Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội bị tố dùng tài sản công để hợp tác

Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội bị tố suốt thời gian dài dùng tài sản công để ký thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp tư nhân, nhưng không xin phê duyệt từ Bộ chủ quản.

Không xin chủ trương từ Bộ chủ quản

Theo nội dung bạn đọc phản ánh tới cơ quan báo chí, từ năm 2022 Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội (Đại học Kinh tế Quốc dân) đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam (Công ty IDP Việt Nam), sử dụng cơ sở vật chất của trường là tài sản công để phục vụ mục đích hợp tác và tổ chức thi, đánh giá năng lực cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS với Công ty IDP Việt Nam cho các thí sinh không phải sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân nhằm trục lợi, nhưng không xin ý kiến phê duyệt từ Bộ chủ quản và Bộ Tài chính.

dai-hoc-kinh-te-quoc-dan-ha-noi-bi-to-dung-tai-san-cong-de-hop-tac-01-1696934235.png
Trung tâm Ngoại ngữ Kinh tế - Đại học Kinh tế Quốc dân là đơn vị bị tố sử dụng tài sản công vào mục đích hợp tác với doanh nghiệp tư nhân, nhưng không xin chỉ đạo từ Bộ chủ quản

Cụ thể: Ông Đỗ Anh Đức - Giám đốc và bà Ngụy Thùy Trang - Phó Giám đốc Trung tâm dưới sự hỗ trợ của một số cán bộ cấp cao nhà trường, đã làm trái các quy định của pháp luật khi “bắt tay” với Công ty IDP Việt Nam trong việc ký thỏa thuận hợp hợp tác, để tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS. Việc làm này của Đại học Kinh tế Quốc dân đã vi phạm quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Cũng theo phản ánh, theo quy định của pháp luật, việc sử dụng tài sản công này của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vào mục đích hợp tác với tổ chức tư nhân, phải được thực hiện qua đấu giá hoặc đấu thầu theo đúng quy định của pháp luật.

Theo quy định của Luật số 15/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về quản lý, sử dụng tài sản công; cũng như các Nghị định, Thông tư hướng dẫn sử dụng tài sản công. Để tránh thất thoát ngân sách Nhà nước. Việc sử dụng tài sản công vào các mục đích hợp tác với đơn vị bên ngoài phải xây dựng đề án sử dụng tài sản công đó vào mục đích hợp tác, … sau đó trình xin ý kiến từ bộ chủ quản và bộ Tài chính.

Căn cứ vào việc cho ý kiến từ Bộ chủ quản và Bộ Tài chính, từ đó đơn vị quản lý sử dụng tài sản công mới thực hiện việc đấu giá, hoặc đấu thầu để lựa chọn tổ chức có đủ năng lực sử dụng tài sản công vào mục đích hợp tác.

Nếu không có ý kiến của các Bộ trên phê duyệt việc sử dụng tài sản công vào mục đích hợp tác với đơn vị bên ngoài, đơn vị quản lý tài sản công tự ý sử dụng vào mục đích hợp tác với tổ chức bên ngoài sẽ là căn cứ để xác định hành vi vi phạm pháp luật.

dai-hoc-kinh-te-quoc-dan-ha-noi-bi-to-dung-tai-san-cong-de-hop-tac-02-1696934235.png
Lịch thi, đánh giá năng lực cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS giữa nhà trường với Công ty IDP Việt Nam

Quá trình đấu giá, đấu thầu phải được tổ chức công khai, minh bạch. Tổ chức tham gia đấu giá đấu thầu phải có đủ năng lực theo quy định của pháp luật đối với vấn đề hợp tác. Trong quá trình đấu giá, đấu thầu; tổ chức nào trả giá cao hơn sẽ trúng đấu giá, trúng thầu… các hoạt động này phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; có như vậy ngân sách Nhà nước sẽ không bị thất thoát và tránh tình trạng tiền chảy vào cá nhân có ảnh hưởng.

Quy định là thế, nhưng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân lại không làm đúng quy định của pháp luật, khi không xây dựng đề án để trình, xin ý kiến chỉ đạo từ các cơ quan bộ chủ quản và bộ Tài chính về việc sử dụng tài sản công vào mục đích hợp tác hoặc liên kết… Trường đã tự ý ký thỏa thuận hợp tác với tư nhân, để hợp thức hóa hồ sơ cho đề án để tổ chức thi, đánh giá năng lực cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS và trình Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Việc sử dụng tài sản công của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vào hoạt động hợp tác này không qua đấu giá/đấu thầu, nguy cơ dẫn đến việc Nhà nước không thu được đồng xu nào từ hoạt động hợp tác. Nhưng Nhà nước vẫn phải chi ngân sách để sửa chữa, mua sắm mới tài sản công khi trang thiết bị tài sản công bị xuống cấp hoặc bị hỏng?

IELTS không đạt chuẩn quốc tế?

Cũng theo nội dung phản ánh của bạn đọc, trong quá trình tổ chức thi đánh giá năng lực để cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS giữa Công ty IDP Việt Nam và Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã vi phạm Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT ngày 26/07/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vì cơ sở vật chất, trang thiết bị… không đạt chuẩn theo quy định của IELTS. Cụ thể: Quy định của IELTS, được hiểu là từ Cambridge, Hội đồng Anh và IDP Australia vì đây là 3 đơn vị đồng sở hữu kỳ thi IELTS. Đối với thi máy, chiều sâu 0,6m và chiều dài 1m lọt lòng vách ngăn, và vách ngăn từ mặt bàn 0.6m và phần nhô ra phải 10cm. Đối với thi giấy, tâm thí sinh này cách tâm thí sinh kia trên, dưới, trái và phải phải 1,25m.

dai-hoc-kinh-te-quoc-dan-ha-noi-bi-to-dung-tai-san-cong-de-hop-tac-03-1696934235.png
Phòng thi không đạt chuẩn theo Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT ngày 26/07/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Như vậy, dựa theo Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT ngày 26/07/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, về yêu cầu đáp ứng cơ sở vật chất, và độ tin cậy trong kỳ thi của đơn vị liên kết nước ngoài, trong đề án trình Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức hậu kiểm các kỳ thi, do Công ty IDP Việt Nam và Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức từ ngày được phê duyệt liên kết tới nay, qua hệ thống Camera giám sát kỳ thi theo quy định tại Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT xem đã đảm bảo cơ sở vật chất và độ tin cậy trong kỳ thi chưa, nhất là trong thời gian này trên mạng xã hội đang có rất nhiều bình luận về kỳ thi IELTS của Công ty IDP Việt Nam, đang bị giữ kết quả để điều tra có hay không sự gian lận trong các kỳ thi.

Cần phải nhấn mạnh, Trường đại học Kinh tế Quốc dân là trường đại học uy tín, đầu tầu đào tạo về quản lý về kinh tế cũng như đào tạo về các chuyên ngành kinh tế cho đất nước. Nhưng nếu những vấn đề được bạn đọc phản ánh, nhà trường không có giải pháp khắc phục kịp thời. Hoặc bộ Giáo dục & Đào tạo vì một vấn đề nào đó mà phê duyệt đề án, cho phép Đại học Kinh tế Quốc dân, hợp tác tổ chức thi, đánh giá năng lực cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS với đơn vị bên ngoài, mà chưa có sự cho phép việc sử dụng tài sản công vào mục đích của đề án, thì cũng cần có quyết định thu hồi Quyết định trên kịp thời.

Trong quá trình triển khai đề án được phê duyệt, khi tổ chức thực hiện mà cơ sở vật chất không đảm bảo theo đúng quy định ở Thông tư 11, trách nhiệm đầu tiên sẽ thuộc về Hiệu trưởng nhà trường, sau đó là sự thiệt thòi của các thí sinh vì không được quốc tế công nhận. Vì lẽ đó, chúng tôi kính chuyển những thông tin trên đến Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng các cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét quyết định số 672/QĐ-BGDĐT ngày 08/03/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS giữa Công ty IDP (Việt Nam) và Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhằm đảm bảo đúng pháp luật và quyền lợi của nhà nước cũng như của học viên.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc liên quan tới những vấn đề này./.

PV