Bà N. (72 tuổi, quê Thái Bình), hiện bán hàng nước trên vỉa hè đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, bà rất mong muốn Nhà nước cho thuê vỉa hè để yên tâm kinh doanh.
“Tôi thấy trong miền Nam triển khai rồi. Tôi mong Hà Nội cũng sớm triển khai để mình thuê và yên tâm bán hàng. Tôi mong muốn, giá cho thuê khoảng 300.000 đồng/m2. Như thế, với chỗ ngồi bán nước như tôi chừng 2 triệu đồng/tháng là phù hợp”, bà N. bày tỏ.
Tương tự, vỉa hè phố Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân) khá rộng. Vì thế, nhiều chủ cửa hàng cũng mong muốn được thuê thêm vỉa hè để tiện kinh doanh. Chị Thảo, chủ một cơ sở trên đường Vũ Trọng Phụng, cho biết, mặt bằng chị đang thuê để kinh doanh có diện tích khoảng 15m2, với giá 12 triệu đồng/tháng. “Hiện vỉa hè rộng để không cũng lãng phí. Nếu được, nhà nước có thể cho thuê từ 1-1,5m chiều rộng, như thế vỉa hè vẫn còn chỗ cho người đi bộ, Nhà nước có thêm nguồn thu”, chị Thảo nói. Theo chị, giá thuê vỉa hè cần căn cứ vào vị trí các tuyến phố, không nên cào bằng.
Theo ông Nguyễn Kiều Hưng, Chủ tịch UBND phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội, thời gian qua chính quyền cơ sở rất vất vả trong việc đảm bảo an ninh, trật tự.
Các thành viên Ban chỉ đạo 197 và đội trật tự của phường đã rất vất vả. Ngoài việc đi xử lý lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, Ban chỉ đạo 197 còn phải hỗ trợ an ninh, phân luồng giao thông vào giờ cao điểm. Hơn nữa, nhân sự ít, nên các thành viên phải chia làm 3 ca. Trong mỗi ca, các thành viên phải thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo để nắm tình hình. Dù thường xuyên làm việc, nhưng không phải lúc nào kết quả cũng tốt. Bởi lòng đường, vỉa hè là nơi mưu sinh của nhiều người, nên khi cán bộ đến thì họ dọn hàng, bỏ đi. Khi cán bộ vừa đi khuất thì họ lại bày hàng bán trở lại. Đó là chưa kể, xử lý được chỗ này thì lại “phình” ở chỗ kia, nên nhiều người thắc mắc “sao xử lý tôi mà không xử lý người khác”, ông Hưng chia sẻ.
Cũng theo ông Hưng, công việc vất vả, áp lực trong khi phụ cấp thấp nên nhiều người xin nghỉ. Thậm chí, có tuần 7-8 người nghỉ, UBND phường lại phải vận động các thành viên ở lại. Dù vậy, cũng có người ở lại, người thì cương quyết xin nghỉ nên UBND phường lại phải mời những người nhiệt tình ở địa phương vào đội trật tự để hỗ trợ.
Cũng ông Hưng cho biết, nếu cấp trên cho thuê vỉa hè tại một số tuyến phố có vỉa hè rộng kinh doanh, sẽ góp phần giảm áp lực cho cơ sở, tạo điều kiện thuận tiện cho công tác quản lý. Không những thế, ngân sách còn có thêm nguồn thu để tái đầu tư cho hạ tầng.
Nhiều quận đề xuất cho thuê vỉa hè
Ghi nhận của PV Tiền Phong tại các tuyến phố có vị trí đắc địa tại quận Hoàn Kiếm như 94 Lý Thường Kiệt, 15 Ngô Quyền, 30A Lý Thường Kiệt, 11 Lê Phụng Hiểu..., có những bàn ghế bán cafe kê sát tường của các tòa nhà, và những cửa hàng này luôn đông khách, chủ yếu là khách du lịch. Đa số đều có vách ngăn, phần phục vụ cafe được gia cố bằng chất liệu gỗ, cao hơn cốt vỉa hè khoảng 15cm. Đây là các tuyến phố đã được UBND quận Hoàn Kiếm cho thuê là điểm kinh doanh và là những địa điểm thu hút du khách trong và ngoài nước. Toàn bộ các đoạn phố được cho thuê đều có vỉa hè rộng trên 5m, hợp đồng cho thuê 6 tháng/lần với giá 45.000 đồng/m2 - bằng giá cho thuê vỉa hè để cấp phép phương tiện. Thời gian tới, quận Hoàn Kiếm tiếp tục đề xuất thành phố một số tuyến phố đủ điều kiện, chủ yếu phục vụ khách du lịch.
Ông Trương Minh Quang, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa cho biết, quận đã giao cho các phường rà soát tổng thể toàn bộ các tuyến phố trên địa bàn, từ đó đề xuất UBND quận tổng hợp để lập đề án thí điểm cho thuê vỉa hè. Theo đánh giá ban đầu, quận Đống Đa có khoảng 10 tuyến đáp ứng được tiêu chí cho thuê vỉa hè, tuy nhiên ban đầu sẽ thí điểm một tuyến. “Sau khi xây dựng đề án, quận xác định mục đích cho thuê, đề xuất xây dựng giá trình HĐND quận chấp thuận rồi báo cáo thành phố. Dự kiến cuối tháng 5 sẽ có đề xuất này”, ông Quang chia sẻ. Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân Công Minh Tuấn cho biết, phường đã đề xuất quận cho phép cho thuê vỉa hè tại 2 tuyến phố Vũ Tuấn Chiêu và phố Trịnh Công Sơn. Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, tại Hà Nội, vỉa hè không chỉ là nơi dành cho người đi bộ mà còn là nơi tạo sinh kế cho người dân. Ông Dũng chia sẻ câu chuyện một lãnh đạo phường nói với ông rằng khi thực hiện chiến dịch lập lại trật tự đô thị, có cửa hàng bị phạt ba lần một tháng, mỗi lần phạt 2,5 triệu đồng nhưng người dân vẫn vui vẻ nộp phạt. “Nói để thấy kinh tế lòng đường, vỉa hè mang lại nguồn thu rất lớn, cần có quy hoạch căn cơ, bài bản”, ông Dũng nói.
10/05/2023 | 06:18 / TP