1/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động từ khi nào?

3 năm sau cuộc đàn áp tại Mỹ khiến hơn 200 người chết và bị thương, 1/5 trở thành ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước.

Ngày Quốc tế Lao động 1/5 bắt nguồn từ phong trào đấu tranh của công nhân Mỹ, trở thành ngày lễ kỷ niệm và ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và của người lao động trên toàn thế giới.

Vì sao 1/5 được chọn làm Ngày Quốc tế Lao động?

Để biết được lý do tại sao ngày 1/5 được chọn làm Ngày Quốc tế Lao động thì chúng ta phải tìm hiểu một chút về lịch sử của ngày này. Bắt đầu từ thành phố Chicago của nước Mỹ.

Ở thế kỷ 19, Chicago trở thành trung tâm thương nghiệp của Mỹ, quốc gia đang lao vào cuộc chạy đua cạnh tranh tư bản quyết liệt. Công nhân bị ép làm việc 14-18 giờ/ngày, phụ nữ lao động không kém gì nam giới nhưng đồng lương chỉ bằng một nửa, không có ngày nghỉ; trẻ em phải làm việc 12 giờ/ngày.

Sự bóc lột tàn khốc này khiến phong trào bãi công của công nhân Mỹ bùng lên với yêu cầu tăng lương, cùng với đó là sự ra đời và phát triển phong trào Công đoàn. Năm 1868, giới cầm quyền Mỹ phải thông qua đạo luật ngày làm 8 giờ trong các cơ quan, xí nghiệp thuộc Chính phủ, nhưng các xí nghiệp tư nhân vẫn giữ ngày làm việc 11-12 giờ.

nlntv-bieu-tinh-15-00155390-1651365471.png
"Từ ngày 1/5/1886, một ngày lao động của tất cả các công nhân là 8 giờ".

Đến năm 1886, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ mới thông qua nghị quyết nêu rõ: "... Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ".

Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không thể kiếm cớ chối từ.

Nguồn gốc của ngày Quốc tế Lao động 1/5

Ngày 1/5/1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình.

Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Khoảng 40.000 người không đến nhà máy. Họ tổ chức mít tinh, biểu tình với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”. Cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình tại Chicago bị đàn áp nặng nề và diễn ra ngày càng quyết liệt. Hai ngày sau, hơn 6.000 công nhân tổ chức bãi công, mít tinh, biểu tình nhưng bị cảnh sát đàn áp; 9 công nhân bị giết, 50 người bị thương nặng, gây chấn động thành phố.

nlntv-qtld-00325984-1651365513.jpg
Tranh mô tả cuộc đấu tranh của công nhân tại thành phố công nghiệp Chicago ngày 1/5/1886.

Ngày 4/5, một cuộc mít tinh khổng lồ diễn ra để phản đối cảnh sát. Chính quyền đàn áp, khiến hơn 200 người chết và bị thương, nhà tù chật ních những người đấu tranh. Hơn một năm sau, các thủ lĩnh của cuộc đấu tranh bị treo cổ. Nhưng cuối cùng, giới chủ phải chấp nhận yêu sách của công nhân. Báo cáo của Liên đoàn Lao động Mỹ xác nhận: "Chưa bao giờ trong lịch sử nước Mỹ lại có một cuộc nổi dậy mạnh mẽ, toàn diện trong quần chúng công nghiệp đến như vậy".

Ngày 20/6/1889, ba năm sau "thảm kịch" tại thành phố Chicago, Quốc tế cộng sản lần II nhóm họp tại Paris (Pháp). Dưới sự lãnh đạo của Frederic Engels, Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản II đã thông qua nghị quyết lấy ngày 1/5 làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước. Từ đó, ngày 1/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân, ngày nghỉ ngơi và biểu dương lực lượng, ngày hội của công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.

Vào ngày 1/5/1890, lần đầu tiên Ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức trên quy mô thế giới.

Năm 1920, được sự phê chuẩn của Lê Nin, Liên Xô (cũ) là nước đầu tiên cho phép người dân được nghỉ làm vào ngày Quốc tế Lao động 1/5. Sáng kiến này dần dần được nhiều nước khác trên thế giới tán thành.

Tại Việt Nam, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập - tự do - dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế - xã hội. 

Ngày nay, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã trở thành ngày hội của nhân dân lao động Việt Nam, ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.

Ý nghĩa Ngày Quốc tế Lao động 1/5

Cuộc tàn sát đẫm máu sau ngày 1/5/1886 gây chấn động lớn trong giai cấp công nhân thế giới. Biểu tình lan sang các thành phố khác. Tại châu Âu, công nhân Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan... cũng tổ chức nhiều cuộc mít tinh bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ công nhân Mỹ.

Từ đó ngày 1/5 được xem là ngày mừng thắng lợi đã đạt được, nêu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới và biểu lộ tình đoàn kết với những người lao động các nước khác. Ngày 1/5 cũng là ngày biểu dương cho lực lượng lao động, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội.

Ngày nay, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Ngoài ra, người dân còn lấy hoa linh lan làm biểu tượng cho ngày này. Bởi ngày 1/5/1891, một cuộc biểu tình của công nhân xảy ra ở miền Bắc nước Pháp. 10 người bị bắn chết, trong đó có Marie Blindeau, mang trên mình bộ quần áo trắng tinh khiết. Để tưởng nhớ, người Pháp lấy hoa Linh lan, loài hoa nhỏ màu trắng, thơm dịu, nở vào ngày đầu tiên của tháng Năm làm biểu tượng của ngày 1/5.