Nguyễn Bá Tòng, vị tướng Trường Sơn anh hùng và bình dị

Lương Đàm
Mới tiếp xúc, chắc chắn nhiều người sẽ không nghĩ Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng là anh hùng trên tuyến lửa Trường Sơn, đã từng là tiểu đội trưởng phá bom nổi tiếng ở trọng điểm ATP, từng vô hiệu hóa “cây nhiệt đới” của Mỹ bởi ông vô cùng bình dị.

Lừa địch bằng thiết bị của địch

Có sự trùng hợp khá thú vị, ngày tôi ra đời cũng là ngày Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng nhập ngũ (năm 1965). Năm 1987, khi tôi về cơ quan Binh đoàn 12 làm phóng viên Báo Trường Sơn và là sĩ quan trẻ nhất cơ quan binh đoàn lúc đó thì đồng chí Nguyễn Bá Tòng đã là Trung tá, Trưởng ban Chính trị, Bộ Tham mưu binh đoàn. Nghe Đại tá Trần Bút, Phó tham mưu trưởng Binh đoàn 12, Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu giới thiệu đồng chí là anh hùng trên tuyến lửa Trường Sơn, tôi còn không tin bởi đồng chí Nguyễn Bá Tòng hiền khô và rất bình dị. Giờ hoạt động thể thao đồng chí thường đi trồng rau với cánh thanh niên chúng tôi và kể cho chúng tôi nghe rất nhiều chuyện lý thú ở chiến trường.

Chúng tôi thích nhất khi nghe chuyện ông đã vô hiệu hóa “cây nhiệt đới” của Mỹ thả xuống trên đường Trường Sơn vào đầu năm 1970. Lúc đó ông là tiểu đội trưởng thuộc Ðại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 98 làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông, mở đường tránh, phá bom, lấp hố bom, cứu chữa thương binh, hướng dẫn các đoàn xe đêm đêm đưa hàng vào chiến trường trên cụm trọng điểm ATP.

nguyen-ba-tong-1638454355.jpg

Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng

Theo ông mô tả thì “cây nhiệt đới” trông giống như một cây rừng khô được máy bay Mỹ thả xuống trên đường Trường Sơn. “Cây nhiệt đới” là một trong những phát minh được giải thưởng lớn của quân đội Mỹ thời đó nhằm phát hiện các mục tiêu quân sự và sự di chuyển của bộ đội ta. Mục đích sử dụng của “cây nhiệt đới” là phát hiện chấn động mặt đất, đối với người, cự ly phát hiện từ 25 đến 35 mét, ô tô từ 200 đến 300 mét, thời gian hoạt động pin cung cấp năng lượng gắn trên thiết bị này kéo dài từ 2 đến 3 tháng. Bên trong cây chứa ba tầng linh kiện điện tử gồm các loại bóng bán dẫn, tụ, kháng... được bao bọc bằng lớp nhựa dày hỗn hợp rất cứng, một khối pin lớn và một mi-crô nối với ăng-ten. Ăng-ten gồm bốn râu, một râu thẳng lên trời, ba râu xòe ba góc để thu phát chấn động từ mặt đất.

Lúc “cây nhiệt đới” mới xuất hiện, nhiều đoàn xe bị bắn phá, nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương vong vì “tên chỉ điểm” này. Thế nhưng, sau khi nắm bắt được nguyên lý hoạt động, đơn vị của ông đã đề xuất với cấp trên vô hiệu hóa chúng bằng cách buộc chặt các cần ăng-ten lại với nhau, bịt các đầu thu bằng vải để chúng không có khả năng thu tiếng động.

Thời đó, đơn vị ông làm nhiệm vụ mở đường rất cần đá dăm mà không dám dùng bộc phá sợ lộ bí mật. Chỉ huy đơn vị của ông lại đề xuất với cấp trên gom các cây nhiệt đới, dùng vải buộc các cần ăng-ten để vô hiệu hóa rồi mang đến đặt ở những nơi cần mở đường hoặc những nơi núi đá. Sau đó mở vỏ bọc ăng-ten, dùng máy nổ hoặc đài bán dẫn, có khi chỉ là một con chuột buộc vào để gây tiếng động. Thế là chỉ vài giờ sau đó, máy bay Mỹ lao đến trút bom. Bộ đội ta tha hồ thu hồi đá dăm để làm đường. Cũng có khi dụ máy bay đến ném bom ở sông suối, sau đó bộ đội ta vớt cá để cải thiện...

Một thời gian sau, địch phát hiện được việc bộ đội ta đã nắm được nguyên lý hoạt động của “cây nhiệt đới” và sử dụng thiết bị này để lừa địch, chúng liền sáng chế ra “máy đánh hơi người”. Nguyên lý hoạt động của thiết bị này là có khả năng phát hiện khí a-mô-ni-ắc từ nước tiểu của con người. Oái ăm của thiết bị này là nó rất nhỏ, khó phát hiện. Ban đầu nó cũng gây tổn thất cho ta. Thế nhưng, sau khi tìm hiểu về nguyên lý của thiết bị này, đơn vị của ông đã vô hiệu hóa, sau đó được phổ biến khắp các đơn vị ở tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn là đi tiểu vào chai, lọ sau đó mang đi xa nơi đóng quân, những chỗ cần mở đường, phá đá… Thế là máy bay Mỹ cứ nhè vào những nơi đó để ném bom…

Chuyện lừa địch của ông kể rất vui, chúng tôi nghe mãi mà không chán.

“Dũng sĩ phá xe”

Danh hiệu này do Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 Phan Quang Tiệp đặt cho Thượng sĩ Nguyễn Bá Tòng. Câu chuyện dùng bộc phá để phá xe thông đường của Thượng sĩ Nguyễn Bá Tòng tôi được nghe kể bởi chính người Trung đoàn trưởng đáng kính sau trở thành Tư lệnh Binh đoàn 12 - Thiếu tướng Phan Quang Tiệp.

Theo Thiếu tướng Phan Quang Tiệp, vào tháng 3 năm 1971, khi Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào bước vào đợt tổng công kích thứ 2, lúc này, Binh trạm 27 được lệnh của Bộ tư lệnh Trường Sơn tổ chức 150 xe của Tiểu đoàn 62 và Tiểu đoàn 965 chở đạn pháo, thuốc quân y và lương thực tiếp tế cho các đơn vị tham gia mặt trận.

Tiểu đội công binh của Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 98 do Thượng sĩ Nguyễn Bá Tòng chỉ huy chốt giữ bảo đảm giao thông tại dốc U Bò, gần ngã ba Chà Lỳ trên đường 16. Đêm ấy, đoàn xe chở đạn bắt đầu vượt dốc. Khi chiếc xe đi đầu đội hình đổ dốc thì bất ngờ bị máy bay của Mỹ phát hiện. Nó bắn đạn, rải bom xuống mặt đường, tạo thành những vệt lửa đỏ rực dài cả trăm mét. Chiếc xe đi đầu trúng đạn bốc cháy. Đồng chí lái xe bị thương. Anh chỉ kịp mở cửa cố thoát ra khỏi chiếc xe đang bốc cháy. Tiểu đội công binh của Nguyễn bá Tòng trực ở đỉnh dốc vội lao ra dập lửa và cứu chữa thương binh. Các chiến sĩ trong tiểu đội của Nguyễn Bá Tòng cũng bị thương gần hết. Chiếc xe chở đạn bén lửa vẫn đang bốc cháy. Đoạn đường dốc này khá hẹp. Những chiếc xe khác không thể vượt qua chiếc xe bị cháy để tiếp tục hành quân. Tình hình vô cùng nguy cấp cho cả đoàn xe, Nguyễn Bá Tòng tức tốc mang ba lô đựng bộc phá lên lưng, lao ra khỏi hầm hộ tống chạy thẳng lên đỉnh dốc. Mặc cho bộc phá đè nặng trên lưng, mặc cho dốc cao, Nguyễn Bá Tòng vẫn lao lên dốc rồi nhanh chóng tiếp cận với chiếc xe đang cháy. Ngọn lửa đã gần trùm kín thành xe. Những bó nứa làm đệm cho hòm đạn kẹp hai bên thành xe và lá ngụy trang bén lửa nổ lép bép. Lửa táp vào anh rát bỏng. Nguyễn Bá Tòng nhanh chóng xác định vị trí đánh bộc phá. Để chắc ăn, Nguyễn Bá Tòng vội xé chiếc áo lót ra để buộc chặt chiếc ba lô đựng bộc phá vào cầu sau của xe. Anh buộc cả một bó kíp nổ thành một mối liên kết. Nếu cắt dây cháy chậm dài thì an toàn cho bản thân mình nhưng như thế thì quá nguy hiểm cho mặt đường bởi trên thùng xe chở đầy đạn cối. Lửa bắt đầu chùm lên thùng xe rồi. Chưa biết đạn trên thùng xe sẽ nổ lúc nào.

t-tong-vieng-dong-doi-1638454355.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng thắp hương tưởng niệm đồng đội

Nếu để mấy tấn đạn cối kia mà nổ thì khác nào một quả bom lớn. Chắc chắn mặt đường sẽ bị hủy hoại. Lúc ấy dù chướng ngại vật là chiếc ô tô cháy được giải quyết thì vẫn không thể thông đường. Nghĩ nhanh như thế, Nguyễn Bá Tòng cắt dây cháy chậm dài chưa đầy một gang tay. Buộc nhanh chiếc ba lô chứa đầy bộc phá lên cầu sau của chiếc xe. Mặt, tay, ngực anh bị lửa táp cháy xém. Nhưng mặc, Nguyễn Bá Tòng đã “kích hoạt” khối bộc phá thành công. Chạy chưa đầy 15 mét thì bộc phá nổ. Chiếc xe zin 130 bị hất bay khỏi mặt đường rơi xuống vực. Mặt đường không hề hấn gì.

Sau tiếng nổ lớn của khối bộc phá ấy, Nguyễn Bá Tòng bị sức ép, ngất đi. Đường thông, đoàn xe của Tiểu đoàn 62 và Tiểu đoàn 965 sau đó đã vượt dốc an toàn, kịp thời tiếp đạn cho các đơn vị tham gia chiến dịch.

Nguyễn Bá Tòng được anh em trong đơn vị cáng về Bệnh xá của Trung đoàn 98. Mãi cho tới ngày hôm sau anh mới tỉnh. Rất may, anh không bị chấn thương nào nặng. Tuy nhiên, đôi tai của anh thì hoàn toàn điếc đặc.

Hành động dũng cảm, quyết đoán ấy của Nguyễn Bá Tòng đã được tuyên dương toàn mặt trận và được Trung đoàn 98 báo cáo thành tích. Nguyễn Bá Tòng sau đó trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Cũng từ đó, Nguyễn Bá Tòng có biệt danh là “dũng sĩ phá xe”.

Người anh hùng bình dị và ham học

Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng sinh năm 1946, quê ở xã Trịnh Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, nhưng sinh ra và lớn lên ở tỉnh Lạng Sơn. Học hết lớp 7 (hệ 10 năm), ông tình nguyện nhập ngũ vào Đại đội 100 pháo cao xạ tỉnh Lạng Sơn. Năm 1968, đơn vị ông được lệnh chuyển sang huấn luyện bộ binh đi B, thuộc biên chế Đại đội 3, Tiểu đoàn 24D, Sư đoàn 304B.

Sau 6 tháng huấn luyện, đơn vị ông được điều động hành quân đến Trường Sơn. Cả tiểu đoàn được giữ lại biên chế thành Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 98, Đoàn 559. Tại Trường Sơn, Nguyễn Bá Tòng được điều về Đại đội 6 làm nhiệm vụ mở đường, phá bom mìn, bảo đảm giao thông cho trọng điểm ATP, một trong những trọng điểm ác liệt nhất trên đường Trường Sơn lúc đó.

Sống cùng với ông, ai cũng nể phục ông về tinh thần ham học. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm (từ tháng 8-1976 đến tháng 7-1979), ông học liền 3 lớp, từ lớp 7 lên thẳng lớp 10, thi tốt nghiệp phổ thông đạt loại giỏi. Cũng bởi sự học giỏi này mà ông đã “tán đổ” cô hoa khôi Hồ Thị Thanh Bình, công nhân Xí nghiệp Thảm len Đống Đa (Hà Nội) kém ông đến 10 tuổi. Sau này, khi vợ đi lao động xuất khẩu tại Tiệp Khắc, vừa nuôi con, vừa tham gia công tác tại Binh đoàn 12, ông vẫn theo học và đạt bằng giỏi của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Phát triển từ người chiến sĩ, cho đến khi trở thành sĩ quan cấp tướng, Nguyễn Bá Tòng vẫn bình dị như hồi mới nhập ngũ. Ông luôn yêu thương tất cả mọi người, nhất là đối với cán bộ cấp dưới.

Tôi lấy được vợ cũng là nhờ sự giúp đỡ của ông. Hồi ấy, lớp thanh niên độc thân trong cơ quan binh đoàn không nhiều. Ông để ý và mai mối cho tôi với cô nhân viên của Phòng Cơ yếu (Bộ Tham mưu) Lê Thị Thúy là vợ tôi bây giờ. Ông bảo: “Thúy nó đảm đang lắm, chú thấy cháu và nó hợp đấy”. Và thế là ông tạo điều kiện cho chúng tôi tham gia các hoạt động kết nghĩa giữa hai tổ chức đoàn của Bộ Tham mưu và Cục Chính trị rồi báo cáo Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu Trần Bút, báo cáo Bí thư Đảng ủy Cục Chính trị Nguyễn Tức. Sau đó cùng các cơ quan tiến hành tổ chức lễ ăn hỏi, lễ cưới cho chúng tôi ngay tại hội trường binh đoàn.

t-tong-tang-qua-noi-don-vi-dong-quan-1638454355.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng tặng quà nơi đơn vị cũ đóng quân

Năm 1996, anh hùng Nguyễn Bá Tòng được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh về chính trị, Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 12. Chỉ trong vòng 3 năm, ông đã đặt chân tới từng đại đội của tất cả mọi đơn vị trong binh đoàn. Ông tỷ mỉ tìm hiểu mọi mặt của đời sống vật chất, tinh thần và điều kiện làm việc… của từng đơn vị, giúp đơn vị cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… Trên cương vị của một Bí thư Đảng ủy, ông đã xây dựng được mối đoàn kết thống nhất trong các cơ quan, đơn vị trong binh đoàn và Binh đoàn 12 trong thời kỳ ấy đã có sự phát triển vượt bậc.

Ngay sau khi nghỉ hưu (năm 2007), Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng tham gia ngay vào Ban Liên lạc toàn quốc Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Đại hội thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam lần thứ nhất (tháng 7-2011), ông được bầu làm Phó chủ tịch hội. Đại hội nhiệm kỳ II (tháng 9-2016) ông tiếp tục được bầu làm Phó chủ tịch hội, phụ trách công tác truyền thống-lịch sử.

Với chiếc xe máy cà tàng, ông rong ruổi mọi ngõ ngách của phố phường Hà Nội để thăm hỏi hội viên ốm đau. Nhiều lần vợ chồng tôi cảm thấy áy náy vì để thủ trưởng đến thăm mà lại không đến thăm thủ trưởng, ông cười xòa: “Chú nghỉ hưu rồi, có thời gian, vợ chồng cháu là cán bộ đương chức, công việc bận…”. Ông còn phối hợp với một số doanh nghiệp tổ chức đi thăm, tặng quà bà con nghèo ở những nơi từng đóng quân, những trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử.

t-tong-hoi-thao-1638454355.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng phát biểu tại Hội thảo Khoa học Quốc gia nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn

Khi gần đến các ngày lễ, ngày kỷ niệm truyền thống của đơn vị, ông thức thâu đêm để viết bài và nhờ tôi biên tập đăng báo. Bài cuối cùng ông viết cho Báo Quân đội nhân dân là bài về Trung đoàn 98 mở đường thần tốc đăng ngày 9-8-2019.

Không hiểu có định mệnh gì không nhưng ngày ông mời vợ chồng tôi đến nhà ông ăn cơm và sẽ kể cho tôi nghe chuyện ngày Tết ở Trường Sơn để đăng trên Báo Quân đội nhân dân Xuân Canh Tý (2020) cũng là ngày ông ra đi mãi mãi, để lại nỗi nhớ thương cho rất nhiều người.

Trước lúc ra đi, ông đã kịp thăm lại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, nơi yên nghỉ hơn một vạn đồng đội của mình. Ông kịp đọc bản tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc gia nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, trong đó có đoạn viết rất cảm động : “Huyền thoại đường Trường Sơn không phải tự nhiên mà có hay do thêu dệt bằng trí tưởng tượng, mà huyền thoại đó đánh đổi bằng sự hy sinh, được bồi tụ bằng trí tuệ, bản lĩnh, sức sáng tạo, ý chí quyết tâm của nhiều thế hệ người Việt Nam…”.