Các nguyên nhân dẫn tới bạo loạn lật đổ, “cách mạng màu” (Phần 1)

Bạo loạn là hành động chống phá bằng bạo lực có tổ chức do các thế lực phản động hay lực lượng ly khai, đối lập trong nước cấu kết với nước ngoài tiến hành, nhằm gây rối loạn an ninh chính trị hoặc lật đổ chính quyền.
vlcsnap-2020-05-28-00h05m35s148-159062173744954771173-1708524654.jpg
Thế lực thù địch lợi dụng danh nghĩa bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền để kích động người dân tụ tập trái phép, đập phá trụ sở cơ quan công quyền. Ảnh: VTV

Bạo loạn có thể diễn ra trên tất cả các mặt: Chính trị, văn hóa, kinh tế, quân sự, an ninh, đối ngoại..., với phương pháp chủ yếu là bạo lực chính trị, bạo lực vũ trang hoặc bạo lực chính trị kết hợp với bạo lực vũ trang, trong đó bạo lực chính trị là chủ yếu. Những năm gần đây, một số cuộc bạo loạn chính trị, “cách mạng màu” liên tiếp nổ ra, gây biến động lớn về chính trị, xã hội, nhằm lật đổ chính quyền được bầu một cách hợp hiến, hợp pháp để lập ra chính quyền mới thân phương Tây.

Một điểm chung nhất của các cuộc “cách mạng màu” đã diễn ra là đều có sự nhúng tay của các thế lực thù địch nước ngoài, kết hợp với lực lượng chống đối trong nước để đẩy mâu thuẫn xã hội thành bạo loạn chính trị lật đổ chính quyền. Có thể nói, đây là một dạng của thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ trong điều kiện mới.

Những biến động chính trị do bạo loạn lật đổ, “cách mạng màu” gây nên ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân hoặc chỉ xuất phát từ vài nguyên nhân cụ thể. Có nguyên nhân do các thế lực thù địch tác động từ bên ngoài vào, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là các yếu tố phát sinh từ trong nước, nhất là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ tổ chức đảng, nhà nước.

Tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên không được khắc phục. Tệ tham nhũng, tư tưởng cục bộ, mất đoàn kết, quan liêu, xa dân, kỷ cương, luật pháp không nghiêm... gây bức xúc trong dư luận xã hội, từ đó quần chúng nhân dân bất bình, mất lòng tin vào chế độ. Hoặc là, từ những sai lầm phạm phải trong bố trí đội ngũ cán bộ cấp chiến lược dẫn đến đi chệch định hướng, xa rời mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa, xuất hiện xu hướng “xã hội dân chủ”, đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, Đảng bị phân hoá. Nghiêm trọng hơn là sự phân hóa nội bộ trong Trung ương, hình thành các phe nhóm đối lập nhau, cơ chế đảng cầm quyền bị suy yếu nghiêm trọng hoặc mất hiệu lực thực thi để lực lượng phản động trong nước hình thành các tổ chức chính trị đối lập.

cuc-truong-chong-tham-nhung-nhan-hon-50-cuoc-goi-to-cao-tang-qua-tet-trai-quy-dinh-44-2760jpg-1708524900.crdownload
Tham nhũng gây bức xúc trong dư luận xã hội, từ đó khiến quần chúng nhân dân bất bình, mất lòng tin vào chế độ. Ảnh: Internet

Một số nguyên nhân chủ quan khác cần được lưu ý là: Công tác đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ không được coi trọng đúng mức; lãnh đạo, chính quyền chủ quan, sơ hở, mất cảnh giác; những mâu thuẫn, tư tưởng cực đoan, phản động trong các dân tộc, tôn giáo, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và các tệ nạn xã hội trở nên trầm trọng, các nguy cơ, thách thức không được đẩy lùi mà tiếp tục phát triển; không nắm chắc âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, xử lý sai lầm các vụ việc trong nội bộ nhân dân, để các thế lực thù địch lợi dụng kích động, gây ra biến động chính trị, bạo loạn lật đổ... dẫn đến “cách mạng màu”.

Qua nghiên cứu cho thấy, điều kiện để bạo loạn chính trị, “cách mạng màu” có thể xảy ra hiện nay là: Chủ nghĩa đế quốc ráo riết thực hiện “diễn biến hòa bình” đã làm suy yếu và tạo ra những nhân tố mất ổn định ở bên trong các nước, đồng thời đủ sức chỉ đạo, hỗ trợ cho lực lượng phản động các nước đó tiến hành bạo loạn để giành chính quyền. Ở trong nước, địch đã xây dựng, tập hợp được lực lượng chính trị, tạo dựng được phe đối lập, có được “ngọn cờ” lãnh đạo, chỉ huy, có thể có lực lượng vũ trang phản động.

Lợi dụng những yếu kém, sai lầm của các nước, những mâu thuẫn nội bộ, lực lượng phản động đã lừa gạt, kích động, lôi kéo được một bộ phận quần chúng sẵn sàng chống lại chính quyền. Lực lượng phản động bên trong thường xuyên nhận được sự chỉ đạo, nuôi dưỡng và hỗ trợ về mọi mặt của các thế lực thù địch bên ngoài.

Nội bộ ban lãnh đạo đất nước đã có những suy yếu (phân hóa, chia rẽ, cán bộ thoái hóa), xa dân; sai lầm trong đường lối, chính sách kinh tế - xã hội. Nhân dân gặp nhiều khó khăn về đời sống, bất bình với những sai trái, yếu kém của cán bộ, công chức và chính quyền các cấp, mất lòng tin với chế độ. Xã hội phân hóa giàu - nghèo ngày càng sâu sắc, sự phân tầng giai cấp và bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội cùng nhiều mâu thuẫn nội bộ đã được tích tụ sẵn sàng bùng phát.

Đặc biệt là khi lực lượng vũ trang mơ hồ, mất cảnh giác hoặc bị “vô hiệu hóa”. Bạo loạn cũng có thể xảy ra khi trong nước có những biến động chính trị do phạm sai lầm trong bố trí cán bộ; sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức làm mất uy tín trước nhân dân; mâu thuẫn nội bộ và các tệ nạn xã hội phát triển...

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến