Thêm cơ hội cho lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc trong năm 2022

Hàn Quốc và Singapore và một số thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam đã phát đi những thông tin thu hút lao động nước ngoài đến làm việc với nhiều đãi ngộ hấp dẫn.
them-co-hoi-cho-lao-dong-viet-nam-ra-nuoc-ngoai-lam-viec-trong-nam-2022-1642142882.jpeg

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Bộ Nhân lực Singapore vừa thông báo kể từ nay đến tháng 8-2022, bộ này sẽ thực hiện thí điểm tiếp nhận người lao động Việt Nam làm việc tại Singapore ở các ngành xây dựng, hàng hải và chế biến dưới hình thức visa Work Permit.

Trước đây, Singapore chỉ cấp visa cho lao động Việt Nam làm việc tại nước này dưới hình thức visa Employment Pass và S Pass.

Bộ Nhân lực Singapore cho biết hợp đồng đưa người lao động Việt Nam sang làm việc ở ngành xây dựng, hàng hải và chế biến phải tuân thủ các quy định pháp luật của hai nước.

Theo quy định pháp luật lao động Singapore, thời gian làm việc tối đa 8 giờ/ngày, 44 giờ/tuần, không bao gồm thời gian ăn uống và nghỉ ngơi. Người lao động được hưởng tối thiểu 1 ngày nghỉ/tuần, được nghỉ có lương vào các ngày nghỉ lễ, được nghỉ phép hằng năm có thanh toán lương 7 ngày cho 12 tháng làm việc liên tục và được tăng 1 ngày nghỉ cho mỗi 12 tháng làm việc liên tục nhưng không quá 14 ngày/năm.

Tại Hàn Quốc, quốc gia này vừa công bố tổng chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS) Hàn Quốc sẽ tiếp nhận trong năm 2022 được quyết định ở mức 59.000 người (tăng 7.000 chỉ tiêu so với năm 2021).

Bộ Tư pháp Hàn Quốc mới đây cũng đã đưa ra một loạt chính sách nhập cư cởi mở và hòa nhập hơn nhằm tăng số lượng lao động nước ngoài để góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng của quốc gia trong bối cảnh đất nước liên tục giảm dân số, tỉ lệ sinh thấp và xã hội già hóa.

Dự kiến ngay trong nửa đầu năm 2022, Bộ Tư pháp sẽ khởi động "Hệ thống cấp thị thực nhanh" dành riêng cho những công dân nước ngoài đã có bằng thạc sĩ, tiến sĩ hoặc bằng cấp về khoa học và công nghệ thông tin tại Hàn Quốc. Đồng thời, Hàn Quốc sẽ bảo đảm tư cách lưu trú cho những người này trong thời gian tìm việc làm tại đây.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam Nguyễn Ngọc Quỳnh, các thị trường lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc, ngoài các chương trình mà hai bên đã ký kết như EPS (Hàn Quốc) và IM Japan (Nhật Bản), các quốc gia này đang đẩy mạnh việc thu hút nhân lực có chất lượng, tay nghề cao hơn từ Việt Nam.

Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy người lao động Việt Nam đã dần khẳng định được tay nghề, kỹ năng và trình độ của mình trong thị trường lao động vốn đòi hỏi cao tại các quốc gia phát triển này.

BÌNH LUẬN