Nguyễn Hùng Phong: Vị tướng chính trị giỏi quân sự

Lương Đàm
Là cán bộ chính trị nhưng lại rất thạo công việc quân sự nên trong nhiều trận chiến đấu ác liệt, chính trị viên (sau này là chính ủy) Nguyễn Hùng Phong đã trực tiếp chỉ huy tác chiến và giành thắng lợi. Ông là vị tướng văn võ song toàn.

Vị tướng mang tên “gió mạnh”

Tôi có may mắn được tiếp xúc với Trung tướng Nguyễn Hùng Phong vào dịp Tết Nguyên đán năm Đinh Tuất 2017 tại Nhà khách Bộ tư lệnh Quân khu 1.

Khi đó tôi là Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 1 được Quân khu giao nhiệm vụ đón tiếp các đồng chí cán bộ cao cấp của Quân khu đã nghỉ hưu.

Đồng chí Nguyễn Hùng Phong năm ấy đã tròn 90 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Nhìn vóc dáng nhỏ nhắn, đi đứng khoan thai, nói năng nhỏ nhẹ, có lẽ ít người ngờ rằng, ông đã từng chỉ huy nhiều trận đánh nổi tiếng đi vào lịch sử dân tộc.

Theo giới thiệu của Thiếu tướng Dương Đình Thông, Phó chính ủy Quân khu 1 (nay là Trung tướng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 1) thì đồng chí Nguyễn Hùng Phong là người có duyên nợ với vùng đất chiến khu Việt Bắc-Quân khu 1.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí đều gắn bó với các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Bắc Giang...

Hơn 10 năm trước khi nghỉ hưu (từ tháng 8 năm 1981 đến tháng 12 năm 1991), đồng chí đảm nhiệm trọng trách Bí thư Đảng ủy, Phó tư lệnh về chính trị Quân khu 1.

Thời điểm đó, kinh tế đất nước và các địa phương trong Quân khu vô cùng khó khăn do vừa đi qua cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Trung tướng Nguyễn Hùng Phong luôn chủ động nghiên cứu nắm tình hình, kịp thời tham mưu đề xuất cùng với tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu triển khai thực hiện tốt mọi đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 1986-1990, đồng chí cùng với tập thể Đảng ủy Quân khu đã triển khai toàn diện đường lối đổi mới do Đại hội VI của Đảng khởi xướng, gắn với thực hiện đồng bộ việc đổi mới công tác huấn luyện, hậu cần, kỹ thuật của Quân khu, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân khu, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân của Quân khu trong giai đoạn cách mạng mới.

hung-phong-3-1638323204.jpg
Trung tướng Nguyễn Hùng Phong

Trong hồ sơ được lưu trữ tại Quân khu 1 thì đồng chí Nguyễn Hùng Phong, tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Huyễn. Vậy vì sao đồng chí lại mang tên Hùng Phong, có nghĩa là “gió mạnh”?.

Tôi hỏi ông như vậy và nhận được câu trả lời: "Tôi sinh ngày 18-12-1927 tại làng Côi Trì, xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Cũng như nhiều làng quê của vùng đồng bằng Bắc Bộ, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, quê tôi nghèo, khổ, cùng cực lắm. Năm 1942, mới 15 tuổi, tôi đã tham gia cách mạng, 16 tuổi được kết nạp Đoàn Thanh niên cứu quốc.

Tháng 8 năm 1945, tôi tham gia cướp chính quyền huyện Yên Mô và trở thành cán bộ Việt Minh của huyện khi chưa đầy 17 tuổi.

Hồi ấy, cán bộ hoạt động cách mạng ngoài tên khai sinh, tên thường gọi còn có bí danh. Chính quyền non trẻ của huyện Yên Mô khi ấy phải làm rất nhiều việc từ “diệt giặc đói”, “diệt giặc dốt” đến việc phải đối phó với một số đối tượng thù địch, tay sai cho giặc đội lốt tôn giáo…

Theo gợi ý của một cán bộ huyện lúc đó, tôi đổi tên từ Nguyễn Ngọc Huyễn thành Nguyễn Hùng Phong. Cái tên Hùng Phong có nghĩa là gió mạnh. Tôi muốn cuộc đời của tôi sẽ như ngọn gió mạnh thổi đi những tàn dư của chế độ thực dân phong kiến…".

Chính trị viên trực tiếp chỉ huy bộ đội chiến đấu

Trung tướng Nguyễn Hùng Phong kể với tôi rằng, hơn 45 năm phục vụ trong quân đội, đồng chí đều là cán bộ chính trị.

18 tuổi đã là chính trị viên đại đội. Sau đó phát triển thành chính trị viên tiểu đoàn, chính ủy trung đoàn… rồi đến chính ủy quân đoàn và phó tư lệnh về chính trị Quân khu.

Thế nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, trong nhiều trận chiến đấu đồng chí đã thay thế cán bộ quân sự, trực tiếp chỉ huy tác chiến.

Trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, đồng chí Nguyễn Hùng Phong là Chính trị viên Đại đội 5 thuộc Tiểu đoàn 42 (Tiểu đoàn Bình Ca), Trung đoàn 308 (sau này Trung đoàn 308 phát triển thành Sư đoàn 308), trực tiếp chỉ huy bộ đội chiến đấu với quân viễn chinh Pháp từ bến Bình Ca về huyện lỵ Sơn Dương (Tuyên Quang) rồi sang đánh chặn địch ở Đèo Khế, Văn Lãng, Đại Từ (Thái Nguyên).

Năm 1948, trên cương vị là Chính trị viên Đại đội 140 thuộc Tiểu đoàn Bình Ca, đồng chí Nguyễn Hùng Phong chỉ huy bộ đội tham gia chiến dịch Đông Bắc.

Trong trận đánh đồn An Châu, đồn Đông Dương và trận Tao Ngộ chiến ở Khe Man Đông Bắc, quân địch đã bắn một loạt đạn về phía đội hình Đại đội 140 mà Nguyễn Hùng Phong đang chỉ huy, nhưng may mắn thay, vì hôm đó trời rất lạnh, đồng chí Nguyễn Hùng Phong mặc một chiếc áo khá dày, trước ngực lại đeo một chiếc xà cốt của chính trị viên nên sau loạt đạn ấy, đồng chí chỉ bị đứt dây đeo xà cốt và thủng áo mà may mắn thoát chết.

Thế nhưng ở loạt đạn sau thì đồng chí đã bị thương ở phần đùi. Giữa chiến trường Đông Bắc khi ấy không có trạm cứu thương nên đồng chí được đưa ra tuyến sau vào rừng, phải mất mấy ngày sau, Nguyễn Hùng Phong mới được đưa về trạm cứu thương ở Bắc Giang trong tình trạng mất nhiều máu và dường như kiệt sức.

Sau thời gian được điều trị, vết thương lành, đồng chí Nguyễn Hùng Phong lại cùng anh em thoát ra khỏi vòng vây của địch tìm lại cơ sở và tiếp tục hoạt động.

Năm 1949, đồng chí làm Chính trị viên Đại đội Tô Vân, Tiểu đoàn 29, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 hoạt động chủ yếu trên đường số 4, đánh các đồn địch ở Lạng Sơn: Nà Leng, Nà Han, bản Bê và trực tiếp chỉ huy bộ đội trong trận phục kích Lũng Phầy (Lạng Sơn) khiến kẻ thù khiếp sợ.

Trong chiến dịch Biên giới 1950, trên cương vị Chính trị viên Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308, đồng chí Nguyễn Hùng Phong chỉ huy bộ đội đánh địch ở Nà Pá, Khâu Luông và tiến công địch trên đường số 4 thuộc huyện Thạch An, Cao Bằng.

Ngày 16-9-1950, Trung đoàn 174 và Trung đoàn 209 của ta chủ động đánh chiếm cứ điểm Đông Khê với mục đích cô lập Cao Bằng, uy hiếp cứ điểm Thất Khê và phá thế trận phòng thủ của quân Pháp trên đường số 4.

Đến ngày 18-6-1950, cứ điểm Đông Khê hoàn toàn thất thủ mặc dù đã được không quân yểm trợ. Pháp nhanh chóng điều động quân đội ở Bắc bộ thực hiện cuộc "hành quân kép": Một cánh do Trung tá Le Page chỉ huy hành quân từ Thất Khê lên nhằm chiếm lại cứ điểm Đông Khê mở lại đường số 4 và thu hút chủ lực của quân Việt minh; một cánh do Trung tá Charton chỉ huy tiến công từ Cao Bằng xuống gặp Le Page ở Đông Khê.

Trung đoàn 209 được lệnh hành quân lên Quang Liệt, phía Bắc Đông Khê để chặn đánh binh đoàn Charton. Ngày 6-10, cánh quân của Charton cũng đến được Cốc Xá và bắt liên lạc được với Le Page. Đại đoàn 308 lập tức bao vây chặt Cốc Xá và điểm cao 477.

Sáng sớm 6-10-1950, Trung đoàn 36 bắt đầu tấn công Cốc Xá và đến buổi trưa thì gần như toàn bộ binh đoàn Le Page đã bị xóa sổ chỉ còn 650 trên tổng số 2.500 người, số ít còn lại cố chạy sang điểm cao 477 cùng với chỉ huy Le Page.

Năm 1952, với cương vị là Chính trị viên Tiểu đoàn 29, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308, đồng chí chỉ huy bộ đội tham gia chiến dịch Hòa Bình và bị thương lần 2.

Người chính ủy có tâm và có tầm

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ác liệt, đồng chí Nguyễn Hùng Phong gắn bó với Sư đoàn 308 – Sư đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta.

Trên cương vị là Phó chính ủy rồi Chính ủy sư đoàn, đồng chí Nguyễn Hùng Phong đã cùng với tập thể Đảng ủy sư đoàn lãnh đạo chỉ huy đơn vị giành thắng lợi ở những cuộc chiến đấu gian lao, ác liệt.

Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 308 ngày ấy đều có chung nhận xét về người chính ủy sư đoàn là “vừa có tâm, vừa có tầm”.

hung-phong-1-1638323204.jpg
 Trung tướng Nguyễn Hùng Phong (thứ hai, từ phải sang) gặp các đồng chí, đồng đội cũ tại Quân khu 1 (tháng 5-2015)

Trong chiến dịch tiến công Đường số 9 - Khe Sanh (Xuân-Hè 1968), Sư đoàn 308 vinh dự tham gia chiến đấu và lập chiến công trong đợt 4 chiến dịch.

Đây là lần đầu tiên Sư đoàn trực tiếp đánh Mỹ trên chiến trường miền Nam. Hơn một tháng tham gia chiến dịch, Sư đoàn đã đánh hàng chục trận, quy mô từ đại đội đến tiểu đoàn, nhiều trận chủ động đánh địch ban ngày, loại khỏi vòng chiến đấu gần 2.000 tên lính thủy đánh bộ Mỹ, bắn rơi 39 máy bay, phá hủy 11 khẩu pháo, cối các loại cùng nhiều vũ khí, khí tài của địch.

Chiến thắng giành được trong chiến dịch tiến công Đường số 9 - Khe Sanh đã chứng tỏ một bước trưởng thành mới của Sư đoàn sau 14 năm xây dựng. Sư đoàn đã chiến đấu trực tiếp với quân chủ lực tinh nhuệ có trang bị vũ khí hiện đại của đế quốc Mỹ, lập chiến công vẻ vang.

Trong chiến dịch phản công Đường số 9 - Nam Lào (Xuân 1971), cán bộ và chiến sĩ Sư đoàn 308 đã chiến đấu liên tục trong suốt cả 52 ngày đêm của chiến dịch, tiêu diệt 4.023 tên địch, bắt 127 tên, diệt gọn thiết đoàn 17 và 4 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng liên đoàn 1 biệt động quân và tiểu đoàn 1 dù của địch, phá hủy 337 xe các loại (có 205 xe tăng và xe bọc thép, 48 khẩu pháo, cối cỡ lớn, thu gần 500 súng các loại, cùng hàng chục tấn vũ khí đạn dược, trang bị kỹ thuật.

Chiến công của Sư đoàn trong chiến dịch này là thành quả của quá trình huấn luyện gian khổ, sáng tạo, đặc biệt làm tốt công tác tư tưởng.

Qua chiến dịch, Sư đoàn đã trưởng thành thêm một bước quan trọng, rút ra nhiều bài học bổ ích về cách đánh địch tiến công và phòng ngự bằng hình thức đóng chốt trên điểm cao, về cách tổ chức chốt giữ những mục tiêu chiến dịch, chiến thuật trong phòng ngự, cũng như trong tiến công, làm phong phú thêm truyền thống chiến thắng của Sư đoàn.

Tham gia trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường Trị-Thiên, Sư đoàn đã lập công xuất sắc, tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Hà - Lai Phước, góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.

Trận Đông Hà - Lai Phước được coi là điểm mốc lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc.

Đây là một trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất của quân đội ta từ trước đến lúc này. Trong đợt 2 chiến dịch, Sư đoàn 308 cùng các đơn vị tăng cường, trong thế tiến công chung của chiến dịch Quảng Trị, đã anh dũng chiến đấu, vận dụng cách đánh tốt, đạt hiệu quả cao, đập tan cụm cứ điểm kiên cố có binh lực tương đương một sư đoàn binh chủng hợp thành của quân đội Sài Gòn, được không quân và pháo hạm Mỹ chi viện.

Trong trận này, Sư đoàn 308 và các đơn vị tăng cường đã diệt 3.500 tên địch, bắt 322 tên, phá hủy 110 xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi 45 máy bay, thu 5 pháo lớn và nhiều xe quân sự, làm tan rã 3 trung đoàn bộ binh, 2 thiết đoàn xe tăng, thiết giáp địch, đánh bại thủ đoạn phòng ngự mới của chúng, giáng một đòn nặng vào tinh thần quân Mỹ và quân đội Sài Gòn trên toàn chiến trường miền Nam.

Sau thắng lợi vang dội trong trận Đông Hà - Lai Phước, Sư đoàn lại có gần một năm liên tục chiến đấu kiên cường với nhiều cách đánh sáng tạo, đặc biệt là hình thức chiến thuật phòng ngự cụm chốt liên hoàn nên đã góp phần cùng các đơn vị bạn bảo vệ vững chắc vùng giải phóng Quảng Trị.

Tổng cộng, sau gần một năm chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị với nhiều đợt kế tiếp, Sư đoàn đã đánh gần 800 trận lớn nhỏ từ một tổ, một tiểu đội đến tiểu đoàn, trung đoàn và sư đoàn tăng cường, diệt và bắt hơn 10.000 tên địch, phá hủy và thu 151 xe tăng thiết giáp, 17 khẩu pháo từ 105 ly đến 155 ly, bắn rơi 23 máy bay các loại.

Tuy nhiên, tại Quảng Trị, Sư đoàn cũng chịu nhiều tổn thất lớn; kể từ khi bước vào chiến đấu cho đến khi kết thúc chiến dịch; hơn 70% cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn theo biên chế hy sinh và bị thương.

Nhiều đại đội, tiểu đoàn phải thay thế cán bộ chỉ huy từ 6 tới 7 lần. Có đại đội khi kết thúc chiến dịch không còn lại một ai là cán bộ, chiến sĩ cũ có mặt từ đầu cuộc tiến công chiến lược (năm 1972).

Với cương vị là Chính ủy Sư đoàn, đồng chí Nguyễn Hùng Phong đã làm tốt công tác tư tưởng, vừa động viên bộ đội, vừa thực hiện công tác chính sách.

Vì thế chỉ trong thời gian ngắn, đội hình chiến đấu của sư đoàn đã được củng cố, trở thành “quả đấm thép” bảo vệ Thủ đô Hà Nội và hậu phương miền Bắc, vừa sẵn sàng cơ động thần tốc bằng cả đường bộ, đường thủy và đường không vào chiến trường khi nhiệm vụ cần thiết trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ngày 24-10-1973, trước yêu cầu của giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quân đoàn 1 - quân đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Quân đội ta được thành lập. Sư đoàn 308 vinh dự được đứng trong đội hình Quân đoàn và Chính ủy sư đoàn Nguyễn Hùng Phong trở thành Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị của Quân đoàn 1.