Bình minh “Làng góa phụ”

Huyền Văn
Cơn bão Chan Chu đầu năm 2006 đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngư dân làng chài ở xã Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam), để những goá phụ, cha mẹ già và hàng chục đứa bé bơ vơ cùng những nỗi đau chồng chất khác. Hơn 16 năm sau những đau thương, mất mát ấy, cuộc sống đã trở về quỹ đạo bình thường.

Những góa phụ của làng biển

Mười sáu năm trước, siêu bão Chanchu đã khiến gần 230 ngư dân của TP Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi gặp nạn. Hầu hết trong số họ vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi, không tìm thấy thi thể. Làng biển Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam) là làng biển có tới 87 ngư dân xấu số như vậy.

Thôn Bình Tịnh một buổi sáng nhiều năm sau cơn bão như bình yên hơn trong sự hiền hòa của đại dương. Trời yên, biển lặng, những con sóng như đang rì rầm kể nhau nghe chuyện từ khơi xa. Trong những lời biển cả ấy có câu chuyện về những người đàn ông xấu số bỏ mình trên biển. Vào những buổi sáng như thế, chị Hoàng Thị Tính (49 tuổi) lại một mình ngồi trên bến vắng nhìn về mịt mùng biển thẳm, nơi chồng con chị đi mãi chưa về. Cái ngày định mệnh ấy xảy ra vào 16 năm trước, chồng con chị đã mất trong một chuyến đi biển vào đúng mùa bão nổi. Cơn bão Chanchu định mệnh đã cuốn người thân của chị đi mãi. Người làng đã tìm mọi cách vớt xác anh để mang về nhưng giống tố biển khơi đã giữ anh mãi mãi cùng những con sóng bạc đầu. Sau 3 tháng 10 ngày đau đớn tìm kiếm khắp các bờ biển, cuối cùng chị Tính đành chấp nhận lập mộ gió thờ chồng. Cũng từ ngày ấy chị bắt đầu cuộc đời góa bụa đầy cơ cực. Do sức khỏe kém nên công việc hàng ngày của chị là giúp việc và đan lưới thuê cho những gia đình ngư dân trong xóm để nuôi đứa con nhỏ. Thỉnh thoảng trong những giấc mơ chị lại thấy chồng mình hiện về an ủi vợ. Nỗi nhớ thương và niềm hy vọng về một phép màu vì thế chưa bao giờ tắt lửa trong lòng người đàn bà đáng thương ấy.

nlntv-a515bbc33d78f326aa69-1650684964.jpg
Chị Hoàng Thị Tính trong căn nhà có chông con mất vì bão Chanchu năm nào.

Giống như chị Tính, làng biển ở xã Bình Minh này cũng có hàng chục phụ nữ có chồng làm nghề biển như chị Nguyễn Thị Lâu, chị Nguyễn Thị Tê (54 tuổi), chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1964), chị Trần Thị Liên (59 tuổi..., và thỉnh thoảng người làng lại chứng kiến cảnh những người phụ nữ chạy dọc bờ biển thảm thiết gọi tên người đàn ông của mình trong mùa bão nổi. Khi linh hồn những người đàn ông ấy không còn “treo cột buồm” nữa mà tan vào muôn con sóng biển khơi thì người phụ nữ mà họ yêu thương cũng bắt đầu cuộc đời buồn bã. Khi chúng tôi tìm gặp và hỏi, chị Nguyễn Thị Lâu (48 tuổi, trú thôn Bình Tân, xã Bình Minh), có chồng là anh Võ Văn Mến, em chồng là Võ Văn Mệnh, 2 trong số 87 ngư dân của xã Bình Minh đã vĩnh viễn không trở về kể từ cơn bão Chan Chu cách đây 16 năm trước. Kể về hoàn cảnh mình, dù đã nhiều năm trôi qua nhưng chị Lâu vẫn rưng rưng nước mắt. Nỗi nhớ, niềm thương, sự tủi cực như là một cảm giác thường trực trong trái tim người phụ nữ ấy, để mỗi lần có người nhắc đến là nước mắt lại tuôn trào.

nlntv-7174ccac13c41b958ff840ed63a5dee9-1650685065.jpg
Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền, cùng các nguồn vốn vay, nhiều ngôi nhà của những phụ nữ góa bụa đã được xây sửa khang trang.

Cứ thế, chiều chiều chị Lâu, chị Tính cùng những người đàn bà của làng chài chạy ra sát chân sóng, chỉ nhận được những mảnh vụn của không biết bao nhiêu chiếc tàu dạt vào bờ. Trong tiếng gió biển và sóng vỗ chan chát vào bờ, là tiếng khóc, tiếng kêu gào của những người phụ nữ mất chồng, mất con trong cơn bão. Một ngày! Hai ngày! Rồi một tháng, và nhiều tháng trôi qua từ sau những đêm định mệnh ấy, người dân xóm chài vẫn thấy có những người mẹ dẫn theo những đứa trẻ mới chập chững biết đi, hay những cái bóng già nua liêu xiêu trong nắng chiều đứng dưới những hàng phi lao nhìn mãi về phía biển, ngóng mãi những con tàu sẽ chẳng bao giờ trở về nữa. Có những đám tang mà mộ phần chẳng có gì ngoài một bức tượng đất sét và những lời cầu nguyện thầm thì thoang thoảng như tiếng sóng mênh mang. Những ngôi mộ gió...

nlntv-e2ddca19bb423ed33bda8495a2818bb0-1650685661.jpg
Chợ cá Bình Minh một ngày nắng lên.

Bà Trần Thị Điểu, trưởng thôn Bình Tịnh (xã Bình Minh) chia sẻ, từ ngày chồng mất trên biển, chị Nguyễn Thị Lâu một mình nuôi 5 đứa con bằng cách mỗi ngày ra biển mua cá đưa vào xóm để bán. Lúc anh mất, chị có mang đứa con gái út được 8 tháng. Đứa con gái ấy, chị đặt tên là Võ Thị Tuyết Thương, nhưng niềm thương luôn hiện hữu với người chồng đã chẳng trở về. Bây giờ, những đứa con của chị đều đã lớn. Hay như gia đình chị Nguyễn Thị Tê (54 tuổi), có chồng là anh Phạm Phú Cường bị thiệt mạng trong cơn bão Chan Chu, vô cùng vất vả. Chị Tê chồng mất để lại 5 người con. Hay trường hợp của chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1964, trú thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh) là góa phụ, cơn bão Chanchu đã cướp mất đi người chồng cùng hai đứa con trai. Ngày ngày, 7 mẹ con chị vẫn ra bờ biển ngồi chờ. Nhìn cảnh ấy thương quá, bà con trong làng, rồi những chú Công an huyện đưa cả mấy mẹ con trở về nhà, chăm sóc, động viên cho đến khi nỗi đau tạm nguôi.

nlntv-3abceb05a4a2a56ae385ea9c6d026340-1650685697.jpg
Ông Nguyễn Xuân có 2 người con đã mất tích trong cơn bão Chanchu, ông một mình nuôi đứa con còn lại, và vẫn tiếp tục theo tàu bám biển nhiều năm qua.
nlntv-c19a7bd7a9e8e11044bcc9642a0e7cc6-1650685725.jpg
Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền, cùng các nguồn vốn vay, nhiều ngôi nhà của những phụ nữ góa bụa đã được xây sửa khang trang.

Giờ thì nhiều người đàn bà làng biển này đã quen với cảnh góa bụa, hàng ngày làm lụng nuôi con. Biển bình yên và dữ dội, biển cho ngư dân cơm áo nhưng cũng lắm khi trong cơn giận dữ đã cướp đi cuộc sống của bao người. Và sau mỗi trận cuồng phong, xã biển Bình Châu lại có thêm những người phụ nữ góa bụa. Lạ một điều là ở các làng biển này, không một ai đi bước nữa, họ ở vậy thờ chồng hay chờ chồng trong nỗi hy vọng mong manh và làm lụng nuôi con cái lớn khôn. Bây giờ, những đứa trẻ trong độ 15 - 16 tuổi ở đây, nếu em nhỏ nào không biết mặt cha, thì đó là con của những người xấu số mất tích trên biển năm xưa. Không chỉ có những người phụ nữ, trong những làng biển ở xã này cũng có những người đàn ông chung nỗi đau mất người thân vì cơn bão năm ấy như ông Nguyễn Xuân có 2 người con đã mất tích trong cơn bão Chanchu, ông một mình nuôi đứa con còn lại, và vẫn tiếp tục theo tàu bám biển nhiều năm qua.

Nắng lên ở Bình Minh

nlntv-ee94c76c8a445ce1c4408dfa0c94edb3-1650685754.jpg
Làng biển Bình Minh đã hồi sinh sau tang thương một thời.
nlntv-2017791137a12874f4494160aaf4db91-1650685784.jpg
Làng biển Bình Minh đã hồi sinh sau tang thương một thời.

Quảng Nam có nhiều ngư dân thiệt mạng nhất với gần 160 người, trong đó nặng nề nhất là xã Bình Minh (huyện Thăng Bình) với 87 người. Có tới 20 gia đình có 2-3 người bị nạn trong cơn bãõ này. Những người chết và mất tích đều là lao động chính trong những gia đình nghèo. Và giờ, người dân làng biển đã quen với hình ảnh những người phụ nữ ngược xuôi, khi thì đi gánh cá thuê, khi thì phụ việc… gắng nuôi những đứa con ăn học, hy vọng một cuộc đời mới mở ra cho những đứa con của nhiều người phụ nữ. Những người mẹ mất con, người vợ mất chồng, những đứa con thơ mất cha đã phải gạt đi những giọt nước mắt mặn chát để dìu nhau đứng dậy, tiếp tục hướng về phía biển, như tổ tiên bao đời xem biển là quê hương.

nlntv-67615ddd7d6a60336dc9eac344e128d4-1650685822.jpg
Trên biển, nhiều người phụ nữ của “làng góa bụa” với công việc bán cá để nuôi con cái lớn khôn.

Sự náo nhiệt của chợ cá Bình Minh bây giờ đã phá đi không gian vắng lặng và đau thương của của vùng biển 16 năm qua được mệnh danh “làng góa phụ” sau cơn bão Chanchu năm 2006. Người dân các thôn Bình Tân, Bình Tịnh đã quen nhìn đôi bàn tay của những người phụ nữ chai sần với những vết cắt của lưới, nghe giọng nói át cả tiếng sóng đặc trưng của người miền biển, nhìn sâu vào trong cả nước da rám nắng là minh chứng của biết bao lần thay chồng nuôi con của nhiều người đàn bà làng biển này. Chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1964) thủ thỉ: “Mình dân làng biển, biết rằng đôi lúc biển cả nổi cơn giận dữ nhưng không làm nghề biển thì còn biết làm gì hơn được. Đời cha, đời ông, đời chồng mình đã gắn bó với biển, mất mát cùng biển. Ngay cả đến lúc chết cũng hòa tan với biển. Biển cả là đau thương với mình nhưng cũng là niềm tin với mình. Mỗi lần ra biển, tôi lại như thấy cha, thấy chồng mình đang ở đó, nâng đỡ mình dưới mỗi con sóng thăm thẳm ngoài kia”. Tôi hiểu, trong những lời thủ thỉ của chị có cả những giọt nước mắt đau xót vì mất chồng, những cái cười như mếu vì phận đàn bà long đong với biển mưu sinh, và cả niềm mơ ước, niềm hy vọng vào những đứa con đang học hành để các chị gắng sức vượt qua những cơn sóng dữ cuộc đời. Nhiều người bảo đừng nhìn họ ở vẻ bề ngoài như thế. Đừng tưởng họ mạnh mẽ, kiên cường như đã chai lỳ cảm xúc mà tội cho họ. Thực ra mỗi lần chỉ cần có một đợt gió mạnh thổi về là họ lại giật mình, đầy lo lắng.

nlntv-460fa1f158da017bfe2d1806e7bbc7a2-1650685856.jpg
Bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch UBND xã Bình Minh.

Rồi mai đây, khi đứa con trai, con gái của những người đàn bà làng biển này lớn lên lại theo trai làng ra khơi, lại nên duyên chồng vợ với những ngư dân bám biển bám thuyền, lại ngày đêm phập phồng về những chàng trai vạm vỡ “hồn treo cột buồm”. Ngày ra khơi, bao thuyền viên, thuyền trưởng đều vui sướng trên chuyến hải trình xa thẳm, với mong ước thuyền ghe đầy tôm, cá trở về. Như một mối nhân duyên từ tiền kiếp, bao lớp người lớn lên bên bờ biển lại gắn bó đời mình bằng nghiệp biển lênh đênh.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, với sự đồng hành, giúp đỡ của các cấp, các ngành và nhiều tổ chức, cá nhân ở nhiều nơi, hơn 16 năm kể từ ngày cơ bão lịch sử Chan Chu đi qua, chính quyền và nhân dân xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã từng bước vực dậy nền kinh tế, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Vết thương do bão Chan Chu gây ra cho bao gia đình giờ đang lành lặn dần. Cũng như cách đây 16 năm, đa phần người dân ở xã Bình Minh vẫn sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản, tuy nhiên đời sống của người dân đã từng bước được nâng cao. Bằng nhiều nguồn vay, ngư dân ở Bình Minh đã mạnh dạn đóng mới, cải hoán tàu có công suất lớn mua sắm các trang thiết bị hiện đại vươn khơi bám biển ngư trường truyền thống, quyết tâm phấn đấu làm giàu từ biển. Để nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản, địa phương khuyến khích ngư dân sản xuất trên biển theo các mô hình tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản. Các tổ, đội này liên kết chặt chẽ với đội tàu cá hậu cần nghề cá nhằm tăng thời gian bám biển, giảm chi phí các chuyến biển.

nlntv-609f44a821b72c8a530a9a2b685b4a2c-1650685898.jpg
Trên biển, nhiều người phụ nữ của “làng góa bụa” với công việc bán cá để nuôi con cái lớn khôn.

Có nhiều người sống sót trở về sau bão, họ chỉ có đôi bàn tay trắng nhưng vẫn quyết tâm vay vốn đóng mới tàu vỏ thép như anh Trần Công Chi, Phan Thu, Trần Công Tú, Trần Văn Liên, Nguyễn Văn Lộc… các tàu cá của những ngư dân ấy vẫn thường xuyên túc trực trên biển, hệ thống máy dò cá hoạt động hết công suất, chỉ cần có tín hiệu cá là dàn lưới sẽ được thả xuống và thành quả lại được thu về, ngư dân Bình Minh lại mừng vui mở hội. Bình Minh 16 năm sau cơn bão định mệnh đã đây đổi khác rất nhiều. Đường đã được trải thảm nhựa, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên, trong đó có gia đình của các nạn nhân Chan Chu. Trên mép biển, chợ cá Bình Minh tấp nập khi những đoàn thuyền đánh bắt hải sản cập bến. Trên bờ, hàng trăm phụ nữ là những người gánh cá thuê, tiểu thương và người nhà của các ngư dân đang chờ sẵn. Quang cảnh thật ấn tượng khi nắng lên, những người phụ nữ với gánh cá nặng trĩu, đi như chạy trên bãi biển, vận chuyển cá đi khắp nơi tróng bóng nắng đổ dài trên cát.

Không khí khẩn trương, rộn rã của những ngư dân, những người thu mua, vận chuyển cá khiến không gian nơi đây thật sôi động, và tất cả bị cuốn hút vào cuộc sống của một ngày mới. Sự náo nhiệt đã phá đi không gian yên tĩnh, vắng lặng của vùng biển được mệnh danh “làng góa phụ” sau cơn bão Chanchu năm 2006. Sự hồi sinh của cuộc sống ngày càng hiện rõ trên những gương mặt sạm nắng của những người dân biển nơi đây. Xã Bình Minh hiện có 119 tàu thuyền, tổng công suất 54.800CV, trong đó có 97 phương tiện có công suất từ 90CV trở lên. Đội tàu tham gia đánh bắt hải sản xa bờ của xã là 55 chiếc. Có những cơ sở chế biến như của chị Nguyễn Thị Linh (thôn Tân An, xã Bình Minh) với công suất hấp hơn 3 tấn cá, mực cơm bán ra thị trường hằng tuần.

nlntv-c342501ff479acd673668a19cc2e3503-1650685946.jpg
Chị Hoàng Thị Tính trong căn nhà có chông con mất vì bão Chanchu năm nào.

Những đứa trẻ gái, trẻ trai lớn lên cùng biển rồi yêu thương nhau nên vợ nên chồng và cùng chọn con đường mưu sinh của bao đời cha ông truyền lại. Dẫu có nhiều gian nan, nhưng ngày nay với sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương, những tàu cá nhỏ đang dần chuyển đổi thành những tàu cá lớn, thông tin liên lạc trên biển ngày càng hiện đại hơn, mọi nỗi băn khoăn về những cơn bão biển đã dần được đẩy lùi. Ngư dân Bình Minh vẫn kiên định một tình yêu với biển, vẫn tin vào những ân điển từ biển khơi. Và những người vợ chịu cảnh góa bụa vì biển vẫn vô cùng thành tâm trong lễ tạ ơn biển cả. Tôi hiểu rằng, dẫu những tháng năm xưa có chất đầy đau thương, thì những người đàn bà làng biển Bình Minh ấy vẫn nhen nhóm trong lòng mùa hy vọng trong tương lai, bởi với họ biển cả muôn đời rất đỗi thiêng liêng.

Tiêu Dao – Nhuận Mẫn – Đức Huấn