Quảng Trị: Hướng tới Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê

Triệu Phong là vùng đất giàu truyền thống yêu nước đã sinh ra nhiều nhân tài ưu tú nổi bật làm rạng danh cho quê hương và đất nước trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.
h-1-1698283607.JPG
Toàn cảnh Khu lưu niệm gia đình Đại tướng Đoàn Khuê tọa lạc tại thôn Gia Đẳng, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Đất và người Triệu Phong

Triệu Phong là địa danh nơi có dòng sông huyền thoại Thạch Hãn chảy ngang qua trước mặt thành cổ Quảng Trị. Đọng lại trong ký ức nhiều thế hệ là nỗi nhớ không phai, nước mắt ngấn lệ về một dòng sông hào hùng nhưng không kém phần bi tráng được diễn đạt qua áng thơ xem như là bất hủ của Lê Bá Dương:

                                        Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ

                                        Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

                                        Có tuổi hai mươi thành sóng nước

                                        Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm. 

Triệu Phong là đơn vị hành chính cấp Phủ được hình thành từ thời nhà Hậu Lê, mảnh đất địa linh này đã sinh ra nhiều bậc anh kiệt văn võ.  

h-2-1698283607.JPG
Nhà lưu niệm do gia đình tự xây dựng và nhà lưu niệm được xây dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa (bên phải

Đất Triệu Phong vào triều Nguyễn có đại quan: Hiệp Biện Đại học sĩ Hoàng Hữu Xứng, Phụ chính Đại thần Nguyễn Văn Tường… Đương đại: Tổng Bí thư Lê Duẩn, Trần Quỳnh và Trần Hữu Dực là Phó Thủ tướng, Đại tướng Đoàn Khuê – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị – nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Đoàn Chương (em ruột Đại tướng Đoàn Khuê), GSTS Hồ Ngọc Đại, Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và Duy Khánh…

h-3-1698283607.JPG
Di ảnh Đại tướng Đoàn Khuê tại nhà lưu niệm của gia đình

Gia thế nhiều cống hiến có 2 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và 6 Liệt sĩ

Gia tộc họ Đoàn cư ngụ tại làng ven biển Triệu Lăng, đó là làng Gia Đẳng.

h-4-1698283607.JPG
Gia đình hiếm hoi có 2 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng

Thân phụ của Đại tướng Đoàn Khuê là cụ Đoàn Cầu được kết nạp vào Đảng rất sớm và là người Cộng sản đầu tiên của làng Gia Đẳng, xã Triệu Tân, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (nay là xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Thân mẫu của ông là cụ Nguyễn Thị Dương (1902). Hai cụ có 8 người con thì có 5 người là Liệt sĩ, cụ bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng đợt 1 năm 1994. Thứ thất của cụ Đoàn Cầu là cụ bà Nguyễn Thị Lạnh có 1 người con duy nhất là Liệt sĩ Đoàn Văn Hà. Cụ bà Nguyễn Thị Lạnh cũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Sáu Liệt sĩ là (tư liệu trưng bày tại nhà lưu niệm của gia đình): Đoàn Cư, Đoàn Thị Tùng, Đoàn Văn Hà (con Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lạnh), Đoàn Ngọc Anh, Đoàn Giao, Đoàn Đình.

Ông có hai người em trai là sĩ quan cao cấp của quân đội là Trung tướng Đoàn Chương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự) và Đại tá Đoàn Thúy. Ông có con trai là Đại tá Đoàn Xuân Thắng.

h-5-1698283607.JPG
Đại tá Đoàn Thúy (90 tuổi) trong ngày giỗ cụ Đoàn Cầu 10/9/2023 tại nhà lưu niệm của gia đình, ông Thúy hiện cư ngụ tại Hà Nội.

Sự nghiệp của Đại tướng Đoàn Khuê

Đại tướng Đoàn Khuê (29/10/1923) được sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, bí danh của ông là Võ Tiến Trình. Ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương trước Cách mạng tháng 8/1945. Liên tục trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông chiến đấu và chỉ huy tại chiến trường Khu 5.

Sau khi đất nước thống nhất, trong giai đoạn 1977 – 1983 ông là Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân khu 5. Từ tháng 5/1983 – 1986 ông được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng, Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Từ năm 1987 – 1991 ông là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ tháng 8/1991 – 1997 ông là Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương. Ông được bầu vào Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ khóa IV đến khóa VIII. Đại biểu Quốc hội khóa VII – IX.

Năm 1974, ông được phong hàm Thiếu tướng, Trung tướng năm 1980, Thượng tướng năm 1984, Đại tướng năm 1990.

Đại tướng Đoàn Khuê tạ thế ngày 16 tháng 01 năm 1999 tại Hà Nội, an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch.

Ông được Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều Huân, Huy chương khác.

Vinh danh

Để tưởng nhớ đến lòng yêu nước và phụng sự tổ quốc của Đại tướng Đoàn Khuê, nhiều tỉnh, thành phố đã đặt tên đường Đoàn Khuê. Tai Thủ đô Hà Nội, HĐND TP Hà Nội đặt tên 1 con đường gọi là Phố Đoàn Khuê. Tại TP Đà Nẵng thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn; TP Đông Hà – tỉnh Quảng Trị; TP Kontum – tỉnh Kontum; TP Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đăk Lăk); TP Nam Định – tỉnh Nam Định đều có tên đường Đoàn Khuê.

Hướng tới Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê

h-6-1698283607.JPG
Nhà lưu niệm Đại tướng Đoàn Khuê, kinh phí từ nguồn xã hội hóa đã xây dựng xong vào trung tuần tháng 10/2023

Khu lưu niệm gia đình Đại tướng Đoàn Khuê được xây dựng trên vườn đất cũ của gia đình có diện tích tầm 7.000 m2, nơi đây trước đã có 1 nhà lưu niệm do gia đình tự xây dựng. Đầu tháng 7/2023, Bộ Quốc Phòng và UBND tỉnh Quảng Trị đã vận động nguồn xã hội hóa để xây dựng nhà lưu niệm Đại tướng Đoàn Khuê trong khuôn viên vườn đất cũ với kinh phí 6,5 tỷ dồng (Viettel 2 tỷ, Ngân hang MB 3 tỷ, Cục Tuyên huấn – Tổng cục Chính trị 1,5 tỷ). Nguồn tiền này ngoài việc xây dựng nhà lưu niệm còn xây thêm tường bao, cổng tam quan, sân bê tông đỗ xe, trồng cỏ và cây cảnh, nhà vệ sinh…

Nhằm tưởng nhớ đến vị võ tướng tài năng của đất nước, ngày 05/5, Ban Tuyên giáo Trung ương đã gửi tờ trình số 152/TTr-BTGTW lên Thường trực Ban Bí thư kính trình về việc tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại Tướng Đoàn Khuê (29/10/1923 - 29/10/2023). Chương trình Lễ kỷ niệm gồm Lễ dâng hương, Lễ kỷ niệm với quy mô cấp tỉnh do tỉnh Quảng Trị chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức thực hiện (nguồn Tờ trình số 152/TTr-BTGTW).

Theo đề nghị của Ban Tuyên giáo Trung ương, ngày 10/5/2023, Thường trực Ban Bí thư có ý kiến giao cho ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ươngchỉ đạo về nội dung, chương trình hoạt động Lễ kỷ niệm, bảo đảm trang trọng, đúng quy định, phù hợp với tình hình thực tế (nguồn văn bản của VP Trung ương Đảng số 6743-CV/VPTW ngày 10/5/2023).  

Dự kiến tham dự Lễ kỷ niệm có: Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính Trị - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Đại tướng Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính Trị - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ông Trần Quang Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng – Phó Chủ tịch Quốc hội.

h-7-1698283607.jpg
Anh Đoàn Hưng, người con của Liệt sĩ Đoàn Giao (cháu gọi Đại tướng Đoàn Khuê là bác ruột) hiện đang sinh sống tại TP Đà Nẵng. Anh Hưng là người chăm sóc chính Khu lưu niệm gia đình bởi đại đa số người thân đều ở Hà Nội

Được biết, Lễ dâng hương diễn ra vào chiều ngày 26/10 tại Khu lưu niệm gia đình Đại tướng Đoàn Khuê ở thôn Gia Đẳng, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Hội thảo khoa học quy mô cấp Bộ do Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với tỉnh Quảng Trị và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện vào ngày 27/10 tại Hội trường Nhà khách Tỉnh ủy Quảng Trị.

Linh Cơ