Muốn về quê đón Tết, lại lo bị cách ly

Lương Đàm
Lo lắng về quy định cách ly tại địa phương, nhiều người lao động ở xa cố gắng sắp xếp công việc, xin nghỉ sớm để có thời gian về quê, đón Tết cùng gia đình. Nhiều người đã phải xin nghỉ phép nhưng vẫn phải làm việc online, thậm chí chấp nhận bị trừ lương để có thể về quê đón Tết. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, các tỉnh, thành phố và địa phương cần thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 128, tránh “ngăn sông cấm chợ”, tránh làm khó người dân bằng những quy định như phải cách ly dài ngày…
mot-lao-dong-cho-biet-phai-bat-xe-ve-que-don-tet-som-de-thuc-hien-cac-quy-dinh-ve-cach-ly-tai-dia-phuong-1642143009.jpg
Một lao động cho biết phải bắt xe về quê đón Tết sớm để thực hiện các quy định về cách ly tại địa phương 

“Lo thời gian cách ly dài hơn cả thời gian nghỉ Tết”

Nhận thông báo thời gian nghỉ Tết năm nay là 9 ngày, chị Vũ Minh Phương (24 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) vừa vui mừng xen lẫn lo lắng, cầm chiếc điện thoại báo tin về cho gia đình. Hơn 5 tháng nay, kể từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát giãn cách xã hội, chị Phương chưa có dịp về thăm gia đình quê ở Nam Định.

Để chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết năm nay, Phương có gọi điện về cho UBND xã nơi mình sinh sống để tìm hiểu các thông tin. Chị được cán bộ địa phương hướng dẫn, người từ vùng cam về cần khai báo y tế, tự theo dõi sức khỏe, hạn chế tiếp xúc với đông người là có thể yên tâm về quê đón Tết.

Mặc dù chỉ cần khai báo là có thể về quê nhưng chị Phương vẫn lo lắng do dịch bệnh phức tạp, sợ mình sẽ mang bệnh về cho gia đình, họ hàng. Do đó, chị Phương đã làm đơn trình bày xin nghỉ và chấp nhận bị trừ lương 50% để có thể về quê đón Tết.

Còn với chị Lê Hồng Minh (27 tuổi, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) thời gian Tết đang đến thật gần nhưng chị vẫn đang còn xa quê hàng trăm cây số. Một năm nay, nhiều đợt giãn cách xã hội, có những lúc phương tiện giao thông liên tỉnh cũng tạm dừng, chị Minh chưa về quê lần nào.

Chị chia sẻ, vừa qua sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh có văn bản hướng dẫn cách ly F1, người từ địa phương khác về. Do đó, tại nơi chị sinh sống hiện nay ở cấp độ nguy cơ cao (cấp độ 3) được khuyến cáo người dân cam kết cách ly tại nhà 7 ngày kể từ ngày trở về địa phương. Bên cạnh đó cần thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR hoặc test nhanh trong ngày đầu.

“Đã lâu rồi chưa được về quê nên mình rất muốn được trở về dịp này. Tuy nhiên, khi đọc thông tin trên mình có chút lo lắng. Tại nơi mình làm việc hết ngày 27 Tết mới được nghỉ. Nếu trở về cách ly tại nhà 7 ngày thì cũng là thời điểm hết Tết. Do vậy, muốn về quê đoàn tụ sum họp gia đình, mình phải xin nghỉ trước 7 ngày. Tuy nhiên cuối năm lại là thời điểm rất nhiều việc nên xin nghỉ phép cũng rất khó. Mình phải làm cam kết với cơ quan, xin nghỉ phép nhưng vẫn phải làm trực tuyến từ xa để đảm bảo công việc” - Minh cho biết.

Cũng trong tâm trạng lo lắng như chị Phương, chị Minh, Phạm Quỳnh Anh (28 tuổi, trú tại Triều Khúc, Thanh Xuân) chưa dám tính đến chuyện về quê ăn Tết. Làm việc tại một cửa hàng tại quận Ba Đình, khu vực này được xếp vùng cam (tương đương cấp độ 3) khi số ca mắc COVID-19 mới liên tục tăng cao nên chị vô cùng băn khoăn. “Vừa qua, thành phố Thanh Hóa có thư ngỏ khuyên người dân hạn chế về quê đón Tết nếu không thực sự cần thiết. Tuy nhiên, cả năm chỉ có 1 dịp được sum họp quây quần bên gia đình, nếu không về thì sẽ rất buồn” - Quỳnh Anh nói và cho biết, hằng ngày cũng thường xuyên gọi về quê để hỏi về quy định mới nhất của địa phương. “Em rất lo lắng với các quy định siết chặt phòng dịch, hạn chế đi lại dịp Tết” - Quỳnh Anh nói.

Không nên gây khó cho người dân

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV Lao Động, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, địa phương nào vận động, ban hành quy định con, cấm cản người dân khi về quê ăn Tết là trái với tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Do đó, những địa phương này phải xem lại để có những chỉ đạo, điều hành sao cho phù hợp, trên tinh thần vừa tạo thuận lợi cho người dân về quê đón Tết và vừa phòng, chống dịch phù hợp, an toàn, tránh cực đoan hoặc gây khó cho người dân.

Theo ông Nga, do phải mưu sinh nên nhiều người phải làm ăn ở nơi xa, dịp Tết mới có dịp đoàn tụ gia đình mà giờ lại vận động người dân không về là không hợp lý. Bên cạnh đó, địa phương nào mà đưa ra quy định bắt cách ly 7-14 ngày cũng là trái với tinh thần của Nghị quyết 128, gây khó dễ cho người dân. “Chính quyền là phải phục vụ nhân dân, không những không được cấm cản mà còn phải tạo điều kiện cho người dân về quê đón Tết, sum họp với gia đình. Đó là đạo đức công vụ. Nơi nào cấm cản hay gây khó dễ cho người dân bằng những quy định cực đoan là trái với tinh thần phục vụ nhân dân” - PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.

Cũng theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) hiện nay tỉ lệ bao phủ vaccine của Việt Nam khá tốt. Đây là điều kiện để chúng ta thích ứng an toàn với dịch bệnh. Ông cho rằng, việc tiêm vaccine giúp cho việc đi lại giữa các quốc gia dễ dàng hơn trước, nhiều đường bay quốc tế cũng đã mở cửa. Do vậy, việc hạn chế người dân ở các tỉnh thành hay các quy định làm khó như xét nghiệm, cách ly là không phù hợp.

Cùng trao đổi về việc này, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho rằng: Khi chúng ta “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” thì có 3 vấn đề cần chú ý, đó là: Hiện nay không thực hiện giãn cách diện rộng; Chấp nhận có F0 cộng đồng, kiểm soát rủi ro vì đã “phủ vaccine”; và nước ta đã trải qua 4 đợt dịch nên đã có kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19.

Từ đó, chuyên gia cho rằng các tỉnh, thành phố và địa phương cần thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 128, tránh “ngăn sông cấm chợ”. Ngoài ra, một số địa phương vận động hay ra quy định “làm khó” người dân về quê dịp Tết cổ truyền sẽ tạo ra tiền lệ không hay.

“Việc cách ly, xét nghiệm Bộ Y tế đã có quy định cụ thể. Việc yêu cầu toàn bộ người vào địa bàn phải xét nghiệm vừa không cần thiết, vừa tốn kém, vừa gây tâm lý chủ quan phòng bệnh. Các địa phương nên tạo điều kiện cho lao động về quê đón Tết an toàn” - PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.