Chủ trì Hội nghị có ông Lê Minh Hoan - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Trần Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình. Cùng dự Hội nghị còn có đại biểu các Bộ, ngành, cục, vụ, Thanh tra, Văn phòng Bộ, Văn phòng Nông thôn mới Trung ương và các viện nghiên cứu thuộc Bộ, các trường Đại học, trường Cao đẳng, Học viện, các cơ sở giáo dục giáo dục nghề nghiệp; khu vực miền Trung và Tây Nguyên bao gồm 19 tỉnh, thành phố, gồm vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng Tây Nguyên; đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội, cơ quan, đơn vị có hợp tác đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/BCSĐ ngày 08 tháng 5 năm 2023 của Ban cán sự Đảng bộ Nông nghiệp và PTNT về "Đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2025 và định hướng tới năm 2030", và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang xây dựng đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp để khai thác các lợi thế, tiềm năng về nông nghiệp của các vùng, miền trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế; cải thiện đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của người dân; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực Quốc gia.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, ông Trần Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình báo cáo một số kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình đã đạt được trong thời gian qua, giới thiệu những tiềm năng, lợi thế và môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh, trình bày thực trạng, mục tiêu, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Đồng thời, ông Trần Thắng bày tỏ mong muốn tại Hội nghị cần thảo luận đưa ra các giải pháp, cách làm hay, phù hợp, những gợi mở quan trọng để tỉnh Quảng Bình cùng nghiên cứu, học tập, áp dụng vào thực tiễn của địa phương.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về nội dung thúc đẩy công tác tuyên truyền, truyền thông về chuyển đổi tư duy, nhận thức từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, truyền thống sang phương thức sản xuất theo quy mô hợp tác liên kết để tập trung nguồn lực đất đai, phát triển các cây con chủ lực có lợi thế, năng suất và chất lượng để tạo ra giá trị gia tăng cao theo hình thức tổ hợp tác, HTX liên kết, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất, ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh; cùng với đó hội nghị thảo luận bàn bạc đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ, đào tạo nghề cho lao động nông thôn để đẩy mạnh chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ và phi nông nghiệp, hiến kế để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp trong thời gian tới.
Theo Tiến sỹ Đỗ Chí Thịnh - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lương thực – Thực phẩm Đà Nẵng cho biết: lĩnh vực nào, ngành nào thì yếu tố con người vẫn đóng vai trò then chốt, quyết định. Đối với một tổ chức làm nhiệm vụ giáo dục và đào tạo như trường Cao đẳng Lương thực – Thực phẩm thì yếu tố nhân lực càng quan trọng. Bởi lẽ, để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho xã hội thì đòi hỏi đội ngũ nhân lực của trường phải có trình độ chuyên môn cao, và nghiệp vụ sư phạm vững, bên cạnh đó đội ngũ quản lý và chuyên viên của trường cũng phải chuyên nghiệp mới đào tạo ra các thế hệ học sinh, sinh viên có chất lượng cao. Để đạt được yêu cầu này, đòi hỏi nhà trường phải chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực về mọi mặt, không chỉ là trình độ chuyên môn. Nhận thức được tầm quan trọng đó Nhà trường luôn chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời mở ra phương thức đào tạo: một nửa thời gian học trên ghế nhà trường và một nửa còn lại học thực tế ở doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong thời gian qua Ban giám hiệu nhà trường đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác xã có liên quan để cùng nhà trường gắn những hoạt động nghiên cứu với hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp: hai bên “cộng sinh”. Nằm trong khuôn khổ hội nghị trường Cao đẳng Lương thực – Thực phẩm Đà Nẵng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 5 doanh nghiệp, hợp tác xã gồm: Công ty Cổ phần Dịch vụ cáp treo Bà Nà - Tập đoàn Sun Group; Hợp tác xã Nông nghiệp Tây Bà Nà; Công ty TNHH Enzy Food; Công ty TNHH Beli Food; Công ty Cổ phần Nguyệt Quang.
Ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ NN&PTNT báo cáo tóm tắt “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn khu vực phía miền Trung và Tây Nguyên để phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”. Có thể thấy rằng, đối với ngành nông nghiệp hiện nay chúng ta đang trong giai đoạn chuyển nhanh từ nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp 4.0, nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tri thức dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo phát triển bền vững. Điều này cho thấy, nhân lực được đào tạo, nhân lực chất lượng cao càng đóng vai trò then chốt trong giai đoạn hiện nay.