Mới đây, Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên đã tổ chức Hội thảo nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến 2030. Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng hoạt động GDNN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2023 làm căn cứ xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ giải pháp thực hiện công tác GDNN giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến 2030. Tạo diễn đàn trao đổi giữa các cơ sở GDNN cùng trao đổi, đánh giá thực trạng GDNN giai đoạn hiện nay, những tồn tại hạn chế, đề ra giải pháp hiệu quả thúc đẩy hoạt động của các cơ sở GDNN phát triển theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động…
Tại Hội thảo, các đại biểu đều đánh giá cao những thành tựu trong công tác GDNN mà Thái Nguyên đã đạt được. Đáng chú ý, theo đánh giá, hiện các cơ sở GDNN tại Thái Nguyên đã và đang phát triển theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Thực thế cho thấy, hơn 80% số HS-SV tại Thái Nguyên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Nhiều vị trí việc làm khó trong doanh nghiệp được người học đáp ứng yêu cầu mà không phải đào tạo lại. Điều này khẳng định chất lượng đào tạo nghề tại các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động.
Những năm gần đây, Thái Nguyên đã dành sự quan tâm đúng mực cho công tác GDNN. Minh chứng là việc tỉnh chỉ đạo sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở GDNN. Nếu như trước năm 2012, trên địa bàn tỉnh có 53 cơ sở dạy nghề (sau đổi thành cơ sở GDNN), gồm 4 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp, 23 trung tâm dạy nghề và 17 cơ sở đào tạo có đăng ký hoạt động dạy nghề - Thì đến nay, Thái Nguyên đã có 37 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó, có 12 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập và 4 cơ sở khác có tham gia giáo dục nghề nghiệp. Tính đến tháng 11/2023, tuyển sinh trên địa bàn tỉnh đạt 36.998 người, đạt 92,5% so với kế hoạch cả năm (36.998/40.000), trong đó: trình độ cao đẳng 3.054 người, trình độ trung cấp 9.539 người, trình độ sơ cấp 10.771 người và đào tạo thường xuyên 13.580 người. Tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp hàng năm đều đạt trên 80%, một số nghề trình độ cao đẳng tỷ lệ này đạt trên 90%...
Đặc biệt, từ tháng 10/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch phát triển GDNN giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu Kế hoạch đề ra đến năm 2025 là bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ Quốc gia và các nước ASEAN 4; hướng đến việc nâng tỷ lệ lao động của tỉnh qua đào tạo đạt 75%, trong đó 32% số lao động có bằng cấp, chứng chỉ.
Cũng theo Kế hoạch, đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh ít nhất 30% số cơ sở GDNN, có 50% số chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; 100% giáo viên dạy nghề đạt chuẩn. 80% tổng số ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ Quốc gia.
Đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tháng 9/2022 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá giáo dục phổ thông tại tỉnh Thái Nguyên có chất lượng tốt đạt 72%, cao hơn trung bình cả nước; tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá giáo dục dạy nghề tại tỉnh có chất lượng tốt đạt 64%, tăng 15% so với năm 2020, thuộc nhóm cao trong cả nước; 94% lao động tại tỉnh đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên – bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương cho biết: Chỉ số “Đào tạo lao động” là chỉ số có lợi thế lớn của tỉnh. Thái Nguyên đang phấn đấu đưa “Chỉ số đào tạo lao động” của tỉnh nằm trong nhóm 10 tỉnh/thành phố có chỉ số “Đào tạo lao động” cao nhất. Đến năm 2025, nằm trong nhóm 05 tỉnh/thành phố có chỉ số “Đào tạo lao động” cao nhất.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương cũng cho biết: Để đạt được các mục tiêu đề ra, thời gian qua, Sở LĐTB-XH đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn cho các cơ sở GDNN thực hiện nghiêm những quy định về tiêu chuẩn đội ngũ nhà giáo. Trong đó tập trung rà soát các tiêu chí; tổ chức lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng dạy học; bồi dưỡng phát triển chương trình đào tạo; bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và tư vấn đào tạo nghề, tư vấn việc làm; bồi dưỡng quản lý và tư vấn đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Đồng thời, ban hành kịp thời văn bản hướng dẫn cho các cơ sở GDNN xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình dạy nghề; công tác xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, giáo trình trong đào tạo; quy định khối lượng kiến thức, kỹ năng tối thiểu và yêu cầu năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp. Qua kiểm tra, 100% các cơ sở GDNN thực hiện đảm bảo đạt yêu cầu.
Theo chỉ đạo, hướng dẫn của ngành, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tích cực tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung chương trình, giáo trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Chất lượng GDNN được nâng cao, ngoài ý nghĩa bảo đảm đủ nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động, còn làm thay đổi năng lực tư duy sản xuất cho đội ngũ lao động trẻ, từng bước tạo nên một thế hệ lao động sáng tạo, có kiến thức, kỹ năng nghề, có tác phong công nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, phù hợp với thời đại số hóa...