Nhận thức đúng đắn, sâu sắc về vai trò đặc biệt quan trọng của nguồn lực lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao trong phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã có những bước đi cụ thể, hiệu quả để tạo dựng thị trường lao động bền vững, không những cụ thể hóa được lợi thế cạnh tranh từ nguồn lực lao động, mà còn trở thành “bàn đạp” vững chắc giúp Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ không ngừng…
Tỉnh Thái Nguyên thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc, nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội, có diện tích tự nhiên trên 3.500km2, dân số khoảng trên 1,3 triệu người. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành trung ương, tận dụng tối đa vị trí thuận lợi về giao thông, tài nguyên phong phú, nhân lực dồi dào… Thái Nguyên đã từng bước vươn tầm, trở thành địa phương phát triển năng động, có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, Thái Nguyên nằm trong TOP 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI năm 2022. PCI được hợp thành bởi 10 chỉ số thành phần, trong đó có chỉ số “Đào tạo lao động”, đã phần nào phản ánh rõ quyết tâm của địa phương trong phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc hội nhập mạnh mẽ, đáp ứng tốt các yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đồng hành cùng người lao động và người sử dụng lao động
Sở LĐ - TB&XH tỉnh Thái Nguyên cho biết: Nguồn nhân lực của tỉnh đang ngày càng tăng cùng với sự gia tăng của dân số. Theo số liệu sơ bộ của Cục Thống kê Thái Nguyên, tính đến năm 2022, quy mô dân số toàn tỉnh đạt 1.335.987 người (tăng 2, 14% so với năm 2020, tốc độ tăng bình quân đạt 1,15%), trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 611.894 người, chiếm gần 46% so với quy mô dân số toàn tỉnh. Năm 2022, thời điểm dịch Covid-19 đã được khống chế, nền kinh tế có sự phục hồi trở lại, trong số lực lượng lao động năm 2022, có 602.562 người đang làm việc, chiếm tỷ lệ 98,5% trên tổng lực lượng lao động và 45,1% trên tổng dân số.
Với vị thế là trung tâm đào tạo đứng thứ 3 toàn quốc với 9 trường đại học; 34 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trong đó có 11 trường cao đẳng và 08 trung cấp), chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Thái Nguyên không ngừng được nâng cao. Theo số liệu báo cáo năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72% (tăng 1% so với năm 2021), trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 35,9% (tăng 0,5% so với năm 2021 và cao hơn 9,8% so với tỷ lệ chung của toàn quốc năm 2021 là 26,1%).
Có thể thấy, nguồn lực lao động tại Thái Nguyên là vô cùng to lớn, chất lượng cao và không ngừng mở rộng. Đây vừa là lợi thế quan trọng trong phát triển kinh tế, nhưng cũng tạo ra sức ép xã hội không nhỏ nếu “bài toán” việc làm không được giải quyết tốt.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, UBND tỉnh Thái Nguyên cùng các sở ngành liên quan, bằng việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, giải pháp, đã giúp thị trường lao động toàn tỉnh ổn định, phát triển theo hướng tích cực.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đã giải quyết việc làm cho trên 7.500 lao động, trong đó: đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 1.198 lao động (tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022); số lao động được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn vốn huy động khác là 2.206 lao động; số lao động có việc làm thông qua tư vấn, giới thiệu việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm và các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm là trên 3.000 lao động; số có việc làm thông qua các hình thức khác là trên 1.000 lao động…
Giám đốc Sở LĐ - TB&XH tỉnh Thái Nguyên – bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương cho biết: Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm 2023, các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc chủ động, tích cực tham mưu các giải pháp thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, giới thiệu, kết nối việc làm, định hướng nghề nghiệp, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp cho người lao động trên địa bàn.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở LĐ - TB&XH thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, các Trường THPT triển khai các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động nói chung, học sinh, sinh viên và thanh niên nói riêng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm trực tuyến thông qua các ứng dụng gọi điện, họp trực tuyến, mở ra các cuộc trao đổi, phỏng vấn trực tuyến cho học sinh, sinh viên, người lao động với doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp…Trong 6 tháng đầu năm 2023, tại tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức: 01 Ngày hội việc làm cấp tỉnh; 10 Ngày hội việc làm cấp huyện, Ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp; 11 Phiên giao dịch việc làm cấp xã, 05 Phiên giao dịch việc làm trực tuyến; 15 Hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm; 02 lớp Bồi dưỡng kiến thức pháp luật về lao động, việc làm và nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng làm việc cho sinh viên trước khi tham gia thị trường lao động…
Đồng hành cùng doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động, Sở LĐ - TB&XH tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tiến hành thu thập, tổng hợp thông tin nhu cầu tuyển dụng của trên 1.750 lượt doanh nghiệp, với nhu cầu tuyển dụng khoảng trên 55 vị trí việc làm, gần 70.000 chỉ tiêu tuyển dụng. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thu thập việc làm trống, từng bước xây dựng dữ liệu cung – cầu, cập nhật liên tục lên website, trang fanpage chính thức và niêm yết tại Bảng tin của Trung tâm Dịch vụ việc làm.
Đặc biệt, trong năm 2022, 2023, Sở LĐ - TB&XH tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức thành công “Tuần cao điểm kết nối Cung – Cầu lao động” thu hút trên 300 lượt doanh nghiệp, cơ sở GDNN tham gia với trên 60.000 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh; đã có 9.800 lượt người lao động được tư vấn chính sách lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn định hướng nghề nghiệp; 2.181 người đạt phỏng vấn sơ loại và kết nối việc làm thành công…
Có thể thấy, từ nhiều hình thức, hoạt động linh hoạt, thực tế, Sở LĐ - TB&XH tỉnh Thái Nguyên đã xử lý hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp, trong vấn đề đào tạo, cung ứng lao động có tay nghề. Điều đó không những giải quyết việc làm ổn định cho người lao động, mà còn giúp doanh nghiệp trên địa bản tỉnh yên tâm sản xuất, kinh doanh nhờ nguồn lao động dồi dào, được đào tạo bài bản, có tay nghề cao. Đây được xem là một thành công, cũng là điểm tựa quan trọng đối với một địa phương đang trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập mạnh mẽ như Thái Nguyên.
Đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương - Giám đốc Sở LĐ - TB&XH tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Nguồn lực lao động là một trong những yếu tố quan trọng để kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Tuy nghiên, nguồn nhân lực của tỉnh chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp, trong đó có việc tuyển dụng cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, giám sát, các ngành, nghề yêu cầu lao động có trình độ cao…Dự báo, với tốc độ phát triển như hiện nay, nhu cầu việc làm cũng như sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẽ còn rất lớn, đặc biệt là lao động chất lượng cao.
Từ yêu cầu thực tiến đó, thời gian tới, ngành LĐ - TB&XH tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, các Chương trình mục tiêu Quốc gia, dự án đã ban hành nhằm tạo nhiều việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là tạo việc làm cho thanh niên, lao động nông thôn, lao động đặc thù, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, người khuyết tật,…góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị.
Tăng cường công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trong tỉnh gắn với tạo việc làm; Ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông thủy sản, hàng xuất khẩu, các ngành nghề truyền thống thu hút người lao động; Tập trung ưu tiên nguồn vốn cho vay đối với các dự án cơ sở sản xuất, kinh doanh thu hút nhiều lao động…
Cùng với đó, Thái Nguyên sẽ đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị đào tạo nghề. Phát triển đồng bộ hạ tầng số bao gồm hạ tầng dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật chung của tỉnh về giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để khai thác và sử dụng.
Tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt tiêu chuẩn cơ sở thực hành, thực nghiệm, thí nghiệm; đầu tư thiết bị đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp, định hướng phân tầng chất lượng và đặc thù các ngành, nghề đào tạo; Tăng cường nghiên cứu khoa học giáo dục nghề nghiệp theo hướng ứng dụng và chuyển giao công nghệ với sự tham gia của người học, nhà giáo, chuyên gia, nghệ nhân, người sử dụng lao động. Gắn hoạt động đào tạo với chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh hướng nghiệp trước, trong và sau đào tạo nghề nghiệp; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho người học và các hoạt động hỗ trợ người học khởi nghiệp, tự tạo việc làm; xây dựng không gian khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp giáo dục nghề nghiệp.
Tổ chức đào tạo, cung ứng kịp thời nhân lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, sẽ tập trung nghiên cứu, rà soát, đánh giá năng lực hệ thống các cơ sở đào tạo, tổ chức đánh giá kỹ năng nghề; tăng cường kết nối, trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các cơ sở đào tạo để kịp thời triển khai các giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng, quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lực lượng lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, đảm bảo cân bằng cung cầu của thị trường lao động nói chung…
“Từ thực tế về chất lượng nguồn lao động và nhu cầu tuyển dụng của các các doanh nghiệp, ngành LĐ - TB&XH tỉnh Thái Nguyên xác định một trong những giải pháp trọng tâm trong lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm thời gian tới là song song giải quyết mục tiêu ‘số lượng việc làm’ và ‘chất lượng việc làm’. Đồng thời, điều chỉnh cơ cấu kinh tế hợp lý để khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng việc làm, tăng năng suất lao động, hiệu quả nền kinh tế. Khi đó, người sử dụng lao động và người lao động đều được thụ hưởng thành quả, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững”, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương nhấn mạnh.