Mô hình quốc phòng theo phân vùng địa bàn

Lương Đàm
Phân vùng địa bàn là vấn đề không hề dễ dàng. Các địa bàn đô thị tập trung đông dân cư đang xuất hiện ngày càng nhiều; song địa bàn làng xã vẫn là chủ yếu, trong đó đa số làng, bản, plei, buôn, bon... của đồng bào các dân tộc thiểu số thường nằm ở vùng sâu, vùng xa; đồng thời còn phải tính đến địa bàn vùng biên mà hầu hết các tỉnh đều có.
16463621296309-1722181623.jpeg
Lực lượng dân quân tự vệ. Ảnh: TTXVN

Do vậy, việc xây dựng mô hình quốc phòng theo phân vùng địa bàn không thể chỉ bằng một vài mô hình thuần nhất, mà có thể nói, ở mỗi một loại hình địa bàn lại cần đến một mô hình quốc phòng, cũng như những mô thức xây dựng, vận hành quốc phòng cụ thể phù hợp.

Mô hình cụ thể về quốc phòng theo phân vùng địa bàn hiện nay đã định hình và phát huy hiệu quả. Cần tiếp tục nghiên cứu và thể nghiệm trong thực tiễn để hoàn thiện bộ máy, xây dựng lực lượng, xác định nhiệm vụ, hoàn thiện cơ chế vận hành và hoạt động; đặc biệt là bộ máy chỉ huy và cơ chế vận hành khi xử lý các tình huống quốc phòng trên địa bàn. Cần lưu ý là ở những nơi tập trung tương đối đông dân cư như các thành phố, thị xã hay ở vùng nông thôn thì lĩnh vực an ninh bao giờ cũng trở nên nổi cộm, giải quyết hàng loạt các vấn đề vi mô; còn việc xây dựng và vận hành hệ thống quốc phòng lại phải hết sức cẩn trọng nếu không muốn nảy sinh bức xúc giữa người dân với bộ máy chính quyền nhà nước, giữa dân sự và quân sự... Ngược lại, ở những nơi thưa dân như vùng sâu, vùng xa, vùng biên, vùng núi... thì thuận tiện hơn cho triển khai lực lượng quốc phòng, nhất là các công trình phòng thủ quân sự.

Ở địa bàn trung tâm dân cư đô thị, mô hình quốc phòng cơ bản được thiết kế theo hệ thống dọc do cơ quan quân sự các cấp trực tiếp đảm nhiệm dưới sự lãnh đạo, điều hành của cấp uỷ và chính quyền cùng cấp. Trong đó, cần đặc biệt chú ý các yếu tố “nhạy cảm quân sự” như khả năng tác chiến phòng thủ đô thị của các thứ quân, các điểm cao khống chế, hệ thống kết cấu hạ tầng tạo địa lợi cho hoạt động quân sự, khả năng thiết lập nhanh chóng các loại công trình phòng thủ quân sự khi có tình huống chiến tranh, khả năng cơ động tác chiến, bảo đảm hậu cần - kỹ thuật... Mô hình quốc phòng ở địa bàn trung tâm dân cư - đô thị cũng có đặc điểm riêng ở chỗ chỉ quản lý người dân với tư cách thành viên cư trú mà không thể hiện rõ tư cách thành viên cộng đồng truyền thống.

Ở địa bàn nông thôn, tuy cũng là địa bàn có mật độ dân cư đông song thể hiện rõ hơn tính cách thành viên cộng đồng theo truyền thống sinh hoạt làng xã. Do vậy, mô hình quốc phòng theo phân vùng địa bàn ở đây mang những nét riêng so với địa bàn đô thị. Khác với ở địa bàn đô thị chủ yếu tập trung quản lý quốc phòng vĩ mô và thế tác chiến đô thị, ở nông thôn phải triển khai toàn diện các thành tố tiềm lực quốc phòng, thế trận quốc phòng, lực lượng quốc phòng, phương thức vận hành nền quốc phòng. Việc xác định các yếu tố cho phép chuyển hóa từ thế trận quốc phòng toàn dân sang thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc cũng có tính khả thi cao như xác định chiến trường và các hướng phòng thủ; chuẩn bị khu căn cứ, bố trí đội hình và tuyến cơ động binh lực, hoả lực; thục luyện phương án chiến đấu và hiệp đồng tác chiến..., nhất là đối với lực lượng dân quân làng xã.

screenshot-1-1722181651.png
Huấn luyện Đại đội dân quân cơ động huyện Thường Tín. Ảnh: Quốc phòng Thủ đô

Ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, do đặc điểm thưa dân nên sự “va chạm” giữa dân với chính quyền không dày, các vấn đề trật tự an toàn xã hội ít nổi cộm, song công tác nắm dân, quản lý an ninh chính trị lại trở nên khó khăn và phức tạp so với địa bàn khác. Vùng sâu, vùng xa lại chính là nơi ẩn náu ưa thích của các đối tượng an ninh cũng như các loại tội phạm. Tuy nhiên, đối với hệ thống quốc phòng, địa bàn càng thưa dân thì càng cần đến sự có mặt của lực lượng quân đội để bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Hơn nữa, đây cũng là nơi thuận lợi để triển khai các chiến trường chính, hệ thống công trình phòng thủ, căn cứ địa chiến lược, điểm tựa, bàn đạp tác chiến...

Ở địa bàn vùng biên, có thể nói cách thức tổ chức quốc phòng dựa trên cơ sở lực lượng bộ đội biên phòng làm nòng cốt như mô hình hiện nay là ưu việt. Do chức trách nhiệm vụ, vị thế xã hội và bề dày kinh nghiệm công tác được tích lũy, bộ đội biên phòng là lực lượng gắn bó máu thịt nhất với nhân dân ở vùng biên giới, kể cả đối với đồng bào các tộc người thiểu số tại chỗ, đồng thời trực tiếp giữ liên hệ mật thiết với chính quyền, nhân dân và lực lượng biên phòng của các nước bạn. Bộ đội biên phòng vừa là lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước ở biên giới, vừa là lực lượng trực tiếp bảo vệ an ninh biên giới. Mô hình của bộ đội biên phòng đã và đang tổ chức thực hiện trên thực tế là các đội công tác vận động quần chúng và phân công sĩ quan phối thuộc tăng cường cán bộ cho địa phương cơ sở, trực tiếp đảm nhiệm những cương vị quan trọng như ủy viên hoặc phó bí thư thường trực cấp ủy, ủy viên hội đồng nhân dân, là mô hình đã phát huy hiệu quả cao trong thực tiễn. Tuy nhiên, mô hình này cần được rà soát, bổ sung và nhất là tạo hệ cơ chế, phương thức chính thống về phối hợp, kết hợp giữa các lực lượng biên phòng, quân đội và công an để công tác quốc phòng, an ninh ở địa bàn vùng biên không được tách khỏi hệ thống quốc phòng và an ninh chung.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến