Các nước trên thế giới kỷ niệm ngày Quốc tế lao động (1/5) như thế nào?

Đinh Thảo

1. Áchentina

Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động đầu tiên vào năm 1890 cùng với phong trào lao động quốc tế. Khi đó, các công đoàn Áchentina đã tổ chức một số hoạt động chung tại thủ đô Buênốt Airết và nhiều thành phố khác.

Năm 1909, cảnh sát đã giết chết 9 công nhân trong lễ kỷ niệm ngày 1/5 ở Buênốt Airết. Đây là vụ thảm sát xã hội đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Áchentina. Năm 1930, chính quyền độc tài quân sự ở Áchentina cấm kỷ niệm ngày 1/5. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ năm 1946 đến 1955, ngày này lại rất được chính phủ của Tổng thống Juan D. Perón coi trọng.

2. Chilê

Năm 1931, Tổng thống Carlos Ibáñez del Campo ra sắc lệnh quy định ngày 1/5 hàng năm là ngày lễ quốc gia của Chilê để vinh danh tầng lớp công nhân. Trong ngày này, hầu hết các cửa hàng và dịch cụ công đều ngừng hoạt động. Các nghiệp đoàn lớn ở Chilê tổ chức tuần hành vào buổi sáng và nhiều hoạt động mang tính lễ hội vào buổi chiều và tối trên mọi thành phố lớn.

cuba-tuan-hanh-ky-niem-ngay-quoc-te-lao-dong-252022a-1682846446.jpg
Tuần hành kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động ở Cuba (Ảnh: TTXVN)

3. Cuba

Ngày 1/5/2012, hàng trăm ngàn công nhân mặc áo đỏ, tay vẫy cờ đỏ đã tham gia cuộc diễu hành qua quảng trường Cách mạng ở thủ đô La Habana. Cuộc diễu hành nhằm khẳng định quyết tâm xây dựng xã hội chủ nghĩa của nhân dân và chính phủ Cuba.

4. Mỹ

Là nơi diễn ra những cuộc đấu tranh ngày làm 8 giờ lớn mạnh nhất trong lịch sử đấu tranh của giai cấp vô sản đưa đến sự ra đời của Ngày Quốc tế lao động.

Hằng năm cứ vào ngày 1/5, hợp đồng mới giữa chủ và công nhân lại được ký kết trên các công ty, nhà máy ở Mỹ. Cùng với đó, người dân trên toàn nước Mỹ thường tổ chức diễu hành quy mô lớn.

5. Nga

Từ năm 1992, Ngày Quốc tế lao động được gọi là Ngày lễ lao động và mùa xuân. Ngày này, các cuộc diễu hành hoành tráng do Đảng Cộng sản Liên bang Nga tổ chức tại Quảng trường Cách mạng Tháng Mười ở Thủ đô Moskva thường có hàng chục ngàn người tham gia.

doan-nguoi-tuan-hanh-tai-thu-do-parisjpeg-1682846737.jpg
Tuần hành nhân ngày Quốc tế Lao động ở Pháp (Ảnh: Le Monde)

6. Pháp

Hằng năm, cứ vào ngày 1/5, người Pháp náo nức trang hoàng nhà cửa và tặng bạn bè một bó hoa linh lan, loài hoa biểu tượng của Ngày Quốc tế lao động.

Sở dĩ hoa linh lan được lựa chọn bởi vào ngày 1/5/1891, một cuộc biểu tình lớn của công nhân đã xảy ra ở vùng Fourmies, miền Bắc nước Pháp. Để dẹp loạn, binh lính quốc gia đã xả súng và bắn chết 10 người, trong đó có một cô gái tên là Marie Blindeau, mang trên mình bộ quần áo trắng tinh khiết. Để tưởng nhớ sự kiện này, người Pháp đã lấy hoa linh lan làm biểu tượng, linh hồn của ngày 1/5.

7. Đức

Theo truyền thống, mọi người thường cài một bông hoa cẩm chướng đỏ trên ve áo. Thói quen này bắt nguồn từ cuộc biểu tình ngày 1/5/1890 khi những người tham gia đoàn diễu hành tại Đức đã dùng hoa cẩm chướng đỏ làm dấu hiệu để nhận ra nhau.

ngay1-5-14-59-23-561-1682846633.jpg
Công nhân Indonesia tham gia tuần hành ngày Quốc tế Lao động 1/5/2016 (Ảnh: AP)

8. Indonesia

Bắt đầu từ năm 2014, Ngày Quốc tế lao động ở Indonesia mới được công nhận là ngày nghỉ lễ quốc gia.

Tại Thủ đô Jakatar, Liên đoàn Liên minh lao động Indonesia (KPSI) tổ chức các cuộc mít tinh, tuần hành và biểu tình với sự tham gia của hơn 120.000 công nhân, 10.000 giáo viên cùng hàng nghìn người lao động tại thủ đô và khoảng 20 tỉnh.

9. Trung Quốc

Tháng 12/1949, Trung Quốc chính thức coi ngày 1/5 là ngày nghỉ để kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động.

Vào ngày 1/5, dân chúng thường kéo nhau về quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh từ lúc trời nhá nhem để có mặt vào lúc mặt trời mọc xem lễ thượng cờ. Các con đường dẫn tới quảng trường và tại quảng trường đều có các binh sĩ đứng thành hàng. Khi quốc ca vang lên, các binh sĩ sẽ tiến tới cột cờ và bắt đầu những động tác đơn giản để đưa lá cờ lên cao.

Phương Thảo - TH