Danh nhân Việt Nam trong lĩnh vực quân sự giữ nước

Tại Hội thảo khoa học: Nghiên cứu danh nhân - một số vấn đề lý luận và thực tiễn, PGS.TS. Nguyễn Văn Hữu đã có bài tham luận về “Danh nhân Việt Nam trong lĩnh vực quân sự giữ nước”.
danh-nhan-viet-nam-1-1739955507.jpg
Trong quá trình dựng nước và cứu nước, các danh nhân Việt Nam đã chiến đấu hết mình để bảo vệ độc lập dân tộc (Ảnh minh họa)

Danh nhân nghĩa gốc là tên gọi của những con người cụ thể nào đó và nó có vai trò rất quan trọng trong đời sống của mỗi cá nhân, cộng đồng xã hội. Trong tiến trình lịch sử phát triển ngôn ngữ, trên cơ sở nghĩa gốc, thuật ngữ danh nhân được mở rộng nội hàm, chỉ những người có tài năng xuất chúng, có nhiều cống hiến, đóng góp cho tiến bộ xã hội, có sức lan tỏa, thu hút, tập hợp quần chúng trong cộng đồng noi theo trong suy nghĩ và hành động. Từ nghĩa danh tính (tên gọi) của những con người trong xã hội, Danh nhân là phạm trù được hiểu theo hướng vinh danh, ghi nhận, suy tôn công trạng của những cá nhân tài năng, đức độ, có công lao đối với sự tiến bộ của công đồng trong các lĩnh vực đời sống xã hội.

Từ điển từ và ngữ Việt Nam quan niệm: “Danh nhân: Người có tiếng tăm lừng lẫy”. Được gọi là danh nhân, khi một cá nhân nào đó có tiếng tăm, có ảnh hưởng sâu rộng tích cực trong cộng đồng ở một hay nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. "Tiếng tăm lừng lẫy" đã ẩn ý trong đó sự ca ngợi, đó là thứ "tiếng tăm" theo nghĩa tốt đẹp. Điều đó cũng khẳng định rằng, không phải người nào đó cứ có "tiếng tăm" trong cộng đồng thì được coi là danh nhân. Trong thực tiễn, chỉ trở thành danh nhân khi cá nhân đó được xã hội suy tôn tài năng, đức độ, công trạng làm thay đổi cộng đồng xã hội theo hướng tích cực, tiến bộ và điều đặc biệt là nó được sàng lọc qua thời gian, trầm tích thành di sản văn hóa. Trở thành di sản văn hóa, trường tồn trong lòng Nhân dân thành biểu tượng bất diệt đó là những danh nhân đích thực nhất, cao cả nhất.

Quan niệm mà Từ điển từ và ngữ Việt Nam cũng như ở nhiều sách Từ điển khác thì các yếu tố tạo nên để được thừa nhận cá nhân nào đó là danh nhân còn chung chung, trừu tượng, chưa có sự định tính và định lượng rõ ràng. "Tiếng tăm lừng lẫy" vẫn chỉ là một cụm tử hàm chứa, nghiêng về sự cảm tính, khó mà đo, đếm được. Mặc đầu đã có nhiều công trình nghiên cứu về Danh nhân, tìm ra được khá nhiều người có tài năng, đức độ, có công trạng,… nhưng cho đến nay chưa có một công trình, một văn bản có tính pháp lý đủ sức thuyết phục về Tiêu chí đánh giá, suy tôn, công nhận danh nhân. Cho đến nay, việc nghiên cứu những người dã thành danh này trong lịch sử quốc gia - dân tộc chỉ là sự tiếp tục làm rõ công trạng, đóng góp, ảnh hưởng, tác động của họ đến đời sống đương đại và các thời đại lịch sử tiếp theo. Yêu cầu có được bộ tiêu chí chuẩn mực đánh giá thế nào là một danh nhân ở trong các lĩnh vực đời sống xã hội đang là một sự đòi hỏi đặt ra cần được đáp ứng. Hi vọng Cuộc hội thảo này và nhiều nghiên cứu tiếp theo sẽ có được những ý kiến sát thực, làm cơ sở cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền đưa ra được những chuẩn mực có tính pháp lý để việc nghiên cứu danh nhân của đất nước được thuận lợi hơn. Điều này nếu được khẳng định cũng là một cơ sở để tránh sự tùy tiện khi xác nhận suy tôn danh nhân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm cho tính khách quan trong đánh giá, suy tôn danh nhân có cơ sở vững.

Tuy chưa có bộ tiêu chí để xác định danh nhân nhưng trong thực tế đời sống xã hội thì các danh nhân vẫn cứ xuất hiện, được quần chúng trong các dạng cộng đồng xã hội suy tôn và có thể có một chính thể chính trị - xã hội nào đó xác nhận. Tùy theo mức độ tài năng, sự cống hiến và nhiều yếu tố khác nữa.... mà "tầm cỡ", cấp độ, sức lan tỏa của danh nhân đó được ghi nhận, đánh giá, suy tôn một cách tương ứng. Gần như đời sống xã hội có những lĩnh vực hoạt động nào, có bao nhiêu vùng miền, cộng đồng, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp... thì ở đó đều có những danh nhân xuất hiện. Danh nhân có thể được hiểu như người tiêu biểu, đi đầu, có nhiều công trạng với mỗi cộng đồng trong những phạm vi không gian, thời gian nhất định nào đó. Theo đó, có danh nhân ở cộng đồng xã hội ở quy mô nhỏ (vùng miền, ông tổ nghề nghiệp, ngành khoa học...), có danh nhân ở tầm quốc gia - dân tộc... và có không ít danh nhân mà tài năng, đức độ, có công trạng, ảnh hưởng sâu rộng ở tầm nhân loại.

Quân sự là một lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội - lĩnh vực tổ chức và hoạt động đặc thù trong các xã hội có đối kháng giai cấp. Theo nghĩa hẹp, nói đến lĩnh vực quân sự thường là nói đến tổng hợp các tổ chức và hoạt động gắn liền với những thiết chế xã hội đặc biệt như quân đội, cảnh sát, lực lượng phòng vệ dân sự... Thuật ngữ quân sự còn có thể được dùng theo một nghĩa rất hẹp để chỉ tính chất nghiêm minh, dứt khoát, quyết đoán, nghiêm ngặt, sự điều tiết các quan hệ giữa người với người theo thể thức mệnh lệnh - phục tùng, nhiều khi được dùng cả bên ngoài lực lượng vũ trang. Song, theo nghĩa rộng nhất thì thuật ngữ quân sự được dùng để chỉ một lĩnh vực trong toàn bộ đời sống, hoạt động của con người và cộng đồng để phân định với các phạm trù kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... của đời sống xã hội nói chung. Tổ chức và hoạt động quân sự thường được hiểu là tổng hợp các dạng thức tổ chức và hoạt động xã hội của một quốc gia, trong thời bình hoặc thời chiến, nhằm xây dựng, củng cố, tăng cường và sử dụng có kế hoạch tiềm lực quân sự mọi mặt để tiến hành chiến tranh - có thể là chiến tranh xâm lược của tổ chức và hoạt động quân sự của các nước đế quốc, hoặc là chiến tranh bảo vệ đất nước khi bị xâm lược. Lĩnh vực quân sự cũng không chỉ hiểu một cách thuần túy là lực lượng quân sự, tác chiến quân sự... mà nó hàm chứa trong đó nhiều thành tố như chính trị quân sự, kinh tế quân sự, hậu cần quân sự, kỹ thuật quân sự, tư tưởng quân sự, đường lối quân sự, chiến lược quân sự, nghệ thuật quân sự...

Trong đời sống của xã hội mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước Việt Nam, quân sự là một lĩnh vực chiếm tỷ trọng khá nổi trội so với các lĩnh khác. Là một quốc gia - dân tộc hình thành, phát triển từ rất sớm lại có vị trí đắc địa trên nhiều phương diện nên Việt Nam từ lúc lập quốc đến nay phải chống chọi không biết bao nhiêu là thứ giặc, trong đó đặc biệt là giặc ngoại bang xâm lược. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, kể cả những lúc phát triển cao, thì nước ta vẫn là một nước dân số không quá đông, đất không rộng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng có hạn. Nước Trung Hoa phong kiến láng giềng là nước đông người, phát triển nền văn minh sớm, một nước mạnh với tư tưởng đại bá, coi nước mình là trung tâm Thiên hạ, các dân tộc Man, Di, Nhung, Địch xung quanh hiển nhiên là phải thần phục. Trong các hướng bành trướng của tập đoàn thống trị phương Bắc bấy giờ thì hướng Nam là thuận lợi và quan trọng nhất. Do đó, Việt Nam luôn là trọng điểm bành trướng của các vương triều phong kiến Trung quốc. Bởi chiếm được Việt Nam, không những để cướp đoạt đất nước này, mà còn mở đường xuống Đông Nam Á và xóa bỏ được một ngọn cờ, một tấm gương chống xâm lược của các dân tộc bị áp bức ở Nam Trung Quốc. Tất cả các triều đại phong kiến thống trị ở Trung Quốc: Tần, Hán, Tuỳ, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh - các để chế mạnh bậc nhất thế giới lúc đó - ít là một lần, nhiều là ba lần, xâm lược thống trị nước ta. Khi không trực tiếp gây chiến tranh xâm lược thì họ cũng thường xuyên nhòm ngó, khiêu khích lấn chiếm, gây mất ổn định đối với nước ta. Đến thời cận hiện đại, dân tộc ta lại còn phải đương đầu với những đế quốc mạnh bậc nhất thế giới: Pháp, Nhật, Mỹ,...

Ít có dân tộc nào như Việt Nam, trong mấy ngàn năm lịch sử đã có hơn 1.000 năm phải trực tiếp cầm vũ khí chống ngoại xâm. Nếu chỉ tính từ khi có sử liệu ghi chép rõ ràng thì từ cuộc kháng chiến chống Tần xâm lược nước Âu Lạc đến nay, 22 thế kỷ, dân tộc ta đã phải trực tiếp kháng chiến suốt 13 thể kỷ, trong đó có khoảng 100 cuộc khởi nghĩa quy mô lớn và hơn 10 cuộc kháng chiến giữ nước. Một đất nước sinh ra và phát triển trong cuộc vật lộn không cân sức, trải nhiều biến cố như vậy, cho nên mọi hoạt động vật chất tinh thần của dân tộc ta luôn phải tuân theo quy luật xuyên suốt: dựng nước đi đôi với giữ nước. Chính trong cuộc trường chinh trực diện chống xâm lược, đề phòng với sự rình rập, đe dọa, lăm le xâm lược, lấn chiếm của các thế lực ngoại bang... của nhân dân Việt Nam mà những tài năng xuất chúng, có cống hiến to lớn trong lĩnh vực quân sự cứu nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc của Việt Nam đã xuất hiện.

Viet Nam có vô số những danh nhân có sức sống trường tồn trong lòng tuyệt đại quần chúng nhân dân và được các chính thể ở tầm quốc gia - dân tộc (Quốc Tộc) ghi nhận. Các danh nhân ở tầm cao ấy đã trở thành quốc hồn, quốc túy, là người "đại diện", niềm tự hào kiêu hãnh của nhân dân, của Quốc gia - Quốc tộc Việt Nam. Do hoàn cảnh lập quốc, dựng và giữ nước và nhiều yếu tố khác chi phối mà trong mấy nghìn năm lịch sử của Quốc Tộc Việt Nam danh nhân được nhân dân suy tôn cũng như các chính thể xác nhận liên quan đến sự nghiệp quân sự giữ nước (danh nhân quân sự) có số lượng rất lớn, chiếm tỷ trọng cao so với các dạng danh nhân trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Từ điển thuật ngữ quân sự quan niệm "Danh nhân quân sự: Người có tài năng, danh tiếng trong các lĩnh vực hoạt động quân sự được nhà nước đánh giá, ghi nhận và được nhân dân thừa nhận, suy tôn. Danh nhân quân sự phải là người có đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành và giữ nền độc lập, tự do của dân tộc hoặc phải có những thành tựu đặc biệt xuất sắc trong nghiên cứu và phát triển lý luận khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội nhân văn quân sự”. 

Sự định tính về các yếu tố suy tôn và cộng nhận danh nhân trong lĩnh vực quân sự ở quan niệm này là khá rõ. Tuy nhiên, việc nghiên cứu danh nhân trong lĩnh vực quân sự cũng không phải là công việc dễ dàng mà gặp không ít những khó khăn, phức tạp.

Các danh nhân trong lĩnh vực quân sự của lịch sử truyền thống dân tộc từ trước năm 1930, về cơ bản họ đã được nghiên cứu, làm rõ. Họ là người đã thành danh, được tuyệt đại quần chúng nhân dân trong các thời đại lịch sử suy tôn, ghi nhận tài năng, đức độ, công trạng với quốc gia - dân tộc. Việc tiếp tục nghiên cứu của giới khoa học, của các cơ quan chức năng hiện nay chủ yếu là bổ sung, làm rõ thêm tài năng, đức độ, công lao của các danh nhân. Cá biệt mới có những chứng kiến khác nhau về một danh nhân nào đó. Điều này có thể do có thêm những nguồn sử liệu mới hoặc có thể có sự khác nhau về quan điểm xem xét, đánh giá và những biến chuyển trong cách nhìn nhận các sự kiện, hiện tượng lịch sử.

Qua thực tiễn hoạt động nghiên cứu danh nhân nói chung, danh nhân trong lĩnh vực quân sự nói riêng, tôi nhận thấy, việc nghiên cứu danh nhân Việt Nam xuất hiện trong thời kỳ đương đại tưởng là thuận lợi nhưng không hẳn vậy mà ở góc độ nào đó còn khó khăn hơn so với nghiên cứu danh nhân trong truyền thống lịch sử của dân tộc. Nghe qua có vẻ là nghịch lý, nhưng thực tế có nhiều vấn đề đúng vậy.

Trong khuôn khổ bài tham luận Hội thảo, tác giả bài viết không có ý định trình bày bức tranh tổng thể và cụ thể về danh nhân Việt Nam trong lĩnh vực quân sự giữ nước, bảo vệ Tổ quốc. Vấn đề đó đã được thể hiện khá rõ trong nhiều công trình khoa học cũng như trong chính đời sống xã hội. Chúng ta có thể tìm hiểu trong các công trình nghiên cứu trực tiếp về danh đã được công bố, như: Danh tướng Việt Nam (trọn bộ 5 tập) Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội 1996-2004 của tác giả Nguyễn Khắc Thuần; Tư tưởng nhân văn quân sự của các danh nhân tiêu biểu trong lịch sử dân tộc Việt Nam (5 tập), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2017, của nhiều tác giả thuộc Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự Bộ Quốc phòng; và rất nhiều sách khác ...

Các danh nhân trong lĩnh vực quân sự giữ nước Việt Nam có xuất thân từ nhiều nguồn khác nhau. Họ có thể là từ người nông dân lao động, là quan lại ở địa phương, ở triều đình, có thể là quan võ hay quan văn không hoạt động chuyên trách về quân sự. Nhưng điểm có chung là, khi trở thành danh nhân trong lĩnh vực quân sự thì trước thời điểm đó họ đã có quá trình gắn liền với các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh chống ngoại bang xâm lược. Hay nói khác hơn, tuy nguồn xuất thân khác nhau, nhưng các danh nhân quân sự trong đều có quá trình gắn bó, trưởng thành với hoạt động quân sự giữ nước. Họ có thể là lãnh tụ của một phong trào khởi nghĩa chống xâm lược, có thể là một tướng lĩnh trong một cánh quân và cũng có thể là vị vua điều hành chiến tranh chống xâm lược ở tầm quốc gia... và cũng không ít những danh nhân quân sự khi họ chỉ là một chiến sĩ tiên phong trước mũi súng quân thù.

Dù ở cương vị nào, là danh nhân trong lĩnh vực quân sự họ đều có những người con tài năng, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm kiên cường, bất khuất, luôn sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Họ là những Anh hùng, mãi mãi là tấm gương sáng, là biểu tượng cao đẹp của một dân tộc Anh hùng.

Các danh nhân trong lĩnh vực quân sự giữ nước Việt Nam luôn có tư tưởng gần dân, dựa vào dân, tập hợp, quy tụ lòng dân để tạo nên sức mạnh vô địch trước mọi đối thủ là quân xâm lược. Chính các danh nhân quân sự giữ nước Việt Nam trên từng cương vị nhất định, họ chính là lớp người tiên phong trong các thời kỳ lịch sử đương đại dẫn dắt, quy tụ, tập hợp quần chúng nhân dân thực hiện các cuộc khởi nghĩa toàn dân, các chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện để đủ sức kháng cự, chiến thắng mọi kẻ thù hung bạo, giành, giữ vững nền độc lập, tự do của Tổ quốc Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Văn Hữu