Đó là sự khẳng định, là niềm tự hào của người Việt Nam. Không ai phủ nhận được vai trò, vị trí hết sức quan trọng của hiền tài đất nước, đồng thời làm sao để có nhiều hiền tài, để hiền tài đóng góp tốt nhất cho đất nước luôn là công việc vô cùng cần thiết, cấp bách.
Bao đời nay ở Việt Nam hiền tài luôn xuất hiện, góp phần tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đó là truyền thống, văn hóa, nội lực quý báu nghìn đời của dân tộc. Thời kỳ nào người Việt cũng huy động tiềm năng, thế mạnh tổng hợp của cả cộng đồng cùng nuôi dưỡng, phát huy sức mạnh hiền tài.
Thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, vấn đề hiền tài càng được đặc biệt quan tâm, phát triển.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến vai trò của hiền tài, việc bồi dưỡng, trọng dụng hiền tài phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Năm 1945, khi nước nhà vừa giành được độc lập, Người đã viết bài đăng trên báo Cứu quốc chỉ rõ sự cần thiết và cách xây dựng, trọng dụng người tài “Kiến thiết cần có nhân tài… nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. Người cũng kêu gọi: “Vậy chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng, có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay”. Hồ Chủ tịch còn yêu cầu: “Các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Trên thực tế trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh chính là một tấm gương mẫu mực về bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài. Chỉ đơn cử trong những năm kháng chiến chống Pháp nhiều khó khăn, gian khổ, giữa bộn bề công việc, Hồ Chủ tịch bằng uy tín, đạo đức và tài năng của Người đã thu hút được nhiều trí thức Việt kiều tài năng về nước cống hiến cho cách mạng, trở thành Bộ trưởng, như các Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch (1908 - 1968), Tạ Quang Bửu (1910 - 1986), các Anh hùng Lao động như Tôn Thất Tùng (1912 - 1982), Trần Đại Nghĩa (1913 - 1997)…
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến vai trò của hiền tài trong công cuộc cách mạng Việt Nam.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn có quan điểm, đường lối, sự lãnh đạo, chỉ đạo cùng nhiều giải pháp đúng đắn, phù hợp, toàn diện, có chiều sâu, thiết thực, hiệu quả về vấn đề hiền tài đất nước. Đồng thời, Đảng cũng huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong đó có sự tự thân rèn luyện phấn đấu, góp tài năng, công sức của hiền tài đất nước, đưa Việt Nam có được uy tín, vị thế to lớn như ngày nay.
Hiện nay sự nghiệp xây dựng bảo vệ đất nước đòi hỏi hiền tài, nhân lực chất lượng cao phải tiếp tục được chú trọng phát triển tốt hơn nữa. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững”.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ ấy, trước hết đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự tích cực hưởng ứng, đồng thuận vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội. Trong đó tạo cơ hội thuận lợi, môi trường phù hợp để từng cá nhân hiền tài tự rèn luyện phấn đấu với nỗ lực rất cao cả về đức và tài, thực hiện chặt chẽ, hài hòa mối quan hệ hữu cơ đức, tài, tài đức. Trong cuộc gặp gỡ với 55 học sinh, sinh viên tiêu biểu xuất sắc năm học 2017 - 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn: “Chúng ta nói phải giáo dục toàn diện, tựu trung lại là đức và tài. Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Các cháu đã học, phấn đấu giỏi, đạo đức rất tốt nhưng vẫn phải nỗ lực hơn nữa để mỗi một người phải vừa có đức, vừa có tài. Trong đó đức phải là gốc, là trước hết. Nói thế không phải xem nhẹ tài, tài cũng cực kỳ quan trọng, nếu không có tài thì làm sao xây dựng được đất nước, làm sao gọi được là nguyên khí quốc gia. Nhưng các cụ ta nói rồi, “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, cho nên phải rất chú ý rèn luyện phẩm chất đạo đức”.
Sức mạnh tổng hợp từ sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của cả cộng đồng và nỗ lực của bản thân hiền tài sẽ giúp dân tộc Việt Nam thực hiện hiệu quả, vẹn tròn tinh thần bất diệt, truyền thống quý báu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.
CÔNG MINH