Là nhà khoa học trẻ có nhiều nghiên cứu về lĩnh vực môi trường, GS Đặng Đức Huy (33 tuổi), Trung tâm Chất lượng nước (Water Quality Centre) của ĐH Trent (Canada) đầu năm nay công bố một nghiên cứu về mức độ phát tán các chất ô nhiễm từ rác thải công nghệ được giới chuyên môn đánh giá là "mang tính đột phá và thời sự".
Trong nghiên cứu, TS Huy và cộng sự đã chứng minh đất hiếm có nguy cơ phát tán cao, đặc biệt là từ rác thải công nghệ sau năm 2000 do ứng dụng gần đây của đất hiếm trong linh kiện điện tử.
Anh cho biết, nguyên tố đất hiếm có vai trò lớn trong phát triển kinh tế công nghệ cao thông qua các ứng dụng điện tử, y tế, năng lượng sạch, quân sự. Nhu cầu sử dụng đất hiếm trên thế giới ngày càng tăng trong khi nguồn cung cấp phụ thuộc vào một số ít quốc gia, khiến nguyên tố này trở thành chìa khóa của phát triển kinh tế và công nghệ. Tuy nhiên, việc khai thác và xử lý đất hiếm ảnh hưởng nghiêm trọng lên môi trường: gây xói mòn đất, ô nhiễm kim loại và phóng xạ, axit hóa, qua đó ảnh hưởng nghiêm trọng lên hệ động thực vật.
Ở các nước đã khai thác đất hiếm như Trung Quốc và Malaysia, tỷ lệ ung thư, đặc biệt là ung thư máu ở cộng đồng dân cư cao hơn nhiều so với mức trung bình do phơi nhiễm phóng xạ. Bởi vậy phát triển công nghệ mới để khai thác chúng một cách thân thiện với môi trường đang được coi là định hướng nghiên cứu chiến lược ở nhiều quốc gia trên thế giới.
TS Huy và nhóm nghiên cứu kêu gọi phát triển công nghệ khai thác đất hiếm mới, đề xuất tìm ra nguồn thay thế trong một mô hình kinh tế tuần hoàn là bước ngoặt lớn để giải quyết bài toán môi trường của phát triển công nghiệp công nghệ cao. Hiện các quỹ nghiên cứu của chính phủ Canada đã đầu tư hơn 560.000 USD cho hướng nghiên cứu đặc biệt quan trọng này của nhóm.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia có tẩm ảnh hưởng lớn ở lĩnh vực này do trữ lượng đất hiếm lớn. "Việc quản lý và khai thác tài nguyên một cách bền vững sẽ là chìa khóa để đưa nước ta đón đầu xu hướng thế giới, cũng như đảm bảo chúng ta không đánh đổi hệ sinh thái tự nhiên và sức khỏe cộng đồng lấy phát triển kinh tế", anh nói.
GS Shaun Watmough, Giám đốc Khoa Môi trường, ĐH Trent, đánh giá, nghiên cứu về đất hiếm của TS Huy mang tính đột phá bởi tính thời sự khi những nguyên tố này đang được biết đến như một nguồn ô nhiễm mới trên thế giới. Theo ông, hướng nghiên cứu của TS Huy mang tính đa ngành, là cầu nối cần thiết để ứng dụng khoa học môi trường vào định hướng chính sách và hoạch định phát triển kinh tế xã hội. "Huy đang trở thành một trong những nhà khoa học dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này", GS Shaun nói. Ông cho biết, TS Huy luôn tích cực phát triển các chương trình hợp tác với cộng đồng khoa học quốc tế, đặc biệt là ở Pháp và Việt Nam.
GS.TS Đặng Đức Huy sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Anh sang Pháp du học cử nhân hệ sinh học-khoa học sự sống tại ĐH Toulon khi vừa tốt nghiệp trường THPT Chu Văn An. Anh lựa chọn chuyên ngành về sinh học tế bào và miễn dịch để tìm ra phương pháp kiểm soát ung thư và tốt nghiệp xuất sắc khi mới 26 tuổi. Cơ duyên đưa anh đến với các nghiên cứu về lĩnh vực địa hóa môi trường khi được cấp học bổng của chính phủ Pháp để nghiên cứu tiến sĩ.
Các nghiên cứu sau đó của anh tập trung tìm hiểu cơ chế phát tán nguồn ô nhiễm để kiểm soát và giảm thiểu tác động lên môi trường tự nhiên và sức khỏe con người. Nhiều công trình nghiên cứu đã thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Canada, Trung Quốc, Croatia, Liban và đặc biệt tại Việt Nam. Riêng năm 2021, anh có 11 công bố khoa học quốc tế; trong đó, anh là đồng tác giả ở ba công trình với các đồng nghiệp tại Việt Nam trên ba tạp chí khoa học Q1 (Science of the Total Environment, Groundwater for Sustainable Development và Water).
GS Huy luôn quan niệm các nghiên cứu sẽ có giá trị hơn khi được ứng dụng vào thực tiễn nên anh tìm cách đem kết quả ứng dụng từ nghiên cứu đa ngành (sinh học, hóa học, địa chất) trong lĩnh vực chất lượng nước và quản lý tài nguyên nước, giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu.
Ở Việt Nam, anh hợp tác với các nhà khoa học tại Đại học Quốc gia TP HCM nghiên cứu chỉ ra thay đổi về chất lượng nước sông Thị Vải trong suốt 15 năm, phản ánh các hoạt động phát triển kinh tế và phát thải ô nhiễm trên lưu vực sông. Dựa vào kết quả của công trình, nhóm nghiên cứu đưa ra các giải pháp để giảm thiểu tác động của quá trình phát triển kinh tế lên môi trường. Nghiên cứu chỉ ra rằng "việc thiết lập các hành lang xanh đóng vai trò rào cản ngăn các chất ô nhiễm phát tán tới các khu vực hạ lưu, khu dân cư và khu vực cần bảo tồn thiên nhiên là vô cùng cần thiết".
Trong hai công trình nghiên cứu khác về quy trình địa hóa thủy văn và tài nguyên nước ở Đồng bằng Sông Cửu Long, Huy cùng các nhà khoa học tại ĐH Thủy Lợi và ĐH Bách Khoa TP HCM, tập trung vào chỉ số chất lượng nước để tìm ra sự khác biệt trong cấu trúc các tầng nước ngầm. Nghiên cứu cũng chỉ ra các nguyên nhân tự nhiên (biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn) hay tác động con người (từ hoạt động nông nghiệp hay nước xả thải đô thị) lên chất lượng nước, qua đó đánh giá tác động lên sức khỏe người dân.
Anh giải thích, nguồn nước ngầm ở khu vực Đông Nam Bộ gồm TP HCM, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai với địa hình cao có nồng độ chất phú dưỡng tương đối cao do chịu áp lực môi trường từ các hoạt động nông nghiệp và khu dân cư; trong khi nước ngầm ở miền Tây Nam Bộ (Đồng bằng sông Cửu Long) chịu tác động của các hiện tượng tự nhiên như xâm nhập mặn và acid hóa. Những nghiên cứu này là cơ sở để các địa phương có thể tập trung áp dụng các giải pháp môi trường thích hợp cho từng nhóm nước ngầm khác nhau.
Với những cống hiến và thành tích xuất sắc, Đặng Đức Huy được vinh danh trong danh sách 10 gương mặt trẻ đoạt giải Quả cầu Vàng (Bộ Khoa học và Công nghệ) và 10 Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2020.
Huy cho biết dù sống và làm việc ở Canada anh cố gắng từng ngày để khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và các "cống hiến mang tên Việt Nam". TS Huy mong muốn đào tạo được một thế hệ tài năng trẻ cho quốc gia trong lĩnh vực hóa phân tích, khoa học và chính sách môi trường. "Dù ở bất kỳ quốc gia nào, chỉ cần mỗi người Việt vẫn còn hướng về Tổ quốc thì sẽ không có hiện tượng chảy máu chất xám", anh nhấn mạnh.
Huy cho biết, anh đang theo đuổi hướng nghiên cứu chiến lược về các biện pháp giảm thải khí nhà kính từ các vùng ngập nước và ruộng lúa, với hy vọng tìm ra giải pháp có thể được ứng dụng ngay ở điều kiện Việt Nam. Anh cùng với sinh viên Dương Thảo Nguyên (vừa nhận được học bổng toàn phần từ ĐH Trent) và nhóm nghiên cứu bắt đầu dự án nghiên cứu ở lĩnh vực này. Nghiên cứu sử dụng hệ thống thiết bị hiện đại tái hiện lại môi trường thổ nhưỡng và khí hậu của Đồng bằng sông Cửu Long để trồng lúa nước ở Canada. Dự án tập trung tìm ra giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính, nhờ đó làm chậm lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.