mỹ nghệ và gỗ nghệ thuật.

nlntv-anh-sua-1728636624.jpg
Năm 2020, sản phẩm của anh Thái được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP và được chọn làm quà tặng cho địa phương

Bước ngoặt lớn trên con đường khởi nghiệp của anh Thái bất ngờ đến sau 3 năm ròng rã theo đuổi đam mê. Trong một lần tình cờ đến chơi nhà một người bạn, anh được tặng một tác phẩm bonsai được làm từ những sợi dây kim loại, trông vô cùng độc đáo và lạ mắt. Nhận thấy nhiều tiềm năng từ tác phẩm này, anh bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu để phát triển nó.

Dù đã đặt nhiều tâm huyết vào những cây bonsai kim loại độc đáo, thế nhưng thời gian đầu, chúng không mấy thu hút khách hàng. Bởi khi đứng một mình, những cây cổ thụ bằng dây đồng, dây nhôm trông rất mỏng manh và đơn điệu.

“Thời điểm đó, tôi trằn trọc nhiều đêm liền chỉ để tìm cách thổi hồn vào những cây bonsai vô tri ấy. Bỗng một ngày, tôi vô tình nhìn thấy có người rao bán một phôi trầm hương có hình dáng kỳ lạ trên mạng. Một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu tôi. Nếu bonsai kết hợp cùng với trầm hương thì sẽ thế nào?”, anh Thái hào hứng kể lại.

Tuy nhiên, khó khăn lúc này chỉ mới bắt đầu. Nguồn phôi trầm không có nhiều, lại rất ít những gốc trầm tự nhiên. Anh Thái phải lặn lội đến thủ phủ trầm Tiên Phước (Quảng Nam) để tìm kiếm được những phôi trầm giá trị và phù hợp.

Trầm hương bonsai “bất tử” dưới bàn tay nghệ nhân

Sau khi đã có được nguồn phôi chất lượng, anh Thái ngày đêm mày mò, cặm cụi bên những miếng phôi trầm hương để tạo hình bonsai. Sau 3 tháng, đã có hơn 100 tác phẩm trầm hương bonsai “bất tử” được xuất xưởng.

Để tạo nên một tác phẩm trầm hương bonsai bằng dây kim loại phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Không đơn giản là sự tỉ mỉ hay khéo tay, mà còn đòi hỏi tính nghệ thuật và con mắt thẩm mỹ của người nghệ nhân.

nlntv-thai-tram-1728635123.jpg
Mỗi sản phẩm mất từ 4 -18 tiếng để hoàn thiện, riêng đối với những sản phẩm có thiết kế độc đáo thì mất từ 2 – 3 tháng mới hoàn thành

“Đầu tiên là công đoạn bắt dáng. Tùy thuộc vào hình dáng của khối trầm hương mà người nghệ nhân sẽ quyết định nên tạo hình như thế nào. Vì thế, mỗi khối trầm hương bonsai lại mang một câu chuyện, ý nghĩa khác nhau. Người nghệ nhân phải hình dung được tạo hình trong đầu trước, rồi mới thêm thắt các chi tiết vào đó”, anh Thái mô tả.

Sau khi đã bắt dáng được khối trầm, cần phải trau chuốt lại cho sắc nét, dùng gỗ, nhựa cứng hoặc đá để làm đế. Chất liệu đế được anh Thái chọn thường là nhựa hoặc gỗ loại cao cấp, có đồ bền cao để giữ được lâu.

Tiếp đó là đến khâu trang trí và tạo hình bonsai. Nghệ nhân sử dụng các sợi dây kim loại để uốn nắn, tạo hình từng cành cây, chiếc lá, rễ bám vào gốc trầm. Đây là công đoạn tốn nhiều thời gian nhất, đòi hỏi kỹ thuật khéo léo và sự tỉ mỉ của người làm, nhờ đó khối trầm hương lại càng trở nên sống động.

Với vẻ ngoài mang đậm tính nghệ thuật và giá trị tâm linh, trầm hương bonsai nhanh chóng trở thành tác phẩm nghệ thuật được nhiều khách hàng ưa chuộng. Nhiều người mua trầm hương bonsai về trưng bày trong phòng làm việc, những nơi sang trọng hay làm quà biếu tặng.

Tháng 8/2024 vừa qua, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam cho 145 nghệ nhân truyền thống. Trong đó cái tên Lê Hồng Thái được vinh dự vang lên trong buổi lễ trao tặng như một sự ghi nhận cho những nỗ lực của anh trong nhiều năm khởi nghiệp với trầm hương bonsai.

nlntv-anh-2-1728635243.jpg

Nghệ nhân Lê Hồng Thái vinh dự được trao tặng danh hiệu “ Nghệ Nhân Làng Nghề Việt Nam “ vào ngày 26/8 tại Thủ đô Hà Nội

Có lẽ đối với anh, không phải giá trị “khủng” mà những khối trầm mang lại, mà chính cảm giác thoải mái khi theo đuổi đam mê của mình, hạnh phúc khi được tự tay tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mới là thứ khiến anh ngày đêm gắn bó, cặm cụi, chăm chút cho những khối bonsai độc đáo kia.

nlntv-tram-1728635729.jpg
Tùy thuộc vào từng loại trầm và khối lượng sẽ có giá thành khác nhau. Đối với những phôi trầm “độc”, con số có thể lên đến hàng trăm triệu

Theo quan niệm dân gian, trầm hương vốn là một loại dược liệu quý, hương thơm nhẹ nhàng, nồng ấm giúp cơ thể thư thái. Đặc biệt, những gốc trầm hương tự nhiên vốn là nơi hội tụ linh khí của đất trời, giúp mang lại bình yên và may mắn cho gia chủ. Đó cũng chính ý nghĩa và tâm niệm của nghệ nhân Lê Hồng Thái mong muốn gửi gắm vào trong từng gốc trầm hương bonsai.

Gia Phúc