Đại tướng Đoàn Khuê - Nhà lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam

Lương Đàm
Đại tướng Đoàn Khuê, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc, có uy tín lớn của Quân đội ta.
doan-khue-2910202312-1698588750.jpg
Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Đoàn Khuê thăm và làm việc tại Quân khu 5 (1996). Ảnh: Xuân Quang/TTXVN

Từ khi dấn thân vào hoạt động cách mạng cho đến khi đảm nhiệm các cương vị chủ chốt trong Quân đội nhân dân Việt Nam, ông không những là cán bộ chính trị gương mẫu mà còn là vị tướng mưu lược, người chỉ huy tài giỏi, luôn có mặt ở những chiến trường trọng điểm, ác liệt trong nước, cũng như thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Đoàn Khuê (29/10/1923 - 29/10/2023) là dịp nhìn lại những đóng góp to lớn của ông đối với cách mạng cũng như sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới ở nước ta.

Xây dựng tư tưởng chiến thuật để đánh thắng địch

Đại tướng Đoàn Khuê (bí danh là Võ Tiến Trình) sinh ngày 29/10/1923 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại làng Gia Đẳng, xã Triệu Tân (nay là xã Triệu Lăng), huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sinh trưởng trong một gia đình yêu nước, giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, năm 1939 ông tham gia phong trào Thanh niên phản đế phủ Triệu Phong. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông hăng hái hoạt động, không quản gian khổ, hy sinh.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, phẩm chất chính trị và tài năng quân sự của ông được thực tiễn chiến tranh đào luyện. Ở người chiến sĩ cộng sản này, chính trị và quân sự luôn hòa quyện với nhau. Với tư duy nhạy bén, sâu sát thực tế, luôn đi sâu nghiên cứu, nắm vững tư tưởng và nghệ thuật quân sự của Đảng, trong chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị, ông luôn chăm lo xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, quan tâm cơ sở Đảng, coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, chú trọng bồi dưỡng ý chí cách mạng cho cán bộ chiến sĩ.

Đầu năm 1954, trên cương vị Chính ủy Trung đoàn 108 - đơn vị chủ lực cơ động đầu tiên của Liên khu 5, ông cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch, Ban Chỉ huy Trung đoàn, với những sáng kiến, quyết định kịp thời chính xác, chỉ đạo các lực lượng giành thắng lợi: tiêu diệt đồn Măng Đen - cứ điểm kiên cố, trận then chốt của chiến dịch giải phóng Kon Tum.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Khu 5 là địa bàn chiến lược quan trọng của chiến trường miền Nam Việt Nam, nơi quân viễn chinh Mỹ đổ vào đầu tiên. Vấn đề đặt ra là trong điều kiện kẻ địch có lực lượng quân sự hùng mạnh, với trang bị hiện đại, làm thế nào để ta giữ được thế tiến công, quyền chủ động tiến công và tổ chức chiến đấu thắng lợi. Phó Chính ủy Quân khu Đoàn Khuê đã tìm ra lời giải đáp và có những cống hiến to lớn trong công tác phát động tư tưởng, xây dựng ý chí chiến đấu cho các lực lượng vũ trang quân khu “quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”; cùng với các lãnh đạo, chỉ huy Khu 5, Quân khu 5 bám sát chiến trường; thành lập ba Sư đoàn 3, 2, 1.

Có lực lượng chủ lực mạnh, Phó Chính ủy Quân khu Đoàn Khuê góp phần cùng với tập thể Khu ủy lãnh đạo quân và dân Khu 5 chiến đấu với một loại chiến dịch mới: Chiến dịch tiến công tổng hợp. Khu 5 trở thành địa phương “đi đầu diệt Mỹ” với những trận đánh, chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử: Núi Thành (26/5/1965), Ba Gia (29/5 đến 20/7/1965), Vạn Tường (18/8 - 19/8/1965), Plei Me (19/10 đến 26/11/1965), Đồng Dương (17/11 đến 18/12/1965). Đặc biệt quan tâm đến những chiến thuật mới, ông Đoàn Khuê thường nói: “Xây dựng ý chí là bảo đảm cho bộ đội quyết đánh, còn phải xây dựng tư tưởng chiến thuật để đánh thắng địch”.

Không chỉ theo sát bộ đội luyện tập chiến thuật trước khi vào chiến đấu, người chỉ huy xuất sắc, có uy tín này còn thường xuyên động viên kịp thời trước và trong quá trình chiến đấu. Tháng 7/1974 trong trận đánh Nông Sơn - Trung Phước, ông Đoàn Khuê chỉ đạo thực hiện chiến thuật “bao vây đánh lấn, tấn công dứt điểm”. Chiến thắng Nông Sơn Trung Phước đã tạo nên thế và lực mới cho ta trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường Khu 5, có lòng tin sắt đá vào đường lối đánh Mỹ. Với tầm nhìn chiến lược, trong chiến dịch Xuân 1975, ông xử lý nhiều tình huống phức tạp, quyết đoán sắc sảo, góp phần quan trọng vào thắng lợi to lớn của chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, tạo đà cho cuộc tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975.

Tầm nhìn về chiến lược cán bộ

Đất nước thống nhất, trên cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5, đảm nhiệm địa bàn chiến lược Nam Trung Bộ, có tuyến đảo, các tỉnh đồng bằng ven biển và Tây Nguyên, ông Đoàn Khuê cùng Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu có phương án phòng thủ phù hợp với tình hình mới. Cùng thời điểm này, lực lượng FULRO vẫn ngoan cố tìm mọi cách chống đối ta. Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5 Đoàn Khuê đã tiến hành nghiên cứu sâu về nguồn gốc, quá trình hình thành và tính chất hoạt động của chúng, nên chuyển nhận thức “truy quét FULRO” thành vấn đề “giải quyết FULRO”, vì FULRO không phải đơn thuần vấn đề quân sự mà cả vấn đề chính trị. Từ đó, vấn đề “giải quyết FULRO” ở Quân khu 5 đi đúng hướng, có hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, ông Đoàn Khuê còn rất quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ con em người dân tộc thiểu số. Năm 1979, ông cùng tập thể Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu tổ chức Trường Quân chính 2 ở Tây Nguyên (nay là Trường Thiếu sinh quân dân tộc Quân khu 5). Đây là sáng kiến có tầm chiến lược, thể hiện rõ chính sách dân tộc và chiến lược cán bộ, chiến lược con người của Đại tướng Đoàn Khuê. Đã có có hàng nghìn cán bộ phân đội bộ binh và binh chủng được bổ túc, đào tạo ngắn hạn, hàng nghìn thiếu sinh quân được nuôi dưỡng và trưởng thành từ mái trường này, đáp ứng yêu cầu về cán bộ quân sự cho địa bàn chiến lược Tây Nguyên nói riêng và lực lượng vũ trang Quân khu 5 nói chung.

Đối với nhiệm vụ giúp bạn Campuchia, năm 1979, Quân khu 5 đảm nhiệm một hướng chiến lược quan trọng, ông trực tiếp làm Tư lệnh chiến dịch, khẩn trương chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị chiến trường, chỉ huy đánh tạo thế chiến dịch đến kết thúc chiến dịch đều giành thắng lợi, đạt yêu cầu của Bộ Quốc phòng đề ra.

Năm 1983, ông Đoàn Khuê được bổ nhiệm chức Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 719. Trên cương vị mới, ông nhiều lần xuống các mặt trận kiểm tra công tác chuẩn bị, lắng nghe ý kiến của cán bộ, chiến sĩ để cùng tập thể xác định phương án đánh địch tối ưu, tạo điều kiện cho các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau mỗi chiến dịch, ông lại trực tiếp xuống dự tổng kết rút kinh nghiệm.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, vị tướng mưu lược Đoàn Khuê cũng có những đóng góp rất xứng đáng. Ông cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng đề xuất chủ trương đúng đắn và tổ chức thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới, chăm lo xây dựng Quân đội về mọi mặt theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại”, có nhiều đóng góp trong chỉ đạo công tác tổng kết Đảng lãnh đạo chiến tranh cách mạng.

Đại tướng Đoàn Khuê còn để lại ấn tượng đẹp cho cán bộ chiến sĩ với phong cách làm việc dân chủ, khoa học, sâu sát cơ sở, luôn chăm lo cho sự tiến bộ của cấp dưới, xứng đáng là người lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc, có uy tín lớn của Quân đội ta. Vị tướng mưu lược này là tấm gương tiêu biểu để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng vũ trang noi theo.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (12/1976), ông Đoàn Khuê được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu, Bí thư Đảng ủy Quân khu 5. Từ tháng 4/1983 đến tháng 11/1986, ông được giao nhiệm vụ làm Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh V, Phó trưởng Đoàn chuyên gia giúp nước bạn Campuchia. Từ tháng 12/1986 đến tháng 1/1998, ông được Đảng và Nhà nước phân công giữ các trọng trách: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 719, Trưởng ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia giúp nước bạn Campuchia, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy rồi Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Đại tướng Đoàn Khuê là Ủy viên Trung ương Đảng khóa IV đến khóa VIII; là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VI, VII, VIII; là đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII, IX và X. Ông được Đảng, Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng năm 1974 và Đại tướng năm 1990.

Đại tướng Đoàn Khuê từ trần ngày 16/1/1999, hưởng thọ 76 tuổi. Do có nhiều công lao đối với sự nghiệp cách mạng, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Truyền thống cách mạng của quê hương, gia đình đã hun đúc, rèn luyện Đại tướng Đoàn Khuê trở thành người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo chỉ huy xuất sắc của quân đội. Trong suốt 60 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị công tác, Đại tướng Đoàn Khuê luôn đem hết tinh thần, nghị lực và trí tuệ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Ông luôn thể hiện rõ tài năng chính trị, quân sự xuất sắc song toàn, phẩm chất cao quý của người cộng sản, giản dị, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, trung kiên trước mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.