Đại tướng Võ Nguyên Giáp-nhà chính trị, quân sự xuất sắc của Đảng

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà chỉ huy và nhà lý luận quân sự xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, trọn đời vì nước, vì dân của Đại tướng đã góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại trong lịch sử của dân tộc. Tấm gương đạo đức cách mạng của Đại tướng có ý nghĩa to lớn trong việc bồi dưỡng lập trường tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Với 103 tuổi đời, hơn 80 năm hoạt động cách mạng, hơn 70 tuổi Đảng, tên tuổi Đại tướng gắn liền với thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

15-1638671761.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo tác chiến Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954

Nhà chính trị xuất sắc, một lòng vì Đảng, vì nước, vì dân

Đồng chí Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh là Võ Giáp, sinh ra trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước, tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Từ khi còn nhỏ, trực tiếp chứng kiến cảnh đồng bào bị đàn áp, bóc lột bởi bè lũ thực dân và tay sai, Võ Nguyên Giáp đã sớm nung nấu ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân. Khi học ở Trường Quốc học Huế, ngoài việc học tập chăm chỉ, Võ Nguyên Giáp rất quan tâm đến hoạt động chính trị. Từ khi tiếp thu được những tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Võ Nguyên Giáp tích cực tham gia hoạt động tuyên truyền cách mạng, tham gia các phong trào đấu tranh bãi khóa trong thanh niên, học sinh.

Năm 1927, đồng chí Võ Nguyên Giáp gia nhập Tân Việt Cách mạng Đảng và đến năm 1929 cùng một số đồng chí tiến hành cải tổ Tân Việt Cách mạng Đảng thành Đông Dương Cộng sản liên đoàn, một trong 3 tổ chức sau này hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930. Từ năm 1930 đến năm 1940, đồng chí đã tích cực tham gia Phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh, phong trào dân chủ nửa hợp pháp của Đảng tại Hà Nội và là biên tập viên các tờ báo của Đảng. Khi tham gia các hoạt động này, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã xác định một lòng một dạ theo Đảng, phấn đấu hy sinh vì đất nước, dân tộc và nhân dân.

Bước ngoặt lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Võ Nguyên Giáp là được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Trung Quốc (tháng 6-1940). Từ đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh dìu dắt, tin tưởng, trao nhiều trọng trách trên các lĩnh vực mà tổ chức phân công... Với bí danh “Văn”, đồng chí tích cực hoạt động cách mạng, không ngại hiểm nguy, bám dân, bám địa bàn, vận động quần chúng, xây dựng cơ sở, mở lớp huấn luyện quân sự, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang tại căn cứ địa Cao-Bắc-Lạng.

Những năm 1941-1943, khi được tổ chức phân công phụ trách các đội “Xung phong Nam tiến” tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng nhân dân và nối thông liên lạc giữa Cao-Bắc-Lạng với cơ sở đảng ở miền xuôi, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò sức mạnh của quần chúng đối với sự nghiệp cách mạng. Từ đó, yếu tố nhân dân càng ăn sâu vào tư duy quân sự cách mạng của Võ Nguyên Giáp. Trong con người Võ Nguyên Giáp, nhà chính trị đi trước nhà quân sự với nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa hoạt động quân sự với mục đích chính trị của Đảng, mối quan hệ mật thiết giữa lực lượng vũ trang (LLVT) với quần chúng nhân dân. Tháng 12-1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp được lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức và chỉ đạo hoạt động của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng Việt Nam, một trong những đội quân tiền thân của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam ngày nay.

Trên các cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, thành viên Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, thành viên Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân, đồng chí có những đóng góp quan trọng vào quyết sách chiến lược của Đảng, chỉ đạo LLVT, cùng toàn thể dân tộc Việt Nam vùng lên đập tan xiềng xích kìm kẹp, áp bức, bóc lột của phong kiến, thực dân; giành lại độc lập, tự do, làm nên thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

16-1638671761.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Lễ mừng công Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, ngày 13-5-1954

Trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Kháng chiến Ủy viên Hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Tổng Chỉ huy rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam, đồng chí cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đưa ra những quyết sách chiến lược, đồng thời trực tiếp hoạch định và tham gia chỉ huy, điều hành nhiều chiến dịch quan trọng, quyết định làm xoay chuyển tình thế cuộc kháng chiến.

Sau khi quyết định chuyển phương châm tác chiến Chiến dịch Điện Biên Phủ từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, nhận thấy trong cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch vẫn còn những thắc mắc, băn khoăn, cùng với các hoạt động quân sự, Đại tướng đã chỉ đạo mở đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng trong cán bộ, chiến sĩ toàn mặt trận nhằm quán triệt, thấu suốt tư tưởng “đánh chắc thắng” của Bộ Chính trị, của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong đợt 2 chiến dịch này, trước những khó khăn, hy sinh, đã xuất hiện tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực, ngại gian khổ, ngại hy sinh trong một bộ phận cán bộ, chiến sĩ, Đại tướng đã chỉ đạo tiến hành một đợt sinh hoạt, đấu tranh với những tư tưởng đó, nêu cao tư tưởng tiến công, củng cố quyết tâm chiến đấu giành chiến thắng cho chiến dịch lịch sử như lời gửi gắm, căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi cán bộ và chiến sĩ Mặt trận Điện Biên Phủ trước ngày mở chiến dịch. Đại tướng thực sự vừa là nhà chính trị, vừa là nhà quân sự với phương pháp cách mạng khoa học, biết tạo thời cơ và tận dụng thời cơ để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

Sau khi miền Bắc được giải phóng, đồng chí cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân, toàn quân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa (XHCN) và đẩy mạnh cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, làm nên những thắng lợi vẻ vang, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. 

Đất nước hòa bình, thống nhất, trên các cương vị: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân, toàn quân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Khi được Đảng, Nhà nước phân công làm Phó thủ tướng phụ trách khoa học kỹ thuật, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, dù công việc rất mới mẻ, nhưng Đại tướng đã nêu cao tinh thần “dĩ công vi thượng” và “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, trực tiếp làm việc và lắng nghe tâm tư nguyện vọng, đề đạt của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các trí thức, văn nghệ sĩ... Nhờ đó, Đại tướng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần đưa khoa học kỹ thuật Việt Nam từng bước sánh kịp trình độ các nước trong khu vực.

Trong công cuộc đổi mới, với trách nhiệm và tâm huyết của một người lão thành cách mạng đối với sự phát triển của đất nước, bằng khát vọng đưa Việt Nam nhanh chóng phát triển hội nhập với thế giới, Đại tướng tham mưu, đóng góp nhiều ý kiến rất quan trọng cho Đảng và Nhà nước. Đại tướng đã dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên (1980) và Chiến lược kinh tế và quốc phòng biển (1985), thể hiện nhận thức sâu sắc của Đại tướng về yêu cầu đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học-kỹ thuật để phục vụ việc phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên và vùng biển nước ta...

Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, Đại tướng luôn nhấn mạnh trước hết phải chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, giữ vững nguyên tắc Đảng, xây dựng nội bộ đoàn kết, thống nhất đi đôi với mở rộng dân chủ trong Đảng, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, xa rời quần chúng, chống tham nhũng, lãng phí... đẩy lùi tệ nạn xã hội, khắc phục nguy cơ “nội xâm” để làm thất bại âm mưu, chiến lược “diễn biến hòa bình” của kẻ thù; Đảng phải xứng đáng là lương tâm, trí tuệ, danh dự của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam, là cơ sở để xây dựng, củng cố Nhà nước thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Tổng Tư lệnh, Người Anh Cả của QĐND Việt Nam, nhà chiến lược, nhà chỉ huy quân sự tài năng xuất chúng

Đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng theo Sắc lệnh số 110/SL ngày 20-1-1948, trở thành Đại tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam khi mới 37 tuổi. Điều đặc biệt là trước khi đảm nhận trọng trách của Đảng và nhân dân giao phó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà hoạt động chính trị, nhà báo, nhà giáo, chưa trải qua một học viện hay trường lớp quân sự nào như tướng lĩnh quân đội nhiều nước khác. Đại tướng đã trở thành nhân vật lịch sử lỗi lạc trên lĩnh vực quân sự trong phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam và phong trào giải phóng các dân tộc bị áp bức trên thế giới chống chủ nghĩa thực dân ở thế kỷ 20. Con người Đại tướng là sự tổng hòa giữa tri thức uyên bác, tư duy toàn diện với phương pháp luận biện chứng, khoa học, cụ thể, không một chút gợn duy ý chí; giữa tầm nhìn xa rộng về chiến lược, chiến thuật với lý luận sâu sắc và thực tiễn nhạy bén, phong phú. Cùng với đó, ở Đại tướng còn là sự tổng hòa giữa nghệ thuật quân sự truyền thống của cha ông với tính ưu việt của tư tưởng quân sự thời đại Hồ Chí Minh và tinh hoa nghệ thuật quân sự thế giới.

Cuối năm 1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp được lãnh tụ Hồ Chí Minh giao trọng trách tổ chức và chỉ đạo Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Chỉ với 34 đội viên và vài chục khẩu súng trường, súng kíp thô sơ, đồng chí đã chỉ huy đội tập kích diệt gọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần, mở đầu truyền thống đánh thắng trận đầu của QĐND Việt Nam. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trên cơ sở phân tích, đánh giá cục diện chiến trường, tương quan lực lượng giữa ta và địch, Đại tướng luôn thể hiện sự mưu lược, quyết đoán, đưa ra những quyết định kịp thời, chính xác.

Quán triệt sâu sắc tư tưởng, phương pháp luận Hồ Chí Minh, nhất là lời dạy của Người về “đạo làm tướng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã không ngừng học tập, rèn luyện để hội tụ đủ những đức tính “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung”. Những đức tính ấy, nhất là Trí và Dũng, bộc lộ trong Đại tướng từ rất sớm. Cuộc đấu trí, đấu lực quy mô lớn đầu tiên với quân đội nhà nghề được trang bị vũ khí kỹ thuật hiện đại trong Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947 đã khẳng định tài thao lược xuất chúng của Đại tướng. Đặc biệt, Đại tướng đã đưa ra quyết định sáng suốt đổi mục tiêu tiến công mở đầu chiến dịch từ Cao Bằng sang Đông Khê, làm nên chiến thắng Biên giới Thu-Đông 1950.

Năm 1954, trên cương vị Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận, bằng tư duy quân sự sắc sảo, bản lĩnh của người cầm quân, chấp hành tuyệt đối ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng đã đưa ra một quyết định lịch sử, đó là thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Nhờ quyết định bản lĩnh và sáng suốt, đầy trách nhiệm ấy, trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã giành được toàn thắng với sự hy sinh xương máu thấp nhất. Đó là một quyết định lịch sử ở một thời điểm lịch sử trong trận quyết chiến chiến lược.

Sau này, Đại tướng cho biết, đó là “một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”. Quyết định đó phản ánh một quá trình tư duy quân sự sắc sảo và xử lý thực tiễn linh hoạt, sáng tạo của Tư lệnh chiến dịch trên cơ sở thấu triệt sâu sắc tư tưởng “đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy. Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (tháng 7-1954), công nhận độc lập, chủ quyền của Việt Nam, mà còn là nguồn động viên, cổ vũ nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình và chống đế quốc trên toàn thế giới.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng Tư lệnh đã xây dựng nên một thế trận chiến lược hiểm hóc: Căng địch ra ở hai đầu chiến tuyến. Phía Bắc giữ địch ở mặt trận Huế-Đà Nẵng, phía Nam kìm địch ở Sài Gòn, làm cho địch bộc lộ sơ hở ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Khi địch đã rơi vào thế trận do ta sắp đặt, quân ta bất ngờ tiến công “điểm huyệt” Buôn Ma Thuột, phá vỡ Tây Nguyên, tạo ra đột biến về chiến lược. Chớp thời cơ, ta giải phóng Huế, Đà Nẵng đẩy địch vào thế tan rã; sau đó tập trung lực lượng giải phóng Sài Gòn. 

Từ sự chỉ đạo sắc bén của Đại tướng, Tổng Tư lệnh, các cơ quan, đơn vị của QĐND Việt Nam tích cực chuẩn bị các kế hoạch chiến lược, tham mưu trúng, đúng để Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra nhiều chủ trương, quyết định quan trọng, chính xác. Tài năng của Đại tướng còn thể hiện ở khả năng “nắm thời cơ, tạo thời cơ và chớp thời cơ” để chỉ đạo toàn quân đánh những đòn quyết định giành thắng lợi cuối cùng, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại tướng luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng truyền thống của dân tộc “lấy khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”. Thực tiễn cho thấy, Đại tướng là một trong những “kiến trúc sư” của đường lối chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính-một nền chiến tranh nhân dân được xây dựng trên nền tảng “cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc”.

Trong điều kiện luôn phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm có tiềm lực kinh tế và quân sự vượt trội hơn hẳn, Việt Nam luôn trung thành với phương châm “lấy ít địch nhiều”. Có thể nói, với nhãn quan chiến lược về quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kế thừa, phát triển nghệ thuật quân sự độc đáo của dân tộc, tinh hoa quân sự của thế giới, quán triệt tư tưởng quân sự và sự chỉ đạo sâu sát của Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm nên những chiến thắng vẻ vang, làm rạng danh dân tộc Việt Nam anh hùng.

Không chỉ là một nhà quân sự thao lược, trực tiếp tổ chức, chỉ huy những trận đánh lớn, đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, với tư duy và tài năng quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần xây dựng và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam lên một tầm cao mới của thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh. Từ thực tiễn phong phú, tầm hiểu biết sâu rộng cả về chính trị, quân sự, Đại tướng đã đúc kết thành những tác phẩm lý luận về xây dựng LLVT nhân dân, về chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự Việt Nam, như: Đội quân giải phóng (1950); Chiến tranh giải phóng và Quân đội nhân dân, ba giai đoạn chiến lược (1950); Từ nhân dân mà ra (1964); Điện Biên Phủ (1964); Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng (1970); Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng Quân đội nhân dân (1972); Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (1979); Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam (2000)... Đây là những tác phẩm có giá trị về lý luận và thực tiễn được tổng kết, đúc rút từ chính thực tiễn quá trình lãnh đạo, chỉ huy của một nhà quân sự kiệt xuất, có thể vận dụng trong công cuộc xây dựng quân đội, củng cố tiềm lực quân sự, quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc hiện nay và mai sau.

Trên cương vị Tổng Tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có công lớn cùng tập thể Quân ủy Trung ương đưa quan hệ quân-dân trở thành một trong những nét đẹp truyền thống quý báu của QĐND Việt Nam, tạo dựng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng QĐND từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; xác định nhiệm vụ trọng tâm của quân đội: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”... được Đại tướng áp dụng một cách nhuần nhuyễn. Từ đó, đã xây dựng QĐND Việt Nam có sức mạnh vô địch, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giành và giữ vững độc lập, tự do cho dân tộc.

Tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng

Là vị Tổng Tư lệnh “văn võ song toàn”, một người chỉ huy “đức tài trọn vẹn”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà lý luận quân sự uyên thâm của Việt Nam, xứng đáng là học trò gần gũi và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng đã giành trọn niềm tin yêu, kính trọng của toàn Đảng, của toàn dân, toàn quân ta và của bạn bè quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, của nguyên thủ nhiều nước; được cả những người trước đây từng là đối thủ của Đại tướng trên chiến trường nể phục...

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn tâm niệm và làm theo lời dạy của người thầy vĩ đại mà gần gũi-Chủ tịch Hồ Chí Minh, về tinh thần “dĩ công vi thượng”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Với Đại tướng, Tổ quốc, dân tộc và Đảng là trên hết, không gì thiêng liêng, cao cả hơn thế. Trước mọi thử thách, khó khăn trên mặt trận quân sự và cả trong cuộc sống, Đại tướng luôn kiên nhẫn, tỉnh táo, sáng suốt, đặt vận mệnh đất nước, cuộc sống của nhân dân lên trên hết, tìm cách thu hẹp những bất đồng; luôn làm theo lời dạy của Bác Hồ: Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Đại tướng luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc và nơi gửi gắm niềm tin của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Đại tướng luôn thể hiện tinh thần quyết đoán, song cũng rất dân chủ, nhân văn. Đại tướng cho rằng, những thắng lợi trên chiến trường, xét cho cùng là do những con người trực tiếp chiến đấu quyết định. Vì vậy, Đại tướng luôn coi trọng phát huy dân chủ, lắng nghe, chọn lọc và trân trọng những sáng kiến, cách đánh hay của cán bộ, chiến sĩ và trong nhân dân, tạo nên khối đoàn kết vững chắc, sức mạnh vô địch của cuộc chiến tranh toàn dân.

Tại cuộc họp Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ ngày 26-1-1954, bàn về thay đổi phương châm chiến dịch, 4 người cùng thảo luận dân chủ với mục tiêu cao nhất là chọn cách đánh nào bảo đảm chắc thắng. 4 người thì 3 vẫn giữ ý kiến đánh nhanh. Lúc đó, ý kiến của đồng chí Phạm Kiệt phát biểu qua điện thoại, trình bày vắn tắt tình hình và là người duy nhất lúc đó đã đề nghị Đại tướng xem xét lại kế hoạch đánh nhanh. Tại Mặt trận Điện Biên Phủ, cùng với nhiệm vụ phụ trách công tác bảo vệ, đồng chí Phạm Kiệt được Đại tướng cử đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến trường ở hướng Đông Bắc. Ông đã đến tận nơi, kiểm tra trận địa pháo binh, phát hiện sự nguy hiểm bố trí pháo binh dã chiến tại một địa bàn tương đối bằng phẳng. Ý kiến thẳng thắn và bản lĩnh của đồng chí Phạm Kiệt đã được Đại tướng tiếp thu, góp phần quan trọng vào quyết định thay đổi phương châm tác chiến, đưa đến thắng lợi to lớn của chiến dịch.

Đại tướng rất nghiêm minh về kỷ luật nhưng cũng rất bao dung, hiền hòa, luôn xem cán bộ, chiến sĩ như anh em trong một đại gia đình cách mạng, hết lòng yêu thương chiến sĩ và không ít lần Đại tướng lặng người trước thương vong của bộ đội, nhân dân trong chiến tranh. Tại một hội nghị trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng đã phê bình nghiêm khắc một đồng chí trung đoàn trưởng không hoàn thành nhiệm vụ chỉ huy đơn vị tiến công cứ điểm đồi A1.

Tuy nhiên sau này, khi biết rõ nguyên nhân khiến đơn vị đó không dứt điểm được trận đánh đồi A1, Đại tướng đã trực tiếp đến bày tỏ sự thông cảm và chia sẻ với người chỉ huy đó. Đặc biệt, Đại tướng trân quý từng giọt máu, từng sinh mạng của chiến sĩ; không phiêu lưu, mạo hiểm, không cho phép đánh đổi bằng bất cứ giá nào; quyết đánh thắng kẻ thù nhưng phải chiến thắng với thương vong thấp nhất. Vì vậy, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam, từ binh nhì đến những tướng lĩnh từng trải luôn ghi nhớ và mãi mãi tự hào về một người chỉ huy, Tổng Tư lệnh tài năng xuất chúng nhưng rất nhân ái, bình dị, gần gũi, thân thiết.

Học và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đại tướng duy trì lối sống giản dị, thanh cao, chan hòa tình cảm với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ. Bản thân Đại tướng là tấm gương sáng về không ngừng phấn đấu, rèn luyện, học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong, lối sống, thực hành nói và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn thể hiện rõ phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; sống giản dị, khiêm tốn; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng và nhân dân lên trên hết, trước hết.

Công lao của Đại tướng vô cùng to lớn, nhưng Đại tướng không nói về mình, luôn đề cao công lao, thành tích của nhân dân, quân đội, Đảng và Bác Hồ kính yêu. Và Đại tướng dành nhiều thời gian, dồn công sức, tâm huyết tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, góp phần quan trọng làm sáng tỏ cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại, đạo đức, tác phong, tư tưởng Hồ Chí Minh; “góp phần đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống, trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, thúc đẩy sự ra đời một bộ môn khoa học mới-Hồ Chí Minh học”.

 Cuộc đời, nhân cách và những cống hiến to lớn của Đại tướng kính yêu luôn in đậm trong lòng dân. Danh hiệu dành cho Đại tướng: “Vị tướng của nhân dân” là vô cùng cao quý, sẽ trường tồn cùng lịch sử dân tộc Việt Nam và nhân loại. Để tôn vinh và tri ân những công lao, đóng góp to lớn của Đại tướng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta nguyện mãi mãi kiên định con đường cách mạng của Đảng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các thế hệ lãnh đạo đi trước, ra sức xây dựng đất nước ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.