Trọn đời tâm huyết với điệu xòe, chữ Thái

Huyền Văn
Dù đã bước sang tuổi 90, nhưng Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Lò Văn Biến ở bản Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, ngày ngày vẫn truyền tình yêu Xòe Thái tới cộng đồng, tâm huyết giữ gìn và dạy miễn phí chữ Thái cổ cho thế hệ trẻ.

Ông tâm niệm: “Người Thái phải biết bảo vệ tiếng nói, chữ viết, trang phục, cái nhà, cái cửa của mình thì mới giữ được bản sắc văn hóa”.

"Pho sử sống" của người Thái

Đến thị xã Nghĩa Lộ, chúng tôi không khó để hỏi thăm đến nhà NNƯT Lò Văn Biến. Mặc dù chúng tôi không hẹn trước, nhưng cụ Biến vẫn niềm nở tiếp đón. Tóc bạc như cước, giọng nói sang sảng, cụ Biến cười bảo, nhà cụ thường xuyên đón những vị khách không mời giống như tôi. Nhưng đa phần trong số họ đến đây để xin cụ Biến chỉ dạy về văn hóa Thái, điệu xòe cổ và chữ viết của người Thái. Đặc biệt có một vị khách đến từ Nhật Bản đã xin ở lại nhà cụ Biến 3 tháng để tìm hiểu về văn hóa người Thái làm đề tài nghiên cứu tiến sĩ của mình.

Bước lên căn nhà sàn rộng chừng hơn trăm mét vuông, chúng tôi ấn tượng bởi rất nhiều bằng khen, giấy khen, hình ảnh giao lưu nghệ thuật Xòe Thái được cụ Biến treo ở vị trí trang trọng nhất. Bên cạnh đó, những cuốn sách cổ nói về văn hóa người Thái đều được cụ lưu giữ cẩn thận, xem như báu vật của mình. Với đồng bào dân tộc Thái ở Yên Bái và một số tỉnh lân cận, cụ Lò Văn Biến được xem như “pho sử sống” lưu giữ văn hóa Thái. Bố cụ từng là một trong những trí thức có tiếng ở Nghĩa Lộ nên lưu giữ rất nhiều sách Thái cổ. Năm lên 7 tuổi, nhờ sự dạy dỗ của thầy mo Lò Văn Phớ-người giỏi chữ Thái nhất, biết hát nhiều điệu hát của người Thái-nên Lò Văn Biến đã được học chữ Thái, hát những điệu hát của người Thái. Khi đã biết đọc, biết viết chữ Thái, cụ Biến thường mang những cuốn sách viết bằng chữ Thái cổ ở nhà ra đọc. Cụ cho hay: "Càng đọc tôi càng thấy thích, thấy mê sách của người Thái. Có sách răn dạy con người làm điều lành, tránh điều ác, có sách dạy bà con canh tác, trồng trọt, rồi sách dạy cách phán đoán thời tiết. Có sách kể chuyện cha ông ta đánh giặc, lại có những cuốn sách dạy ta cách làm người, dạy con cháu nhiều điều hay lẽ phải, cách đối nhân xử thế".

nlntv-xoe-thai-1666310007.jpg
Cụ Lò Văn Biến (bên trái) chia sẻ về quá trình truyền dạy chữ viết và Nghệ thuật Xòe Thái.

Nhờ có cụ Lò Văn Biến, những tài liệu liên quan đến lịch sử, văn hóa của người Thái, như: Hồ sơ về khu Rừng hồn trâu và Nậm Tốc Tát, hồ sơ về Khu di tích lịch sử bản Viềng Công... đã được dịch và lưu lại cho con cháu thế hệ sau. Cụ là người góp công lớn vào việc khôi phục các lễ hội: "Xên bản xên mường", "Lồng tồng", "Hạn Khuống"-một hình thức diễn xướng sân khấu sơ khai của người Thái. Trong những sự kiện văn hóa lớn nhỏ của thị xã Nghĩa Lộ nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung, cụ Lò Văn Biến luôn được mời tham dự với vai trò chuyên gia. Gần nhất tại sự kiện đón bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể dại diện của nhân loại, cụ Biến tham gia 3 vai trò, gồm: Chỉ huy dàn nhạc dân tộc, châm lửa mở màn cho điệu xòe và đóng vai người dẫn dắt bộ tộc Thái tìm vùng đất mới.

Cụ Lò Văn Biến từng kinh qua nhiều công việc gắn với văn hóa Thái. Nhờ có tài sáng tác bài hát, thổi kèn giỏi mà cụ Biến từng được mời làm Tổ trưởng tổ ca nhạc của Đài Phát thanh Tây Bắc. Sau đó, cụ được mời làm Trưởng ban Giáo dục kiêm Trưởng ban Văn hóa của xã Nghĩa Lợi (nay thuộc thị xã Nghĩa Lộ). Kể từ năm 1984, cụ Biến có nhiều thời gian để sưu tầm, nghiên cứu những tư liệu, sách cổ của dân tộc Thái, với phương thức: “Mua không được thì xin. Xin không được thì mua”. Cụ Biến tự hào cho biết: “Tôi dịch rất nhiều từ tiếng Thái sang tiếng phổ thông. Có những tài liệu rất dài, ví như là tục cúng vía của dân tộc Thái. Tôi cũng tìm hiểu tài liệu liên quan đến lịch sử, văn hóa nhiều vùng đất để dịch. Khi Bảo tàng tỉnh Yên Bái làm hồ sơ để công nhận một số di tích văn hóa nổi tiếng của người Thái thì tôi đều dịch và tư vấn cho họ”.

Nỗ lực, kiên trì giữ bản sắc người Thái

Là người tâm huyết với văn hóa Thái nên cụ Lò Văn Biến rất sợ một ngày chữ viết, tiếng nói, nghệ thuật Xòe Thái của dân tộc Thái bị mai một rồi biến mất. Bởi vậy, ngay từ năm 1953, Lò Văn Biến đã tổ chức lại đội văn nghệ của xã Nghĩa Lợi. Qua nhiều năm xây dựng, xã Nghĩa Lợi đã giới thiệu nhiều thế hệ đội văn nghệ quần chúng. Đến năm 1995, khi thị xã Nghĩa Lộ được thành lập, ông Lò Văn Biến đề xuất với lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã cho phép mình truyền dạy Xòe Thái cho người dân trong vùng. Ban đầu, ông Biến đến từng bản để truyền dạy, nhưng sức lan tỏa không cao. Sau đó, Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Nghĩa Lộ đã triệu tập đại diện hội phụ nữ của các xã, phường đến học ông Biến, rồi chính họ lại đi truyền dạy tại địa phương mình. Ông Biến cho thu âm lại tiếng khèn của mình, đồng thời soạn bộ giáo án 6 điệu xòe cổ để chị em phụ nữ dễ dàng học tập và truyền dạy.

NNƯT Lò Văn Biến nhớ lại: “Trước đây, nhiều đội văn nghệ không biết và cũng không thể hiện được hết các điệu xòe cổ. Khi đó, tôi được chính quyền địa phương mời đến để truyền dạy cho lớp trẻ. Đến nay, tất cả các xã, phường của thị xã Nghĩa Lộ đều có đội văn nghệ, lúc nào cũng có thể phục vụ du khách phương xa. Hoạt động tích cực của các đội văn nghệ góp phần gìn giữ, khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Thái ở Nghĩa Lộ”.

Các trường học ở Nghĩa Lộ cũng cử giáo viên đến học tập, nghiên cứu điệu xòe từ nghệ nhân Lò Văn Biến. Theo đó, việc đưa nghệ thuật Xòe Thái vào trường học đã và đang được nhân rộng ở Nghĩa Lộ. Bản thân cụ Biến từng đi đứng lớp dạy về văn hóa tại một số trường phổ thông, cao đẳng, trung tâm dạy nghề tại tỉnh Yên Bái. Bà Lò Thị Tuyết Dung, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Nhờ sự tâm huyết, giúp đỡ của cụ Lò Văn Biến, đến nay, 33/33 cơ sở giáo dục trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ đều duy trì hoạt động câu lạc bộ Xòe Thái. Cụ Biến là người rất nhiệt tình, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người mà không đòi hỏi về mình bất cứ điều gì".

Bên cạnh việc truyền dạy điệu xòe, cụ Lò Văn Biến còn mở lớp dạy chữ Thái cổ. Cách đây 20 năm, chữ viết và tiếng Thái đã dần mai một. Người Thái, nhất là thế hệ trẻ không biết viết hay không muốn dùng tiếng Thái. Trước thực trạng này, cụ Biến quyết định truyền dạy chữ và tiếng Thái miễn phí cho bất cứ ai muốn theo học. Bắt đầu từ năm 2006, cụ mở lớp dạy chữ Thái cho các cháu trong thôn, bản. Ban đầu chỉ có khoảng 5 người học, sau lên 10 người... Lớp thứ hai cụ Biến đã đón tới gần 50 học viên và đến năm 2016 có khoảng 300 học viên đọc thông viết thạo tiếng Thái do cụ truyền dạy. Nhiều học viên trong số đó lại trở thành những người truyền dạy chữ và tiếng Thái.

"Hữu xạ tự nhiên hương", nhờ sự tâm huyết trong việc dạy chữ Thái cổ, năm 2007, cụ Lò Văn Biến được Bộ Nội vụ “đặt hàng” biên soạn tài liệu dạy chữ Thái cho cán bộ, công chức công tác tại vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là công an, Bộ đội Biên phòng. Thời điểm đó, gia đình cụ Biến vừa trải qua một cú sốc lớn. Con trai cụ vừa tốt nghiệp cao đẳng thì bị tai nạn và qua đời. Nỗi đau mất con không gì có thể sánh được, song do đã nhận lời với Bộ Nội vụ mà cụ quyết tâm hoàn thành tài liệu trong 3 tháng. Sau đó, Bộ Nội vụ mang bộ tài liệu đi thẩm định, thấy nội dung tốt nên chuyển tài liệu cho cả vùng Tây Bắc và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa cùng sử dụng.

Khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo lập hồ sơ đề nghị lên UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cụ Lò Văn Biến được mời viết lời giới thiệu về nguồn gốc, ý nghĩa của điệu xòe. Theo cụ Biến, đến nay Xòe Thái có tất thảy 36 điệu, nhưng tựu chung lại chỉ có 6 điệu cổ, gồm: Nắm tay, tung khăn, bước tiến lùi, bổ bốn, nâng khăn mời rượu và đi vòng tròn vỗ tay. Nỗ lực bảo tồn, truyền dạy của cụ Biến đã góp phần mang Nghệ thuật Xòe Thái tới gần công chúng nước ngoài.

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng cụ Lò Văn Biến vẫn tâm huyết với chữ viết, điệu xòe của người Thái. Mặc dù không có nhiều điều kiện để trực tiếp xuống đơn vị nữa, nhưng cụ Biến sẵn sàng tiếp đón và truyền dạy những người thực tâm muốn học, muốn tìm hiểu về văn hóa Thái. Ông Lương Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Cụ Biến là người đã đóng góp rất lớn trong việc truyền dạy, lưu giữ Nghệ thuật Xòe Thái và chữ Thái cổ. Với người Thái ở Nghĩa Lộ, cụ Biến là người uy tín, có tiếng nói quan trọng trong các sự kiện, chương trình về văn hóa. Nghĩa Lộ tự hào vì có người như cụ Biến và mong rằng cụ sẽ tiếp tục lan tỏa điệu xòe, chữ Thái cổ đến đông đảo thế hệ trẻ hôm nay".