Tháp cho cá ăn tự động của học trò Hà Nội

Huyền Văn
Chế tạo Tháp cho cá ăn tự động là ý tưởng của Dương Thu Trang và Nguyễn Minh Đức, học sinh lớp 11 Trường Hữu Nghị 80 (Hà Nội).
nlntv-f602022655ed3219e84387a80726ac91-1654041982.jpg
Trang đứng thứ 2 và Đức đứng thứ 3, từ phải sang trái.

Dương Thu Trang (SN 2005) là người dân tộc H'Mông ở Xã Thiêng Luông (Bắc Mê, tỉnh Hà Giang), còn Nguyễn Minh Đức (SN 2005) là người ở Thị trấn Cát Bà (Cát Hải, TP Hải Phòng).

Chia sẻ với VietNamNet, 2 học sinh cho biết quá trình học tập trên lớp đã khơi gợi niềm yêu thích nghiên cứu khoa học.

“Tại trường, chúng em được tiếp cận với mô hình giáo dục STEM và cảm thấy rất phù hợp với sở thích. Em cũng có một số ý tưởng ấp ủ từ lâu và đã mạnh dạn trình bày với cô Mai - giáo viên bộ môn Sinh, được cô động viên nghiên cứu dự án và tham gia ở cấp trường” - Trang nói.

Thêm vào đó, ngày hội STEM tại trường giúp 2 bạn có cơ hội được trình bày các ý tưởng, sản phẩm và tham khảo các ý tưởng nghiên cứu khác của các anh chị, bạn bè trong trường.

nlntv-781c8d07c8922337b0720e83bf018def-1654042050.jpg
 

Về dự án “Tháp cho cá ăn tự động”, Đức chia sẻ rằng ý tưởng bắt nguồn từ “chuyện miền biển” nơi em sinh ra tại thị trấn Cát Bà (Hải Phòng).

“Qua quan sát quá trình làm việc của bà con nông dân trong việc nuôi thủy hải sản, em thấy mọi người gặp rất nhiều khó khăn như việc vẫn sử dụng phương pháp thủ công trong việc cho cá ăn gây tiêu tốn sức lao động, thời gian, chưa đem lại được hiệu quả cao. Ngoài ra, việc giám sát các chỉ số của nước bà con chỉ sử dụng kinh nghiệm; chăn nuôi chưa áp dụng các công nghệ cao, cho nên các chỉ số đo có thể chưa được chính xác và chưa đem lại tính liên tục, kịp thời” - Đức nói.

Thiết kế của tháp khá đơn giản với vật liệu là bình nhựa, nhôm và thiết bị đo nồng độ

Tháp được điều khiển qua trang web để tự động di chuyển và chia thức ăn. Trang web được lập trình qua note JS sử dụng ngôn ngữ HTML và được thiết kế với giao diện đơn giản, dễ sử dụng. Chỉ vài thao tác đơn giản trên phần mềm người dùng có thể cho cá ăn và đặt giờ tự động.

Sản phẩm đã được đưa đến cho người nông dân thử nghiệm và nhận được phản hồi tốt.

Cho rằng ý tưởng không hoàn toàn mới nhưng 2 học sinh mong muốn dự án sẽ giải quyết được những vấn đề khó khăn của người dân nuôi trồng thủy sản đang mắc phải, đem lại hiệu quả cao nhờ sử dụng các thiết bị khoa học công nghệ. Đồng thời, có thể giải quyết được những hạn chế của các dòng máy đã có trên thị trường.

nlntv-c25f99643f0297085ec2771590e480b4-1654042127.jpg
 

Để cho ra sản phẩm, Đức và Trang đã mất tới 11 tháng. Các em cho rằng gặp khó khăn lớn vì dự án có những kiến thức vượt qua giới hạn hiểu biết và việc xin chi phí đầu tư. Thời điểm chuẩn bị cũng là khoảng thời gian dịch bệnh Covid - 19 diễn ra phức tạp, đôi bạn không thể đi thực nghiệm nhiều hơn để đánh giá thiết bị trong những điều kiện khác nhau.

“Thầy cô đã hướng dẫn chúng em xây dựng kế hoạch, xây dựng quy trình nghiên cứu, cung cấp cho chúng em các tài liệu cần thiết, định hướng tìm câu trả lời khi thực hiện chúng em vướng mắc. Thầy cô cũng liên hệ giúp các cơ sở chăn nuôi tạo điều kiện để chúng em được thực nghiệm sản phẩm” - đôi bạn chia sẻ.

nlntv-9c74096e40ee0c55b9b2a5aee1d4eaff-1654042204.jpg
 

Cách trung tâm thủ đô Hà Nội 42 km về phía Tây, Trường Hữu Nghị 80 được thành lập từ năm 1980.

Đây là trường chuyên biệt, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo với 2 nhóm nhiệm vụ chính là: thực hiện chính sách đối ngoại và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước

Cụ thể là, đào tạo Tiếng việt dự bị cho lưu học sinh Lào, lưu học sinh Campuchia sang học tập và nghiên cứu tại Việt Nam và hoạt động như một trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) cấp THPT cho học sinh dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc và hải đảo.

Vài năm trở lại đây, nhà trường đã mở rộng cho các giáo viên một số tỉnh của Lào sang học tập, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy.