Công nhân trở lại làm việc sau khi được tăng lương

Hơn 500 công nhân Công ty May mặc xuất khẩu Appareltech đóng ở huyện Đức Thọ quay lại nhà máy, sau bốn ngày ngừng việc đòi quyền lợi.

Đầu giờ sáng 21/2, đại diện công ty cùng lãnh đạo địa phương, ngành lao động đã đến nhà máy đón công nhân trở lại làm việc trên 18 dây chuyền.

Đại diện Công ty May mặc xuất khẩu Appareltech Hà Tĩnh, đóng ở cụm công nghiệp Đức Thọ, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, cho biết đa số công nhân hài lòng khi 13 kiến nghị nêu ra hôm 17/2 đều được đáp ứng.

cum-cong-nghiep-duc-tho-noi-cong-ty-appareltech-ha-tinh-dat-tru-so-1645444572.jpg
Cụm công nghiệp Đức Thọ, nơi Công ty Appareltech Hà Tĩnh đặt trụ sở

Theo đó, công ty đồng ý tăng 5% lương cơ bản cho toàn bộ công nhân khi hết thời gian thử việc, trường hợp đã ký hợp đồng lao động thì được tăng lương một bậc, áp dụng từ ngày 1/3. Người có tay nghề bậc hai, bậc ba, nếu muốn tăng lên các bậc cao hơn thì viết đơn đề nghị quản lý, bộ phận kỹ thuật sẽ kiểm tra tay nghề của họ để được xét duyệt đúng năng lực.

Công nhân Appareltech Hà Tĩnh hiện nhận lương cơ bản từ 3,4 đến 4 triệu đồng, chưa tính phụ cấp. "Dịp này một người được tăng từ mức 200.000-300.000 đồng, thấp nhấp 170.000 đồng, chưa kể tiền chuyên cần", đại diện công ty nói.

Ban giám đốc cũng cho chủ trương điều chỉnh thời gian làm việc hàng ngày so với trước, buổi sáng từ 7h30 thay cho 7h20, chiều là 12h30 thay vì 12h20. Với chế độ nghỉ phép, tổ trưởng sản xuất hoặc trưởng dây chuyền cần sắp xếp hợp lý, sao cho mỗi ngày trên dây chuyền không quá ba người nghỉ phép.

Với tiền thâm niên, người làm việc đủ ba năm trở lên sẽ hưởng 90.0000 đồng một tháng, sau đó cứ thêm một năm được tăng 30.000 đồng một tháng. Các chế độ phụ cấp khác như tiền cho lao động chuyên cần, xăng xe, bữa ăn, làm việc trong môi trường độc hại, phụ nữ bốc hàng hóa... cũng được xem xét nâng. Ngoài ra, công nhân mắc Covid-19 sẽ được nghỉ và hưởng phụ cấp của công ty và Nhà nước trong 7 ngày theo giấy xác nhận cách ly của địa phương...

cong-nhan-appareltech-ha-tinh-ngung-viec-1645444572.jpg
Công nhân Appareltech Hà Tĩnh ngừng việc, chiều 17/2

Ông Hoàng Xuân Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, cho biết tại các cuộc họp với chính quyền địa phương, phía doanh nghiệp đã cầu thị, quan tâm, cân đối các yếu tố để điều chỉnh theo đề xuất của công nhân một cách phù hợp. "Quan điểm của chính quyền là luôn ủng hộ các bên làm đúng quy định pháp luật, với mục tiêu là ổn định để phát triển kinh tế", ông Hùng nói.

Trước đó chiều 17/2, hơn 500 công nhân Công ty Appareltech Hà Tĩnh rời dây chuyền sản xuất, chia làm nhiều nhóm tập trung đi lại bên trong khuôn viên nhà máy đề nghị tăng lương và nhiều chế độ phụ cấp. Một số người phát trực tiếp sự việc lên mạng xã hội. Hơn 16h cùng ngày, sau cuộc đối thoại với ban giám đốc và chính quyền địa phương, số công nhân trên được cho về.

Công ty may mặc xuất khẩu Appareltech Hà Tĩnh chuyên sản xuất quần áo, thành lập năm 2020, 100% vốn Hàn Quốc, quy mô hơn 1.000 công nhân.

Tại Nghệ An, lãnh đạo Công ty cổ phần Nam Thuận đóng ở huyện Diễn Châu, cho hay hơn 400 công nhân đã trở lại làm việc từ hai ngày qua. Trước đó, chiều 15/2 số công nhân này ngừng việc, tập trung trật tự trong khuôn viên để yêu cầu tăng tiền xăng xe và một số phụ cấp. Tại một số phân xưởng, hàng trăm công nhân khác làm việc bình thường.

cong-nhan-cong-ty-co-phan-nam-thuan-ngung-viec-1645444572.jpg
Công nhân Công ty cổ phần Nam Thuận ngừng việc

Lãnh đạo công ty đã làm việc với đại diện công nhân để giải đáp thắc mắc. Phía doanh nghiệp cho rằng, các chế độ mà họ đang trả cho người lao động đều ở mức cao hoặc bằng so với mặt bằng chung, do đó không chấp thuận những yêu cầu mà công nhân đòi hỏi.

Ông Phạm Đức Cường, Chủ tịch liên đoàn lao động huyện Diễn Châu, cho rằng vai trò của công đoàn cần khách quan. Cái gì người lao động chưa hiểu thì cần phải giải thích, tuyên truyền, đồng thời tìm hiểu tình hình doanh nghiệp. "Nguyên tắc là hài hòa lợi ích hai bên, đảm bảo an ninh trật tự", ông Cường nói.

Công ty cổ phần Nam Thuận chuyên về may mặc, hoạt động từ năm 2019, quy mô khoảng 1.600 người.

Trước và sau Tết Nhâm Dần, cả nước xảy ra gần 30 cuộc ngừng việc tập thể, tranh chấp lao động tại 11 địa phương. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhận định, nguyên nhân chủ yếu là người lao động chưa đồng tình với hình thức trả lương, nâng lương định kỳ của doanh nghiệp. Một số khởi phát từ thái độ không đúng mực của quản lý, các quy định cứng nhắc, chất lượng bữa ăn kém...