Tin Giáo sư Trần Quang Hải - con trưởng nhà nghiên cứu Trần Văn Khê - qua đời hôm 29/12, khiến nhiều người trong giới âm nhạc dân tộc tiếc thương. Trước khi mất, dù bệnh nặng, ông sống lạc quan, vui vẻ nhờ âm nhạc. Trên trang cá nhân, nghệ sĩ đăng nhiều video chơi đàn, hát mừng Giáng sinh. Ngày 23/12, giáo sư còn gửi đến ban tổ chức Quỹ học bổng Trần Văn Khê tại TP Hồ Chí Minh một video ông nói về tâm nguyện lập quỹ học bổng của cha mình, với mục đích hỗ trợ những sinh viên ưu tú, vinh danh các nhà nghiên cứu có đóng góp cho âm nhạc nước nhà.
Trần Quang Hải chịu nhiều ảnh hưởng từ người cha quá cố. Nhiều học trò của ông Khê từng nhận xét hai người giống nhau từ diện mạo, giọng nói, đồng điệu tấm lòng yêu nhạc Việt, lại cùng tốt nghiệp Đại học Sorbonne (Pháp). Khi cha mất năm 2015, Trần Quang Hải nói ông "như rắn mất đầu" vì phải rời xa người cha, người thầy, người định hướng ông trên con đường nghệ thuật.
Sinh năm 1944 tại Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) trong gia đình có truyền thống âm nhạc, là hậu duệ đời thứ năm của nhạc sĩ cung đình Huế Trần Quang Thọ, thế nhưng khi mới vào nghề, Trần Quang Hải chọn học violin ở trường Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Năm 1961, khi ông đang học nâng cao nhạc cụ này ở Pháp, Giáo sư Trần Văn Khê sang khuyên con về nước.
Giáo sư Khê tổ chức một buổi gặp mặt, mời violist Yehudi Menuhin đến để khuyên con trai. Nghe Trần Quang Hải đàn, Yehudi Menuhin khen hay, nhận xét ông có thể tốt nghiệp loại ưu ở Pháp. Thế nhưng nghệ sĩ nổi tiếng gợi ý: "Thế giới đã có hàng nghìn người violin giỏi, đâu cần thêm một người Việt Nam chơi vĩ cầm. Tại sao cháu không theo cha học hỏi âm nhạc Việt Nam?". Về nhà, Trần Quang Hải suy nghĩ một tuần, sau đó quỳ xuống xin cha nhận làm học trò.
Ông dành 10 năm học đàn tranh, đàn nhị, độc huyền cầm, cùng cha biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới. Sau đó, ông lại sang Pháp học thêm, lấy bằng tiến sĩ, làm việc cho Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học tại Bảo tàng Con người (Musée de l’Homme) ở Paris. Giáo sư Trần Quang Hải luôn nhớ công ơn cha, người tác động trực tiếp đến sự nghiệp, thẩm mỹ của ông: "Nếu không có cha, suốt đời tôi sẽ chỉ là một nhạc công vĩ cầm", ông nói trong một bài phỏng vấn năm 2016, một năm sau ngày cha ông qua đời. Trần Quang Hải tiếp nối nhiều di sản của cha, là người thay Giáo sư Trần Văn Khê hoàn thiện hồ sơ trình lên UNESCO để công nhận hát xoan, hát ả đào, đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Trong suốt 40 năm, cùng vợ là nghệ sĩ Bạch Yến, Trần Quang Hải thực hiện hơn 3.000 buổi giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới. Khi mới kết hôn năm 1978, bà Bạch Yến nổi tiếng với dòng tân nhạc, nhưng sau đó chuyển sang hát nhạc dân tộc vì ảnh hưởng từ chồng. Ông chỉ cho bà cách ngân nga, luyến láy các điệu quan họ, ca trù. Mỗi lần biểu diễn, ông chăm chút tạo hình cho vợ từ cách thắt khăn mỏ quạ, mặc áo tứ thân, đi guốc mộc sao cho ra hồn cốt Việt Nam.
Trần Quang Hải nổi tiếng nhờ việc nghiên cứu, biểu diễn, phát triển các kỹ thuật như gõ muỗng, thổi đàn môi, hát song thanh. Ông được đặt danh hiệu "vua muỗng" sau khi chiến thắng một cuộc thi gõ trong khuôn khổ Đại nhạc hội dân nhạc tại Cambridge (Anh) năm 1967, từng biểu diễn gõ muỗng trong hơn 1.000 chương trình. Năm 2012, ông được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Người trình diễn đàn môi tại nhiều quốc gia nhất thế giới.
Nhà nghiên cứu đau đáu ước mơ phổ cập nhạc truyền thống Việt Nam, đồng thời dùng âm nhạc để trị liệu. Sinh thời, ông từng thổ lộ tâm nguyện của hai cha con, đó là mong muốn đưa âm nhạc dân tộc vào giảng dạy trong chương trình phổ thông, theo cách đơn giản và dễ hiểu. Ông còn nghiên cứu trị liệu thông qua các điệu hát ru. Nhạc sĩ từng kể một lần, ông sang Hà Lan, đến một trại tâm thần có khoảng 30 người Việt đang chữa bệnh. Nhạc sĩ xin phép được hát một vài bài ru con cho họ nghe, cảm nhận chuyển biến tích cực từ những bệnh nhân này.
Năm 2013, trong một lần về nước dự hội thảo, ông say sưa chia sẻ với các đồng môn, trong đó có Tiến sĩ Mỹ Duyên, về nghiên cứu thể nghiệm trong việc sử dụng đàn môi, giúp người câm bày tỏ suy nghĩ. "Để minh hoạ, anh đặt cây đàn lên môi, dùng lực thổi kết hợp với điều khiển khẩu hình tương ứng câu mình muốn nói. Âm thanh phát ra như từ xa vọng nhưng chúng tôi vẫn nghe ra được nội dung: 'Tôi muốn ăn cơm', 'Tôi từ Việt Nam tới', 'Anh yêu em"', Tiến sĩ Mỹ Duyên kể.
Ông đi xa, những người ở lại nhớ mãi hình ảnh vị giáo sư hiền hậu, hồn nhiên mỗi lần chơi nhạc. Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên nhớ kỷ niệm ở Hội An năm 2013, khi một bà cụ bán hàng rong nhận ra Trần Quang Hải, ông hào hứng trình diễn đàn môi trên phố cho bà nghe. Chơi xong hai bản dân ca Việt Nam, ông lấy muỗng trong túi ra gõ, tạo ra những âm thanh sôi động, tiết tấu biến hóa khôn lường, khiến người nghe kéo đến ngày càng đông.
Nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng nhớ mỗi dịp về nước, ông đều hướng dẫn chị và các hậu bối ở câu lạc bộ Tiếng hát quê hương kỹ thuật gõ muỗng, đàn môi... Ông không nề hà hay giấu nghề, kiến thức nào cũng giảng giải tường tận.
Hải Phượng cũng trân quý tình cảm sâu đậm của ông và danh ca Bạch Yến. Một lần, bà tâm sự với chị: "Cô không mong ước gì cao sang, chỉ cần mỗi ngày chú làm cho cô cười là được". Mỗi lần gặp nhau, chị thấy danh ca khúc khích cười vì tính hài hước, hay bông đùa của chồng. Chị còn ngưỡng mộ quan niệm sống của cố giáo sư. Ông thường nói: "Sau này, dù bệnh tật, chú không buồn lo gì, cứ nói 'kệ nó', vì chú đã làm được tất cả những gì chú muốn rồi".