Huyền thoại làng K130

Làng K130 – xã Tiến Lộc (nay là Thị trấn Nghèn) huyện Can Lộc đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một huyền thoại, chỉ trong một đêm đã có 130 gia đình dỡ nhà lát đường cho xe ra tuyền tuyến.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với các địa danh như Ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao, Cầu Nhe, làng Hạ Lội xưa (nay là Làng K130) Thị trấn Nghèn đã trở thành “tọa độ chết”, là trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ nhằm chia cắt tuyến đường vận chuyển huyết mạch vào Nam.

Xác định được tầm quan trọng của vị trí này nên đế quốc Mỹ đã tập trung lực lượng hòng chặn đứng huyết mạch giao thông của quân và dân ta trên đường chi viện cho miền Nam. Để thực hiện dã tâm đó, trong chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã trút xuống xã Tiến Lộc, trong đó có làng Hạ Lội gần 19.000 quả bom, 1.522 quả rocket, làm 57 người chết, 151 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn.

huyen-thoai-lang-k130-01-1651234743.jpg
Người dân làng Hạ Lội nay là làng K130 dỡ nhà lát đường năm 1968. Ảnh tư liệu.

Những tháng đầu năm 1968, nhiều tuyến đường bộ như: QL15A, QL 1 đoạn qua xã Tiến Lộc (nay là Thị Trấn Nghèn) bị địch đánh phá khiến giao thông tắc nghẽn, hệ thống cầu cống bị máy bay địch phá hủy hoàn toàn. Xe chi viện lương thực, thực phẩm, đạn dược cho tiền tuyến bị tắc nghẽn tại cung đường này, không thể di chuyển vào miền Nam. Trước tình hình đó, cấp trên chỉ thị phải mở ngay một con đường để xe qua phà vượt sông tránh đường 1A. Đoạn từ cầu Cổ Ngựa đến cầu Già đi qua tâm làng Hạ Lội chính là nơi cần mở đường.

10 giờ sáng ngày 13/8/1968, nhận được lệnh của cấp trên, với khẩu hiệu “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, nhân dân làng Hạ Lội đã tự nguyện dời dọn nhà cửa của mình và chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ, 130 ngôi nhà đã được tháo dỡ để lát đường cho đoàn xe vận chuyển xăng dầu, lương thực và đạn dược vào chiến trường miền Nam.

Người dân ngoài việc dỡ nhà còn tự nguyện chặt tre, vác gỗ nhà mình và chuyển hàng trăm tấm phên xuống làm mố cầu. Cả xã Tiến Lộc cũ hừng hực khí thế "Vì miền Nam ruột thịt". Người dân trong toàn xã đổ về làng Hạ Lội để cùng làm một con đường cho kịp giờ xe vào tiền tuyến miền Nam. Chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ, ngoài 130 ngôi nhà còn có một ngôi miếu, 4 nhà thờ họ và 2 hợp tác xã được dỡ xuống; đoạn đường dài 1,2 km qua làng Hạ Lội cơ bản hoàn thành ngay trong đêm 13/8/1968.

huyen-thoai-lang-k130-02-1651234743.jpg
Cổng làng K130

Đến 3h ngày hôm sau, chiếc xe đầu tiên bắt đầu chuyển bánh trên đường tránh xuống phà và qua sông an toàn trong niềm vui mừng, xúc động của quân và dân làng Hạ Lội. Từ đêm đó trở đi, từng đoàn xe đi qua đường tránh vận chuyển hàng hóa ra tiền tuyến một cách an toàn, không còn sa lầy, ùn tắc như trước nữa. Để bảo vệ bí mật và che mắt địch, hàng ngày người dân Hạ Lội dùng cây tre ngụy trang con đường huyết mạch, tối đến lại cất giấu ngụy trang. Cứ như vậy, con đường tránh qua làng Hạ Lội được đảm bảo an toàn cho đến ngày ngừng bắn năm 1973.

Để ghi nhớ sự hy sinh to lớn của nhân dân làng Hạ Lội, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã đặt tên cho làng Hạ Lội thành làng Văn hóa chiến tích K130. Làng K130 vinh dự được công nhận Di tích lịch sử quốc gia vào năm 2006. Huyền thoại về làng K130 đã trở thành một trong những mốc son chói lọi của nhân dân Hà Tĩnh trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Năm 2006, Làng K130 – Xã Tiến Lộc (nay là Thị trấn Nghèn) được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Hiện nay, Khu di tích đã được Bộ VHTT&DL đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng để ghi nhớ về những hy sinh, mất mát của nhân dân nơi đây.

Thời gian trôi đi, nơi “túi bom” xưa đã bừng lên sức sống mới. Màu xanh sinh sôi trên cánh đồng mẫu hơn 100 ha, những khu vườn cây trĩu quả hứa hẹn nguồn thu nhập giúp người dân ổn định cuộc sống. Và trên tất cả, niềm tin sắt son của dân với Đảng được tiếp nối từ thế hệ cha ông đã trở thành sức mạnh để làng K130 phát huy nội lực trong các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới. Làng K130 như một chiến tích huyền thoại để giáo dục truyền thống, nhắc nhở thế hệ trẻ và cũng để ghi nhớ sự hy sinh, công sức của nhân dân đã góp phần làm nên chiến thắng thần kỳ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Thu Hường