Các nguyên nhân dẫn tới bạo loạn lật đổ, “cách mạng màu” (Phần 2 và hết)

Lương Đàm
Phương thức và thủ đoạn bạo loạn lật đổ, “cách mạng màu” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, thù địch luôn luôn có sự điều chỉnh, tận dụng thời cơ hết sức linh hoạt và thực dụng.
3450391612-2406296894-1708525257.jpg
Hơn 100.000 người biểu tình đã tập trung trên các đường phố Tbilisi (Grudia). Ảnh: Wikipedia

Nghiên cứu sự sụp đổ của Liên bang Xôviết và các cuộc bạo loạn lật đổ, “cách mạng màu” diễn ra trong không gian hậu Xôviết, cũng như ở các nước thuộc Bắc Phi Trung Đông cho thấy, thủ đoạn tiến hành chiến lược này đã trở nên hết sức linh hoạt. Điểm xuất phát thường là sự diễn biến “tự chuyển hóa” của những con người trong bộ máy lãnh đạo cao nhất của đất nước làm suy yếu chế độ; từ đó tiến đến việc tạo dựng ngọn cờ, xây dựng lực lượng đối lập, tổ chức các cuộc bạo loạn chính trị... với sự tiếp tay, chỉ đạo từ bên ngoài kêu gọi lật đổ chính quyền... cho đến các cuộc bạo loạn đường phố; tiếp đến là việc tổ chức lực lượng đối lập, lợi dụng mạng Internet, thông qua các trang mạng xã hội để kích động quần chúng, tập hợp lực lượng; cuối cùng làm cho cuộc đấu tranh từ các điểm nóng tự phát dẫn đến bạo loạn có tổ chức, cùng với sự tiếp tay của các thế lực nước ngoài để lật đổ chính quyền.

Sự kiện Liên bang Xôviết sụp đổ và tan rã cho thấy tính chất nguy hại của sự “tự chuyển hóa” xuất phát từ những con người trong bộ máy lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô đã làm cho Đảng mất quyền lãnh đạo đất nước. Tiếp theo là các cuộc “cách mạng màu” gây ra cơn chấn động tại không gian hậu Xôviết như: “cách mạng hoa hồng” ở Grudia (năm 2003); “cách mạng màu da cam” ở Ucraina (năm 2004); “cách mạng hoa tuylíp” ở Cưrơguxtan (năm 2005); “cách mạng màu Jeans” ở Bêlarút (năm 2006). Trong đó, các phe đối lập sử dụng phương pháp chống đối phi bạo lực, bằng các bước “lợi dụng bầu cử phản đối kết quả bầu cử - bạo loạn chính trị” là chủ yếu để lật đổ chính quyền hiện hữu.

Riêng với các cuộc bạo loạn lật đổ, “cách mạng màu” diễn ra ở Bắc Phi - Trung Đông trong thời gian gần đây, hình thức diễn biến có sự thay đổi lớn. Không cần phải đợi đến bầu cử, thậm chí ở một số quốc gia chưa hình thành được lực lượng đối lập mạnh trong nước, các thế lực thù địch lợi dụng các mâu thuẫn xã hội đã được tích tụ, dồn nén để kích động lực lượng bạo loạn, đồng thời thông qua Internet, qua các trang mạng xã hội để tập hợp lực lượng chống đối, do vậy đã tạo thành những “cơn lốc” về chính trị, xã hội, với tốc độ và cường độ rất cao.

Chỉ ba tháng sau vụ phản đối từ thành phố Sidi Bouzid ở Tuynidi (khoảng giữa tháng 12 năm 2010), làn sóng bạo loạn chính trị đã bao trùm lên một khu vực các lãnh thổ rộng lớn từ Marốc đến vùng người Kurd ở Irắc và tiếp tục lan rộng ở Baren, Libi, Yêmen và tiếp đó làn sóng bạo loạn này vẫn không ngừng hoành hành dữ dội ở Xyri, Mali, Ai Cập...

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến