Thời kỳ đầu cuộc chiến tranh chống quân Minh xâm lược

Lương Đàm
Khi triều đình nhà Minh cất quân xâm lược Đại Việt, cuộc kháng chiến chống Minh do Hồ Quý Ly lãnh đạo cũng là một sự kiện quan trọng cho phép rút ra những bài học cần thiết về nhận thức và giải quyết vấn đề thời kỳ đầu chiến tranh.
screenshot-10-1681872958.png
Chân dung Hồ Quý Ly (1336-1407)

Năm 1400, sau khi đánh bại quân Chiêm Thành, Hồ Quý Ly, một quý tộc có thanh thế, đã phế truất vua Trần, lập ra triều Hồ và tiến hành cải cách táo bạo trên nhiều lĩnh vực. Về kinh tế, đó là xóa bỏ loại hình kinh tế đại điền trang, dùng chính sách hạn điền hạn nô, hủy bỏ đồng tiền cũ đã mất giá thay thế bằng tiền giấy để nhà nước có thêm nhiều đồng phục vụ cho nhu cầu quốc phòng.

Về chính trị, nhà Hồ dời đô về Thanh Hóa, xây dựng Tây Đô (thường gọi là Thành nhà Hồ) để chuẩn bị chống quân xâm lược. Thăng Long chuyển thành trấn thành và mang tên Đông Đô. Về quân sự, đó là xét định lại binh chế, tăng cường quân số, cải tiến vũ khí, xây dựng thành lũy để chống thù trong, giặc ngoài. Bấy giờ, ở Trung Quốc là thời kỳ thống trị của nhà Minh. Dưới triều Minh Thành Tổ, nhà Minh đạt đến giai đoạn cường thịnh và trở thành một quốc gia phong kiến. Lợi dụng sự sụp đổ của nhà Trần, nhà Hồ mới lên chưa ổn định, nhà Minh thực hiện âm mưu xâm lược Đại Việt.

Tháng 5 năm 1906, dưới chiêu bài “phù Trần diệt Hồ”, một đạo quân xâm lược Minh do Hàn Quan chỉ huy đã hộ tống tên phản bội Trần Thiêm Bình về nước, định dựng lên một chính quyền bù nhìn. Nhưng nhà Hồ đã bố trí quân mai phục đánh tan, bắt Thiêm Bình về kinh xử tội. Tiếp đó, tháng 11 năm 1406, khoảng 50 vạn quân Minh, trong đó có hơn 21 vạn quân chiến đấu, do tướng Trương Phụ, Mộc Thạnh, Lý Bân, chỉ huy theo hướng bắc và tây bắc tiến vào nước ta.

Trước sức tiến công mạnh mẽ của giặc, quân đội nhà Hồ tổ chức chặn đánh ở một số nơi rồi rút về, dựa vào phòng tuyến Đa Bang chặn giặc. Tướng giặc Trương Phụ hội quân và tập trung binh lực vượt sông Hồng đánh Đa Bang. Sau nhiều trận giao tranh quyết liệt, ngày 20 tháng 1 năm 1407, địch hạ được thành Đa Bang. Quân đội nhà Hồ bị thiệt hại nặng, phải rút khỏi phòng tuyến và về kinh thành Thăng Long về giữ Hoàng Giang và Muộn Hải, vùng hạ lưu sông Hồng (Giao Thủy, Nam Định).

images-motthegioi-vn-8443-bwluzzi-1681873063.jpg
Giặc Minh kéo quân xâm lược nước ta

Tại đây, quân đội nhà Hồ đã chiến đấu dũng cảm, bẻ gãy nhiều đợt tiến công của quân Minh, buộc Trương Phụ phải lui quân về đóng ở Hàm Tử. Tháng 4 năm 1407, quân nhà Hồ tổ chức phản công lớn. Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng cùng một loạt các tướng Đỗ Mãn, Hồ Đỗ, Hồ Xạ, Đỗ Nhân Giám,... chỉ huy quân thủy, quân bộ ngược dòng sông tiến công Hàm Tử. Nhưng mưu kế bị lộ, quân nhà Hồ đã bị địch mai phục, đánh tổn thất nặng, phải lui về Thanh Hóa. Quân Minh thừa thắng truy kích. Tháng 6 năm 1047, Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Hồ Nguyên Trừng cùng nhiều lãnh đạo của nhà Hồ bị giặc bắt tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Rõ ràng, nhà Hồ khi đối mặt với nguy cơ bị nhà Minh thôn tính đã không dựa được vào dân để phát huy sức mạnh của thế trận cả nước đánh giặc. Do chính quyền thiếu cơ sở xã hội vững chắc nên Hồ Quý Ly chỉ còn hy vọng và trông dựa vào lực lượng quân đội của triều đình. Bằng mọi cách, ông dốc sức xây dựng cho được quân đội thật lớn. Khi quân Minh xâm lược nhà Hồ đã đưa toàn bộ quân chủ lực để chặn giặc, nhưng quân đội nhà Hồ tinh thần chiến đấu kém và thiếu sự đoàn kết nhất trí.

Về chiến lược quân sự, do không xác định đúng thời cơ, đánh vào lúc địch đang mạnh trong khi công tác chuẩn bị thiếu chỉ đạo, lại nặng về phòng ngự bị động và thiếu linh hoạt trong vận dụng cách đánh nên đã thất bại hoàn toàn. Sự thất thủ của thành Đa Bang - nơi Hồ Quý Ly tập trung quân để giữ và sự đổ vỡ của phòng tuyến sông Đà, sông Phú Lương không chỉ là sự đổ vỡ riêng của thành lũy kiên cố, của riêng một - phòng tuyến trọng yếu, của lối đánh phòng ngự bị động mà còn là sự mở đầu cho cả quá trình đổ vỡ không tránh khỏi của pháp dụng binh chỉ đơn thuần dựa vào quân đội thường trực, trong điều kiện phải lấy nhỏ thắng lớn của cuộc chiến tranh giữ nước thời đó.

Từ năm 1407, quân Minh chiếm được Đại Việt và thiết lập chính quyền đô hộ, đặt lỵ sở tại Thăng Long và đổi thành Đông Quan. Song, chúng vẫn không thể khuất phục được dân ta. Các cuộc khởi nghĩa diễn ra liên tục và quyết liệt như khởi nghĩa Trần Ngỗi (1407–1420), khởi nghĩa Trần Quý Khoáng (1409-1413) khởi nghĩa Nguyễn Chích (1417-1418), khởi nghĩa Phạm Ngọc (1419-1420), khởi nghĩa Lê Ngã (1419-1420),... Các cuộc khởi nghĩa này đều thất bại nhanh chóng do lãnh tụ của phong trào chưa tìm ra phương thức tiến hành phù hợp.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến