Tạo đột phá để trí thức thực sự là động lực phát triển đất nước

Với quan điểm "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia", trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước của dân tộc ta, nhân tài - trí thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội.

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, lãnh đạo, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của quốc gia trong chiến lược phát triển.

tri-thuc-tuyen-giao-06032023a-1696155558.jpg
Hội nghị “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Ảnh tư liệu: Phương Hoa/TTXVN.

Làm sao để đội ngũ trí thức yên tâm nghiên cứu, sáng tạo, truyền bá tri thức, có những đóng góp xứng đáng và thực sự trở thành động lực cho sự nghiệp cách mạng, hiện thực hóa các mục tiêu lớn phát triển đất nước, luôn là một nhiệm vụ hàng đầu, đột phá chiến lược mà Đảng đã xác định, quyết tâm thực hiện trong những năm qua.

Ngày 6/8/2008, tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Sau đó, Ban Bí thư khóa XII đã ban hành Kết luận số 52-KL/TW, ngày 30/5/2019, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Nghị quyết khẳng định những quan điểm lớn của Đảng ta về trí thức và nêu ra những chủ trương quan trọng về xây dựng, phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Nghị quyết xác định rõ: "Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội. Trí thức Việt Nam xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội, nhất là từ công nhân và nông dân; phần lớn trưởng thành trong xã hội mới, được hình thành từ nhiều nguồn đào tạo ở trong và ngoài nước, với nhiều thế hệ nối tiếp nhau, trong đó có bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài". "Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư cho xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững".

Từ đó, Nghị quyết đặt ra mục tiêu: "Đến năm 2020 xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới".

15 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Đội ngũ trí thức Việt Nam phát triển nhanh về số lượng. Số liệu thống kê đến năm 2017 cho thấy, ước tính cả nước có khoảng 6,5 triệu người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên, tăng hơn 3,7 triệu người so với năm 2009 (năm đầu tiên triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW). Theo kết quả này, đội ngũ trí thức Việt Nam đã tăng thêm khoảng 2,8 triệu người sau 9 năm (2009 - 2017) so với 2,25 triệu người trong 10 năm trước khi ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW (1999 - 2009). Bên cạnh đó, hiện nay, ước tính có khoảng 600.000 trí thức có trình độ đại học trở lên trên tổng số 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài.

Đội ngũ này ngày càng nâng cao về chất lượng, là lực lượng đi đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Môi trường, điều kiện cơ sở hạ tầng, vật chất và kỹ thuật cho hoạt động của trí thức ngày càng hoàn thiện. Những điều này đã giúp cho đội ngũ trí thức phát huy tính năng động, sáng tạo, ngày càng thể hiện rõ trong mỗi bước tiến triển đi lên của đất nước.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện, nâng cao trong những năm qua. Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia có mức thu nhập, đứng thứ 3 trong ASEAN. Tốc độ tăng năng suất lao động không ngừng được nâng lên (bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%, cao hơn giai đoạn 2011-2015 là 4,3%); tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa được nâng lên (từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020).

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã hình thành và phát triển. Theo thống kê, hiện có 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tăng gấp 3 lần so với 2017, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo. Hệ thống sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, đo lường chất lượng ngày càng hoàn thiện; số công trình nghiên cứu khoa học công bố quốc tế của đội ngũ trí thức Việt Nam có xu hướng tăng nhanh trong những năm vừa qua.

Đánh giá về đội ngũ trí thức sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Bộ Chính trị khóa XIII nhận định: đây là lực lượng có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đội ngũ này trở thành lực lượng quan trọng thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược, kế hoạch phát triển đất nước nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở liên minh công nhân - nông dân - trí thức.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Bộ Chính trị cho rằng, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức chưa hoàn thiện, đồng bộ. Nghị quyết chậm được thể chế hóa thành cơ chế, chính sách; thiếu cơ chế, chính sách đột phá, nhất là chính sách huy động các nguồn lực cho việc đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, đãi ngộ, tôn vinh trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành; đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung vào lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm; chưa có nhiều cơ sở khoa học, giáo dục, văn hóa, kinh tế mạnh.

Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tính chủ động trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo đối với đội ngũ trí thức còn hạn chế, bất cập... Cơ cấu của đội ngũ trí thức còn bất hợp lý về ngành nghề, khu vực, độ tuổi; chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh, có uy tín ngang tầm khu vực và thế giới; chưa nhiều các công trình sáng tạo lớn.

cong-nghe-011023-1696155596.jpg
Các chuyên gia nghiên cứu công nghệ tại Phòng sạch Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Tiến Lực/TTXVN

Theo Giáo sư - Tiến sĩ  Lê Hữu Nghĩa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, "điểm nghẽn" lớn nhất trong việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW thời gian qua đó là nhận thức của một số lãnh đạo ở các cấp về phát huy vai trò của trí thức trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo còn chưa đúng mức, đúng tầm; 15 năm qua chưa thực sự có những đột phá trong nhận thức và chính sách để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức.

Điểm rất đáng lưu ý là trong Nghị quyết số 27-NQ/TW xác định mục tiêu "xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2020", tuy nhiên, đến nay, chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức mới chỉ ở trong giai đoạn dự thảo lấy ý kiến các bên liên quan. Chủ trương đã có nhưng lại thiếu cơ chế dẫn dắt thực hiện. Việc thiếu một hành lang pháp lý đầy đủ nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về đội ngũ trí thức khiến cho quá trình triển khai Nghị quyết tại các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị gặp nhiều khó khăn.

Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ: Đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học của chúng tôi đang mỏng dần, rất nhiều nhà nghiên cứu khoa học danh tiếng, tên tuổi của đất nước có học hàm, học vị cao cũng đã đến tuổi được nghỉ chế độ. Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học giỏi xin chuyển cơ quan công tác, vì các lý do khác nhau, trong đó có một lý do rất đơn giản là sự đảm bảo cho hoạt động nghiên cứu và giải quyết chế độ chính sách chưa bằng các cơ quan ở bên ngoài. Chúng tôi đang chứng kiến hiện tượng "chảy máu chất xám".

Trong khi đó, Tiến sĩ Khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng: "Tất cả các nước trên thế giới muốn phát triển được đều phải coi khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đấy là chủ trương lớn, chủ trương này phải thực sự được cụ thể hóa vào các chính sách, các giải pháp để ứng dụng. Đấy là phải tôn trọng trí thức, sử dụng trí thức, vinh danh trí thức và tạo điều kiện cho trí thức làm việc. Ở đây không phải chỉ đồng lương mà điều kiện làm việc, tôn trọng họ, giao việc cho họ, quan trọng khi sản phẩm của họ được tạo ra phải được ứng dụng".

Cùng quan điểm, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đoàn Đình Phương, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam chia sẻ, Viện của ông được giao nghiên cứu chất độn, một nguyên liệu được dùng trong sơn chống cháy, nhưng khi có được sản phẩm, mấy năm nay không thể chuyển giao đưa vào sản xuất thành hàng hóa vì những vướng mắc trong khâu định giá sản phẩm. Cuối cùng, các nhà khoa học của Viện đã phải lập xưởng để tự sản xuất, rồi bán lại cho các doanh nghiệp sản xuất sơn. "Nghề chính của chúng tôi là nghiên cứu, không phải là người sản xuất, nên để các công ty sản xuất làm việc này",  Phó Giáo sư- Tiến sĩ Đoàn Đình Phương nói.

Trong thời gian qua, kinh tế Việt Nam đã và đang có những chuyển biến tích cực, phát triển theo chiều sâu, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Vai trò của các nhà khoa học vì thế càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Cần nhìn nhận rằng trình độ khoa học và công nghệ của nước ta có khoảng cách đáng kể so với các nước nhóm đầu khu vực Đông Nam Á và còn tồn tại những hạn chế, rào cản cần tiếp tục vượt qua trong giai đoạn tới.

Do vậy, để kịp thời tháo gỡ những "điểm nghẽn", khơi thông nguồn lực phát triển đất nước từ đội ngũ trí thức, hướng đến mục tiêu xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam giàu lòng yêu nước, vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, tâm huyết với nghề nghiệp, có khát vọng đóng góp để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thì việc Đảng ban hành một văn bản mới về đội ngũ trí thức là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.