Đại tướng Văn Tiến Dũng và trận đánh nở hoa trong lòng địch

Lương Đàm
Trận đánh nở hoa trong lòng địch do Đại tướng Văn Tiến Dũng chỉ đạo ở thị xã Thái Bình (nay là TP Thái Bình) là trận chia lửa với Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, buộc Đại tướng Na-va, Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương phải điều quân ở Lào và quân tiếp tế cho Điện Biên Phủ về giữ các thành phố, tỉnh lỵ ở duyên hải và đồng bằng Bắc bộ.

Đại tướng Văn Tiến Dũng, gương mặt chữ điền, trông thật hiền. Nếu ông không mang hàm đại tướng thì hẳn chẳng ai nghĩ ông là nhà chỉ huy quân sự tài giỏi. Tính ông điềm đạm, ít nói. Các cấp chỉ huy trực tiếp dưới quyền ông, chưa thấy ông nổi nóng bao giờ. Hồi ông còn sống, khi tôi nhắc đến trận đánh mà ông gọi là xa xưa, ông cười tủm tỉm bảo:

Thái Bình cũng như các thành phố, thị xã duyên hải ở đồng bằng Bắc bộ. Đánh vào không khó lắm. Nhưng rút lui làm sao cho an toàn lực lượng mới là khó. Vô cùng khó. Chỉ sai một ly, đi một dặm. Tuy địch ở chỗ mình tiến công đã bị tiêu diệt, nhưng lực lượng xung quanh hãy còn đông. Nó như cái ao bèo tấm. Nơi mình vừa tiêu diệt lực lượng địch thì bị khuyết, bị giãn ra. Nhưng chỉ sau ít phút, bèo ở xung quanh sẽ lập tức dồn vào, khỏa lấp. Do vậy lực lượng ta thoát chỗ nào đi đâu, đi hướng nào cũng chạm địch. Quân địch rất đông còn quân ta rất mỏng. Lực lượng không cân sức. Đánh trực diện, đánh công khai là dễ bị chúng tiêu diệt lắm.

Đại tướng đã có mấy năm làm sư ông trụ trì từ một ngôi chùa dưới huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông cũ để hoạt động cách mạng, bắt rễ với các tổ chức Đảng, do vậy khi vào thị xã Thái Bình tổ trinh sát của ông đã đóng giả sư thầy. Phải chọn được đường vào và đường ra thuận tiện nhất. Phải đánh dấu kỹ từng đoạn đường để anh em khỏi lạc, nhất là lúc rút ra. Phải nắm thật chắc lực lượng địch, người và phương tiện chiến tranh. Tóm lại là phải chuẩn bị kỹ lưỡng trước trận đánh và sau trận đánh.

dai-tuong-van-tien-dung-1694308580.jpg
Đại tướng Văn Tiến Dũng. Ảnh tư liệu

Được cơ sở cho biết vợ tên tỉnh trưởng rất mộ đạo, rằm tháng Giêng thường đi lễ chùa cầu cho chồng qua hạn sao Kế Đô. Đồng chí Thịnh, dáng người nhỏ bé, gương mặt như con gái, chả có râu ria, học được thuật tướng số, đóng giả sư thầy. Dĩ nhiên đầu cũng cạo trọc. Sư Thịnh lân la đến gần dinh tỉnh trưởng. Đúng lúc vợ tên tỉnh trưởng đi lễ về. Chị ta vừa bước xuống nhà sư vờ đi qua. Chị ta chắp tay mô Phật. Nhà chùa đáp lễ. Rồi bảo:

- Ông nhà sắp có hạn nặng đấy.

Người vợ tỉnh trưởng hốt hoảng hỏi:

- Bạch thầy giải hạn ở đâu ạ?

- Tín chủ ở đâu cúng ở đó.

- Ở trong dinh tỉnh trưởng ạ.

- Thì cúng ở dinh.

Sư thầy đưa một số sư vãi đến cúng. Họ là bộ đội chủ lực thuộc đại đoàn Đồng Bằng và dân quân, du kích của cơ sở vào dinh tỉnh trưởng cúng giải hạn. Do đó họ đã trinh sát rõ đường đi lối lại trong dinh, phòng ở, phòng ngủ của tỉnh trưởng, các vọng gác. Tiếng tăm họ đồn sang chi khu quân sự. Họ cũng được mời sang làm lễ hộ.

Trở lại chuyện Đại đoàn Đồng Bằng. Trinh sát kỹ. Nắm lực lượng chắc. Đánh nhất định thắng. Nhưng rút ra như thế nào cho an toàn. Đó là bài toán không đơn giản đối với Đại đoàn trưởng Văn Tiến Dũng. Rút tại chỗ không an toàn. Lấy đâu ra hầm hào giấu hết hàng đại đội, tiểu đoàn quân. Địch càn quét sẽ lộ ra. Tỏa ra hai bên bờ sông Thái Bình cũng không an toàn. Thể nào địch cũng nghi và lùng sục. Chỉ còn cách rút ra cửa sông rồi tản vào bãi sú, bãi mía ven biển. Làm thế nào rút ra cửa sông vẫn an toàn lực lượng?

Đại đoàn trưởng Văn Tiến Dũng cho bộ đội bí mật thu gom những cây chuối ở hai bên bờ sông Thái Bình. Thời ấy, bèo tây còn trôi đầy mặt sông từng đám. Cây chuối ghép thành từng mảng. Mảng trên chồng lên mảng dưới. Có bè đến ba mảng chồng lên nhau. Ở khe mỗi cây chuối giáp nhau là bèo tây. Phải ghép khéo để cánh bèo không bị nát, rễ bèo thò hết xuống nước, mới không bị héo. Nhìn mảng chuối chỉ thấy những bèo là bèo. Ai cũng nghĩ đó là mảng bèo chứ không phải là cây chuối. Mỗi mảng có bao nhiêu người thì làm bấy nhiêu lỗ thông hơi. Để chắc chắn, Đại đoàn trưởng cho bộ đội ném lựu đạn, bắn các loại đạn vào mảng chuỗi hai tầng xem sức công phá của chúng đến đâu, bèo tây bị nát có lộ mảng chuối không? Và rốt cuộc bộ đội có an toàn không?

Mọi việc chuẩn bị cho trận đánh thật chu đáo. Đánh chắc. Thắng chắc. Rút quân an toàn.

Đùng giờ G. Đại đoàn trưởng hạ lệnh tiến công. Địch quá bất ngờ. Dinh tỉnh trưởng và chi khu đều nhanh chóng bị xóa sổ.

Khi quân ta rút lui an toàn xuống dưới các bè mảng bèo tây, địch mới hoàn hồn. Chúng điều động các đơn vị ở lân cận lùng sục hai bên bờ sông, vãi đạn vào các đám bèo tây và không bỏ sót một nhà nào trong thị xã. Chúng nghi nhà nào cũng có một vài căn hầm ẩn nấp của quân đội Việt Minh nên mới có khả năng “xuất quỷ nhập thần” như vậy.

Trong khi đó, những đám bèo tây vẫn lững lờ cuốn theo dòng nước về hạ nguồn. Tàu chiến địch đỗ ngoài cửa biển chiếu đèn pha sáng rực nhìn rõ từng cánh hoa bèo. Đèn sáng đến mấy cũng không thể nhìn rõ mảng chuối. Dù cánh bèo dập nát mà vẫn che kín mảng. Càng ra tới cửa biển, càng gần tàu địch, càng vào quá tầm bắn của địch ở trên tàu. Chúng cũng không dám thả lựu đạn, sợ tàu bị dính mảng mất an toàn.

Đêm cuối tháng. Trời tối đen. Đèn pha địch dù sáng đến mấy vẫn chỉ có thể chiếu được một phía lên thượng nguồn. Còn ba phía vẫn chìm trong bóng tối. Bộ đội thận trọng và lặng lẽ tản vào bãi sú và bò vào bãi mía rút dần về cơ sở an toàn tuyệt đối.