Đại tướng quân Vũ Trung Lương - vị công thần của nhà Lê

Là vị công thần của nhà Lê, Vũ Trung Lương đã phò tá vua Lê Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm Thành và được phong tới chức Tham đốc, Dũng Nghĩa Hầu, Đại tướng quân trật tòng Nhị phẩm.

Vũ Trung Lương sinh vào năm 1434 (Giáp Dần - niên hiệu Thiệu Bình 1) tại huyện Bồng Báo, phủ Thiệu thiên, xứ Thanh Hoa (nay là xã Vĩnh Trung, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá).

“Ông sinh trưởng trong một gia đình thuần nông, chất phác, nhưng nhờ có tư chất thông minh, lanh lợi, nhạy cảm lại rất có năng khiếu võ nghệ, nên từ nhỏ ông đã bộc lộ những phẩm chất hơn người, nhất là trong những lần cùng chúng bạn bày trò đánh trận giả, bao giờ ông cũng được cử làm người chỉ huy”, Ngọc phả dòng họ Vũ làng Đông Xương ghi rõ.

anh-1-1694139811.jpg
Hoạt cảnh tái hiện lại sự nghiệp của Tham đốc, Dũng Nghĩa Hầu, Đại tướng quân Vũ Trung Lương tại lễ kỷ niệm 510 năm ngày mất của ông.

Sau khi vua Lê Thánh Tông lên ngôi hoàng đế năm Canh Thìn 1460, để cũng cố thế lực triều đình, vua Lê đã mở khoa thi võ đầu tiên gọi là khoa thi Bác Cử nhằm tuyển chọn nhân tài bảo vệ đất nước. Vũ Trung Lương cùng các võ sinh khắp cả nước về kinh thành ứng thí và ông đã đậu Đồng Tạo Sỹ. Về sự kiện này, Gia phả họ Vũ đại tôn chép lại rằng “Thần ở huyện Bồng Báo, Xứ Thanh, gốc họ Vũ, tài sức hơn người, tinh thông võ nghệ. Vào năm Quang Thuận triều Lê thi đậu Đồng Tạo Sỹ”.

Lúc bấy giờ, những vùng núi xa cách kinh thành như Sơn Tây, Thái Nguyên, “bọn cướp nổi lên như ong” (Khâm Định Việt sử thông giám cương mục – NXB giáo dục 1998 - trang 500), nạn thổ phỉ hoành hoành, quan lại tham nhũng, bè đảng, trộm cắp nỗi lên khắp nơi khiến cho nhân dân phải lưu tán trong cảnh hỗn loạn. Triều đình nhà Lê đã cử Vũ Trung Lương đi trấn giữ vùng Thái Nguyên. Tại đây, với bản lĩnh, ý chí và sự thông minh, giỏi võ nghệ của mình, Vũ Trung Lương đã dẹp yên được loạn, lập nhiều chiến công đem lại cuộc sống ấm no, ổn định cho nhân dân, góp phần xây dựng quân đội ngày càng thanh thế và mạnh mẽ hơn. Ông được vua Lê phong cho chức Đồng tri Châu trật Tòng bát phẩm. Ông là một võ quan cương nghị, hiền lành, đức độ, bảo vệ bình an cho nhân dân nên được dân quý mến, cảm phục và tin cậy.

Năm 1467, giặc Chiêm Thành kéo quân sang đánh phá ở phía Nam Đại Việt, nên triều Lê đã huy động nhiều binh sĩ vào đây để tăng cường lực lượng trấn giữ. Vũ Trung Lương cũng được huy động vào tăng cường lưc lượng tại phía Nam Đại Việt, trực tiếp canh giữ vùng đất Cửa Vạn (nay thuộc xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu). Chính những năm tháng làm nhiện vụ canh giữ vùng đất này, ông vừa là một vị quan hết lòng vì việc nước nhưng cũng rất gần gũi với dân chúng, thực hiện chính sách ôn hoà, lấy nhu thắng cương, yêu dân chúng nên được nhân dân hết lòng cảm phục, tin cậy, nên cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng được thái bình.

Năm 1469, ông Vũ Trung Lương được vua Lê sắc phong là “Tiền kiệt trung tướng quân hiện hữu hậu, đội trưởng đội Nam hữu, hiệu lệnh tư kỳ Bài tráng sĩ, chức Chánh Võ Uý” trật Chánh lục phẩm.

anh2-1694139874.jpg
Nhà thờ họ Vũ đại tôn nơi thờ ông Vũ Trung Lương được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Năm 1470, giặc Chiêm Thành lại kéo quân sang xâm chiếm nước ta, vua Lê Thánh Tông đã thân chinh cầm 20 vạn quân tiến về phương Nam để chinh phạt Chiêm Thành. Ông Vũ Trung Lương một lần nữa cũng được đem theo quân binh gia nhập vào đại quân và đã được vua Lê giao trấn giữ vùng đất Nghệ An để chặn đường tiến của giặc. Không phụ niềm tin của triều đình, Vũ Trung Lương đem hết tài trí, mưu lược của mình để dàn binh, bố trận, góp công cùng nhà Lê đánh bại giặc Chiêm. Sau thắng lợi này, ông được vua Lê phong chức Tham đốc, Đại tướng quân trật tòng Nhị phẩm.

Năm 1494 niên hiệu Hồng Đức, Vũ Trung Lương được vua Lê Thánh Tông sắc phong: Đại tướng quân, Tham đốc, Dũng Nghĩa Hầu Vũ tướng công. Và được cấp lộc điền ở Kẻ Trai, phủ Diễn Châu (làng Đông Xương, xã Diễn Mỹ ngày nay) với 300 mẫu ruộng. Vũ Trung Lương đã đưa gia quyến của mình từ đất Thanh Hoa vào đây để sinh cơ, lập nghiệp. Ông đã tiến hành khai khẩn được nhiều đất hoang, cải tạo thành đất màu mỡ, thau chua, rửa mặn, xây dựng hệ thống nông giang…và xây dựng thành các ấp, trang như: Thoả Ngổ trang (Quỳnh Diễn ngày nay), Đông Cẩu Thượng trang (làng Đông Xương ngày nay), Đông Cẩu Hạ trang (làng Đông Thanh ngày nay)…

anh-3-1694139917.jpg
Sắc phong của vua Khải Định phong cho ông là Dực bảo Trung hưng Linh phù chi thần

Đến năm 1498 (Mậu Ngọ - Cảnh Thống), Vũ Trung Lương đã chia nhỏ các trang thuộc Kẻ Trai thành những ấp, làng. Năm 1499, Vũ Trung Lương về hưu quan tại làng Đông Xương và tiếp tục cùng con cháu dòng họ khai phá thành vùng đất Diễn Mỹ ngày nay.

Năm 1510 (Canh Ngọ), Vũ Trung Lương qua đời, hưởng thọ 76 tuổi. Hay tin ông mất, vua Lê Tương Dực cử người tiến 200 quan tiền đến phúng viếng người đã có công lao lớn, là bậc khai quốc công thần với triều Lê và giao cho làng Đông Xương phụng thờ. Nhân dân làng Đông Xương đã tôn ông làm phúc thần của làng và xây dựng đền thờ phụng, lấy tên làng đặt cho tên đền gọi là đền Đông Xương.

anh-4-1694139955.jpg
Khu di tích nhà thờ họ Vũ đại tôn làng Đông Xương

Khu di tích nhà thờ họ Vũ đại tôn nơi thờ Tham đốc, Dũng Nghĩa hầu, Đại tướng quân Vũ Trung Lương đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Nhà thờ được xây dựng quay mặt về hướng nam, không gian cao ráo, thoáng đãng. Không gian của nhà thờ có được vượng khí đắc địa tụ linh, tụ phúc tạo nên sự linh thiêng, huyền bí.

Hiện nay, nhà thờ còn lưu giữ được nhiều hiện vật vô cùng quý giá như: Ngai thờ, Bài vị của Tham đốc, Dũng Nghĩa hầu, Đại tướng quân Vũ Trung Lương cùng nhiều bản gia phả bằng chữ Hán được viết dưới thời vua Tự Đức, hai đạo sắc phong của vua Khải Định. Đây đều là những hiện vật có nhiều giá trị trên nhiều lĩnh vực của lịch sử dân tộc.

Vũ Thắng