Thái Nguyên: Hiệu quả từ công tác đào tạo nghề giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

Huyền Văn
Những năm trở lại đây, Kinh tế - Xã hội tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, sôi động, đa dạng. Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng doanh nghiệp khiến nhu cầu sử dụng lao động ngày một bức thiết. Xác định rõ thực trạng, nhu cầu phát triển tại địa phương, Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên đã chủ động nhiều giải pháp, hành động, nhằm xây dựng nguồn nhân lực tốt nhất, góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển KT-XH, hội nhập sâu rộng của địa phương.

Từ thực tiễn cho thấy, Thái Nguyên đã và đang đi đúng, làm tốt công tác phát triển nguồn nhân lực, kiến tạo sinh kế bền vững cho người lao động!

*Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Tỉnh Thái Nguyên hiện có 37 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó, có 12 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập và 4 cơ sở khác có tham gia giáo dục nghề nghiệp. Tính đến tháng 11/2023, tuyển sinh trên địa bàn tỉnh đạt 36.998 người, đạt 92,5% so với kế hoạch cả năm (36.998/40.000), trong đó: trình độ cao đẳng 3.054 người, trình độ trung cấp 9.539 người, trình độ sơ cấp 10.771 người và đào tạo thường xuyên 13.580 người. Tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp hàng năm đều đạt trên 80%, một số nghề trình độ cao đẳng tỷ lệ này đạt trên 90%...

Những năm gần đây, Thái Nguyên đã dành nhiều sự quan tâm đến chất lượng công tác GDNN. Minh chứng là việc tỉnh chỉ đạo sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở GDNN; kiên quyết tạm dừng, đình chỉ các cơ sở hoạt động kém hiệu quả. Từ năm 2012 đến nay, Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên đã trực tiếp ra thông báo tạm dừng hoạt động GDNN, hoặc ban hành quyết định đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở GDNN kém chất lượng, được dư luận đồng tình ủng hộ.

Đặc biệt, từ tháng 10/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch phát triển GDNN giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu Kế hoạch đề ra đến năm 2025 là bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ Quốc gia và các nước ASEAN 4; hướng đến việc nâng tỷ lệ lao động của tỉnh qua đào tạo đạt 75%, trong đó 32% số lao động có bằng cấp, chứng chỉ.

Cũng theo Kế hoạch, đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh ít nhất 30% số cơ sở GDNN, có 50% số chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; 100% giáo viên dạy nghề đạt chuẩn. 80% tổng số ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ Quốc gia.

nlntv-2anh-mot-1701735390.jpg
Bấm nút khai mạc tuần cao điểm kết nối cung cầu lao động tỉnh Thái Nguyên năm 2023

Thực hiện Kế hoạch, Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn cho các cơ sở GDNN thực hiện nghiêm những quy định về tiêu chuẩn đội ngũ nhà giáo. Trong đó tập trung rà soát các tiêu chí; tổ chức lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng dạy học; bồi dưỡng phát triển chương trình đào tạo; bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và tư vấn đào tạo nghề, tư vấn việc làm; bồi dưỡng quản lý và tư vấn đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Đồng thời, ban hành kịp thời văn bản hướng dẫn cho các cơ sở GDNN xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình dạy nghề; công tác xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, giáo trình trong đào tạo; quy định khối lượng kiến thức, kỹ năng tối thiểu và yêu cầu năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp. Qua kiểm tra, 100% các cơ sở GDNN thực hiện đảm bảo đạt yêu cầu.

Theo chỉ đạo, hướng dẫn của ngành, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tích cực tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung chương trình, giáo trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Chất lượng GDNN được nâng cao, ngoài ý nghĩa bảo đảm đủ nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động, còn làm thay đổi năng lực tư duy sản xuất cho đội ngũ lao động trẻ, từng bước tạo nên một thế hệ lao động sáng tạo, có kiến thức, kỹ năng nghề, có tác phong công nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, phù hợp với thời đại số hóa...

nlntv-1anh-hai-1701735386.jpg
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và Bộ LĐTBXH trao đổi với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động

Đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tháng 9/2022 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá giáo dục phổ thông tại tỉnh Thái Nguyên có chất lượng tốt đạt 72%, cao hơn trung bình cả nước; tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá giáo dục dạy nghề tại tỉnh có chất lượng tốt đạt 64%, tăng 15% so với năm 2020, thuộc nhóm cao trong cả nước; 94% lao động tại tỉnh đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên – bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương cho biết: Chỉ số “Đào tạo lao động” là chỉ số có lợi thế lớn của tỉnh. Thái Nguyên đang phấn đấu đưa “Chỉ số đào tạo lao động” của tỉnh nằm trong nhóm 10 tỉnh/thành phố có chỉ số “Đào tạo lao động” cao nhất. Đến năm 2025, nằm trong nhóm 05 tỉnh/thành phố có chỉ số “Đào tạo lao động” cao nhất.

*Số hóa thị trường lao động

Song hành cùng công tác đào tạo lao động, ngành LĐ-TB&XH Thái Nguyên cũng đã dành sự quan tâm đúng mực cho công tác chuyển đổi số với mục tiêu số hóa thị trường lao động, giúp xây dựng cơ sở dữ liệu “Việc tìm người - Người tìm việc” một cách hiệu quả.

Mục tiêu của việc số hóa thị trường lao động là xây dựng cơ sở dữ liệu “Việc tìm người - Người tìm việc” và quản lý lao động gắn với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Đồng thời, xây dựng, phát triển ứng dụng điện tử đăng ký “Việc tìm người - Người tìm việc”; đăng ký việc làm; thu thập, chuẩn hóa, nhập dữ liệu; lưu trữ, bảo mật, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quản lý lao động; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, tổ chức bộ máy nhân sự, vận hành, quản lý, cập nhật, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quản lý lao động. Đối tượng được quan tâm trong hoạt động này là NLĐ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số.

Để cụ thể hóa mục tiêu này, thời gian qua Trung tâm Dịch vụ việc làm (thuộc Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên) đã tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động khảo sát, nắm bắt nhu cầu của nhà tuyển dụng và nhu cầu việc làm của NLĐ. Theo đó, Trung tâm thực hiện thu thập, tổng hợp thông tin về nhu cầu tuyển dụng của gần 1.200 doanh nghiệp/năm, với nhu cầu cần tuyển dụng trên 30.000 chỉ tiêu, tại hơn 35 vị trí việc làm.

Cùng với khảo sát nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, Trung tâm phối hợp với các huyện, thành phố thực hiện rà sát, nắm bắt nhu cầu tìm kiếm việc làm thường xuyên của hơn 10.000 NLĐ/năm. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm trực tiếp thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng của 350 doanh nghiệp, với nhu cầu tuyển dụng tại hơn 20 vị trí việc làm và hơn 20.000 chỉ tiêu.

Trung tâm cũng tổ chức thu thập, tổng hợp thông tin về nguồn nhân lực sẵn sàng tham gia thị trường lao động tại 9 huyện, thành phố. Kết quả, hiện nay hơn 4.000 NLĐ trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tìm kiếm việc làm, hoặc chuyển đổi nghề mới.

Trên cơ sở dữ liệu “Việc tìm người - Người tìm việc”, Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng chủ động phối hợp với các cấp, ngành chức năng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền đến nhà tuyển dụng và NLĐ về chính sách, pháp luật về việc làm, nghề học, lao động... Các hình thức chuyển tải thông tin tương đối đa dạng, như: thông qua hệ thống đài truyền thanh huyện, thành phố; loa truyền thông ở các phường, xã, xóm; đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở LĐ-TB&XH; Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố có liên kết cung - cầu lao động với Thái Nguyên. Nhờ đó, nguồn tài nguyên cung ứng cho thị trường lao động được phổ biến rộng rãi.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên – bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương đánh giá, việc xây dựng, số hóa cơ sở dữ liệu thị trường lao động giúp các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị quản lý hiệu quả thị trường lao động; nắm bắt được tình hình cung - cầu lao động, những biến động để phân tích, dự báo sát... Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp có thể nắm bắt được thông tin để có kế hoạch xây dựng kỹ năng quản lý, quy mô vị trí việc làm, củng cố, nâng cao chất lượng lao động. NLĐ cũng nắm bắt được thông tin về thị trường lao động và dễ dàng tìm kiếm việc làm phù hợp.

*Cầu nối giữa người lao động với doanh nghiệp

Thái Nguyên đang trên đà phát triển, đến nay đã thu hút 10,5 tỷ USD vốn FDI. Thời gian tới, Thái Nguyên sẽ triển khai thêm 06 khu công nghiệp, hàng chục cụm công nghiệp với nhu cầu lao động rất lớn. Chỉ tính riêng năm 2022, trên địa bàn tỉnh cần hơn 29 nghìn lao động. Nhiều dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có quy mô lớn cả về số lao động, diện tích đất sử dụng, vốn đăng ký, trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đầu tư chế biến-chế tạo, khu du lịch sinh thái, hạ tầng khu công nghiệp, đường giao thông, khu đô thị, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp tại địa phương ngày càng tăng...

nlntv-3anh-ba-1701735397.jpg
Phiên giao dịch việc làm do huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên tổ chức thu hút nhiều lao động

Xác định rõ trách nhiệm chính trị của ngành LĐ-TB&XH, không để doanh nghiệp thiếu nhân lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh, người lao động thiếu việc làm và đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội, Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp nhằm kết nối cung - cầu lao động. Tiêu biểu trong đó có thể kể đến “Tuần cao điểm kết nối cung - cầu lao động năm 2023” diễn ra vào trung tuần tháng 4/2023. Sự kiện được tổ chức với quy mô 23 điểm giao dịch thuộc 9/9 huyện, thành phố của tỉnh Thái Nguyên và 10 tỉnh, thành phố trên cả nước.

“Tuần cao điểm kết nối cung-cầu lao động năm 2023” đã kết nối trực tiếp, trực tuyến người lao động, thanh niên, học sinh, sinh viên với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên; với các hoạt động tư vấn định hướng nghề nghiệp, giáo dục nghề nghiệp, khởi nghiệp và việc làm; quảng bá, tư vấn, kết nối cung - cầu lao động giữa các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người lao động.

nlntv-4anh-bon-1701735403.jpg
Công nhân trong giờ làm việc tại Khu công nghiệp Điềm Thụy, Huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên - bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương cho biết, trong năm 2022, toàn tỉnh đã tiến hành thu thập, cập nhật dữ liệu lao động của 178 xã, phường, thị trấn với trên 600.000 lượt dữ liệu về người lao động; trên 5.000 lượt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, đã tổ chức trên 100 phiên giao dịch việc làm, hội nghị giới thiệu việc làm, thu hút hơn 33.000 lượt người tham gia, kết nối, giới thiệu việc làm thành công, cung ứng hàng chục nghìn lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục nghề nghiệp, hợp tác phát triển nguồn nhân lực cũng được tỉnh quan tâm, chú trọng đầu tư. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35,9%, cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Kết quả thống kê cũng cho thấy, chỉ số đào tạo lao động trong bảng xếp hạng PCI năm 2021 tỉnh Thái Nguyên đứng thứ 5 toàn quốc. Thái Nguyên cũng là tỉnh có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá giáo dục phổ thông có chất lượng tốt, đạt 72%; 94% người lao động tại tỉnh đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động…

“Công tác giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm được thực hiện đồng bộ, cùng nhiều giải pháp sát với thực tế, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp và người sử dụng lao động” - bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương khẳng định.

Bùi Cường – Đức Long