Nghệ An 'siết' lựa chọn trung tâm ngoại ngữ khi thực hiện tiếng Anh tăng cường

Khi triển khai tiếng Anh tăng cường thì các cơ sở giáo dục tại Nghệ An phải xây dựng kế hoạch cụ thể, công khai. Đồng thời tổ chức thẩm định, đánh giá các tiêu chí về Hồ sơ pháp lý, năng lực đội ngũ giáo viên, kinh nghiệm của các trung tâm ngoại ngữ theo thang điểm mà Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này đưa ra.

Ngày 25/9, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An có công văn về việc hướng dẫn bổ sung thực hiện Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo và Chương trình tăng cường tiếng Anh từ năm học 2023-2024.

Theo lãnh đạo Sở, những năm qua việc triển khai Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo và Chương trình tăng cường tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục (gọi chung là Chương trình tăng cường) trên địa bàn Nghệ An đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, kết quả học và thi tiếng Anh của học sinh tiến bộ rõ rệt.

Do đó, để tiếp tục thực hiện tốt hơn chương trình tăng cường, Sở yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt các nội dung quy định tại một số công văn liên quan tới Chương trình tăng cường đã ban hành trước đây. Đồng thời thực hiện tốt các nội dung gồm: Quy trình lựa chọn trung tâm ngoại ngữ phối hợp các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình tăng cường.

danh-gia-1695865289.jpg
Một phần trong các tiêu chí đánh giá trung tâm ngoại ngữ khi thực hiện Chương trình tăng cường tại Nghệ An

Cụ thể, căn cứ vào nhu cầu của học sinh và sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, tình hình thực tế của nhà trường, thủ trưởng các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường trong đó có nội dung Chương trình tăng cường trong năm học mới, tổ chức thông báo rộng rãi lên website, facebook...của trường để học sinh, cha mẹ học sinh biết đăng ký tham gia.

Sau khi thông báo, sẽ tổng hợp nhu cầu học sinh đăng ký tham gia, đăng tải công khai lên website, facebook... của nhà trường để các trung tâm biết, nộp hồ sơ (Thông báo cần có các thông tin: Số lớp, số học sinh, số tiết/tuần, chương trình học, yêu cầu về chuẩn đầu ra, yêu cầu tối thiểu về giáo viên, nơi nộp hồ sơ, thông tin về người nhận hồ sơ, giới hạn thời gian nhận hồ sơ). Thời gian từ khi thông báo đến khi hết hạn nhận hồ sơ năng lực của Trung tâm ngoại ngữ ít nhất là 10 ngày.

Bước tiếp theo là thu nhận hồ sơ và tổ chức lựa chọn trung tâm. Ở bước này, sẽ có phần thành lập Hội đồng lựa chọn. Hội đồng này gồm các thành viên như, ban giám hiệu trường, tổ trưởng tổ ngoại ngữ, chủ tịch công đoàn, trưởng ban thanh tra nhân dân, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh. Đối với các cơ sở giáo dục không có giáo viên ngoại ngữ, nhà trường mời chuyên gia hoặc giáo viên ngoại ngữ có đủ năng lực để tham gia Hội đồng lựa chọn; chuyên viên phụ trách ngoại ngữ của Phòng Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chỉ đạo, giám sát...Căn cứ vào các tiêu chí đánh giá, hội đồng sẽ lập biên bản.

Khi đã lựa chọn được trung tâm, các cơ sở giáo dục phải thông báo lên phương tiện thông tin đại chúng rộng rãi. Từ đó, các cơ sở giáo dục phối hợp với trung tâm ngoại ngữ được lựa chọn xây dựng kế hoạch, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt...

tieng-anh-tang-cuong-1-1695603337-1695865127.jpg
Một giờ học tiếng Anh tăng cường do giáo viên tại Trung tâm Việt Úc 3 đứng lớp (Ảnh: Facebook Việt Úc 3)

Thứ hai, việc thẩm định phê duyệt Chương trình tăng cường từ năm học 2023-2024 được yêu cầu thực hiện đúng các quy định tại công văn số 1530 đã ban hành 5/8/2021 và công văn số 1670 ngày 15/8/2022 liên quan tới Chương trình tiếng Anh tăng cường mà Sở này đã ban hành.

Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện được yêu cầu tổ chức phê duyệt kế hoạch tăng cường tiếng Anh cho các cơ sở giáo dục; tổng hợp thời khóa biểu tổ chức dạy học tăng cường tiếng Anh của tất cả cơ sở giáo dục thuộc địa bàn quản lý và gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo trước 15/10 hàng năm...

Với trường Mầm non Hoa Sen, các trường THPT có tổ chức Chương trình tăng cường tiếng Anh từ năm học 2023-2024: Nạp hồ sơ về Sở để thẩm định, phê duyệt, trước 05/10 hàng năm...

4 ngày trước, Tạp chí điện tử Nhân lực Nhân tài Việt có bài phản ánh 'Ma trận' trung tâm tiếng Anh tăng cường, phụ huynh xứ Nghệ trăn trở. Nội dung bài viết nói về thực trạng đang diễn ra ở TP. Vinh có quá nhiều trung tâm Anh ngữ dạy tăng cường được cấp phép. Tuy nhiên có hiện tượng trong một trường học lại có nhiều trung tâm khác nhau cùng dạy, xuất hiện nhiều đơn vị "vua thầu" tiếng Anh tăng cường; việc tổ chức lớp học, bố trí giáo viên chưa hợp lý; chưa bố trí trung tâm khảo thí độc lập để đánh giá chuẩn đầu ra cho các lớp tiếng Anh tăng cường... là nỗi lo lắng của nhiều phụ huynh...

Nhóm PV VPĐD Thanh - Nghệ - Tĩnh