Ngày ước mơ gãy vỡ
Miền mù sương Đông Giang (Quảng Nam) quanh năm khốn khó, Alăng Brắc (26 tuổi, ngụ tại thôn Dốc Gợp, xã Kà Dăng) hiểu được điều đó nên cố gắng học hành. Nhiều năm trời Brắc miệt mài như con nai con hoẵng, kiếm cái chữ trên trường học ở lưng chừng đồi. Mở những cuốn sổ học bạ của Brắc, toàn những điểm số cao ngút, những điểm hạnh kiểm đẹp từ tiểu học, đến trung học, rồi học nội trú. Chẳng thế mà Brắc thi đậu vào được Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, một trong những trường trọng điểm về đại học ở Miền Trung.
Ngày Brắc đậu đại học, lại là một trường lớn thuộc top đầu của miền Trung, người cả làng đến chúc mừng. Khó lắm, cái chữ vốn được nuôi từ những khoai sắn nương đồi, từ những con cá dưới suối, từ những ánh đèn chập choạng đêm. Nếu không có quyết tâm, nếu không có sự hy sinh của mẹ của cha, nếu không có ước mơ cháy bỏng đêm ngày, có lẽ Brắc đã không thể học hết phổ thông, chứ đừng nói vào được trường đại học lớn như thế.
Với chàng trai xứ núi, con đường vào đại học đã mở ra cho Brắc một tương lại sáng. Nhưng khó khăn còn đó, cuộc sống nơi đô thị với cậu trai nghèo quả thực là một điều gì đó quá sức. Những năm tháng đại học, chàng trai Cơ Tu này ngoài việc học, phải đi làm thêm nhiều công việc để lấy tiền trang trải cuộc sống. Nụ cười chân chất, mộc mạc của Brắc không xóa nhòa được những khốn khó khi đi học ở thành phố. Brắc bảo, để có tiền học, tiền ăn, tiền chi phí sinh hoạt ở Đà Nẵng, Brắc đã làm rất nhiều công việc, khó khổ đến mấy, vất vả đến mấy cũng chịu được. Học phí được miễn giảm nên Brắc thực sự có cơ hội rất lớn để hoàn thành việc học. Thế nhưng, với một chàng trai xứ núi vốn quen sống như cây rừng, nhiệt thành và hiền hậu ấy lại không lường trước được những khó khăn về cuộc sống dưới phố. Bố mẹ cũng nghèo, mỗi tháng chỉ gửi được cho Brắc vài trăm ngàn tiền ăn. Có lúc Brắc vượt phố vượt núi về quê, rồi mang theo những khoai sắn măng rừng để qua bữa, nhưng việc học cũng chiếm nhiều thời gian, đi làm thêm cũng không đủ khiến Brắc bữa đủ bữa không.
Đỉnh điểm của những khốn khó nơi phố thị là khi em trai của Brắc cũng đậu vào Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Hai anh em gắng học, gắng sống nơi phố thị, rồi việc học của Brắc cần nhiều chi phí hơn vào năm cuối, không thể đi làm thêm được, trong khi bố mẹ nghèo lại phải cùng lúc nuôi 2 anh em ăn học quả thực quá sức. Brắc gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, phải vay mượn bạn bè để mong trụ lại thành phố, cố gắng hoàn thành ước mơ đại học của mình. Nhưng, những khó khăn dồn dập tới đã khiến ước mơ của Brắc gãy vỡ giữa chừng. Chỉ còn 1 học kỳ nữa là tốt nghiệt đại học, Brắc nghĩ tới người em trai, nghĩ về mình. Nếu gắng gượng thêm nữa cũng không thể. Brắc quyết định nghỉ học, để dồn hết tất cả cho người em trai thay mình hoàn thành ước mơ.
Brắc buồn bã rời phố về núi sau một khoảng thời gian khốn khó. Nỗi buồn của Brắc khi phải ngừng học, như cái cây bỗng mất đi con suối, như chú ong lạc mất mùi hương. Nỗi buồn của Brắc, không phải ai cũng hiểu.
Niềm tin xứ núi
Ngày về với núi, chàng trai người Cơ Tu lao vào làm việc, để quên đi nỗi buồn phố thị, quên đi mơ ước còn dang dở của mình. Những ngày về với con suối, với rẫy nương, với công việc làm nông của mình. Brắc tạm tìm niềm vui từ mạng xã hội. Brắc quay những đoạn clip đăng lên trang cá nhân, đăng lên kênh YouTube của mình để giới thiệu về quê hương, về con người Cơ Tu, giới thiệu về văn hóa, và cả những sản vật của địa phương. Rất nhiều người đã thích thú với những clip chân chất mộc mạc, với những văn hóa và lối sống chan hòa độc đáo của người Cơ Tu mà Brắc đăng tải.
Những nội dung mà Brắc sáng tạo trên các nền tảng mạng xã hội về cuộc sống và lao động tại quê hương thu hút nhiều người trẻ bởi sự mộc mạc và giản dị. Trong những thước phim mà Alăng Brắc chia sẻ trên kênh YouTube, Facebook và TikTok cùng tên, hình ảnh miền sơn cước hiện ra đơn sơ, giản dị nhưng cũng đầy sức hút. Đó là những cảnh quay nơi Brắc ở, cảnh anh xuống suối vớt cá mùa lũ, tỉa lúa trên nương, đào củ nghệ củ gừng hay cảnh anh chơi cùng con, chia sẻ cuộc sống gia đình. Tự học tập, từ mày mò, đến nay, anh đã có 92.662 người theo dõi trên Facebook và khoảng 145.400 lượt theo dõi, cùng 1.7 triệu lượt yêu thích trên TikTok. Thế là Brắc quyết định trở thành một YouTuber để kiếm tiền và cũng muốn quảng bá cuộc sống con người ở miền núi và văn hóa phong tục đồng bào Cơ Tu. Cùng với đó, Brắc thấy những sản phẩm của người làng, của quê mình còn ít được người nơi khác biết tới.
Mặc dù vẫn chỉ coi mạng xã hội là một nghề phụ, bởi những khó khăn về công nghệ trên vùng núi này, như Brắc chia sẻ mỗi lần quay xong, muốn đăng được video hay bài viết lên mạng, như việc phải đi hứng sóng mấy tháng trời mới có một chỗ sóng đủ mạnh để đăng tải video. Đôi khi Brắc cũng có ra quán Cà phê hay tiệm internet để bắt wifi, nhưng cách nhà gần 10km. Công việc chính của Brắc là làm nông để nuôi sống gia đình, Brắc vẫn thành công tạo nên được những giá trị vô cùng tích cực khi truyền bá được về văn hóa, phong tục của đồng bào Cơ Tu đến cộng đồng.
Brắc hồi hởi chia sẻ: “Mạng xã hội là cổng kết nối, lan tỏa, nên video của mình đã góp phần quảng bá hình ảnh nơi đây. Nhiều anh chị dưới miền xuôi còn chưa biết đến đồng bào Cơ Tu, nhưng nhờ có video của em mà họ biết đến nhịp sống trên này. Vui lắm anh ạ. Nhiều anh chị bình luận hỏi quê em ở đâu, rồi nhận được lời khen là quê em cảnh đẹp quá, muốn lên Đông Giang chơi. Mình rất vui và xúc động khi video của mình mang lại giá trị cho người xem, cho cộng đồng bà con trên này. Dự định sau này của mình là thành lập hợp tác xã chế biến nông sản, trước là chế biến sản phẩm từ nghệ gừng, phát triển cây ăn trái. Mọi thứ xuất phát từ lòng thương dành cho đồng bào Cơ Tu. Mình trẻ mình không làm thì không có ai làm nữa đâu…”. Brắc hiểu rằng, sự nổi tiếng là phải mang lại lợi ích cho cộng đồng, phải tạo ra giá trị từ những video mà mình sáng tạo. Brắc luôn mong mỏi những nông sản địa phương như củ nghệ củ gừng, mật ong… qua những video mà Brắc đã quay được sẽ nâng cao giá trị nông sản và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Dù con đường phía trước còn nhiều gian nan, cần nguồn lực rất lớn để giúp đồng bào, nhưng Brắc vẫn đang cố gắng từng chút một trên từng bước đi mới mẻ của mình.