Chất Nghệ trong hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Phần 2 và hết)

Lương Đàm
Là anh hùng dân tộc, lại đồng thời là danh nhân văn hóa - văn hóa vốn thường là sản phẩm chung, là đóng góp chung của nhiều không gian, nhiều thế hệ, và không chịu được sự phong bế - sự kỳ thị, bất cứ dưới hình thức nào - Hồ Chí Minh đã tạo một từ trường lớn, một vùng phát sóng lớn hấp dẫn những hoạt động tinh thần quý giá của các giới trí thức văn hóa, khoa học, nghệ thuật Việt Nam. Và chính từ hiệu quả của những hoạt động đó, trên hành trình lịch sử của dân tộc thế kỷ XX mà Hồ Chí Minh đã trở thành một biểu trưng cho sự hội tụ, sự kết tinh và sự tỏa sáng những khát vọng giải phóng, giao lưu và sáng tạo của con người Việt Nam thế kỷ XX. 
1562021huyen025-1723993512.jpg
Nguyễn Ái Quốc với tờ báo Người Cùng Khổ (Le Paria). Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Con người của những kích thước lớn không bao giờ chịu sự ràng buộc, sự phong tỏa của bất cứ giới hạn chật hẹp nào, cũng là con người của một xứ sở. Nhưng người của một xứ sở muốn trở thành một danh nhân phải là người không e ngại, thậm chí phải hăm hở đón nhận mọi cái mới, cái lạ của phương xa.

Một con người là vậy, và cả một vùng đất, một quốc gia cũng vậy.

Hoạt động văn hóa trong mục tiêu cao cả của nó, không chỉ là sự thỏa mãn nhu cầu tinh thần của con người mà còn là sự phát triển mọi tiềm năng sáng tạo của con người. Văn hóa là sự vươn lên, trên quá trình con người biểu lộ và hoàn thiện phẩm chất người của mình. Văn hóa gắn với những nền văn minh; ở trình độ cao của văn minh được đo bằng sự phát triển của văn hóa; nhưng có những giai đoạn hoặc khu vực văn minh phải trải những hành vi không văn hóa, lại đi kèm với sự ỉ phạm chất người; hoặc bằng sự hy sinh một bộ phận lớp người này cho tham vọng của một bộ phận lớp người khác. Văn hóa do vậy gắn bó thiết cốt với chủ nghĩa nhân đạo, gắn với đạo đức, lối sống. Chủ nghĩa nhân đạo trong hạt nhân trung tâm và trong mục tiêu tối cao của nó là vì con người, là sự phát triển con người; nhưng trước khi nói đến sự phát triển của con người, phải tính đến sự giải phóng con người đã.

Xét khía cạnh văn hóa ở danh nhân Hồ Chí Minh là xét đến nhu cầu và khả năng giải phóng con người ở một người có sứ mệnh tìm đường, và đưa cả một dân tộc lên đường, nhằm vào mục tiêu Độc lập cho dân tộc và Tự do cho nhân dân - khởi điểm quan trọng và quyết định trên con đường dài mưu cầu hạnh phúc cho tuyệt đại đa số nhân dân lao động bị áp bức, bị bóc lột.

Trong bối cảnh cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức và trước yêu cầu lịch sử của cách mạng dân tộc và dân chủ nhân dân buổi đầu thế kỷ XX ở Việt Nam, bước khởi đầu của cuộc tìm đường phải là sự trang bị một bản lĩnh văn hóa, để có được sự soi sáng về nhận thức và lý luận. Ở những cuộc cách mạng của các dân tộc phương Đông - là nơi phải chìm đắm quá sâu vào đêm trường phong kiến và chịu quá nặng chính sách ngu dân của chủ nghĩa thực dân, công cuộc tìm đường được trao cho người trí thức, và Nguyễn Ái Quốc đã đón nhận trách nhiệm lịch sử đó, ở tư cách người trí thức, Nguyễn Ái Quốc đã quyết tâm tự đào tạo mình thành trí thức.

43780148pm-nguoi-di-tim-hinh-1723993513.jpg
Tháng 12/1920, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc phát biểu ủng hộ Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, đồng thời tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Ảnh: Internet

Có khác trước đây, Lê Lợi tìm đến Nguyễn Trãi, Quang Trung tìm đến các sĩ phu, Hồ Chí Minh của thế kỷ XX phải hội nhập vào mình cả hai trọng trách; và như vậy phải thực hiện cùng lúc, ngay từ bản thân mình, hai quá trình trí thức hóa cách mạng và cách mạng hóa trí thức; cả hai phải được thực hiện ở người lĩnh sứ mệnh mở đường. Khía cạnh văn hóa ở danh nhân Hồ Chí Minh, do nhu cầu lịch sử như trên, tất yếu và tự nhiên gắn với cách mạng; phải trở thành văn hóa cách mạng. Nói cách khác, Nguyễn Ái Quốc phải lo cách mạng hóa văn hóa, để văn hóa trở thành công cụ trực tiếp của cách mạng.

Trọn vẹn quá trình hoạt động cách mạng hơn nửa thế kỷ, tất cả những gì Nguyễn Ái Quốc - rồi Hồ Chí Minh nói và viết, bằng nhiều ngôn ngữ, trên nhiều loại văn, đều nhằm vào mục tiêu cách mạng - từ những trang Bản án chế độ thực dân Pháp, đến Đường kách mệnh, rồi Nhật ký chìm tàu, Lịch sử nước ta, các Thư kêu gọi, Lời hiệu triệu, Tuyên ngôn độc lập... cho đến Thư chúc Tết, Thư Xuân và các bài nói, bài viết cho các giới đồng bào. Điều dễ hiểu, từ mục tiêu đó mà câu hỏi hàng đầu Nguyễn Ái Quốc đặt ra cho hoạt động viết của mình là Viết cho ai? Và câu trả lời ở mọi thời điểm viết của tác giả, cũng là điều tác giả mong mọi người Việt Nam chúng ta cùng nhất trí là viết cho quần chúng số đông - để đưa quần chúng vào trường đấu tranh cách mạng, để nâng cao dân trí, để giúp quần chúng hiểu và thực hiện có hiệu quả mọi hoạt động nhằm vào sự tồn tại và tự giải phóng bản thân mình.

Khía cạnh văn hóa ở danh nhân Hồ Chí Minh là văn hóa cách mạng; và để đạt hiệu quả cách mạng, nó phải là văn hóa hành động, văn hóa nhằm vào sự thức tỉnh quần chúng, văn hóa gắn với nhu cầu thực tiễn theo hướng giúp cho con người năng lực tự giải phóng, và sự giải phóng con người.

GS. Phong Lê