Thời kỳ đầu chiến tranh chống Tống dưới triều Lý (Phần 1)

Lương Đàm
Cuộc kháng chiến chống Tống dưới triều Lý (1075-1077) đã thể hiện rất rõ sự phân kỳ theo tính quy luật phổ biến của chiến tranh toàn dân giữ nước trong thời đại phong kiến tự chủ. Động thái hoạt động đấu tranh vũ trang của các cuộc chiến tranh giữ nước trong lịch sử dân tộc Việt Nam ở thời đại phong kiến phổ biến được phân làm ba thời kỳ: Thời kỳ đầu chủ yếu là tác chiến mang tính chất kìm chân địch, cố gắng bảo toàn lực lượng.
Cuộc kháng chiến chống Tống dưới triều Lý (1075-1077)
Cuộc kháng chiến chống Tống dưới triều Lý (1075-1077)

Thời kỳ thứ hai chủ yếu là tìm cách gây dựng chuyển hóa dần thời, thế và lực, chờ dịch tự suy giảm lực lượng. Thời kỳ thứ ba là khi hội đủ yếu tố thuận lợi, các trận phản công mang tính quyết chiến chiến lược sẽ dứt điểm tình thế buộc địch phải kết thúc chiến tranh trong thất bại hoàn toàn. Nhìn toàn cục, nhờ nắm vững các yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa mà nhà Lý đã thực hiện được các nhiệm vụ chiến lược của chiến tranh giữ nước ngay từ thời kỳ đầu chiến tranh, đồng thời luôn giữ thể chủ động trong suốt cuộc chiến tranh, mặc dù xót về thực lực quân sự không hề hơn hẳn quân thù.

Với vị thế của kinh đô mới Thăng Long nhà Lý đã gợi lại hồn con Lạc cháu Hồng để phát triển rực rỡ mọi mặt. Trên cơ sở kế thừa những thành quả xây dựng và phát triển đất nước của các triều đại Ngô, Đinh và Tiền Lê, triều đình nhà Lý đã ra sức củng cố và phát triển chế độ phong kiến trung ương tập quyền. Triều Lý cũng có những chính sách để cố kết nhân tâm, thắt chặt khối đoàn kết dân tộc, tăng cường mối quan hệ giữa các địa phương, tạo cơ sở chính trị ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Cùng với việc củng cố thể chế chính trị, công cuộc phát triển sản xuất, mở mang nền văn hiến, phát triển đời sống dân sinh,... và nhất là sự nghiệp củng cố nền quốc phòng được đẩy mạnh.

Với thái độ thân dân của triều đình như một giá trị nổi bật, nên quân sự lúc này đã mang ý nghĩa nền quân sự của một quốc gia độc lập có chủ quyền nhằm bảo vệ đất nước. Những động thái quân sự đặc sắc được hình thành như “ngụ binh ư nông” trong dựng binh, “tiên phát chế nhân”, bảo vệ từ xa,... trong dụng binh, dựng hệ thống phòng tuyến vững chắc trong tạo lập thế trận, công tác tình báo nắm địch gắn với các đòn chiến tranh tâm lý, đánh địch nơi hiểm yếu, phòng thủ nhiều tầng, thực hiện các trận quyết chiến chiến lược,...

Trong xây dựng quân đội, nhà Lý ngay từ đầu cũng đã tổ chức ra quân bộ quân thủy, kiêm được chức năng của nhau, lập ra Giảng Võ đường, đề ra “Hành quân pháp” để huấn luyện tướng sĩ. Đặc biệt, quân thủy phát huy được truyền thống “thiện chiến trên sông nước”.

Chiến thắng trên sông Như Nguyệt thể hiện sức mạnh thủy quân nhà Lý
Chiến thắng trên sông Như Nguyệt thể hiện sức mạnh thủy quân nhà Lý

Tuy đại bại trong lần xâm lược nước ta năm 981, nhà Tống vẫn nuôi tham vọng và chuẩn bị cuộc chiến tranh mới vừa nhằm lấn chiếm, mở rộng lãnh thổ, biến nước ta làm quận huyện, vừa nhằm giải quyết nguy cơ về đối nội, đối ngoại, nhất là tạo thế để răn đe uy hiếp trở lại nước Liêu và Hạ ở phía bắc. Việc chuẩn bị xuất quân chinh phạt của nhà Tống khá chu đáo: tập trung luyện tập khoảng 10 vạn quân và thu gom binh lương ở căn cứ Ung Châu, Khâm Châu, Liêm Châu. Vua Tống quyết định thành lập “An Nam chiêu thảo sứ” do Quách Quỳ làm chánh tướng, Triệu Tiết làm phó tướng. Nhà Tống còn xúi giục Chiêm Thành quấy phá biên giới phía nam của ta để tạo thế “hai gọng kim”, tiến công Đại Việt ngay từ đầu.

Với tinh thần kiên quyết và chủ động, nhà Lý tăng cường lực lượng quốc phòng và củng cố khối đoàn kết dân tộc, ổn định tình hình trong nước, củng cố sự đoàn kết nội bộ. Thế và lực của Đại Việt ngày càng vững mạnh, đủ sức chống ngoại xâm. Để phá âm mưu tạo thế “hai gọng kìm” hòng tiến công Đại Việt của nhà Tống, nhà Lý chủ trương tiên phát chế nhân: ngồi im đợi giặc chi bằng đem quân ra trước để chặn thế mạnh của giặc.

Có thể nói, đây là nhiệm vụ chiến lược của thời kỳ đầu chiến tranh và mang tầm quan trọng bậc nhất đối với toàn bộ cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống của nhà Lý. Để loại bỏ mối uy hiếp từ phía nam, năm 1069, Lý Thánh Tông cùng Lý Thường Kiệt đã tiến quân đánh tan quân Chiêm Thành - một quốc gia nhỏ nhưng đã từng nhiều lần nhòm ngó xâm lấn, cướp bóc, quấy phá Đại Việt.

Tiếp đó, nhà Lý đã đưa quân bố phòng dọc biên giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành đồng thời cho vẽ địa đồ ở châu Bố Chính, Đại Lý, Ma Linh (giáp Chiêm Thành) và mộ dân tới lập nghiệp ở đây. Những việc làm đó nhám cảnh báo Chiêm Thành rằng Đại Việt đã đề phòng và sẵn sàng trừng trị nếu họ liên kết với quân Tống tiến sang ta. Vua Chiêm Thành do đó đã không thể tiến quân hội chiến theo chiêu dụ của nhà Tổng.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến