Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên mặt trận nông nghiệp

Tuy thời gian được Đảng giao trực tiếp phụ trách mảng nông nghiệp và nông thôn không dài, nhưng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có những cống hiến quan trọng, góp phần tạo nên luồng gió mới trên đồng ruộng miền Bắc, xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc trong những năm tháng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong thời gian được Bác Hồ và Trung ương giao cho phụ trách Ban Nông nghiệp của Đảng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã cùng với đội ngũ cán bộ lãnh đạo ngành nông nghiệp và các nhà khoa học ngày đêm nghiên cứu phát triển sản xuất, phá cơ chế “xiềng 3 sào”, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất lúa và cây trồng.

Đồng thời, phát động một phong trào thi đua rầm rộ, dậy lên làn “Gió Đại Phong”, thi đua với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Đại Phong, lá cờ đầu của phong trào thi đua quản lý hợp tác xã.

Vị tướng “xắn quần lội ruộng”

Vào những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, miền Bắc sau khi đã hoàn thành kế hoạch khôi phục kinh tế, đang hoàn thành kế hoạch 3 năm phát triển kinh tế và văn hóa, Đảng ta thực hiện chủ trương đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể theo hình thức tổ đổi công và hợp tác xã. Theo nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Làm ăn tập thể, đó là một sự biến đổi cực kỳ to, cực kỳ mới, cực kỳ tốt, cho nên lúc đầu không tránh khỏi bỡ ngỡ và khó khăn” (Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.10, Nxb Sự thật, H.1996, tr.247.)

dai-tuong-nguyen-chi-thanh-4-1638323990.jpg
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh (đầu tiên, bên phải) cấy lúa với bà con xã viên Hợp tác xã Chiến Thắng, xã Lý Ninh, tháng 1-1962

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ sản xuất nông nghiệp là một mặt trận mà “cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ”. Thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc, Bác Hồ coi nông nghiệp cùng với công nghiệp là hai chân của nền kinh tế. Khi được Đảng và Bác Hồ phân công, đồng chí Nguyễn Chí Thanh sang lãnh đạo chỉ đạo nông nghiệp với yêu cầu củng cố và phát triển phong trào hợp tác hóa nông thôn, Bác Hồ đã căn dặn: “Phong trào mới nhóm, trầm trầm chú hãy cố gắng tìm cho được điển hình tốt, rút kinh nghiệm và phát huy nó lên để đánh tan bầu không khí kém phấn khởi”. (Theo cuốn “Nguyễn Chí Thanh của chúng ta”).

Thực hiện lời Bác dặn, khi phụ trách mặt trận nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã cho thấy một tấm gương về một vị tướng không quản ngại bất cứ khó khăn nào, luôn làm việc với tinh thần “xốc tới” và là người lăn lộn với phong trào. Xuất thân từ nông dân, trưởng thành trong phong trào cách mạng, đã qua thử thách trong lao tù kẻ thù, bất kỳ ở cương vị nào, đồng chí Nguyễn Chí Thanh vẫn luôn cố gắng kiên trì và phát huy những năng lực của mình.

Điển hình như năm 1962, Trung ương Đảng, Chính phủ phát động phong trào thi đua đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trong toàn miền Bắc nước ta. Một số địa phương thuộc tỉnh Thanh Hóa, do phô trương thành tích, sản lượng thu hoạch thấp lại báo cáo cao. Đến khi giáp hạt thiếu lương thực nghiêm trọng, nạn đói đã xảy ra, có nơi đã có người chết. Đảng và chính quyền tỉnh không dám báo cáo lên Chính phủ.

Biết được tình trạng đó, Bác Hồ cử đồng chí Nguyễn Chí Thanh về tận nơi kiểm tra cấp cứu tại chỗ. Khi về đến tỉnh thì trời mưa to, đường sá nước ngập, gió mùa lạnh buốt, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện ngại không muốn đồng chí Nguyễn Chí Thanh đến những nơi đang xảy ra sự cố nhưng đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã nhất quyết đi và động viên anh em cùng đi. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã băng đồng lội nước, hối hả xuống gặp dân, vào từng nhà, xem từng hũ gạo, bồ thóc, niêu cơm, từng người ốm đói…

Và khi biết rõ có người chết đói là sự thật, đồng chí Nguyễn Chí Thanh vội vã quay về tỉnh kiểm tra kho dự trữ lương thực quốc gia thấy còn lúa gạo, và được các đồng chí lãnh đạo tỉnh trả lời: “Chưa có lệnh Trung ương, tỉnh không dám mở kho xuất gạo”.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã chỉ thị “mở kho xuất gạo ngay”. Thấy các đồng chí lãnh đạo tỉnh còn ái ngại, ông nói: “Tôi xin chịu trách nhiệm trước Trung ương, Chính phủ, luật pháp…”, rồi viết ngay lệnh xuất kho. Số gạo được chở đến những vùng có nạn đói, kịp thời cứu dân và ngăn chặn nguy cơ đói lan tràn.

dai-tuong-nguyen-chi-thanh-5-1638323990.jpg
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh tăng gia sản xuất tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam

Bất kỳ chuyến đi thực tế nào của ông cũng có mục đích cụ thể như tìm hiểu thâm canh lúa, tổ chức chăn nuôi đại trà, làm nghề phụ, tạo việc làm cho nông dân lúc nông nhàn…, nhưng đằng sau những cái đó chung quy hướng vào việc tìm lời giải cho việc nâng cao đời sống của người trồng lúa.

Đồng chí thường xuyên đi thăm để tìm hiểu tình hình các huyện, hợp tác xã. Nhiều lần không thông báo trước, đồng chí lội tắt cánh đồng, quan sát cung cách làm ăn của hợp tác xã rồi vào thẳng trụ sở bàn bạc với đảng ủy, ủy ban, ban quản lý hợp tác xã về các mặt công tác.

Trong những chuyến đi ngược Tây Bắc, từ Hòa Bình qua Yên Châu, Mộc Châu, Thuận Châu, lên đèo Pha Đin, sang Mường Lò, Nghĩa Lộ, vượt sông về Yên Bái, Phú Thọ… đến đâu ông cũng về bản làng thăm hỏi, động viên đồng bào.

Triển khai Hội nghị Trung ương 5 (khóa III), Bộ Chính trị chuẩn bị ban hành Nghị quyết về miền núi, ông lại “kéo quân”, mà thực tế là vài ba chuyên viên và một nhà báo, “lùng sục” nhiều nơi. Từ Hà Nội lên huyện Bằng Mạc, tỉnh Bắc Giang nghiên cứu Hợp tác xã Nà Cà, đi tiếp lên một bản huyện Lộc Bình, Lạng Sơn chưa lập hợp tác xã xem nguyên nhân do đâu.

Về Hà Nội, đáp xe lửa thẳng Lào Cai tìm hiểu sản xuất và đời sống đồng bào Mông. Dạo ấy có phong trào nông dân vùng châu thổ Sông Hồng lên miền núi tham gia xây dựng kinh tế mới. Đồng bào miền xuôi lên đây có gắn bó như với quê hương bản quán mình? Mô hình hợp tác nào thuận lợi cho đồng bào dân tộc sống rải rác? Tìm cách gì dạy nghề, tạo việc làm cho bà con sống heo hút lưng chừng đèo?...

Với mỗi nhiệm vụ được giao, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn lấy kiến thức từ thâm nhập thực tế để hiểu thật sâu về mảng mà mình phụ trách. Trong buổi dặn dò với lớp cán bộ quân đội được chuyển sang làm công tác nông nghiệp, đồng chí đã lấy kinh nghiệm bản thân làm minh chứng cụ thể, tạo sức thuyết phục với người nghe.

“Chính bản thân tôi khi mới ở quân đội chuyển sang tôi đã tự nêu cho mình mục tiêu phấn đấu lúc đầu là trong vòng một năm phải đuổi cho được trình độ hiểu thực tế của anh Chủ nhiệm hợp tác xã và Bí thư chi bộ. Xuống cơ sở, phải thực tế chứ không thể sách vở, tổ chức lao động thế nào, phân tro, giống má ra sao, giống thế nào là tốt, là xấu, chọn giống, giữ giống thế nào… Ý kiến phải cho cụ thể và cho tốt, chứ không thể chung chung, vì như thế sẽ không giúp được gì cả mà nghe báo cáo không biết đúng sai, hay dở nữa”.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không mấy khi hài lòng với những việc làm được. Đến đâu ông cũng đề cao những nhân tố mới, khẳng định thành tựu, khích lệ đồng bào, nhưng bên cạnh đó luôn cánh cánh những vấn đề cuộc sống đặt ra, những việc thực tế đòi hỏi mà ta chưa nhìn rõ hướng làm.

Hình ảnh vị tướng xắn quần lội ruộng xem xét việc canh tác, khảo sát những khó khăn, tìm hiểu những nơi sản xuất khá đã không còn xa lạ với những người nông dân chân lấm tay bùn. Ông đã thực sự gây dựng được niềm tin và sự quý mến với nông dân, như cán bộ và bà con trên mặt trận nông nghiệp vẫn thường gọi ông là “Đại tướng nông dân”.

Trong quá trình thâm nhập, sâu sát thực tế tại một số địa phương đã giúp cho vị tướng trận mạc những kinh nghiệm quý báu trên mặt trận nông nghiệp.

Tạo khí thế mới cho nền nông nghiệp nước nhà

Tuy thời gian được Đảng giao trực tiếp phụ trách mảng nông nghiệp và nông thôn không dài, nhưng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có những cống hiến quan trọng, góp phần tạo nên luồng gió mới trên đồng ruộng miền Bắc, xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc trong những năm tháng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nhớ lại những năm 1960, bình quân ruộng đất tính theo đầu người của miền Bắc khoảng 3 sào Bắc Bộ, tức khoảng trên 1000m2. Khi đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn nhắc đến khẩu hiệu “phá xiềng 3 sào”. Ông đã rất chú trọng vấn đề bảo vệ, khai hoang mở rộng diện tích canh tác, đặc biệt là diện tích cấy lúa, hạn chế tốc độ tăng dân số và sử dụng hợp lý quỹ đất nông nghiệp.

Trong lịch sử và tâm trí của hàng triệu con người Việt Nam còn in đậm phong trào “Gió Đại Phong”, một mô hình nông nghiệp thời chống Mỹ mà đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã dày công tổng kết và chỉ đạo.

Đại Phong huyện Lệ Thủy, Quảng Bình là một hợp tác xã ban đầu chỉ có 24 hộ và 24 mẫu ruộng. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã nêu khẩu hiệu “phá xiềng 3 sào” đồng thời giúp hợp tác xã quản lý tốt, phân công lao động hợp lý, vừa khuyến khích khai hoang, vừa tăng cường thâm canh tăng vụ phát triển nghề phụ, xã viên đoàn kết một lòng.

Chỉ trong 3 năm đã phát triển thành hợp tác xã cấp cao với 455 hộ và 1.113 mẫu ruộng, cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển, đời sống xã viên ngang với mức trung nông. Đồng chí đã tổng kết rút kinh nghiệm phổ biến cho các hợp tác xã khác.

Sáng kiến thi đua “Học tập, đuổi kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong” được Đảng và Bác Hồ chấp thuận, gần 2 tháng sau khi phát động, đã có hơn 1000 hợp tác xã đăng ký thi đua học tập Đại Phong.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Đó là một phong trào rất tốt và rất mạnh mẽ, nó chứng tỏ tinh thần hăng hái, lực lượng to lớn và khả năng dồi dào của đông đảo nông dân ta”. (Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị Quốc gia, H.1996, tr.343.)

dai-tuong-nguyen-chi-thanh-1-1638323990.jpg
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (phải) tại Hợp tác xã nông nghiệp Đại Phong (1961)

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh rất quan tâm đến thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, đồng thời cũng luôn chú ý tới việc phân phối sản phẩm, nâng cao đời sống nông dân. Đồng chí cho rằng, sản xuất và phân phối là những khâu quan trọng và có liên quan mật thiết đến nhau.

Theo ông, cần nghiên cứu một cách toàn diện và sâu sắc vấn đề phân phối để điều chỉnh những chỗ chưa hợp lý nhằm khuyến khích sản xuất phát triển. Đây là lợi ích kinh tế của người lao động, nếu không được thực hiện tốt sẽ triệt tiêu một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển nền kinh tế quốc dân.

Nhiều địa phương thời bấy giờ chủ trương “vắng chợ đông đồng” thì đồng chí chủ trương “chợ nông thôn nó cần phải có, đó là thực tế khách quan kinh tế của ta”, “kinh tế phụ gia đình có tác dụng hỗ trợ”. Đồng chí cho rằng kinh tế hợp tác xã và kinh tế gia đình có quan hệ mật thiết với nhau, chi phối tương tác nhau cùng phát triển theo một tỷ lệ hợp lý.

Năm 1962 khi đánh giá về phong trào hợp tác hóa, bên cạnh cái hay của cách làm ăn tập thể, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã thẳng thắn chỉ ra một số khuyết điểm lớn, kéo dài của phong trào làm hạn chế đáng kể hiệu quả làm ăn của hợp tác xã.

Ông cũng đi sâu nghiên cứu, phân tích kỹ tình hình cần chú ý ở nước ta khi tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp, đó là: Ta tiến hành hợp tác hóa với vốn cơ sở vật chất, kỹ thuật nghèo nàn, lạc hậu, ruộng đất ít. Ông đề ra phải “phá xiềng 3 sào” để tạo điều kiện mới cho sức sản xuất. Lao động nông nghiệp cần phải phân bổ lại cho hợp lý.

Ông rất coi trọng xây dựng chế độ hợp tác mới ở nông thôn trên ba mặt là: Cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh cũng nhận định, xóa đói giảm nghèo, tăng hộ giàu trong nông thôn sau cải cách ruộng đất là một xu thế phân hóa tích cực, đúng đắn. Những tư tưởng lớn của đồng chí Nguyễn Chí Thanh đối với nông dân, nông nghiệp nước ta đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

dai-tuong-nguyen-chi-thanh-3-1638323990.jpg
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tham gia tăng gia sản xuất tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1966)

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong bài viết về mặt trận nông nghiệp giai đoạn 1960-1963 đã nhấn mạnh: “Khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh rời Thủ đô Hà Nội vào chiến trường miền Nam, hơn 10 triệu nông dân (miền Bắc) trong hợp tác xã nông nghiệp đã phấn đấu đưa sản lượng nông nghiệp đến năm 1963 cao hơn hai lần so với năm 1939, là năm phát triển nhất thời thuộc Pháp và trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Các hợp tác xã có vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhờ có nó, chúng ta phát triển và củng cố được nông thôn- một địa bàn chiến lược rộng lớn nhất của căn cứ địa miền Bắc – tạo nên sự nhất trí cao về chính trị và tinh thần của cả miền Bắc, động viên và tổ chức được hàng triệu thanh niên ra tiền tuyến, đảm bảo hậu phương quân đội, hậu phương chiến tranh ngày càng vững mạnh.

Đến khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc, nó là cơ sở vững mạnh bảo đảm thắng lợi của cuộc chiến tranh nhân dân đất đối không”. (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà lãnh đạo lỗi lạc, một danh tướng thời đại Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã sống một cuộc đời giản dị và gần gũi, đúng như Tố Hữu đã viết về ông “sáng trong như ngọc một con người”. Từ một vị tướng cầm quân đánh giặc, ông đã hoàn thành trọng trách lãnh đạo một ngành kinh tế trọng yếu của đất nước, có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, đó là mặt trận nông nghiệp.