Tham dự Hội thảo, có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng; Lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện liên quan thuộc Bộ Xây dựng; Đại diện các Bộ, Ngành liên quan: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước; Đại diện Liên minh hỗ trợ công nghiệp Việt Nam Visa, Hiệp hội bất động sản; Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Công Nghiệp.
Ngoài ra, còn có sự tham gia của đại diện các Tổ chức nghiên cứu quốc tế biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, các Hiệp hội, các Tập đoàn, Tổng Công ty xây dựng, các chủ đầu tư bất động sản, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, Doanh nghiệp công nghiệp FDI, các Công ty Năng lượng,… cùng hơn 50 cơ quan báo chí, truyền thông đến dự và tác nghiệp đưa tin, bài.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) chia sẻ: Ngày 26/7/2022, Chính phủ ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/01/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Trước thực trạng biến đổi khí hậu đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, thách thức lớn nhất đối với nhân loại, đã và đang tác động đến mọi mặt: kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu. Mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5oC vào cuối thế kỷ này.
Mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Sự thay đổi mới tác động lớn đến thương mại, đầu tư toàn cầu kể từ sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26).
Do đó, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sang năng lượng sạch, tái tạo là cơ hội để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, nắm bắt thời cơ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển.
Theo PGS.TS Vũ Ngọc Anh, để phản ánh rõ vai trò quan trọng từ tác động chính sách điều hành của Chính phủ, Bộ, ngành nhằm nâng cao nhận thức, chuyên môn của doanh nghiệp trong chủ trương phát triển bền vững, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Báo Xây dựng phối hợp với Liên minh hỗ trợ công nghiệp Việt Nam Visa và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp - Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải”.
Đây sẽ là Hội thảo chuyên sâu nhằm đưa ra những phân tích, nhận định đa chiều, đánh giá khách quan về tầm quan trọng và ý nghĩa của kiểm kê khí nhà kính trong sản xuất công nghiệp; giới thiệu các chính sách về biến đổi khí hậu của Việt Nam cùng những hướng dẫn chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước nhằm tập trung hỗ trợ tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, vật liệu xây dựng.
Hội thảo cũng đã cung cấp kiến thức về các phương pháp, tiêu chuẩn kiểm kê phổ biến, những đòi hỏi cấp thiết từ thị trường, tăng cường năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính; tổng hợp các giải pháp đột phá từ các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp... về sử dụng dữ liệu phát thải, phương pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung nêu bật các nội dung: Kiểm kê khí nhà kính; Những yêu cầu báo cáo kiểm kê từ những nhà cung cấp, nhà đầu tư và các nước Châu Âu nhập khẩu một số mặt hàng của doanh nghiệp; Hậu kiểm kê và vai trò trong lộ trình chuyển đổi xanh; Khuyến nghị doanh nghiệp sử dụng dữ liệu kiểm kê hướng tới hoạch định chiến lược giảm phát thải; Tổng hợp các giải pháp đột phá từ các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp... về sử dụng dữ liệu phát thải, những giải pháp xanh từ hệ sinh thái tác động đến việc xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp, ứng dụng nhiên liệu sạch LNG trong sản xuất công nghiệp.
Xuyên suốt Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp,... cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế từ những đơn vị đã có hành động hướng tới trung hòa carbon, nhằm giúp các doanh nghiệp công nghiệp, vật liệu xây dựng và cơ sở hạ tầng xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho nội tại công ty và thực hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội.