Cục Thống kê tỉnh Nam Định thông tin, hàng năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế của tỉnh này đều tăng. Bình quân giai đoạn 2005 - 2020 tăng 0,14%/năm. Cơ cấu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản. Năng suất lao động giai đoạn 2005 - 2020 tăng bình quân 14,4%/năm.
Mặc dù Nam Định có nhiều khu công nghiệp đang trong quy hoạch chưa đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác thu hút nhà đầu tư thứ cấp phát triển sản xuất kinh doanh đầy đủ nhưng đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh gay gắt, khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành nghề, lĩnh vực, nhất là trong các ngành dệt may, thủy sản và xây dựng.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thiếu lao động có chất lượng cao, có kỹ năng tay nghề.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài cho hay, để thực hiện mục tiêu số hóa cho việc phát triển kinh tế, tỉnh Nam Định đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp xây dựng nền tảng thể chế cho các mô hình kinh doanh kinh tế số.
Theo đó, tỉnh Nam Định sẽ đầu tư xây dựng hệ thống giáo dục đào tạo nguồn nhân lực từ bậc trung học phổ thông đến cao đẳng và hướng tới mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực tốt cho doanh nghiệp.
Đồng thời các ngành, các địa phương phải tăng cường phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong đó, ngành lao động, thương binh và xã hội chú trọng bám sát để triển khai hiệu quả các quy định hướng dẫn hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về liên kết, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Trong đó quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong liên kết, hợp tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao sau đào tạo.
Bên cạnh đó, các cấp ngành phối hợp với ngành thông tin và truyền thông ứng dụng công nghệ thông tin đẩy mạnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hỗ trợ người sử dụng lao động tuyển dụng bằng hình thức trực tuyến. Tổ chức các hoạt động kết nối, giao dịch việc làm có sự liên kết giữa các huyện, thành phố hoặc liên kết với các địa phương trong vùng, liên vùng hoặc trên toàn quốc. Đầu tư hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến hiện đại để trực tiếp kết nối giữa người lao động, người sử dụng lao động, không bị rào cản về không gian địa lý.
Được biết, vừa qua tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động phát triển nguồn nhân lực phục vụ đổi mới sáng tạo và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong những ngành, lĩnh vực kinh tế trọng tâm, tiệm cận trình độ quốc tế đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong tình hình mới. Tham mưu cơ chế, chính sách thiết thực để huy động và sử dụng hiệu quả mạng lưới tri thức người Nam Định trong và ngoài nước, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều cấp bậc.
UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực hàng năm triển khai hoạt động hỗ trợ đào tạo, tư vấn khởi nghiệp kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cho đội ngũ quản lý doanh nghiệp; nâng cao kỹ năng, chuyển đổi ngành, nghề cho người lao động.