Công tác chuẩn bị tác chiến phòng thủ của binh đoàn chủ lực

Lương Đàm
Tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh là tổng thể các hoạt động tác chiến và đấu tranh trong giai đoạn đầu của tác chiến chiến lược, do lực lượng các quân khu (và có thể có một bộ phận lực lượng chủ lực của Bộ) tiến hành; dựa trên nền tảng thế trận phòng thủ địa phương, nòng cốt là tác chiến quân khu, kết hợp với đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hóa, tâm lý, tư tưởng, ngoại giao,... theo ý định, kế hoạch, chỉ huy, điều hành thống nhất của cấp chiến lược; nhằm ngăn chặn, đánh bại các cụm lực lượng tiến công Thê đội I chiến lược và làm thất bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch; giữ vững mục tiêu, địa bàn chiến lược trọng yếu và thế trận chiến lược cơ bản, đồng thời bảo vệ tiềm lực, giữ gìn lực lượng của ta, sẵn sàng cho các hoạt động tác chiến chiến lược tiếp theo.
dien-tap-1695742922.jpg
Cuộc diễn tập phòng thủ khu vực của Ban CHQS huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Quân đội Nhân dân.

Về không gian, tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh diễn ra trên các hướng chiến lược. Chiến trường chủ yếu là đánh địch tiến công trên bộ, nhất là ở các tỉnh, thành phố ven biển và tuyến biên giới; cũng có thể diễn ra ở một số mục tiêu chiến lược trọng điểm nằm sâu bên trong nước ta. Về thời gian, tính từ khi địch tiến công hỏa lực đường không và thực hành tiến công trên các hướng chiến lược đến khi ta sát thương, tiêu hao, ngăn chặn được bước tiến công đầu tiên của địch.

Về lực lượng, tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh chủ yếu do lực lượng vũ trang tại chỗ và nhân dân, kết hợp với một bộ phận chủ lực của Bộ tiến hành. Về đối tượng tác chiến, chủ yếu là các cụm lực lượng Thê đội I chiến lược tiến công trên bộ của địch, gồm lực lượng bộ binh, bộ binh cơ giới lực lượng đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không; lực lượng tác chiến đặc biệt trên hướng chiến lược; lực lượng không quân, pháo binh, tên lửa, tác chiến điện tử,... chi viện tiến công; lực lượng vũ trang phản động lưu vong, lực lượng bạo loạn lật đổ vũ trang phối hợp với các đòn tiến công trên bộ.

Thành phần tham gia phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh bao gồm: Hệ thống tổ chức phòng thủ của các quân khu; các khu vực phòng ngự của lực lượng chủ lực; các trận địa hỏa lực pháo binh, tên lửa, phòng không, căn cứ không quân, khu vực bố trí của lực lượng hải quân, khu vực bố trí của lực lượng hậu cần - kỹ thuật, khu vực triển khai của lực lượng chủ lực cơ động, lực lượng tác chiến và bảo đảm, hệ thống sở chỉ huy; các tuyến vật cản trên các hướng...

Nội dung tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh được thực hiện bằng tổng thể các hoạt động tác chiến và đấu tranh. Trong đó, đấu tranh quân sự bằng hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang là chủ yếu; tác chiến phòng thủ các quân khu, tỉnh, thành phố ven biển, biên giới là nòng cốt, diễn ra bằng tổng thể các trận đánh, chiến dịch phòng ngự, phản công, tiến công, đợt hoạt động tác chiến. Hoạt động tác chiến kết hợp chặt chẽ với hoạt động đấu tranh trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, tư tưởng văn hóa, ngoại giao,...

Mục đích tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh trước hết là hạn chế yếu tố bất ngờ và làm giảm thiểu thiệt hại do đòn tiến công hỏa lực của địch; tạo điều kiện để tiếp tục chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến; tiêu hao, sát thương rộng rãi, tiêu diệt từng bộ phận, ngăn chặn cụm lực lượng chiến lược Thê đội I thực hành tiến công trên bộ hoặc tiến công từ hướng biển và đánh bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch; giữ vững mục tiêu then chốt, địa bàn chiến lược trọng yếu, ổn định thế trận chiến lược cơ bản; giữ gìn lực lượng chủ yếu, chuẩn bị sẵn sàng và tạo thế cho các hoạt động tác chiến chiến lược tiếp theo.

1-2-1695743146.jpg
Khẩu đội pháo 105mm chiếm lĩnh trận địa bắn. Ảnh: Quân đội Nhân dân.

Phương thức tác chiến chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh là dựa vào quyết tâm, kế hoạch tác chiến phòng thủ và thế trận phòng thủ được xây dựng và chuẩn bị trước một bước từ thời bình, nòng cốt là các khu vực phòng thủ địa phương, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hình thành thế trận phòng thủ có lợi trên các hướng chiến lược, tập trung cho hướng chủ yếu, các địa bàn chiến lược trọng yếu, các mục tiêu phòng thủ then chốt mà địch có thể sẽ tiến công ngay từ đầu. Phương thức tác chiến này dựa trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp, nòng cốt là tác chiến phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ địa phương ven biển, biên giới,... kết hợp với một bộ phận chủ lực của Bộ.

Đó là tập trung nỗ lực vào hướng, khu vực phòng thủ chủ yếu, quan trọng; vận dụng linh hoạt, kết hợp các loại hình, quy mô, hình thức, phương pháp tác chiến. Một mặt, cần coi trọng giữ vững các trọng điểm, kết hợp với phản công, tiến công lựa chọn ở địa điểm, thời cơ có lợi, lấy tác chiến quy mô nhỏ, vừa, đánh địch cơ động là chủ yếu. Mặt khác, phải kết hợp với đánh rộng khắp, đánh vào bên sườn phía sau, sâu bên trong đội hình địch, đồng thời kết hợp với đấu tranh chính trị, tư tưởng, tâm lý, ngoại giao, địch vận,... Đó còn là tăng cường ngụy trang, nghi binh, giữ bí mật, cơ động, di chuyển,... nhằm bảo toàn và phát triển lực lượng. Chỉ khi kết hợp chặt chẽ được như vậy thì mới giữ vững được thế trận chiến lược cơ bản, đồng thời giành và giữ thế chủ động chiến lược cho các thời kỳ tiếp theo.

Lãnh đạo, chỉ huy tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh do cơ quan lãnh đạo, chỉ huy tối cao của đất nước, của lực lượng vũ trang hoặc từng hướng chiến lược đảm trách. Từ đặc điểm, tính chất, tầm quan trọng đặc biệt của tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh, có thể thấy trong bất kỳ tình huống nào, mọi hoạt động tác chiến và đấu tranh đều phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chỉ huy tập trung thống nhất của cấp chiến lược tối cao là Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Bộ Quốc phòng. Trường hợp tác chiến phòng thủ chiến lược diễn ra trên một hướng đơn lẻ, việc lãnh đạo, chỉ huy có thể do Bộ Tư lệnh chiến trường thực hiện dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến