Theo vị này, đối tượng người lao động thuê nhà ở tại TPHCM có 2 trường hợp: Lao động có hợp đồng và lao động không giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do). Về đóng góp vào chuỗi sản xuất, các đối tượng này đều quan trọng như nhau và rất cần được hỗ trợ.
Chủ tịch Hiệp hội HBA cho rằng, về chủ trương hỗ trợ tiền thuê nhà, chính sách nhà ở cho công nhân của Nhà nước đã tỏ rõ sự ưu việt, nhưng để đến mọi đối tượng, không phân biệt thì cần rà soát rõ đối tượng, có hiệu quả.
"Đối tượng thụ hưởng là công nhân, người lao động, chúng ta cần lắng nghe họ để hỗ trợ đúng đối tượng, không bỏ lọt. Ví dụ như người lao động tự do có cần được hỗ trợ hay không? Giải ngân theo hướng doanh nghiệp chủ động hay tổ chức đoàn thể địa phương như phòng LĐ-TB&XH, chính quyền địa phương, tổ dân phố, xã, phường....", ông Bé cho hay.
Thực tế, việc giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động ở lại các khu công nghiệp hay quay lại nơi làm việc cũ cần nhiều thủ tục, khó khăn hơn so với chính sách chi trả bảo hiểm thất nghiệp bởi đối tượng rộng hơn, cả người có giao kết hợp đồng lao động lẫn người làm việc tự do.
"Việc hỗ trợ tiền cho lao động làm việc hoặc quay trở lại làm việc cần phải căn cứ trên một số tiêu chí: Đối tượng mở rộng, ràng buộc trách nhiệm đối tượng thụ hưởng với thời gian làm việc, tránh lao động hưởng tiền xong nghỉ việc", chuyên gia của Hiệp hội HBA cho hay.
Về phương án Ngân hàng Chính sách xã hội được tiếp cận gói hỗ trợ, cho doanh nghiệp vay để phát triển nhà ở, đại diện một số doanh nghiệp tại TPHCM, Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng cần tính kỹ các phương án để có hiệu quả tốt nhất.
Theo ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM), chính sách cho vay với lãi suất thấp để doanh nghiệp phát triển nhà ở là chủ trương lớn, sắp tới khi sửa Luật Nhà ở, cơ quan chức năng sẽ phải đưa vào để thống nhất trong chủ trương chính sách nhằm tạo điều kiện cho xã hội hóa công tác này.
Theo lời của một chuyên gia BĐS tại TPHCM, việc giao tiền cho doanh nghiệp để phát triển nhà ở bất động sản là về chính sách, chủ trương, còn việc doanh nghiệp thuê bên thứ 3 thực hiện quyền đầu tư, phát triển nhà ở lại là chuyện khác, pháp luật cần làm rõ cái này để tạo đồng thuận dư luận.
Doanh nghiệp may mặc, cơ khí, điện tử không thể đi xin đất, xây nhà được, họ phải kêu gọi nhà thầu, để phát triển dự án BĐS cho một bên thứ 3 chuyên về BĐS, điều này tốt cho nền kinh tế.
"Quan trọng nhất bây giờ là chuyện đất đai, vốn và cơ chế giao quyền. Khi chúng ta có chủ trương, thì phải nghĩ đến xin đất đai, khi có đất đai rồi, lại phải nghĩ đến chuyện đấu thầu, kêu gọi mời thầu ra sao. Doanh nghiệp bất động sản cũng muốn có công việc, có lợi ích ở các dự án nhà ở xã hội đó mà pháp luật cho phép, việc này phải làm hài hòa như nào. Doanh nghiệp BĐS, xây dựng không chỉ đi xây thuê nhà ở đơn thuần, vậy thì nếu họ có gia tăng tầng, sàn để cho thuê hoặc bán nhà ở xã hội, thì có vi phạm không", vị chuyên gia của Hiệp hội BĐS TPHCM cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA, hiện trạng ở TPHCM khi nhiều khu nhà ở xã hội, ký túc xá cho học sinh, sinh viên vắng người ở cho thấy sự bất cập trong các chính sách về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp.
"Ở TPHCM, sở dĩ công nhân trọ ven thành phố nhiều do đi làm tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp dễ dàng hơn. Nếu có quỹ đất, chúng ta phải xây dựng nhà ở cho họ ở các vùng ven để tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân. Trường hợp xây dựng ở xa, cũng cần có phương tiện vận chuyển hợp lý, không thể bắt người lao động chạy xe honda 20-30 km đi làm trong ngày được", ông Bé chia sẻ.