Lịch sử đã chứng minh dân tộc Việt Nam là một dân tộc có nền văn hiến lâu đời, đã sản sinh ra rất nhiều bậc hiền tài, những con người có trí tuệ cao, có phẩm cách đẹp, đóng góp to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Thời Lý mở trường đại học đầu tiên (Quốc Tử Giám) năm 1076 để đào tạo nhân tài. Thời Trần, năm 1253, vua Trần Thái Tông chuyển nhà Thái Học thành Quốc Học viện, mở rộng tiếp nhận cả những người học giỏi trong dân chúng. Đến triều Lê, khoa cử quy củ, phát triển thịnh trị, Quốc Tử Giám trở thành trung tâm đào tạo nhân tài lớn nhất đất nước. Năm 1484, phụng mệnh vua Lê Thánh Tông, tiến sĩ Thân Nhân Trung đã soạn bài văn bia "Đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442)". Trong bài văn bia này, Thân Nhân Trung đã đưa ra chân lý bất hủ: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước càng mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu và càng xuống thấp"[1].
Khẳng định vai trò quan trọng của trí thức đối với sự nghiệp cách mạng
Kế thừa và phát triển truyền thống tốt đẹp của dân tộc, noi gương các bậc tiên hiền, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của nhân tài, tích cực tìm kiếm và trọng dụng nhân tài, trí thức trong suốt quá trình Người lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ngay từ những năm 1923-1924, Người đã nêu lên một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là: "Người An Nam rất hiếu học. Trong các tầng lớp xã hội, người sĩ phu chiếm địa vị hàng đầu. Có con học giỏi là một vinh hạnh cho cha mẹ. Cho nên, dù có nghèo đói đến đâu, cha mẹ cũng cố tìm cách cho con cái được học hành"[2]. Tuy nhiên, truyền thống hiếu học đó lại mâu thuẫn với chính sách ngu dân dưới sự thống trị của thực dân Pháp. Chính vì vậy, trong nhiều bài viết của mình, đặc biệt là tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án gay gắt chính sách ngu dân mà Pháp thực hiện ở Việt Nam. Để đưa nhân dân đến với cách mạng, Người ý thức sâu sắc rằng cần mang lại cho họ ánh sáng của tri thức, của văn hóa.
Cũng chính vì vậy, ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rõ vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức đối với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Năm 1923, trong báo cáo gửi Quốc tế cộng sản về tình hình Đông Dương, Người đã đề cập đến tinh thần cách mạng của trí thức: "Thiểu số các nhà nho hay là các nhà trí thức là các nhà cách mạng dân tộc chủ nghĩa. Chính họ đã khích động mọi cuộc nổi dậy trong quá khứ"[3]. Năm 1940, trong báo cáo của Việt Nam gửi Quốc tế cộng sản, Người phân tích rõ hơn về khuynh hướng chính trị của trí thức: "Từ học trò đến công chức, thầy thuốc, vì có trình độ văn hoá tương đối cao, có điều kiện tiếp cận với người Pháp, hai vì họ bị người Pháp coi thường, cho nên họ đều rất ghét người Pháp. Song vì không có tổ chức, thiếu người lãnh đạo, cho nên họ "dám nghĩ mà không dám nói"[4].
Không chỉ nhận thấy tinh thần cách mạng và trái tim yêu nước nhiệt thành của đội ngũ trí thức Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn xác định chính trí thức sẽ là đội ngũ có khả năng giúp đưa những luồng tư tưởng của thời đại vào quảng đại quần chúng nhân dân. Điều này giải thích lý do, sau khi về Quảng Châu (Trung Quốc) vào cuối năm 1924, Người đã tập hợp các thanh niên Việt Nam yêu nước, xuất thân từ học sinh, trí thức, có một vài người là tú tài Nho học, vào các lớp tập huấn chính trị để truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin và chuẩn bị lực lượng nòng cốt tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Lời kêu gọi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ vai trò của trí thức đối với sự nghiệp cách mạng, từ đó Người căn dặn: "Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt,…"[5].
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, để tỏ rõ quyết tâm của chính quyền cách mạng trọng dụng nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 78 ngày 31/12/1945 quyết định thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch Kiến quốc của Chính phủ với hơn 30 nhân sĩ, trí thức ở tất cả các ngành, lĩnh vực như: kinh tế, luật pháp, y tế, giáo dục, văn hóa xã hội... được tập hợp để cố vấn cho Chính phủ kế hoạch xây dựng đất nước. Dưới sự ủy nhiệm của Quốc hội khoá I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng ra thành lập Chính phủ mới theo nguyên tắc đoàn kết và tập hợp nhân tài, không phân biệt đảng phái. Ngày 02/3/1946, Quốc hội họp để thông qua Danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị. Chính phủ kháng chiến này gồm 10 bộ do đại biểu các đảng phái và không đảng phái, những trí thức và những người có danh vọng phụ trách. Điều này cho thấy rõ quan điểm sử dụng người tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chú trọng tài năng, chú trọng ở tấm lòng vì dân, vì nước, không định kiến trong nhìn nhận, đánh giá vị trí xuất thân, không hẹp hòi, không câu nệ là người trong Đảng hay ngoài Đảng. Từ quan điểm này, dễ hiểu tại sao năm 1947, Người đưa ra định nghĩa trí thức rất rõ ràng: "Trí thức là gì? Trí thức là hiểu biết. Trong thế giới chỉ có hai thứ hiểu biết: Một là hiểu biết sự tranh đấu sinh sản. Khoa học tự nhiên do đó mà ra. Hai là hiểu biết tranh đấu dân tộc và tranh đấu xã hội. Khoa học xã hội do đó mà ra. Ngoài hai cái đó, không có trí thức nào khác"[6]. Và cũng chính quan điểm này của vị Cha già tối cao của dân tộc đã tạo cho tầng lớp nhân sĩ, trí thức Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám niềm tin vào chính sách đại đoàn kết của chính quyền mới, toàn tâm toàn ý mang hết tài năng, sức lực, của cải, tính mạng phục vụ cách mạng, phục vụ đất nước.
Chú trọng cả đội ngũ trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài
Điểm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tìm kiếm và trọng dụng đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, các nhân tài phục vụ sự nghiệp xây dựng chính quyền mới là Người không chỉ chú ý đến đội ngũ ở trong nước mà còn rất quan tâm tìm kiếm những nhà khoa học, những trí thức thuộc các ngành khoa học kỹ thuật là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, mời gọi, khuyến khích họ mang đức, mang tài phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Bởi vậy, trên chuyến tàu theo Người về từ Pháp năm 1946 có mặt 4 trí thức Việt Kiều là nhà khoa học Phạm Quang Lễ (giáo sư Trần Đại Nghĩa), kỹ sư luyện kim Võ Quý Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư mỏ Võ Đình Quỳnh. Trong bối cảnh muôn vàn thiếu thốn, các trí thức này đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc kháng chiến và sau này là kiến quốc của toàn dân tộc.
Trước những khó khăn của thực tế và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đầy chông gai thử thách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng: Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì cần phải có "lao động trí óc và lao động chân tay". Tuy nhiên, trong điều kiện cụ thể của nước nhà, Người nêu rõ: Chúng ta cần "lao động trí óc kiêm lao động chân tay, nghĩa là lao động chân tay cũng phải có văn hoá, mà người lao động trí óc cũng phải làm được lao động chân tay. Nếu lao động trí óc không làm được lao động chân tay và lao động chân tay không có trí óc thì đó là người lao động bán thân bất toại"[7]. Ngược lại, Người cũng khẳng định rằng: Lao động trí óc mà không có lao động chân tay, "chỉ biết lý luận mà không biết thực hành" thì cũng chỉ là "trí thức một nửa". Từ đó, Người xác định việc bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng đội ngũ trí thức, nhân tài là vấn đề hàng đầu, là nền tảng, quyết định sự thành bại của cách mạng. Đồng thời, phải tạo điều kiện để những trí thức xã hội chủ nghĩa phát huy mọi khả năng của mình trên mọi lĩnh vực.
Tạo điều kiện, khuyến khích phát triển đội ngũ trí thức trong thời đại mới
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, nhận thức rõ tầm quan trọng và vai trò của đội ngũ trí thức đối với phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo môi trường ngày càng tốt hơn để khuyến khích phát triển đội ngũ trí thức, đặc biệt là Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước".
Nhờ đó, trí thức Việt Nam phát triển nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng và đã thực sự hình thành một đội ngũ trí thức mới. Phát huy tài năng của mình, đội ngũ trí thức đã trực tiếp tham mưu, góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách, hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở. Trên các lĩnh vực của đời sống xã hội như chính trị, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn học - nghệ thuật… đội ngũ trí thức luôn miệt mài nghiên cứu, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, thử thách để đạt được những thành tựu to lớn vì sự phát triển của đất nước. Những mô hình phát triển "kinh tế tri thức", "kinh tế tuần hoàn", "Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp", "Chính phủ kiến tạo", "Chính phủ số"… đã cho thấy rất rõ vai trò to lớn của đội ngũ trí thức. Ở một số lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ khoa học có khả năng tiếp cận trình độ hiện đại trên thế giới. Đặc biệt, đã có những kỹ sư Việt Nam thiết kế, chế tạo thành công nhiều chủng loại sản phẩm, thiết bị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thay thế nhập khẩu với giá thành cạnh tranh, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, giảm nhập khẩu. Đội ngũ trí thức ở các viện nghiên cứu, tập đoàn, doanh nghiệp cơ khí chế tạo đã có đủ năng lực làm tổng thầu các công trình lớn hàng tỷ USD [8]. Hay có thể kể đến những đóng góp quan trọng của đội ngũ trí thức ngành y tế giúp Việt Nam là một trong 10 quốc gia đi đầu trên thế giới trong việc thực hiện đúng lộ trình các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) [9].
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã được, so với yêu cầu hiện tại, Việt Nam còn thiếu cả về số lượng và chất lượng đội ngũ trí thức. Tình trạng phân bổ, cơ cấu đội ngũ trí thức còn chưa phù hợp, thiếu những chuyên gia đầu ngành, đội ngũ kế cận hẫng hụt. Trong khi đó, chính sách phát triển đội ngũ trí thức, đặc biệt là trí thức có trình độ cao hiện nay còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa có tính đột phá, thậm chí không khả thi. Môi trường và điều kiện làm việc, chính sách đãi ngộ, sử dụng, đặc biệt trong khu vực Nhà nước, chưa đủ mạnh để thu hút và giữ chân những trí thức tài năng. Ở một số ngành đã và đang xảy ra tình trạng chảy máu chất xám như tài chính - ngân hàng, y tế, giáo dục...
Tập hợp, phát huy vai trò đội ngũ trí thức đáp ứng nhu cầu phát triển và xu thế thời đại
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định rõ, đội ngũ trí thức đóng vị trí, vai trò là trung tâm, hạt nhân của sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay là phải tập hợp, phát huy vai trò đội ngũ trí thức đáp ứng nhu cầu phát triển và xu thế thời đại. Tiếp tục vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đội ngũ trí thức và nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực sáng tạo của họ vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước cần:
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, quản lý phát triển đội ngũ trí thức, theo đó, cần tập trung phát triển lực lượng trí thức nòng cốt, những cá nhân có đóng góp giá trị cho xã hội về vật chất, tinh thần, góp phần thúc đẩy đội ngũ trí thức phát triển.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách về thu hút, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức; tạo lập môi trường pháp lý, các điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ trí thức để họ cống hiến và sáng tạo, khơi dậy ở họ truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Như bao người lao động khác, người lao động trí óc, người trí thức cũng cần phải được đảm bảo về đời sống, được bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng mới cống hiến và sáng tạo được. Cần tạo môi trường làm việc thực sự phát huy dân chủ và khuyến khích trí thức tự do sáng tạo trong nghiên cứu, sáng tác; công bằng trong học thuật, nghiên cứu, sáng tạo, trong triển khai ứng dụng khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội. Trang bị đầy đủ, hiện đại cơ sở vật chất, trang thiết bị, có cơ chế thông thoáng, đơn giản của các thủ tục hành chính trong thực hiện các nhiệm vụ, đề tài, đề án khoa học,... Đối với người trí thức, đời sống vật chất và tinh thần là hài hòa, nhiều khi nhu cầu về mặt tinh thần còn cần được chú trọng hơn. Như lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Người luôn có phần thưởng vật chất thích đáng và những động viên tinh thần kịp thời. Đó có thể chỉ là một lá thư khen, một tấm áo lụa, một chiếc áo khoác chiến lợi phẩm, hoặc thậm chí là một lời chia buồn với những mất mát…"[10]. Đó là những kinh nghiệm rất quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chúng ta cần phải học tập, vận dụng, đưa thành những quy định cụ thể trong cơ chế, chính sách sử dụng, đãi ngộ trí thức, nhân tài của đất nước.
Thường xuyên quán triệt, củng cố nhận thức chính trị của đội ngũ trí thức về vai trò, trách nhiệm đối với đất nước. Các cấp lãnh đạo, nhất là người đứng đầu nên quan tâm đến việc tập hợp, nắm bắt hiện trạng, nhu cầu học tập, làm việc của đội ngũ trí thức; cần có thái độ cởi mở, sẵn sàng trao đổi, lắng nghe, đối thoại với trí thức. Định kỳ tổ chức các cuộc tiếp xúc, làm việc với trí thức để lắng nghe ý kiến, đối thoại với trí thức về những vấn đề kinh tế, xã hội quan trọng của địa phương, đơn vị…
Bên cạnh đó, đội ngũ trí thức cũng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên rèn luyện nhân cách, rèn luyện đạo đức của mình, có tinh thần yêu nước, gắn bó với dân tộc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân trong mọi hoàn cảnh. Mỗi người trí thức cần xác định rằng, xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Để từ đó phải đi sâu nghiên cứu, phấn đấu có những công trình phục vụ thiết thực đời sống xã hội và phát triển kinh tế; Không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, thành thục công việc; nâng cao trình độ lãnh đạo, trình độ quản lý, biết vạch phương hướng, chiến lược, dự báo khoa học để giúp cho Đảng và Nhà nước đề ra được những chính sách tốt.
Để tận dụng thời cơ và vượt qua thách thức của cuộc chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, thì khâu đột phá đầu tiên phải được tính đến là đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là tầng lớp trí thức tinh hoa của dân tộc. Công tác này đòi hỏi phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhiều hơn nữa của Đảng, Nhà nước, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc tiếp tục quán triệt và vận dụng các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của đội ngũ trí thức. Việc thấm nhuần và vận dụng sáng tạo các bài học, kinh nghiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ góp phần quy tụ, phát huy nguồn trí tuệ Việt quý giá trong việc xây dựng và phát triển đất nước.
Vũ Thị Kim Yến
[1] Kỷ niệm 500 năm ngày mất Thân Nhân Trung: Hiền tài là nguyên khí quốc gia, Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử văn hoá Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, 1999, tr.10
[2] Hồ Chí Minh, 2011, Toàn tập, tập 1, xuất bản lần thứ 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.423
[3] Hồ Chí Minh, 2011, Toàn tập, tập 1, xuất bản lần thứ 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.221
[4] Hồ Chí Minh, 2011, Toàn tập, tập 3, xuất bản lần thứ 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.195
[5] Hồ Chí Minh, 2011, Toàn tập, tập 3, xuất bản lần thứ 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.3
[6] Hồ Chí Minh, 2011, Toàn tập, tập 5, xuất bản lần thứ 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.275
[7] Hồ Chí Minh, 2011, Toàn tập, tập 11, xuất bản lần thứ 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.400
[8] https://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/vi-tri-vai-tro-cua-doi-ngu-tri-thuc-trong-su-nghiep-xay-dung-bao-ve-to-quoc.html
[9] Bộ Khoa học và công nghệ, 2022, Dự thảo Đề án chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030, tr.33
[10] Thang Văn Phúc - Nguyễn Xuân Phương (đồng chủ biên), 2005, Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.303