Bậc thầy Đặng Thai Mai

Huyền Văn
Nói đến Đặng Thai Mai, người ta có thể quên đi một vài chức trách quan trọng ông đã giữ từ khá lâu, để chỉ cần nhớ tư cách một học giả uyên thâm trên nhiều lĩnh vực của văn học thế giới và dân tộc; và một người thầy của nhiều thế hệ trò, nay đang đảm giữ nhiều cương vị quan trọng trong bộ máy nhà nước hoặc trong các cơ quan học thuật.

Chúng tôi thuộc thế hệ sinh viên đầu tiên của nền Đại học Việt Nam trong chế độ mới, ra đời và vào nghề đến nay khoảng trên 60 năm, và đã từng qua nhiều cấp học, nhiều thế hệ thầy. Nhưng vào tuổi quá “nửa đời nhìn lại”, ở độ chín của nghề mà điểm lại thì thấy có một lớp thầy đặc biệt. Lớp thầy đó không nhiều, chỉ dăm bảy tên tuổi, nhưng mỗi dịp nhắc đến là gợi cả một niềm tôn kính và ngưỡng mộ, không phải chỉ riêng cho một số người mà là nhiều người, nhiều thế hệ. Lớp thầy đó dường như mới chỉ xuất hiện một lần, ở vào một thời điểm quan trọng mang tính khởi động và chuyển đổi - gắn với sự hình thành trên quy mô rộng của nền đại học dân tộc, vào giữa những năm 1950, sau khi Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương năm 1954 được ký kết. Lớp thầy đó là Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Lương Ngọc…

gs-dang-thai-mai-1643041575-1667987660.jpg
Giáo sư, Nhà nghiên cứu, Nhà văn Đặng Thai Mai (Ảnh: tư liệu)

Đó là lớp giáo sư về các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn đầu tiên của nền đại học mới ở nước ta. Và dường như sau những tên tuổi ấy cho đến nay vẫn chưa có thế hệ giáo sư nào đứng ngang tầm. Tất cả, tuy đông đảo, nhưng dường như vẫn nằm trong bóng rợp của các đại thụ trên bởi một lẽ giản dị: sự chuẩn bị để làm thầy, để trở thành giáo sư ở họ là một nền tảng học vấn uyên thâm, là một kinh lịch trường đời già dặn. Nhiều người trước đó đã là học giả, đã là những tác giả nổi danh trong nền học thuật nước nhà. Với Đặng Thai Mai, tôi thấy không cần nhắc lại điều này; vì chỉ riêng một Văn học khái luận, một Chủ nghĩa nhân văn dưới thời kỳ văn hoá Phục hưng, một Giảng văn “Chinh phụ ngâm”, rồi một Văn thơ Phan Bội Châu… đã đủ là một tên tuổi nổi danh trên nhiều lĩnh vực của khoa nghiên cứu và lý luận văn học.

Thế hệ chúng tôi thuộc lớp học sinh Cấp 3 hệ phổ thông chín năm cuối cùng, lại không qua cầu Dự bị đại học, nên không còn được học nhiều, tiếp xúc nhiều với Giáo sư như nhiều lớp đàn anh khả kính đang còn hoặc đã mất. Nhưng phần tôi, tôi vẫn rất hứng thú trong việc tích luỹ các kiến thức về Đặng Thai Mai và được ông truyền lại trực tiếp qua một số giờ giảng, hoặc gián tiếp qua bạn bè, người thân: Văn học Trung Quốc hiện đại, Văn học phương Tây Phục hưng, rồi Văn học Việt Nam cận đại… Chỉ một phần ít trong số đó là các giáo trình tôi được trực tiếp nghe giảng, nhưng ấn tượng sâu đậm còn lưu giữ được trong tôi là do, cùng với bài giảng còn là các cuốn sách, các công trình Giáo sư đã viết từ trước và tiếp tục viết về sau mà tôi từng háo hức tìm xem, hoặc may mắn có được. Tôi đã hăm hở đọc các bản dịch Lôi vũ, Nhật xuất, rồi Văn thơ Phan Bội Châu… Bài về Truyện chàng kỵ sĩ Đôngkysốt… phần trích đăng trên Nghiên cứu văn học vẫn cứ là khá dài khiến tôi đâm ra ghen tị hộ cho nhiều tác giả. Sao lại có đặc ân như vậy của Thư ký toà soạn Hoài Thanh? Nhưng khi đọc vào thì thật là “mê”, cứ muốn bài kéo dài thêm nữa. Còn bài về Sếchxpia lại rất ngắn, thế nhưng sự thu nhận đối với tôi về cả hai bài đều mới mẻ và thu hút như nhau.

nlntv-giao-su-dang-thai-mai-1667987915.jpeg
GS. Đặng Thai Mai (Ảnh: tư liệu)

Viện Văn học thành lập vào giữa năm 1959, và Giáo sư Đặng Thai Mai được cử làm Viện trưởng. Cả nhà phê bình Hoài Thanh cũng đã từng là thầy của chúng tôi ở bậc Đại học bây giờ là Viện phó. Ở buổi đầu thành lập Viện, chúng tôi, thế hệ trẻ mới ngoài hai mươi, lòng đầy thành kính và ngưỡng mộ nhìn vào đội ngũ đàn anh, nhìn vào dàn cán bộ sáng lập, thấy toàn những bậc danh vang, gồm những: Cao Xuân Huy, Phạm Thiều, Vũ Ngọc Phan, Trần Thanh Mại, Hoàng Ngọc Phách, Hà Văn Đại, Nam Trân, Hoàng Phê, Hoàng Trinh, Vũ Đức Phúc, Nam Mộc, Cao Huy Đỉnh… Nhưng trong đó Giáo sư vẫn cứ là nhân vật số một nổi lên trong sự kính trọng của không chỉ tầng lớp đầu đàn của Viện mà dường như của tất cả đội ngũ trí thức ngoài Viện, công tác ở các Khoa Văn đại học, ở Hội Nhà văn và Hội Văn nghệ Trung ương. Cũng cần nói thêm: trong suốt một thời gian dài, hai người lãnh đạo Viện Văn học đều kiêm nhiệm các chức trách quan trọng của Hội Liên hiệp văn học - nghệ thuật và Hội Nhà văn Việt Nam. Điều này cũng góp phần lý giải mối quan hệ khá rộng giữa Viện Văn học với các giới sáng tác, nghiên cứu, lý luận, phê bình, giảng dạy văn học trong cả nước nói chung.

Thủ trưởng đồng thời là thầy. Và bây giờ khái niệm thầy đã được hoàn toàn mở rộng, không chỉ do lịch sự, do thói quen. Viện trưởng Đặng Thai Mai đối với chúng tôi vẫn tiếp tục là thầy trên rất nhiều lĩnh vực học thuật, gồm cả Đông - Tây, kim - cổ (riêng phần kim, phần đương đại là phần ông thường chuyển giao cho nhà phê bình Hoài Thanh). Có thể nói ở khu vực nào chúng tôi cũng đều nhận được ở ông sự chỉ bảo tận tâm. Và không chỉ riêng về tri thức, mà còn cả về tư chất, phong cách, thái độ. Bài học nhập môn về tư chất và phong cách người nghiên cứu phê bình chúng tôi đã trực tiếp học được nơi hai người lãnh đạo đầu tiên của Viện.

Dẫu vậy cũng phải nói thêm một sự thật là, với không ít người trong số chúng tôi, cảm giác về thầy, về Viện trưởng Đặng Thai Mai, so với một số bậc thầy khác, vẫn còn là xa, là “kính nhi viễn chi”. Ông không phải là dễ gần, như nhiều thế hệ lãnh đạo sau này mà chỉ riêng việc biết tất cả tên riêng của cán bộ cơ quan, chứ không nói đến việc hiểu rõ hoàn cảnh từng người, cũng đã là ưu điểm. Ông thuộc một tầng lớp khác, và có những khoảng cách nhất định với cán bộ, nhưng điều đó không hề làm suy giảm lòng kính trọng của lớp trẻ. Và làm sao có thể tránh được khoảng cách đó, khi Giáo sư Viện trưởng đồng thời liên tục trong nhiều khoá, kéo dài nhiều chục năm, còn là Chủ tịch Hội Văn hoá, rồi Chủ tịch Hội Văn nghệ Việt Nam. Không kể trước đấy, vào buổi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, ông còn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, và tiếp đó còn là Chủ tịch một tỉnh lớn: Thanh Hoá - nơi có một thời gian từng là Trung tâm văn hoá kháng chiến của cả Liên khu Bốn và Liên khu Ba. Nêu hai chức vụ sớm nhất như trên, một gắn với nền giáo dục Việt Nam, và một gắn với sự hình thành và phát triển nền văn hoá kháng chiến của dân tộc, chúng tôi nhìn thấy trong Giáo sư Đặng Thai Mai sự tổng hợp, sự thống nhất giữa hai tư cách: người thầy - nhà văn hoá, và tư chất văn hoá trong một người thầy. Giáo sư đã nhận các chức trách ấy trong một thời gian không lâu, để sau này, mỗi khi viết đến tiểu sử, Giáo sư còn có thêm một vài cái hàm, nhưng trong thực chất các đóng góp và niềm say mê, Giáo sư đã dành toàn bộ tâm sức cho chuyên môn, cho học thuật. Đó mới thật là điều đáng quan tâm, là tư chất không dễ ai cũng có, là thiên hướng không ai dễ chọn.

nlntv-dtm-1-1667988013.JPG
GS. Đặng Thai Mai - Hiệu trưởng đầu tiên của trường ĐH Sư phạm Hà Nội (Ảnh: tư liệu)

Cuộc sống không thiếu người khi thôi hoặc mất đi một chức vụ cao và quan trọng nào đó là hết; còn những người mang tư chất học thuật, theo đuổi con đường học thuật, thì cái hàm kia tuy đáng quý, nhưng không phải là mục đích cuối cùng. Nói đến Đặng Thai Mai, người ta có thể quên đi một vài chức trách quan trọng ông đã giữ từ khá lâu, để chỉ cần nhớ tư cách một học giả uyên thâm trên nhiều lĩnh vực của văn học thế giới và dân tộc; và một người thầy của nhiều thế hệ trò, nay đang đảm giữ nhiều cương vị quan trọng trong bộ máy nhà nước hoặc trong các cơ quan học thuật.

Nhiều năm sau này, kể từ khi về Viện, tôi thường suy nghĩ về mối quan hệ gắn bó và về tình bạn giữa hai người lãnh đạo đầu tiên là Đặng Thai Mai và Hoài Thanh để mà ao ước cho mình. Cả hai đều tôn trọng nhau; và dường như có cả sự bổ sung và hô ứng cho nhau. Trong kháng chiến chống Pháp, người này Giảng văn “Chinh phụ ngâm” thì người kia Nói chuyện thơ kháng chiến; một người viết Chủ nghĩa nhân văn dưới thời kỳ văn hoá Phục hưng, thì người kia viết Quyền sống con người trong “Truyện Kiều”. Từ sau ngày về Viện Văn học, lẽ tự nhiên trong phân công là một người phụ trách văn học cổ điển, và người kia là văn học hiện đại và phê bình. Khỏi phải nói thêm hiện tượng Phan Bội Châu như là điểm nối, điểm giao thoa và tiếp tục giữa hai người; một người soạn Văn thơ Phan Bội Châu năm 1957, trước khi về Viện, một người viết truyện danh nhân Phan Bội Châu vào năm 1978, sau khi nghỉ hưu.

Còn có thêm một chuyện mà tôi xin được phép đặt vào ngoặc đơn, trong không khí thân mật, để nói đến sự “đồng điệu” giữa hai người, cả ở những gì có thể được xem là “thái quá” hoặc “bất cập” trong hành trình nghiên cứu của mình. Người say sưa với văn học cổ điển trong Giảng văn “Chinh phụ ngâm” cũng là người từng khắt khe với lịch sử văn học dân tộc: “Ta chưa có một nền văn học cao cấp là vì ta chưa hề có một nền văn học bình dân”(1). Người say đắm Thơ mới rồi sẽ là ngưòi kết án rất sớm và rất gay gắt Thơ mới: “Những câu thơ buồn nản hay vẩn vơ cũng đều là bạn đồng minh của giặc”(2).

Có thể còn nhiều điều để nói về Đặng Thai Mai trong hai tư cách là học giả, và là thầy; với bài này tôi chỉ xin thêm một ý nhỏ ở phần cuối. Nếu trong buổi đầu vào nghề, ở vào tuổi trung niên - những năm Mặt trận Bình dân - 1936 - 1939 Đặng Thai Mai đã từng có lúc viết truyện ngắn bằng tiếng Pháp, và vào cuối đời – nửa đầu thập niên 1980, chưa kịp viết xong cuốn hồi ký dài về mình, nói cách khác, người từng có lúc ham mê thực hiện nguyện vọng sáng tác văn chương, thì điều dễ hiểu là toàn bộ sự nghiệp nghiên cứu của ông cũng rất đậm ý vị văn chương. Quả hiếm có học giả nào đã in được dấu ấn phong cách riêng vào văn nghiên cứu như Đặng Thai Mai; kiến thức rộng mà uyên thâm, sâu mà sắc sảo, đĩnh đạc mà linh hoạt, trữ tình và hóm hỉnh… Bấy nhiêu điều có lẽ còn chưa lột được hết vẻ riêng của văn Đặng Thai Mai, nó đưa lại cho người đọc vừa là những hứng thú trí tuệ vừa cả sự thoả mãn các nhu cầu thẩm văn, tức là sự thống nhất giữa hồn và cốt, giữa ý và lời.

Người thầy, nhà giáo dục, nhà học giả, nhà văn hoá, nhà văn Đặng Thai Mai. Một phẩm chất tổng hợp như vậy hình như chưa có, hoặc khó có đủ trong các thế hệ học giả đến sau.

(1) Văn học bình dân và văn học cao cấp, Tập san Sáng tạo số 2 (4-1948) và số 3 (11 - 1948).
(2) Nói chuyện thơ kháng chiến. Nxb Văn nghệ, 1951.

  GS. Phong Lê