Hòa bình đang là bức tranh tổng quát, song cũng tiềm ẩn những nguy cơ khó dự lường

Lương Đàm
Đối với công cuộc dựng nước và giữ nước của các dân tộc, vấn đề dự báo các tình huống về chiến tranh và hòa bình có thể xảy ra trong bối cảnh quốc tế, khu vực là hết sức quan trọng.
dh31932021-1706713954.jpeg
Phòng chống “diễn biến hòa bình” tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, dẫn tới bị động, lúng túng trong cuộc chiến “không khói súng” nhưng đầy cam go, quyết liệt này. Ảnh: CPV

Đó là một trong những cơ sở thực tiễn để các nhà nước hoạch định chiến lược quốc gia, chủ động đề ra các chính sách và giải pháp xây dựng tiềm lực quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng, thế trận chiến tranh, chuẩn bị và thực hành đấu tranh giành thắng lợi khi tình huống xảy ra.

Trong thế giới đương đại, cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ hiện đại, đang xuất hiện nhiều kiểu và loại hình chiến tranh mới, với nguyên nhân, nguyên cớ ngày càng phức tạp. Về vấn đề hòa bình, quan hệ hòa bình và chiến tranh, đặc biệt là sự chuyển hóa chiến tranh - hòa bình cũng tương tự. Giải đáp lý luận về những khía cạnh này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và gìn giữ môi trường hòa bình, bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ chính trị.

Đối với nước ta, trước biến động của tình hình chính trị, kinh tế, quân sự trên thế giới và thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch diễn ra gần đây, việc dự báo sự phát triển mới của các tình huống chiến lược về chiến tranh và hòa bình càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi phải nghiên cứu một cách công phu, nghiêm túc, trên cơ sở khoa học, toàn diện, biện chứng, khách quan.

Tình hình thế giới trong bối cảnh thế giới đương đại sẽ tiếp tục có những biến động phức tạp, khó lường. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển nhảy vọt; nền kinh tế tri thức có vai trò ngày càng lớn và tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực an ninh, quốc phòng, quân sự; toàn cầu hóa kinh tế là xu thế tất yếu khách quan, ngày càng có nhiều nước tham gia, tiếp tục phát triển mạnh mẽ và cạnh tranh gay gắt, quyết liệt; cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới vẫn đang diễn ra và chưa có dấu hiệu dừng...

Trước sự suy thoái kinh tế toàn cầu, khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là nơi duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế và đang trở thành động lực phát triển bền vững trong cục diện kinh tế, chính trị, quân sự... thế giới cũng như tác động đến vấn đề chiến tranh và hòa bình. Cục diện kinh tế, chính trị, quân sự... thế giới phát triển theo chiều hướng đa cực, song các nước siêu cường vẫn có tiếng nói quyết định. Các nước sẽ tiếp tục điều chỉnh chiến lược, sách lược, duy trì trạng thái vừa hòa hoãn, thỏa hiệp, vừa đấu tranh gay gắt nhưng tránh đối đầu, nhất là với những nước siêu cường.

qdnd-1706713987.jpeg
Tiếp tục xây dựng lực lượng quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, vững mạnh về tư tưởng, chính trị, gắn bó máu thịt với nhân dân, thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Ảnh: Ban Tuyên giáo Trung ương

Các mâu thuẫn cơ bản trên thế giới biểu hiện dưới những hình thức và mức độ khác nhau vẫn tồn tại và phát triển, có mặt sâu sắc hơn. Điều đó thể hiện ở những biến đổi sâu sắc trong tình hình thế giới do động thái Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cùng những biến động chính trị mang tính phản ứng dây chuyền ở khu vực Bắc Phi - Trung Đông và sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc.

Trên thực tế, do chưa có nước nào đủ sức tạo đối trọng nên Mỹ vẫn dựa trên sức mạnh kinh tế và quân sự để tiếp tục đẩy mạnh chiến lược toàn cầu nhằm ngăn chặn mọi “nguy cơ” đe dọa lợi ích, an ninh và tham vọng “lãnh đạo thế giới”. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ một mặt tiếp tục tăng cường quan hệ đồng minh chiến lược chặt chẽ với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Thái Lan, Philíppin, mặt khác tìm mọi biện pháp lôi kéo các nước ASEAN khác để kiềm chế Trung Quốc; thực hiện “đơn cực”, coi “nhân quyền” cao hơn “chủ quyền”, làm cho quan hệ quốc tế thêm phức tạp. Do vậy, khu vực châu Á - Thái Bình Dương dần dần trở thành tâm điểm hợp tác và cạnh tranh giữa các cường quốc.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến