Lao động trở lại thành phố: Hy vọng cuộc sống mới tốt đẹp hơn

Phóng viên Thanh Niên đã đến nhiều nhà trọ ghi nhận tình hình người lao động quay lại thành phố làm việc sau thời gian chạy dịch về quê.

Nhiều lao động trẻ vào thành phố với hành trang là chiếc ba lô quần áo, có người phải xin tiền ba mẹ mua vé xe, nhà trọ mới thuê trống trơn…

Thế nhưng đa số lao động trẻ mà chúng tôi gặp, họ đều nuôi quyết tâm bắt đầu lại từ đầu sau cơn đại dịch. Vậy họ đã bắt đầu lại cuộc sống như thế nào?

nguoi-lao-dong-quay-lai-thanh-pho-duoc-tu-van-va-gioi-thieu-viec-lam-mien-phi-tai-trung-tam-dich-vu-viec-lam-thanh-nien-tphcm-1645783989.jpg
Người lao động quay lại thành phố được tư vấn và giới thiệu việc làm miễn phí tại Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên TP. Hồ Chí Minh

Phải vào thành phố vì gánh nặng gia đình

Giữa tháng 10.2021, sau khi thành phố nới lỏng giãn cách và người lao động được về quê, không cần suy nghĩ, anh Đặng Văn Hiếu (23 tuổi), trọ tại 107 Bình Chiểu, P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) liền xách ba lô về quê.

“Thời gian đó chỉ thấy được về quê là mình về liền chứ không suy nghĩ hay có định hướng gì hết. Vì khổ quá mà, hơn 4 tháng không đi làm, không có tiền, lúc đó ai cho gì ăn nấy và sống cầm cự qua ngày thì làm sao mà suy nghĩ gì nữa, được về quê là mình mừng lắm rồi”, Hiếu nhớ lại khoảng thời gian không thể nào quên.

Hiếu cho biết vì mình làm lao động tự do, đi làm thợ hồ cho các công trình nên trong dịch nghỉ việc không được hỗ trợ gì. “Người ta làm cho công ty thì còn được hỗ trợ bao nhiêu phần trăm lương này kia, còn mình thì đâu có đồng nào, vì thế mà khó khăn vô cùng”, Hiếu nói.

Thế nhưng nay vào lại thành phố, Hiếu không chỉ đi một mình mà dẫn theo cô em gái Đặng Thị Hiền (18 tuổi) mới thi tốt nghiệp THPT năm rồi để vào xin việc, trên tay 2 anh em chẳng có gì ngoài mấy túi quần áo.

“Hôm chạy dịch về quê đâu còn gì trong túi đâu ạ, nay vào lại phải xin tiền ba mẹ để mua vé chứ đâu có đồng bạc nào. Đây là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm đi làm ở thành phố lại lấy tiền ba mẹ để mua vé vào, nhưng cũng đành chịu thôi, biết làm sao giờ”, Hiếu kể.

Hiếu ngậm ngùi khi nhắc đến việc này, vì trước giờ Hiếu dường như là trụ cột chính của gia đình. Nhà có 5 anh em, chị gái làm công nhân nhưng cũng đã lập gia đình, một em gái nay theo Hiếu vào thành phố xin làm công nhân, ở nhà còn 2 em nhỏ đang đi học, một mình Hiếu bao năm qua bôn ba nơi xứ người làm thợ hồ phụ ba mẹ lo cho mấy em. Mọi năm, cứ mỗi tháng là gửi tiền về nhà, nay lại ngậm đắng xin tiền ba mẹ mua vé vào lại thành phố.

Nhìn phòng trọ của 2 anh em Hiếu trống trơn, chúng tôi thắc mắc rồi phải sống thế nào, thì Hiếu nói: “Từ từ đi làm rồi mới có tiền sắm sửa dần dần thôi ạ, chứ biết sao giờ”.

Hỏi Hiếu: “Vào lại thành phố có bị ám ảnh thời gian khó khăn vì dịch?”, Hiếu bảo: “Phải vào lại để đi làm vì gánh nặng của gia đình, hơn nữa ở đây làm quen rồi, chủ thầu cũng quen nên vào là sẽ có việc làm ngay. Tiêm đủ vắc xin rồi nên mình cũng yên tâm để đi làm”.

hai-anh-em-hieu-va-hien-phai-xin-tien-ba-me-mua-ve-vao-thanh-pho-bat-dau-lai-cuoc-muu-sinh-1645783989.jpg
Hai anh em Hiếu và Hiền phải xin tiền ba mẹ mua vé vào thành phố bắt đầu lại cuộc mưu sinh

Hy vọng cuộc sống mới sẽ tốt hơn

Tại khu nhà trọ của chị Nguyễn Ngọc Mai, số 1155/3/7 tỉnh lộ 43, P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức, có 196 phòng, với hơn 400 công nhân thuê trọ. Chị Mai cho biết trong thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19, khu trọ có gần 100 công nhân trả phòng về quê nhưng đến nay mọi người quay lại gần như đầy đủ.

Đang sống tại khu nhà trọ của chị Mai, Phạm Thị Thanh Minh (22 tuổi, quê Hà Tĩnh) chia sẻ: “Khi tình hình dịch Covid-19 chuyển biến phức tạp mình đã xin nghỉ về quê tránh dịch từ tháng 7.2021, nhưng khi hay tin tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát thì mình nghĩ ngay đến chuyện phải quay lại TP.Hồ Chí Minh để kiếm việc làm. Cũng may khi vào lại sau tết, mình đã nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp”.

Nhưng Minh lo lắng: “Vì sợ không tìm được việc làm nên mình tranh thủ vô trước để tìm việc, còn ông xã thì 10 ngày nữa mới vào được. Mình đang lo là không biết khi chồng mình vào có tìm được việc làm ngay không nữa, chỉ mong anh ấy cũng nhanh chóng tìm được việc để ổn định cuộc sống, vì một năm Covid-19 đã khó khăn quá rồi”.

Ở cùng dãy trọ với Minh, chị Nguyễn Thị Hương (35 tuổi, quê Hà Tĩnh) nghẹn ngào nhớ lại chuyến hành trình lịch sử khi cùng chồng và đứa con nhỏ chạy dịch về quê trên chiếc xe máy.

“Ngày 4.10.2021, sau khi được thông chốt là vợ chồng mình đi xe máy về quê. Vì đợt dịch khó khăn quá nên mới về quê, chứ nếu không thì đâu có đi như vậy. Xe khách thì đâu đủ tiền đi nên thôi quyết định về bằng xe máy, mà lúc đó không chỉ vợ chồng mình, dãy trọ này cũng hơn 10 xe như vậy, ở các khu khác nữa thì lúc đó một đoàn cả ngàn xe, đông lắm luôn”, chị Hương kể.

Đối với gia đình chị Hương cũng như nhiều lao động khác thì việc chạy xe máy về quê đó như là chuyến đi lịch sử.

“Trên đường về, may mà nhờ mọi người giúp đỡ, ở dọc đường nhiều nhà hảo tâm cứu giúp cho thức ăn, nước uống rồi sữa cho em bé…, về đến tỉnh nào là có cảnh sát giao thông dẫn đường và hướng dẫn tụi mình qua đèo các kiểu, lúc nào gặp cây xăng hoặc bãi đất rộng mà không có người thì mới dừng chân nghỉ một vài tiếng vì không biết mình về từ vùng dịch có an toàn không nên chỉ dám dừng ở những nơi không có người”, chị Hương nhớ lại và kể tiếp: “Chỉ có một ngày đầu tiên là trời nắng, còn lại 2 ngày 2 đêm mưa tầm tã. Mưa vừa ướt vừa lạnh nhưng vẫn phải chạy vì lúc đó chỉ có một ước muốn là được về đến nhà. Rồi ngồi nhiều mỏi người, vì thế 2 vợ chồng thay phiên nhau chạy xe, về đến nhà là cả gia đình đều khóc vì quá vui mừng…”.

Mặc dù là một chuyến đi lịch sử để được về quê nhà, nhưng 2 vợ chồng chị Hương vẫn quyết định vào thành phố bắt đầu lại từ đầu.

“Ở quê cũng có công ty nhưng làm ở đâu quen đó rồi, hơn nữa mức lương ở quê cũng không cao, khí hậu cũng không thuận lợi như trong này nên mình vào lại”, chị Hương bày tỏ và chia sẻ thêm: “Giờ vào thì chưa sắm sửa được nhiều, có gì dùng đó thôi, dần dần có tiền thì sắm tiếp. Hy vọng bắt đầu lại cuộc sống mới sẽ tốt hơn và những khó khăn của năm Covid-19 sẽ đi qua”.